WSJ: Công ty nước ngoài rút hàng chục tỷ USD doanh thu khỏi Trung Quốc
- Bình Minh
- •
Trong nhiều năm, khi nền kinh tế rộng lớn của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, các công ty nước ngoài vẫn lưu chuyển lợi nhuận họ kiếm được ở Trung Quốc, sử dụng số tiền này cho việc tuyển dụng và đầu tư mới. Giờ đây, họ đang rút lợi nhuận khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
Wall Street Journal đưa tin, dòng vốn chảy ra ngoài cho thấy lãi suất, căng thẳng với Mỹ và sự yếu kém về kinh tế đang làm suy yếu sức hấp dẫn đầu tư của Trung Quốc.
Theo báo cáo, phân tích dữ liệu của Trung Quốc cho thấy, tính đến cuối tháng 9, các công ty nước ngoài đã rút tổng lợi nhuận hơn 160 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong 6 quý liên tiếp. Dòng lợi nhuận chảy ra ngoài liên tục bất thường này cho thấy, sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với vốn nước ngoài đang suy yếu.
Lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ, dòng vốn khổng lồ chảy ra khỏi Trung Quốc đã đẩy tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này thành con số âm trong quý 3.
Theo dữ liệu cán cân thanh toán sơ bộ do Trung Quốc công bố vào tuần trước, từ tháng 7-9, nợ đầu tư trực tiếp – thước đo đầu tư trực tiếp nước ngoài, ở mức thâm hụt 11,8 tỷ USD.
Phân tích của Reuters tin rằng điều này có thể liên quan đến tác động của các nước phương Tây đối với việc “giảm thiểu rủi ro” của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng.
Dòng vốn chảy ra đã gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang phải vật lộn để giảm tốc độ trượt giá đồng nhân dân tệ. Các nhà đầu tư không hài lòng với chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc, cũng như có ít khoản đầu tư mới từ Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ đã mất giá 5,7% so với đồng USD trong năm nay, và chạm mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 9.
Trong khi nhiều nước phương Tây tăng lãi suất để cố gắng kiểm soát lạm phát, Trung Quốc lại duy trì lãi suất thấp để nỗ lực kích thích nền kinh tế. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã chạm mức cao nhất trong hơn 20 năm.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cảnh báo: “Mức chênh lệch lớn giữa lãi suất ở Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đè nặng lên nhân dân tệ và khiến dòng vốn không ngừng tháo chạy trong những tháng tới”.
Các nhà kinh tế và giám đốc điều hành doanh nghiệp tin rằng có nhiều yếu tố đã góp phần khiến lợi nhuận chảy ra ngoài, bao gồm khoảng cách ngày càng lớn giữa lãi suất của Trung Quốc với lãi suất của Hoa Kỳ và Châu Âu, khiến thu nhập của phương Tây trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất để chống lạm phát, thì Trung Quốc lại cắt giảm lãi suất khi các nhà hoạch định chính sách vật lộn với sự suy thoái kéo dài trên thị trường nhà đất.
Đồng thời, khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và căng thẳng địa chính trị leo thang, nhiều công ty nước ngoài đang tìm cách sử dụng tiền của họ tốt hơn. Mối quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã khiến các công ty đa quốc gia phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng và đầu tư của họ vào Trung Quốc.
Theo báo cáo, dữ liệu cho thấy, từ năm 2014 đến giữa năm ngoái, trừ 2 quý, khoản tái đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc đã vượt quá số tiền chuyển ra nước ngoài.
Ví dụ: vào năm 2021, khoản tái đầu tư ròng của công ty là 170 tỷ USD. Điều này đã thay đổi vào giữa năm 2022, khi Trung Quốc phong tỏa lẻ tẻ, và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng vọt. Kể từ đó, dòng vốn chảy ra vẫn tiếp tục diễn ra hàng quý.
Cuộc khảo sát gần đây về các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tại Trung Quốc cho thấy, các giám đốc điều hành cảnh giác với các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc, do nguy cơ xung đột với Đài Loan, và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thắt chặt các quy định đối với các công ty nước ngoài hoạt động trong biên giới nước này.
Theo dữ liệu của cơ quan lưu ký trái phiếu chính phủ China Central Depository & Clearing, các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ra 13,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,85 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ Trung Quốc trong tháng 9.
Tổng lượng trái phiếu Chính phủ Trung Quốc mà họ nắm giữ đã giảm xuống khoảng 2.070 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 283,67 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Nhìn chung đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc âm trong quý 3, với dòng vốn ra vượt quá dòng vốn vào 11,8 tỷ USD. Kể từ năm 1998, đây là lần đầu tiên dòng vốn ra hàng quý âm được ghi nhận trong dữ liệu cán cân thanh toán.
Từ khóa Dòng sự kiện kinh tế Trung quốc đầu tư nước ngoài