3 điển cố lịch sử: Thi ân được phúc báo
- An Hòa
- •
Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh, nhưng làm việc thiện hướng thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên người hành thiện thông thuận cứ như được trời xanh quan tâm chiếu cố. Dưới đây là 3 điển cố được ghi chép lại trong lịch sử về việc thi ân được phúc báo.
Sở Trang Vương không xét lỗi quần thần
Một hôm Vua của nước Sở là Sở Trang Vương thiết tiệc đãi các quần thần. Tiệc vui từ chiều cho đến tối, có cung phi mỹ nữ hầu hạ ca xướng, châm rượu. Đang lúc vui say thì đèn nến bị gió thổi tắt hết cả. Một viên quan thừa cơ kéo áo một cung nữ, đùa giỡn trêu ghẹo. Người cung nữ liền chụp giật được dải mũ của viên quan, rồi tâu với vua: “Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được dải mũ của hắn. Xin cho thắp đèn ngay để xét. Kẻ nào bị đứt dải mũ thì chính là kẻ đã vô lễ làm càn”.
Sở Trang Vương nói: “Cho người ta uống rượu, để say đến quên cả lễ phép. Sao có thể vì biểu dương tiết tháo của một người phụ nữ mà lăng nhục một vị quốc sĩ đây?” Vì thế, Sở Trang Vương hạ lệnh: “Các thần tử uống rượu cùng quả nhân hôm nay mà không say đến mức giật đứt cả dải mũ là chưa thật vui!” Các quan theo lệnh của Sở Trang Vương đều giật đứt dải mũ. Khi đèn nến thắp lên thì không còn phân biệt được ai là người đã phạm tội. Nhờ vậy mà suốt buổi tiệc được vui vầy.
Về sau, nước Sở vây đánh nước Trịnh. Trận nào cũng có một viên quan võ trẻ tuổi liều sống chết bên cạnh nhà vua. Năm lần đánh thì cả năm lần viên quan võ này đều xung phong dẫn đầu. Nhờ vậy mà quân Sở toàn thắng.
Sở Trang Vương thấy lạ bèn hỏi viên quan võ: “Quả nhân đối đãi với nhà ngươi cũng như các viên quan khác. Cớ sao nhà người lại hết lòng giúp Quả nhân khác người như thế?”
Viên quan trẻ tâu rằng: “Thần tên là Tưởng Hùng, chính là người đã giật đứt dải mũ của cung phi trong tiệc rượu ngày xưa mà nhà vua không nỡ xét tội”. Sở Trang Vương cười lớn và ban thưởng cho viên quan trẻ tuổi này.
Sở Trang Vương vì có lòng nhân từ đối với người có tội, nên được người có tội tìm cách báo đền. Đây cũng chính là thiện tâm kết được thiện duyên, làm ơn thì được đền đáp phúc báo.
Viên Áng nhà Hán làm ơn được phúc báo
Thời nhà Hán, Viên Áng từng giữ chức thừa tướng cho Ngô Vương Lưu Tỵ. Một viên quan phụ tá cho Viên Áng đã tư thông với tỳ thiếp của ông ta. Viên Áng sau khi biết được chuyện này đã giữ kín trong lòng để cân nhắc, không hề nói với bất kỳ ai. Nhưng có người biết chuyện đã đe dọa viên quan phụ tá khiến anh ta sợ hãi chạy trốn. Viên Áng thương cảm cho người đó, đã tự mình đuổi theo đưa anh ta quay trở về. Hơn nữa, ông còn gả người tỳ thiếp kia cho viên quan phụ tá và đối đãi với anh ta như bình thường.
Sau này đến thời Hán Cảnh Đế, Viên Áng được đảm nhận chức Thái Thường và phụng mệnh đi sứ nước Ngô. Ngô Vương lúc ấy có mưu đồ tạo phản, muốn giết chết Viên Áng nên đã phái năm trăm binh lính bao vây nơi ở của Viên Áng. Vừa hay vị quan phụ tá trước đây của Viên Áng cũng ở trong đội quân bao vây này và giữ chức Giáo úy Tư mã.
Anh ta mua 200 thạch rượu mời 500 binh lính uống no say. Sau khi những binh lính này uống say, Giáo úy Tư Mã liền vào phòng đánh thức Viên Áng và nói: “Ngài hãy lập tức đi ngay! Trời vừa sáng Ngô Vương sẽ giết chết ngài ngay.”
Viên Áng hỏi: “Ngươi là ai?”
Giáo úy Tư Mã nói: “Tôi chính là người trước đây đã tư thông với tỳ thiếp nhà ngài và được ngài tha tội.”
Viên Áng nghe xong lấy làm sửng sốt vô cùng, vội vàng rời khỏi nước Ngô. Nhờ vậy, Viên Áng đã thoát được kiếp nạn mất thân.
Vương Chí Nhân cứu người cứu mình
Còn có một câu chuyện được chép trong Đức Dục Cổ Giám thế này. Xưa kia ở tỉnh An Huy có một thương nhân tên là Vương Chí Nhân, đã ngoài 30 tuổi và lập gia đình rồi nhưng vẫn chưa có con. Một hôm, một thầy tướng số quen biết nói với anh ta rằng: “Tháng mười năm nay anh sẽ gặp phải một tai họa lớn nguy hiểm đến tính mạng. Anh nhất định phải cẩn thận đề phòng thì may ra mới thoát được !”.
Vương Chí Nhân từ trước tới giờ luôn bội phục khả năng của vị thầy tướng số này nên tin ngay không một chút nghi ngờ. Anh ta vội vã đi đến Tô Châu ngay lập tức, thu hồi hết mọi khoản đầu tư buôn bán và thuê một căn nhà ở Tô Châu để sống tạm nhằm tránh đại nạn.
Một đêm nọ, Vương Chí Nhân ra ngoài đi dạo, vô tình bắt gặp một phụ nữ nhảy xuống sông tự tử. Vì muốn cứu người phụ nữ đó nên anh ta đã vội vàng lấy ra 10 lượng bạc giơ lên cao khỏi đầu và hô lớn để những người trên thuyền ở bờ sông nghe thấy: “Ở đây có một phụ nữ bị ngã xuống nước, ai cứu được cô ấy sẽ được thưởng 10 lượng bạc!” Sau khi những người chèo thuyền nghe thấy, đều nhanh chóng chèo ra sông để cứu người phụ nữ đó.
Một lát sau có 2 chiếc thuyền đến vớt và đưa người phụ nữ kia lên bờ. Vì may mắn được cứu kịp thời nên người phụ nữ đó đã sống sót. Vương Chí Nhân là người quân tử giữ lời hứa, nên đã lấy ra 10 lượng bạc trả cho 2 người chèo thuyền.
Khi người phụ nữ hồi tỉnh, Vương Chí Nhân hỏi thăm thì được biết cô ta rất khó khăn. Bấy giờ chồng của cô đi làm thuê lâu ngày, người chủ không có đủ tiền nên đã trả công cho chồng cô bằng một con heo. Người phụ nữ lại bán heo lấy 10 lượng bạc, nhưng không ngờ sau đó phát hiện ra đó là bạc giả. Cô sợ chồng trách mắng, lại nghĩ quẩn, cảm thấy cuộc sống khổ cực, nên muốn tìm đến cái chết.
Sau khi nghe chuyện, Vương Chí Nhân vô cùng thương cảm, không ngần ngại lấy ra số tiền bằng với số tiền bán heo và đưa cho người phụ nữ kia. Anh ta cũng khuyên người phụ nữ hãy quay về nhà và sống thật tốt. Người phụ nữ mang số bạc ấy về và kể lại toàn bộ đầu đuôi câu chuyện cho chồng mình nghe nhưng người chồng không tin, lại nghi ngờ vợ làm điều thất tiết. Thế là, hai vợ chồng họ vội chạy đến chỗ ở của Vương Chí Nhân để xác nhận sự việc.
Lúc này, Vương Chí Nhân đã nằm ngủ, nghe thấy tiếng gõ cửa và một giọng phụ nữ cất lên: “Tôi là người phụ nữ đã nhảy xuống nước và được tiên sinh cứu mạng. Tôi quay lại để cám ơn Vương tiên sinh! Xin hãy mở cửa!”
Nghe thấy thế, Vương Chí Nhân nghiêm giọng trả lời: “Cô là phụ nữ đã có chồng, còn tôi là lữ khách đang ở một mình. Nam nữ thụ thụ bất thân, huống chi giờ đang là đêm hôm khuya khoắt sao có thể gặp mặt được?”
Người chồng nghe xong câu nói của Vương Chí Nhân thì mọi nghi ngờ trong lòng đều tan biến mất. Anh ta cảm động sâu sắc và lên tiếng: “Tiên sinh đúng là một bậc chính nhân quân tử. Xin tiên sinh đừng hiểu lầm, hai vợ chồng chúng tôi cùng đến đây để cám ơn đại ơn đại đức của tiên sinh!”
Vương Chí Nhân nghe xong, nhanh chóng thay quần áo để ra tiếp đón khách. Không ngờ, ngay khi anh ta vừa mở cửa bước ra thì bức tường phòng ngủ bất ngờ đổ sập xuống. Chiếc giường bị tường đổ vào nên cũng bị sập theo. Hai vợ chồng họ thấy thế đều cảm thán mãi không thôi, rồi trịnh trọng bái tạ ân nhân.
Tháng mười trôi qua, Vương Chí Nhân tâm trí rất thoải mái vì anh ta biết rõ mình đã thoát được kiếp nạn. Vương Chí Nhân trở về quê An Huy và gặp lại vị thầy tướng số. Vị thầy tướng vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy Vương Chí Nhân, ông nói: “Mấy tháng không gặp, mà tướng mạo của cậu đã hoàn toàn cải biến. Cậu đã được thay da đổi thịt rồi, nét âm đức đột nhiên xuất hiện đầy cả khuôn mặt. Tôi đoán rằng nhất định cậu đã làm một việc đại thiện là cứu mạng người. Với tướng mạo của cậu bây giờ, cậu sẽ có hậu phúc lớn!”
Về sau, vợ của Vương Chí Nhân đã lần lượt sinh hạ được 11 người con trai, mỗi người con đều rất hiếu lễ và có đức. Vương Chí Nhân cũng sống đến 96 tuổi, đồng thời ông luôn hạnh phúc và khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: 3 điều đại kỵ cần tránh phạm phải trong cuộc đời
Từ khóa thiện tâm Phúc báo Đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay Thiện duyên