Vương Hỗ Ninh “hạ mật lệnh” đưa phóng viên vào Hồng Kông phối hợp với bên an ninh
- Minh Ngọc
- •
Diễn biến của phong trào biểu tình ở Hồng Kông vẫn không ngừng leo thang. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thậm chí còn đưa nhiều xe quân đội tiến vào Hồng Kông với danh nghĩa hoán chuyển quân đồn trú. Điều đáng nói là trong ngày hôm đó, tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến và nhiều phóng viên truyền thông của đảng cũng đã đến Hồng Kông. Một nguồn thạo tin tiết lộ, Vương Hỗ Ninh trước đó đã triển khai hội nghị, “hạ lệnh” cho các phóng viên phải “lấy lý do đưa tin, để làm tai mắt cho an ninh quốc gia”.
Gần đây có thông tin Vương Hỗ Ninh sau hội nghị Bắc Đới Hà đã hạ mật lệnh đưa phóng viên của truyền thông ĐCSTQ vào Hồng Kông để làm tai mắt, báo cáo và phối hợp với lực lượng an ninh (Ảnh: Getty Images)
Ngày 3/9, tờ Thời báo Tự do của Đài Loan ra bài báo trích dẫn thông tin nói rằng, Ủy viên Thường ủy Bộ chính trị Vương Hỗ Ninh đã “hạ lệnh” yêu cầu các phóng viên phải đến Hồng Kông, làm tai mắt cho lực lượng an ninh quốc gia, truy lùng những người chủ chốt trong cuộc biểu tình đưa vào “danh sách đen” của ĐCSTQ, đồng thời theo dõi toàn bộ các phương hướng và động thái của cuộc biểu tình.
Bài báo còn dẫn lại nguồn tin thân cận với Trung Nam Hải cho biết, ông Vương Hỗ Ninh (vốn là người phái Giang Trạch Dân và chuyên nghiên cứu về ý thức hệ của ĐCSTQ) sau khi trở về từ Bắc Đới Hà đã lập tức triển khai hội nghị khẩn cấp, trong đó nhấn mạnh tình hình ở Hồng Kông hết sức nghiêm trọng, và yêu cầu cơ quan truyền thông ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng đông cần phát huy tác dụng quan trọng.
Nguồn tin này cho biết, Hồng Kông hiện đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, tuy nhiên, lực lượng an ninh mặc thường phục, đặc vụ, người truyền tin đều dễ dàng trà trộn vào và gây tác dụng tiêu cực, sau đó các phóng viên hoàn toàn có thể đưa tin, công khai làm tai mắt cho lực lượng an ninh.
Nhiệm vụ của phóng viên truyền thông của ĐCSTQ chính là chĩa ống kính thiết bị quay phim, máy ảnh chuyên nghiệp, thậm chí máy ảnh của điện thoại di động vào người biểu tình, từ đó truyền tải hình ảnh này vào mạng lưới giám sát của ĐCSTQ, giúp nhận diện và đưa họ vào danh sách đen của ĐCSTQ. Ngoài ra, lực lượng an ninh quốc gia cũng sẽ “phối hợp chặt chẽ” và “hỗ trợ đắc lực” cho các kênh truyền thông.
Theo nguồn tin, Bộ Tuyên truyền, Bộ An ninh Quốc gia, Văn phòng Thông tin Quốc gia cùng Văn phòng liên lạc Hồng Kông và Ma cao đều tham gia hội nghị này.
Một nguồn thạo tin về Văn phòng liên lạc Hồng Kông và chính phủ đặc khu tiết lộ: “Lượng lớn các phóng viên truyền thông của ĐCSTQ đã đổ xô đến Hồng Kông. Không chỉ Văn phòng Liên lạc mà, phía chính phủ đặc khu cũng như phía cảnh sát cũng đã nhận được danh sách đăng ký từ trước.”
Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến cũng tiết lộ trên Weibo rằng ông vừa đến Hồng Kông ngày hôm đó. Ông tuyên bố sẽ tham gia giao lưu với các kênh truyền thông.
Tính đến nay, phong trào phản đối Luật dẫn độ đã diễn ra được gần 3 tháng. Suốt thời gian này, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đi từ chỗ im lặng đến đưa tin có chọn lọc, thậm chí là bóp méo sự thật về diễn biến tình hình, chuyển hướng dư luận sang kỳ thị người dân Hồng Kông, nói họ là côn đồ bạo lực, hạ thấp uy tín của họ.
Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc do ông Vương Hỗ Ninh kiểm soát vẫn không ngừng đưa tin vu khống người dân Hồng Kông, nhấn mạnh vào các từ khóa gây kích động như bạo lực, bạo loạn, bạo đồ, phần tử khủng bố, hán gian, các thế lực thù địch bên ngoài…
Mới đây nhất, chiều ngày 4/9, Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam đã chính thức tuyên bố rút Luật dẫn độ, nhưng không đáp ứng các yêu cầu khác của người biểu tình. Đáp lại tuyên bố của bà Carrie Lam, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) Tổng thư ký đảng Demosistō Hồng Kông, đã nói rằng bà Lâm biểu đạt thái độ “quá muộn”, và hy vọng bà Lâm có thể giải quyết cả 5 yêu cầu của người biểu tình, chứ không chỉ là rút lại dự luật dẫn độ.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Vương Hỗ Ninh biểu tình ở Hồng Kông Rút dự luật dẫn độ