6 điều tu thân dưỡng tâm của triết gia Vương Phu Chi
- An Hòa
- •
Vào thời đại nhà Minh xuất hiện rất nhiều triết học gia nổi tiếng. Tâm học Vương Dương Minh và Vương Cấn vào thời giữa nhà Minh danh dương thiên hạ. Vào cuối triều Minh còn có thêm ba người là Cố Viêm Vũ, Vương Phu Chi và Hoàng Tông Hy, theo đuổi thực học. Trong đó Vương Phu Chi tin rằng sự phát triển của xã hội tuân theo những quy luật nhất định và không thể đảo ngược, nhận thức đến từ hành động thực tiễn, sự thống nhất giữa kiến thức và hành động mới là minh lý.
Vương Phu Chi, tự Nhi Nông, hiệu Khương Trai, tự xưng là Thuyền Sơn tiên sinh. Ông nghiên cứu văn tự từ khi còn rất nhỏ. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, như “Chu Dịch ngoại truyện”, “Hoàng thư”, “Thượng thư dẫn nghĩa”, “Vĩnh Lịch thật lục”, “Xuân Thu thế luận”, “Đọc thông giám luận”… Về phương diện triết học ông có rất nhiều thành tựu xuất sắc.
Lúc tuổi già, Vương Phu Chi sống ẩn cư và sáng tác cuốn sách quý “Tu thân lục nhiên” và “Tứ khán”, trong đó chứa đựng những câu cách ngôn cô đọng hàm súc giúp con người tu thân dưỡng tính. Đây là tài sản văn hóa mà Vương Phu Chi để lại cho người đời sau. “Tu thân lục nhiên” là 6 điều tu thân mà Vương Phu Chi đề xuất, bao gồm:
Siêu nhiên
Vương Phu Chi nói: “Tự xử thời siêu nhiên”, nghĩa là lúc một mình thì phải rời xa thế tục, giữ thân thanh tịnh, dùng bình thường tâm đối đãi với chính mình, không để bản thân bị cám dỗ bởi vật ngoài thân. Đối với “sinh, lão, bệnh, tử” thì phải có thái độ lạc quan, siêu nhiên, thuận theo tự nhiên, dùng cảnh giới nhân sinh ở tầng thứ cao để chiếu sáng chính mình, tinh lọc chính mình. Lúc ở một mình là lúc thanh lọc bản thân, vứt bỏ những ý nghĩ xa xỉ, cắt đứt những ý nghĩ hư vinh, từ đó đạt được trạng thái tĩnh lặng và sâu xa.
Ái nhiên
Ở cùng với người phải ái nhiên (hòa nhã, hòa ái dễ gần). Khi sống chung với mọi người, cần phải giúp người làm việc tốt. Thể hiện ở thái độ thành thật, khiêm tốn, hòa hợp. Vương Phu Chi rất tôn sùng y học gia Tôn Tư Mạc, người đã nói: “Khi tính tự nhiên thiện, thì trăm bệnh trong ngoài đều tự nhiên sẽ không sinh ra, họa loạn, tai họa cũng không có nguyên nhân phát tác, đó là con đường lớn dưỡng sinh”. Vương Phu Chi cũng cho rằng tu thân dưỡng tính, dưỡng sinh thì yếu tố quyết định hàng đầu là tu thiện.
Trừng nhiên
Trừng nhiên có nghĩa là tâm tính trong sáng, lặng như nước tĩnh. Khi không có việc gì thì phải trừng nhiên. Lúc nhàn hạ thì phải giữ thái độ như vậy. Không nên bởi vì an nhàn mà sinh ra dục vọng tham lam, phải giữ nội tâm an tĩnh, suy nghĩ bình ổn thì mới có thể thanh tĩnh để nghỉ ngơi và dưỡng thần.
Đoạn nhiên
Đoạn nhiên là quả quyết, kiên quyết. Khi xử lý sự việc, càng là việc lớn thì càng cần phải quả quyết, nếu lúc cần quả quyết mà không làm được thì tất sẽ có hối tiếc về sau. Sự lưỡng lự, dao động khi xảy ra sự việc thường xuất phát từ nỗi lo lắng không có chủ kiến. Cho nên khi gặp được thời cơ hay sự tình đã chuẩn bị chu đáo thì phải quyết đoán, tránh do dự.
Đạm nhiên
Đạm nhiên chỉ sự lạnh nhạt, hờ hững, không màng danh lợi, không mộ vinh quang. Vào lúc đắc ý thì vẫn cần phải khiêm tốn ở tâm, bình thản ở thân, không tự cho mình là hơn người mà kiêu căng cao ngạo. Điều này là điều mà một người bình thường rất khó làm được. Khi đắc ý người ta dễ dàng sinh ra kiêu ngạo cho nên muốn tiết chế điều này phải bồi dưỡng cho mình thái độ xem nhạt được mất, danh lợi quyền thế trong đời. Trong lịch sử có rất nhiều tấm gương bởi vì đắc ý, vui đến tột cùng mà dẫn đến đau buồn thậm chí là họa sát thân.
Thản nhiên
Khi thân ở vào nghịch cảnh thì không thể từ bỏ chính mình mà phải thản nhiên đón nhận và đối mặt với nghịch cảnh ấy. Bất kỳ ai cũng vậy, đừng quá coi trọng sự thành công hay thất bại nhất thời. Khi thất bại là lúc có thể nhìn rõ nhất những thiếu sót của bản thân mình và những thiếu sót ấy lại chính là thu hoạch của người có ý chí. Người gặp lúc thất ý mà vẫn có được thái độ thản nhiên, ung dung tự tại thì cho dù gặp biến cố gì trong đời cũng sẽ không sợ hãi.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Hòa Tử
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu thân dưỡng tâm thản nhiên