Báo cáo thường niên về buôn bán người năm 2022” do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành hôm 19/7 đã liệt kê Trung Quốc là nước nghiêm trọng thuộc nhóm thứ 3 về nạn buôn người. Báo cáo cũng đặc biệt đề cập đến vụ ‘người phụ nữ bị xích cổ ở Từ Châu‘ gây sốc cộng đồng quốc tế.

p3185721a104149676
Ngày 19/7/2022 Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo thường niên năm 2022 về buôn bán người. (Nguồn: Ngoại giao Mỹ)

Theo các nguồn tin Đài VOA và Đài RFA, trong năm thứ 6 liên tiếp Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách nước loại 3 về nạn buôn người. Trong nhóm loại này có 21 nước khác như Iran, Triều Tiên và Cuba. Báo cáo cho biết Chính phủ Trung Quốc đã không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người cũng như không nhận thấy những nỗ lực đáng kể của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm chống lại nạn buôn người.

Vụ án người phụ nữ bị xích gây chấn động

8b01ad1d aa92 4ca1 b2bc 89c6d1ebb3b8
Bà mẹ 8 con, bị xích và nhốt trong một căn nhà, than khóc rằng: “Cái thế giới này không cần tôi nữa”. (Ảnh cắt từ video)

Báo cáo nhắc lại vụ án người phụ nữ bị xích” ở Từ Châu đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc làm dấy lên làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy của công luận. Cuối cùng, lần đầu tiên kể từ năm 2017 cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án buôn bán người “không liên quan yếu tố xuyên quốc gia”, 2 nghi phạm bị buộc tội trong vụ án này vẫn đang bị xét xử vào thời điểm báo cáo được viết.

Mỹ cũng lưu ý rằng Bộ Công an Trung Quốc đang dẫn đầu một chiến dịch mới trên toàn quốc nhằm giải quyết các vụ bắt cóc và buôn người tích lũy nhiều năm, các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang tiến hành phối hợp chính sách giữa các cơ quan để xem xét tăng hình phạt đối với tội phạm buôn người.

Người sáng lập tổ chức “Quyền phụ nữ Trung Quốc” là Zhang Jing nói với Đài RFA rằng hiện nay không biết “người phụ nữ bị xích” đang ở đâu và danh tính thực sự của cô ấy là ai? Vấn đề đã được xử lý thỏa đáng chưa? Những công chức Trung Quốc nào phải chịu trách nhiệm?…

Zhang Jing nói rằng Chính phủ Trung Quốc có khả năng và nguồn lực để giải quyết vấn nạn buôn người, nhưng họ thờ ơ: “Khi đến Tháng chống buôn bán người, hay còn gọi là Chiến dịch Sấm rền, cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc lại bắt một số kẻ buôn người và kết án, trong khi nhìn chung nạn nhân nhiều nơi không được quan tâm, tình trạng tái diễn người bị bắt cóc mang bán luôn xảy ra”.

Lao động cưỡng bức là ‘chi phí ẩn’ của “​​Vành đai và Con đường”

Báo cáo cũng cho biết, lao động cưỡng bức là “chi phí ẩn” trong các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Không ít công dân Trung Quốc cũng như công dân của các nước nơi có dự án đã gặp phải tình trạng tuyển dụng gian dối khiến họ rơi vào cảnh nợ nần, bị giữ lại lương, ký hợp đồng bất hợp pháp và bị giữ lại giấy tờ tùy thân và thông hành.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken trích dẫn ví dụ của công nhân Trung Quốc Zhang Qiang tại một cuộc họp báo: Vào năm ngoái, Zhang Qiang đã đến làm việc trong dự án “Vành đai và Con đường” của Indonesia, nhưng hộ chiếu của anh ta đã bị lấy mất sau khi anh ta đến và anh ta phải ký hợp đồng với mức lương thấp hơn mức đã hứa ban đầu trong khi giờ làm việc dài hơn. Sau khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Indonesia không thành công, anh ta đã nhập lậu sang Malaysia, nhưng bị chính quyền Malaysia bắt giữ, những tin mới nhất cho rằng anh ta sẽ bị trục xuất trở lại Trung Quốc.

Báo cáo này cáo buộc 11 nước như Nga, Afghanistan, Myanmar, Cuba, Iran và Triều Tiên… nằm trong danh sách “nước có chính quyền bảo trợ nạn buôn người”. Ngoại trưởng Mỹ Blinken lưu ý rằng “có 11 Chính phủ đã nhắm vào chính người dân của họ để buôn người, trả đũa những người bày tỏ quan điểm chính trị hoặc sử dụng lao động cưỡng bức trong các dự án vì lợi ích quốc gia”. Những hành vi đó bao gồm việc sử dụng lao động trẻ em trong các ngành công nghiệp quan trọng, đưa người dân tộc ít người vào các trại lao động nhân danh “chống cực đoan”, đưa lao động đi khắp thế giới, tịch thu hộ chiếu, cưỡng bức làm việc trong môi trường độc hại và giám sát liên tục.

Người sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức bảo vệ quyền của người lao động tại Trung Quốc là China Labour Watch, ông Li Qiang nói rằng hầu hết lao động nhập cư của Trung Quốc ở nước ngoài đều có vấn đề liên quan kiểu buôn người và lao động cưỡng bức. Kể từ năm 2010 đến nay, có hàng chục triệu nông dân Trung Quốc đã ra nước ngoài làm việc, trong 5 tháng đầu năm nay vẫn còn 300.000 nông dân di cư lao động bị đọng lại ở nước ngoài. Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc không có luật nào trừng phạt các công ty này vì tội cưỡng bức lao động và buôn người”.

Lao động cưỡng bức ở Tân Cương

Báo cáo cũng đề cập đến vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Báo cáo cho biết Chính phủ Trung Quốc thực hiện một loạt các chính sách hoặc mô hình lao động cưỡng bức, bao gồm cả việc tiếp tục giam giữ tùy tiện hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và các thành viên của các dân tộc thiểu số khác dưới chiêu bài “đào tạo nghề” và “chống cực đoan hóa”. Nhiều nguồn tin cho biết, Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa người Tây Tạng vào đào tạo nghề và tham gia các công việc sản xuất như một phần của “chương trình giảm nghèo”“chương trình điều động lao động”.

Người sáng lập và chủ tịch của “Nữ quyền không biên giới” (Women’s Rights Without Frontiers) là Reggie Littlejohn trả lời phỏng vấn Đài RFA rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với mọi người như những con số hoặc những vật thể. Cộng đồng quốc tế cần có các biện pháp để gây áp lực buộc họ thay đổi tình trạng vi phạm nhân quyền.

Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Nạn buôn người đánh giá thái độ của 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm cả Mỹ đang thực hiện để ngăn chặn nạn buôn người, qua đó nhằm bảo vệ nạn nhân và truy tố những kẻ buôn người.

Ngoại trưởng Blinken cho biết hiện trên toàn thế giới có gần 25 triệu nạn nhân của nạn buôn người.  Ông chỉ ra năm qua, 21 quốc gia đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người và được nâng lên trong bảng nhóm hạng mục, trong khi đó có 18 nước bị tụt hạng bao gồm Việt Nam, Campuchia, Brunei, Macau và Bulgaria…