Đạo trị quốc của cổ nhân: 3 Thiên cơ trong sách Thượng Thư
- An Hòa
- •
Thượng Thư hay Kinh Thư là một bộ sách ghi lại lịch sử Trung Hoa thượng cổ từ thời Nghiêu Thuấn cho đến Thương Chu, có thể nói là sử liệu cổ xưa nhất. Trong Thượng Thư có đề cập đến rất nhiều sự việc thể hiện cảnh giới “Thiên nhân hợp nhất” của cổ nhân, hàm chứa rất nhiều đạo lý được coi là Thiên cơ. Tại vùng Á Đông, nơi Nho giáo trở thành chính đạo trị quốc, rất nhiều bậc quân vương hiền minh đều học hỏi Thượng Thư, mong sao cho vương triều được ổn định lâu dài. Dưới đây là ba Thiên cơ trong Thượng Thư, cũng là đạo lý trị quốc xuyên suốt cuốn sách này mà cổ nhân muốn gửi gắm.
1. Trời trừng phạt quân vương vô đạo
Trong thiên “Tây bá kham lê” đời nhà Ân có ghi lại rằng, sau khi Chu Văn Vương đánh bại được nước Lê, Tổ Y sợ, cấp báo với vua Trụ, nói rằng:
Thiên tử! Sợ rằng ý Trời muốn kết thúc vận mệnh của nhà Ân chúng ta rồi! Cả thần nhân và rùa thần đều không thể phát hiện ra điềm lành nào cả. Không phải Tiên Vương không trợ giúp kẻ hậu sinh chúng ta, mà là do Đại Vương dâm đãng ham chơi tự mình đoạn tuyệt với Trời. Do vậy, Thượng Thiên vứt bỏ chúng ta, không cho chúng ta cái ăn. Đại Vương không giữ gìn thiên tính, không tuân theo lễ nghi và luật pháp. Hiện giờ dân chúng không ai là không muốn Đại Vương bị diệt vong. Họ nói rằng: ‘Trời sao không trừ bỏ hắn đi?’ Mệnh trời không còn hướng về chúng ta nữa, bây giờ Đại Vương làm sao đây?.
Trong sách “Vi Tử” ghi lại lời bàn của đại thần Vi Tử thời bấy giờ:
Nhà Ân sợ rằng không thể trị vì thiên hạ được nữa. Tổ tiên Thành Thang của chúng ta trước kia đã chế định thường pháp, nhưng Trụ Vương chìm đắm trong rượu, do dâm loạn mà làm bại hoại mỹ đức Thành Thang. Thần dân lớn bé của nhà Ân đều trộm cắp cướp bóc, phạm pháp làm loạn, quan lại đều làm trái pháp luật…
“Mục Thệ” phần đầu tiên của Chu thư, có ghi lại những lời Chu Vũ Vương tuyên thệ trước khi xuất quân tại Mục Dã đánh nhà Ân (Thương). Trong đó viết:
Nay Thương Vương chỉ tin theo lời vợ, coi thường lễ bái tổ tông, coi thường vứt bỏ không cần huynh đệ, mà lại chỉ tôn sùng, tín nhiệm và trọng dụng những kẻ trọng tội lưu vong làm quan đại phu. Để cho bọn chúng đối đãi tàn bạo với dân chúng, làm loạn nhà Thương. Bây giờ, Cơ Phát ta thuận theo ông Trời đi trừng phạt…
2. Ý Trời thể hiện thông qua ý dân
Thời cổ đại, những bậc Quân Vương tài đức sáng suốt thì đều thương dân trọng dân. Sau khi Nhà Chu thay thế nhà Thương cũng liền thu nạp dân chúng đất Ân.
Trong sách “Khang Cáo”, văn cáo của Chu Công khi phong em trai Cơ Phong làm quân chủ nước Khang, có ghi lại câu nói của Chu Thành Vương:
Than ôi! Phong, ngươi phải nhớ Trụ đó! Giờ đây dân nhà Ân đang quan sát liệu ngươi có cung kính đi theo Văn Vương, cố gắng lắng nghe lời đức hạnh. Ngươi đến đất Ân, cần phải học hỏi cách chăm lo dân chúng mà các vị tiên vương thánh minh nhà Ân đã từng dùng, ngươi còn cần phải hỏi sâu về những lời dạy thông thái của các trưởng lão Ân Thương. Ngoài ra, ngươi còn cần phải tìm học những lời dạy về việc bảo vệ an toàn cho trăm họ của các bậc đế vương thánh minh thời cổ. Phát huy mệnh Trời, nếu dùng đức mà bồi bổ thêm, thì thân sẽ không bị mất mệnh làm Vua!
Trong sách “Tửu cáo”, Chu Thành Vương nghe theo lời Văn Vương khuyên bảo, lễ bái mới có thể uống rượu, cần phải quý trọng lương thực, lòng dạ thiện lương. Còn nói với Cơ Phong rằng:
Vua Trụ của nhà Thương, tưởng rằng đã có mệnh Trời, không nhận ra nỗi thống khổ, an nguy và nỗi oán giận của dân để cải sửa. Nếu ông ta không dâm loạn, chơi bời trái với lẽ thường, vì tiệc tùng hưởng lạc mà mất đi sự uy nghiêm, thì dân chúng đã đau buồn thương tiếc. Vua Trụ chỉ muốn buông thả rượu chè, không muốn kiềm chế dục vọng bản thân. Ông ta tâm địa ác độc, không thể lấy cái chết mà răn đe. Ông ta làm chuyện ác, đối với vận mệnh diệt vong của nhà Ân thì lại không hề lo lắng.
Trong sách “Triệu Cáo”, Chu Vương nói:
Thượng Thiên đã sớm muốn chấm dứt phúc mệnh của nhà Ân. Rất nhiều Tiên Vương thánh minh của nhà Ân này đều ở trên Thiên Thượng, bởi vậy quân vương và thần dân của Ân Thương sau này mới có thể hưởng thụ được mệnh Trời. Đến những ngày cuối cùng của Vua Trụ, những người sáng suốt đã ẩn nấp rồi, những kẻ hại người lại đang tại vị. Mọi người chỉ biết che chở, bồng bế dìu dắt nhau, giúp đỡ vợ con, bi ai kêu trời, nguyền rủa vua Trụ diệt vong, muốn thoát khỏi cảnh khốn cùng. Than ôi! Trời cao cũng thương xót dân chúng bốn phương, quan tâm đến vận mệnh của dân chúng, bởi vậy đã sửa đổi mệnh của nhà Ân. Đại Vương cần phải mau mau nghiêm túc thi hành những việc chính sự có ích cho dân!
3. Bậc minh quân kính Trời hiểu mệnh
Các bậc minh quân thời cổ đại đều kính trọng Trời và bảo vệ dân, dạy dân an dân, cần cù cẩn trọng.
Trong sách “Khang cáo”, Chu Công khuyên răn Cơ Phong rằng:
“Phong à, dân chúng có được giáo hóa mới có thể yên ổn lương thiện. Chúng ta luôn luôn cần phải nhớ đến những điều chính sự nhân đức của các vị tiên vương thánh minh, dùng để trị vì dân chúng nhà Ân, lập thành phép tắc. Không dạy dỗ nhân dân thêm, thì họ sẽ không thể lương thiện, sẽ không có chính sách tốt cho đất nước”.
“Phong à, chúng ta phải nhìn thấy rõ những điều này. Ta muốn khuyên con những ý kiến thi hành đức chính và đạo lý tiếp thu những lời khiển trách. Bây giờ dân chúng chưa yên ổn, chưa bình an trong tâm, ta dạy bảo thật nhiều, tuy nhiên họ chưa có tuân theo. Thượng Thiên sẽ trách phạt chúng ta, chúng ta không thể oán hận. Lỗi lầm trước đây dù lớn nhỏ, nhiều ít, thì cũng là tội lỗi, vả lại những lỗi lầm ấy Thượng Thiên đều nghe thấy rõ ràng”.
“Than ôi! Phong, cần phải cẩn thận đó! Không nên tạo ra oán hận, không nên sử dụng những mưu kế xấu, không nên chọn dùng những phương sách không hợp pháp, như thế là đánh mất thành tâm. Nỗ lực thi hành những việc chính sự có ích cho dân, làm yên lòng dân, ghi nhớ thiện đức của họ, nới lỏng việc lao dịch của họ, làm cho họ áo cơm sung túc. Nhân dân bình an rồi, Thượng Thiên sẽ không quở trách và vứt bỏ con.”
Trong chính sử, từ thời đại Thương Chu cho đến vương triều cuối cùng là triều đại nhà Thanh, những thời kỳ hưng thịnh nhất đều là khi bậc quân vương tuân theo Đạo Trời. Trừ một số ít những kẻ vô đạo cướp ngôi đoạt vị ra, các triều đại sau lên thay thế các triều đại trước thì đều bảo vệ tông miếu của các triều đại trước. Có thể thấy, “Thiên nhân hợp nhất” luôn là đạo lý trị quốc mà người xưa tôn kính.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thiên nhân hợp nhất Thượng thư đạo trị quốc