Vương Hỗ Ninh: “Giám sát đặc biệt” trong đại chiến chống dịch viêm phổi
- Trịnh Trung Nguyên
- •
Triều đại Đỏ vào những ngày mạt vận, gian thần nổi lên thao túng quyền hành, nhìn lại các vương triều suy bại trong lịch sử đều không tránh khỏi xảy ra hiện tượng tương tự.
Ông Vương Hỗ Ninh đóng vai trò “giám sát đặc biệt” trong cuộc đại chiến chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (Ảnh: Getty Images)
Bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng khắp đất nước Trung Quốc cũng như toàn thế giới, những áp lực quốc tế gia tăng cộng thêm tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc và vô số bất mãn của dân tình trong nước dồn nén lại đang thực sự là nguy cơ đối với quyền lực toàn trị của ĐCSTQ. Có lẽ vì vậy mà trong phát biểu lần đầu tiên vào ngày 20/1 lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình ngoài yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh còn nhấn mạnh đến cái gọi là “đẩy mạnh công tác định hướng dư luận và giữ đại cuộc ổn định xã hội”.
Nhiệm vụ của Trung Nam Hải vẫn là phối hợp giữa biện pháp mềm và cứng, biện pháp cứng “ổn định xã hội” nằm trong tay của ông Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ Quách Thanh Côn, nhiệm vụ mềm “định hướng dư luận” thuộc về “quốc sư” ba thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ Vương Hỗ Ninh. Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh mới được bổ nhiệm gần đây là ông Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong khi vị trí Phó ban bất ngờ do một ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách tuyên truyền đảm trách là ông Vương Hỗ Ninh. “Vương quốc sư” đã trở thành nhân vật giám sát đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Là nhân vật đứng đầu hệ thống tẩy não của ĐCSTQ, lần ra trận này của ông Vương Hỗ Ninh là dùng hệ thống tuyên truyền để kiểm soát dư luận nhằm hóa giải những nguy cơ đối với ĐCSTQ có thể xảy ra, thậm chí biến thảm họa của người dân thành “cơ hội tốt” để gia cố sự cai trị của cỗ máy toàn trị.
Trong bối cảnh quan trường Cộng sản Trung Quốc, cái gọi là định hướng dư luận có nghĩa là tăng cường kiểm soát dư luận, đàn áp những tiếng nói phơi bày sự thật mà quan chức muốn che giấu, phong tỏa tự do ngôn luận của công dân và tự do thông tin của truyền thông.
Việc thực hành kiểm soát ý thức hệ, kiểm soát ngôn luận và mạng internet đã trở thành thông lệ của ĐCSTQ. Thông thường, kiểm duyệt và xóa bài viết vẫn được xem là biện pháp mềm, còn khi thanh trừng bắt bớ giam cầm là biện pháp cứng.
Trong đại dịch bệnh này, cơ chế che giấu quen thuộc của ĐCSTQ đã phát huy vai trò trong toàn hệ thống, Chính phủ ĐCSTQ đã kiểm soát ngôn luận trên mạng xã hội, ngăn chặn việc truyền thông tin, sau khi cho đóng cửa chợ hải sản ở Vũ Hán liên quan đến dịch bệnh, thông tin về tình hình dịch bệnh đã không được cập nhật chu đáo và công bố rộng rãi. Chỉ khi bị áp lực quốc tế thì ông Tập Cận Bình mới đưa ra tuyên bố công khai, lúc này ĐCSTQ bắt đầu thay đổi cách tiếp cận và mới chủ động tích cực trong hoạt động thông tin. Nhưng trên thực tế vẫn đưa tin theo kiểu úp úp mở mở.
Cần lưu ý rằng ngay sau khi ĐCSTQ tuyên bố thành lập Ban Chỉ đạo công tác dịch bệnh, hoạt động bình ổn công luận do Vương Hỗ Ninh phụ trách dường như được tăng cường mạnh hơn và thường xuyên hơn.
Ví dụ, vào ngày 25/1, Trung tâm An ninh WeChat đã đưa ra một thông báo về cái gọi là “tin nhảm về dịch bệnh”, theo đó trích dẫn các điều khoản của “Luật Hình sự sửa đổi” của ĐCSTQ để đe dọa những ai “ngụy tạo tin giả dịch bệnh” sẽ phải ngồi tù.
Một số nhóm WeChat cũng đăng tải thông báo của bộ phận giám sát mạng internet có nội dung tương tự, tuyên bố rằng từ ngày 26/1 tất cả người đưa thông tin chưa được xác thực gây ra tác động xấu sẽ bị bắt giam xử tội.
Nhưng thực tế từ trước đó, ngay ngày 1/1 đã có 8 người bị cảnh sát Vũ Hán tuyên bố “xử lý pháp luật” vì “đưa tin thất thiệt” về viêm phổi Vũ Hán (sau đó đã xác nhận họ toàn là bác sĩ).
Ngoài ra, từ nhiều lá thư công khai của giới quan chức đã để lộ không ít chuyện bí mật, sau đó cũng nhanh chóng bị cơ quan chức năng gỡ bỏ. Ví dụ như dữ liệu dịch bệnh mà ĐCSTQ công bố luôn khác biệt lớn so với các ước tính của chuyên gia nước ngoài và tin đồn trong công chúng, khiến những nghi vấn về việc chính quyền ĐCSTQ che giấu tình hình dịch bệnh vẫn là xu thế phổ biến. Ngày 27/1 ông Dương Vân Ngạn (Yang Yunyan) phó tỉnh trưởng tỉnh Hồ Bắc tuyên bố công khai rằng đã chuẩn bị gần 100.000 giường cho dịch bệnh, nhưng thông tin này cũng đã nhanh chóng bị xóa bỏ.
Mới đây Tạp chí Caijing của Trung Quốc đã công bố bài báo có tựa đề “Người nằm ngoài số liệu thống kê: Họ thiệt mạng vì viêm phổi thông thường”, qua đó ám chỉ rằng những bệnh nhân chưa được chẩn đoán nhiễm coronavirus mới hoặc thực sự chết vì virus này cao hơn nhiều so với số liệu mà cơ quan chức năng công bố. Bài viết này sau đó cũng đã bị gỡ bỏ.
Nhưng trong công tác phòng chống dịch bệnh lần này, ngay cả phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng bị truyền thông ĐCSTQ sửa đổi.
Tại Bắc Kinh hôm 28/1, khi ông Tập Cận Bình gặp ông Tedros Adhanom là Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, đã cho biết Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm dịch bệnh này, “tôi đã trực tiếp chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống dịch bệnh này”. Nhưng khi Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin đã lược bỏ ý của ông Tập Cận Bình rằng bản thân ông Tập trực tiếp chỉ đạo và bố trí công việc.
Nếu hiểu rằng việc phong tỏa mạng Internet là động thái âm thầm của Ban Tuyên truyền Trung ương hoặc Văn phòng Thông tin Internet của ĐCSTQ, vậy thì có thể dám sửa đổi lời ông Tập Cận Bình chỉ có thể là lệnh của nhân vật cao nhất của bộ máy tuyên truyền là Vương Hỗ Ninh. Điều này cho thấy, ngay cả bản thân ông Tập Cận Bình với tư cách là người lãnh đạo ĐCSTQ cũng không thoát khỏi mạng lưới kiểm soát ý thức hệ do “Vương quốc sư” nham hiểm khống chế, một khi ông Tập có phát ngôn bị xem là gây bất lợi cho lợi ích của Đảng thì cũng phải bị ngăn chặn.
Còn nữa, bất kể thông tin công bố nhân vật lãnh đạo Ban Công tác dịch bệnh của ĐCSTQ là ông Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng thực tế theo thông lệ quan trường ĐCSTQ thì quyền lực thực sự thuộc về nhân vật phó ban duy nhất, những thành viên khác không có vai trò gì quan trọng. Bản thân ông Vương Hỗ Ninh là ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách tư tưởng và tuyên truyền, trong đại dịch lần này đóng vai trò là Phó trưởng ban duy nhất, rõ ràng cho thấy trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh lần này, cái gọi là tăng cường hướng dẫn dư luận là vô cùng quan trọng.
Thực tế, trong 7 Ủy viên Ban Thường vụ mới được hình thành từ Đại hội 19, cơ cấu quyền lực đã thay đổi đáng kể sau chưa đầy hai năm. Trong số 7 ủy viên Ban thường vụ hiện nay, quyền lực phát triển nhanh nhất nhưng bất thường nhất chính là Vương Hỗ Ninh, nhân vật được cho là do các cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cài vào. Vương Hỗ Ninh, chủ nhân của các học thuyết cho ba thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ bao gồm “Ba đại diện”, “Quan điểm về Phát triển khoa học” và “Trung Quốc mộng”, đã là “quốc sư” giám sát Tập Cận Bình, và có thể là nhân vật thao túng thực sự tại Trung Nam Hải.
Nhiệm vụ mà ông Vương Hỗ Ninh phụ trách chủ yếu về xây dựng Đảng, tư tưởng và tuyên truyền, nhưng dường như lại có quyền lực bao trùm tất cả. Trong các chức vụ của Vương Hỗ Ninh có chức đặc biệt có thực quyền là chức Bí thư Ban Bí thư Trung ương, đây là bộ phận thực tế hành động thường trực của ĐCSTQ, thành viên dưới quyền gồm đầy đủ các tư lệnh trung ương như Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia, Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên truyền, Trưởng ban Mặt trận thống nhất. Trong những năm gần đây ĐCSTQ đã phát động chiến dịch chỉnh đốn phong cách với khẩu hiệu “Chớ quên tâm sơ, khắc ghi sứ mệnh”, theo đó nhân vật lãnh đạo trung tâm chính là Vương Hỗ Ninh.
Từ đây cho thấy, dù về danh xưng thì ông Tập Cận Bình được xem là lãnh đạo cao nhất, nhưng đại quyền thực sự nằm trong tay ông Vương Hỗ Ninh, bản thân ông Thủ tướng Lý Khắc Cường phụ trách nhiệm vụ thực tế cũng nằm dưới sự giám sát của Vương Hỗ Ninh. Triều đại Đỏ vào những ngày mạt vận, gian thần nổi lên thao túng quyền hành, nhìn lại các vương triều suy bại trong lịch sử đều không tránh khỏi xảy ra hiện tượng tương tự.
Trịnh Trung Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa Vương Hỗ Ninh Kiểm duyệt thông tin Dòng sự kiện viêm phổi Vũ Hán