Cổ nhân tôn sùng và ngưỡng mộ hành vi của người quân tử, lấy chính nhân quân tử làm hình mẫu mà mỗi người cần đạt đến. Ngày nay, một người được khen là quân tử cũng phải là người giữ được chuẩn mực đạo đức, được mọi người kính trọng, khâm phục. Để làm được như vậy, một người cần trải qua quá trình tu dưỡng nội tâm nghiêm khắc.

Bốn điều cần tu dưỡng để trở thành một người quân tử
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh đời Minh, Public Domain)

Chí hướng

Muốn bước trên con đường tu dưỡng bản thân thì lúc nào cũng cần đặt tầm mắt cao hơn một mức. Vô luận là trong làm người hay trong gây dựng sự nghiệp, trong nghiên cứu học tập, nhất định phải đặt chí hướng không tầm thường. Khi đã đặt chí hướng ở nơi cao xa thì phải cố gắng không ngừng, không vì chút khó khăn mà dễ dàng buông tha. Người có thể làm được như vậy thì mới có thể đạt được cảnh giới cao, thậm chí lên đến cảnh giới cao nhất.

Đối với mỗi một công việc, đã bắt tay vào làm thì phải làm có đầu có cuối, dụng tâm làm cho tốt nhất. Bất luận là làm nghề nghiệp gì cũng phải có suy nghĩ làm cho tốt nhất. Trong quan niệm của người xưa, làm hết công việc mà mình được giao chỉ là tiêu chuẩn của một người bình thường. Những người xuất sắc thì coi đó là tiêu chuẩn thấp nhất, họ đặt chí hướng cao xa, không chỉ là hoàn thành công việc, mà còn tận hết trách nhiệm, không chỉ là làm việc, mà còn là làm người, không chỉ lo sự vật, mà còn lo đến hoàn cảnh, con người xung quanh.

“Khi đã có chí – hướng nào đi cũng được”, ý chí mạnh mẽ khiến người ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi và chướng ngại trên đường đời. Người có chí hướng cũng sẽ “nhìn xa trông rộng” hơn, biết tránh mọi cám dỗ trước mắt để đạt được mục tiêu chính và lâu dài trong cuộc sống, sẽ tránh việc “chỉ nhìn thấy cây mà không nhìn thấy rừng”. Vậy nên phải đứng ở vị trí cao và nhìn rộng ra mới có thể thấy được toàn cảnh sự việc, sự vật mà đánh giá, suy xét hết thảy một cách lý trí và thanh tỉnh.

Độ lượng

Độ lượng cũng là một phẩm chất cần tu dưỡng của người quân tử. Có câu rằng: “Trời bao dung vạn vật nên trời rộng lớn, đất nâng đỡ vạn vật nên đất không có biên cương”.

Một giọt mực nhỏ rơi vào trong cốc nước, cốc nước sẽ lập tức biến sắc và không thể uống được nữa. Nhưng một giọt mực rơi vào trong biển khơi rộng lớn, thì biển cả vẫn xanh thẳm một màu. Điều ấy chính là bởi vì mức độ rộng lớn của chiếc cốc và biển cả là khác nhau. Con người cũng giống như vậy, người có tấm lòng khoan dung độ lượng thì sẽ hành xử được sâu sắc và thấu hiểu.

Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi. Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ, chi bằng bao dung hết thảy, chẳng phải sẽ được thản nhiên và tự tại sao?

Tất nhiên, độ lượng không phải là bao che cho sai lầm của người khác, không phải là dung túng để người khác phạm sai lầm, mà là để tạo cơ hội tốt cho người khác sửa sai. Độ lượng là bởi vì có những lúc, sự ấm áp của lòng bao dung đem lại kết quả tốt đẹp hơn gấp ngàn lần sự trừng phạt.

Thông suốt

Thông suốt là biểu hiện của trí huệ. Một người có thể nhìn thấu những “hư tình giả ý” của cuộc đời thì thật sự đã ở vào cảnh giới tu dưỡng rất cao.

“Người quân tử nhu hoà bao dung như ngọc, kiên cường bất động như sắt”, người quân tử hiền từ nhưng không yếu mềm, lương thiện nhưng không mất cương quyết, tạo sự thuận lợi cho người khác cũng không đánh mất lập trường và nguyên tắc của mình. Đối với những người lợi dụng sự lương thiện của người khác thì khoan dung với họ chính là dung túng họ. Hiền lành nếu như không có chuẩn tắc thì chỉ có thể trở thành người yếu nhược. Do đó, người quân tử nhất thiết phải phân biệt được thiện ác, đúng sai, chính tà.

Không chỉ vậy, sự thông suốt của các trung thần nghĩa sĩ thời xưa đều nằm ở chỗ ôm giữ tín niệm kiên định “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”. Khi đối mặt với uy hiếp, sự dẫn dụ của lợi ích, họ thà chết chứ không chịu đầu hàng, khuất phục. Ở những kẻ sĩ ấy luôn toát ra phẩm cách đạo đức cao thượng.

“Xả thân vì nghĩa” là đạo lý làm người được người xưa đề cao và noi theo. Mạnh Tử từng nói: “Chết là cái mà ta chán ghét, nhưng ta còn có cái chán ghét hơn chết đó là trốn tránh tai họa”. Cái chết khiến người ta sợ hãi, nhưng đánh mất khí tiết càng khiến người ta hổ thẹn và bị người khác khinh thường hơn nhiều lần.

Tĩnh khí

Một người cần hàm dưỡng tĩnh khí mới có thể xem nhẹ được hết thảy. Người tĩnh khí có năng lực tự kiềm chế, suy nghĩ thấu đáo vấn đề, bình tĩnh trong mọi tình huống. Họ có thể khống chế được hành vi và tâm tư tình cảm của mình, không bị ảnh hưởng bởi nghịch cảnh. Càng đứng trước mâu thuẫn lớn lao, họ càng không tức giận, lại càng không “giận cá chém thớt” đối với người khác, hoặc làm cho hoàn cảnh trở nên tệ hơn.

Nuôi dưỡng tĩnh khí chính là sự lắng đọng của tâm linh, cũng là thành quả tu luyện tinh thần. Chỉ có xem nhẹ được mọi thứ thì mới có thể tự kiềm chế, trở thành một người có tĩnh khí. Một người nếu biết xem nhẹ thì vinh nhục được mất sẽ không còn quan trọng nữa. Họ có việc nên làm thì làm, có tránh nhiệm với người khác, có trách nhiệm với bản thân, có thể tha thứ cho người khác và luôn giữ một tâm thái hòa ái, từ bi đối đãi với tất cả mọi việc.

Đời người chỉ có trải qua rồi mới hiểu được, thấu hiểu rồi thì mới có thể quý trọng mọi thứ. Bất cứ việc gì, nếu có thể bỏ qua hết thảy hư vinh và giả dối, giảm bớt một phần phức tạp, tăng thêm một phần hàm dưỡng, thì tự nhiên sẽ có thể đề cao, sẽ có thể thăng hoa trong hành trình tu dưỡng trở thành một người quân tử.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: