3 triết lý sống của kỳ nhân Thiệu Ung
- An Hòa
- •
Trong nền văn hóa phương Đông, Thiệu Ung là một nhân vật kiệt xuất. Thành tựu học thuật của Thiệu Ung bao gồm nhiều lĩnh vực như triết học, toán học và thơ ca. Ông là một người có đạo đức cao thượng, đồng thời cũng là một bậc thầy về Dịch học và Lý học thời Bắc Tống. Theo Tống sử, rất nhiều sự việc sau khi xảy ra rồi, người ta mới nhận ra rằng Thiệu Ung đã nói về việc đó từ lâu. Cả đời Thiệu Ung đã viết rất nhiều dự ngôn và sách về phương pháp dự đoán, như “Mai hoa thi”, “Mai hoa dịch số”, “Thiết bản thần số”, “Hà lạc chân số”. Thiệu Ung sáng lập ra “Tiên thiên học” và thiết lập nên hệ thống học thuật của riêng mình. “Thiên địa chi tâm”, “Tâm vi thái cực”, Thiệu Ung đã đem phạm vi nghiên cứu dịch học mở rộng đến thế giới nội tâm. Lý luận “Tượng số” mà ông đưa ra chiếm một vị trí quan trọng trong Dịch học. Thiệu Ung cho rằng “tượng đều có thể là số, số có thể chuyển thành tượng”. Triết lý sống của ông đáng giá để mọi người tham khảo và học hỏi.
Không hổ thẹn trong hành động
Trong “Ngư tiều vấn đối”, Thiệu Ung đã đề cập rằng khi trị vì thiên hạ thì cần hành động thay vì nói suông. Ông cho rằng một người không chỉ cần phải không mắc sai lầm trong lời nói, mà còn phải không hổ thẹn trong hành động, và trong sâu thẳm nội tâm không có điều gì phải áy náy hổ thẹn.
Cổ nhân nói: “Ngôn tất tín, hành tất quả”, nói phải có tín nhiệm, làm việc phải có kết quả. Danh dự của một người không phải thể hiện ở lời nói mà là ở hành động. Nói thì dễ làm mới khó và điều khó nhất chính là “nói là làm”. Người giữ lời thì sẽ suy nghĩ kỹ trước khi nói, một khi đã nói thì sẽ dốc hết sức lực mà làm. Người không giữ lời hứa thì tìm kiếm khoái lạc nhất thời nhưng không thể thực hiện lời hứa, cuối cùng mất đi tín nhiệm. Không dễ dàng nói ra là tôn trọng bản thân, và thực hiện lời nói là tôn trọng người khác.
Làm việc không hổ thẹn với bản thân, không hổ thẹn với lương tâm. Điều đáng tiếc nhất trong cuộc sống cõ lẽ chính là câu nói: “Nếu có thể làm lại, chắc chắn sẽ làm tốt hơn”. Chỉ bằng cách tận tâm tận lực làm hết sức mình, một người mới có thể không hổ thẹn với lương tâm của mình.
Thích ứng linh hoạt
Trong “Quan vật thiên nội ngoại”, Thiệu Ung viết rằng: “Thể vô định dụng, duy biến thị dụng; dụng vô định thể, duy hóa thị thể”. Trong triết học cổ đại, “thể” chỉ bản chất hoặc thực thể của sự vật, còn “dụng” chỉ công năng hoặc tác dụng của sự vật. Bản chất của sự vật một khi đã hình thành thì không thay đổi được, nhưng công năng của chúng thay đổi theo sự thay đổi của điều kiện bên ngoài. Công dụng và giá trị của sự vật phụ thuộc vào tính thích ứng và tính biến đổi của chúng trong một môi trường cụ thể.
Nước có thể được sử dụng để tưới tiêu, có thể dùng để uống, có thể dùng để nấu nướng, v.v., công dụng của nước thay đổi theo sự thay đổi của nhu cầu. Tương tự như vậy, một mảnh gỗ có thể là nhiên liệu, có thể là vật liệu xây dựng hoặc thậm chí là một tác phẩm nghệ thuật. Công năng của sự vật cũng không cố định mà có thể được biến hóa và thay đổi liên tục.
Làm việc cũng là như vậy. Bản tâm không đổi, nhưng vị trí, chức vụ, trách nhiệm, hoàn cảnh sống, v.v., mọi thứ xung quanh ta là đều có thể đổi thay. Bởi vậy trong cuộc sống, ngoài việc giữ vững lương tri là bất biến, thì chúng ta cần có thể thích ứng với hoàn cảnh và điều chỉnh linh hoạt bản thân, chào đón những thay đổi với một tâm thái cởi mở. Vạn vật trên thế giới đều không ngừng thay đổi, chúng ta cần nhìn thế giới với góc nhìn rộng mở, đây cũng là một phương diện để hiểu rõ và nắm bắt được bản chất của sự vật.
Giữ nội tâm bình tĩnh
Trong bài thơ “Thiên tân cảm sự”, Thiệu Ung viết:
Trứ thân tĩnh xử quan nhân sự,
Phóng ý nhàn trung luyện vật tình.
Khứ tẫn phong ba tồn chỉ thủy,
Thế gian hà sự bất năng bình.
Ý tứ của bài thơ là ngắm nhìn sự phức tạp của thế giới ở một nơi yên tĩnh, cảm nhận nhịp điệu của thiên nhiên trong sự nhàn nhã, thì sẽ thấy những thăng trầm trong cuộc sống chỉ là những con sóng tạm thời. Chỉ cần giữ được sự bình tĩnh và yên ổn thì mọi khó khăn và trở ngại cuối cùng sẽ biến mất.
Người thấp thỏm nôn nóng làm việc dễ mắc lỗi, trong khi người có nội tâm yên tĩnh thường có sức mạnh thầm lặng, gặp chuyện mà không hoảng, ánh mắt rõ nét, tâm tĩnh trí tuệ sinh. Chỉ khi một người tĩnh hạ tâm xuống, lắng nghe thanh âm từ bên trong, suy nghĩ một cách yên định, thì mới có thể thực sự hiểu được chính mình, hiểu được những gì mình đang phải đối mặt và biết mình nên làm gì.
Cuộc đời là một hành trình tu hành, tu hành quý ở tu tâm. Thế sự nhiều thay đổi, chỉ có không ngừng hoàn thiện nội tâm thì mới có thể thoát khỏi sự vướng mắc, hoảng loạn và mê mang trong những năm tháng cuộc đời.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Văn Lệ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân Thiệu Ung
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)