7 đặc trưng của người có phúc khí lớn
Có câu nói rằng: “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Nhân sinh trên đời, vận khí có tốt hay không, có thể có phúc khí hay không phần nhiều được quyết định bởi việc tu dưỡng tâm tính của bản thân. Dưới đây là 7 đặc trưng của người có vận khí tốt.
1. Người biết nhận lỗi
Người ta thường rất khó trong việc nhận sai, nhận lỗi, phàm việc gì cũng đều là “lỗi của người khác”. Có người luôn nghĩ rằng bản thân mình mới là đúng, nhưng thật ra không biết nhận lỗi chính là một cái sai rồi. Người có thể nhận lỗi là người có khả năng suy xét lại hành động của mình, cái tâm của bản thân mình, từ đó nhận được những bài học đáng giá.
Người biết nhận lỗi không những không mất đi thứ gì, mà ngược lại còn thể hiện ra bản thân là người rộng lòng, độ lượng. Những người này thường có vận khí tốt, được nhiều người tin tưởng trợ giúp, làm việc cũng dễ thành công hơn.
2. Người nhu hòa
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử bàn rằng cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống, cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn. Lão Tử cũng viết: “Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước. Thế mà nó lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế mà chẳng ai làm được.”
Răng thì cứng, lưỡi thì mềm, đến cuối đời, răng rồi sẽ rụng hết nhưng lưỡi thì vẫn còn ở đó. Một người nên nhu hòa, mềm dẻo thì cuộc đời mới được an định lâu dài, cứng nhắc thì sẽ chỉ chịu thiệt thòi. Người có tâm nhu hòa thường có thể sống vui vẻ hơn, thanh thản hơn, mệnh của họ cũng thọ hơn.
3. Người có thể nhẫn
Cổ nhân giảng: “Nhẫn một chút gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.” Cho nên “Nhẫn” vừa là một loại tu dưỡng tâm tính vừa là một loại dưỡng thân hữu hiệu. Một người nếu có thể mang trong mình tấm lòng khoan dung độ lượng, nhẫn nhịn không tranh biện thì tự nhiên có thể rời xa thị phi, không lo không sợ, sống một đời thong dong, tự do tự tại. Biết nhẫn, vạn sự khó khăn đều sẽ tan biến, sẽ hóa giải được, dùng trí tuệ để biến việc lớn thành nhỏ, việc nhỏ thành hư vô, hóa dữ thành lành.
4. Người thấu hiểu người khác
Giữa người với người mà khuyết thiếu sự thấu hiểu thì tất sẽ sinh ra thị phi, tranh chấp và hiểu lầm. Hơn nữa, giữa những người khác nhau cũng cần có phương pháp giao lưu trao đổi khác nhau.
Những người có vận khí tốt tuy nhìn thấy rất nhiều khuyết điểm của người khác, nhưng vẫn luôn giữ được lòng trắc ẩn, tình yêu dành cho vạn vật, có thể nhìn thấy sự tốt đẹp của người khác bên trong những điều tồi tệ. Họ có thể chấp nhận bản thân, chấp nhận người khác, cũng có thể chấp nhận được hoàn cảnh. Người có thể hiểu người khác thông thường sẽ được người khác đặt niềm tin, dễ dàng chia sẻ và tương trợ lẫn nhau.
5. Người biết buông bỏ
Đời người có những thứ giống như vali hành lý vậy. Lúc cần dùng thì ta nhấc tay nắm kéo lên, lúc không cần thì đặt nó xuống. Nếu lúc cần buông mà nhất định không đặt xuống thì giống như lúc nào cũng phải kéo một chiếc vali hành lý nặng nề, sao có thể thong dong, tự tại được đây?
Đời người càng đơn giản thì càng hạnh phúc. Đạo lý này không phải ai cũng hiểu. Con người trong cuộc sống đời thường nếu mãi chỉ đi truy cầu hưởng thụ vật chất thì sẽ phải đối mặt với đủ loại áp lực. Con người nếu như không biết buông bỏ thì trong thời gian lâu dài sẽ bị những áp lực ấy đè nặng mà suy sụp. Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều điều càng ôm giữ càng mệt mỏi, chỉ có buông bỏ mới có được hạnh phúc thực sự.
6. Người biết cảm ơn
Việc bày tỏ lòng biết ơn và cảm kích những điều chúng ta nhận được, dù là hữu hình hay vô hình cũng sẽ khiến chúng ta cảm nhận được nhiều cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, giúp chúng ta đương đầu với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ vững chắc.
Người thường mang trong mình lòng biết ơn, yêu thương người khác sẽ được người yêu thương lại, làm phúc cho người khác tất sẽ được phúc đến
7. Người chú trọng thân tâm
Chỉ khi bị bệnh, đau ốm, người ta mới hiểu được rằng có sức khỏe tốt cũng chính là một loại phúc không dễ có được. Người muốn có phúc khí lớn cần biết quý trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Họ hiểu rằng thân và tâm là không thể tách rời, là có mối quan hệ phi thường chặt chẽ. Người ta ai ai cũng cầu trường thọ, nhưng phần lớn chỉ chú trọng xua đuổi bệnh tật chứ không biết cách nuôi dưỡng tâm tính. Nhưng cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh lại chính là dưỡng tâm.
Đời người chính là một quá trình tu hành. Việc tu hành của đời người, quý giá ở tu tâm, lấy tâm bất động để đối mặt với đủ hoạt hoàn cảnh trong cuộc đời, cố gắng học tập, không ngừng tu dưỡng thì cuối cùng nhất định sẽ có phúc báo và kết thúc viên mãn.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Dưỡng sinh: Bí quyết trường thọ có lịch sử hàng nghìn năm của Đạo gia
- Cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là dưỡng tâm
Mời xem video:
Từ khóa Nhẫn nhịn khoan dung Phúc khí