An Di con ơi
- Vũ Thế Thành
- •
Tên gọi An Di nghe quen quá phải không? Đó là tên nhân vật chính, Enico Bottini, được dịch giả Hà Mai Anh chuyển sang tiếng Việt là An Di, một cậu bé học lớp ba viết theo kiểu ký sự, nói về về công ơn cha mẹ, tình thầy trò, bè bạn, lòng yêu nước, thương người…
Vũ Thế Thành
Thời tiểu học, tôi say mê mục “Truyện đọc hàng tháng” trong sách này, và chặc lưỡi, sao không hàng tuần lại là hàng tháng. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ vài chuyện như “Chú lính đánh trống”, “Đắm tàu”…
Với cách chuyển ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu và gần gũi với lứa tuổi tiểu học của dịch giả Hà Mai Anh, “Tâm hồn cao thượng” đã trở thành một thứ Quốc văn giáo khoa thư, học sinh thời đó chắc ai cũng biết.
Giải nhất Dịch thuật Pháp văn của Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa năm 1970 dành cho Hà Mai Anh rất xứng đáng.
Sau năm 75, “Tâm hồn cao thượng” được in lại và biên tập một cách đáng buồn. Sửa đổi văn của một người đã khuất, mà giọng văn đó đã khắc sâu trong đầu của biết bao thế hệ học sinh, không đáng xấu hổ sao? Chính trị chính em gì ở đây mà phải sửa đổi! Nếu cần, thì chú thích bên dưới cho hợp với thời đại, chứ sao lại sửa.
“Tâm hồn cao thượng” đã đi vào thế giới tuổi thơ của biết bao thế hệ, không bản dịch nào khác có thể thay thề được .
Tôi trích dưới đây bài viết của Nguyễn Nam (Nam Ròm) đã thuật lại bạn mình là Hà Mai Phương, con dịch giả Hà Mai Anh than phiền thế nào về việc biên tập tùy tiện sửa đổi sách “Tâm hồn cao thượng”.
Vũ Thế Thành
*
…Cách đây vài năm trước khi mất, người bạn thời trung học đệ nhị cấp của tôi ở Hồ Ngọc Cẩn Gia Ðịnh là Hà Mai Phương, con trai của dịch giả Hà Mai Anh, gửi tặng cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” bản in ở San Jose năm 2005. Anh viết trong thư dặn tôi: “Bạn Viên Linh Nguyễn Nam: Nhớ đọc kỹ trang 198 đến trang 200!” Những trang này cho biết nhà xuất bản Thanh Niên ở trong nước đã in lại “Tâm Hồn Cao Thượng” do Hà Mai Anh dịch và tự động tung tác những hành vi sau đây:
- An-Di của Hà Mai Anh dịch tên Henry, bị họ sửa là Enrico.
- Ðảo Xác-đe của HMA dịch đảo Sarde thì họ sửa là Xarđênha.
- Thay từ “nhân dân” bằng “dân-sự” (trang 226).
- Thay từ “tương tàn” bằng “thương tâm” (tr. 225).
- Sửa từ “chung sống” bằng “sống chung” (tr. 100).
- Thay từ “bác sĩ” bằng “quan thầy thuốc nhà binh” – sửa từ “thân ái” bằng “thân thuộc” – thay từ “Thưa Ðại-úy” bằng “Bẩm Ðại-úy” (tr. 99).
- Thay câu “Thưa Ðại úy, xin Ðại úy hãy tin vào em” thành “Bẩm Ðại úy, xin Ngài hãy tin vào con” (tr. 96).
- Sửa từ “vòng bán nguyệt” thành “vòng cung bao vây” – sửa từ “Em đánh trống” bằng “Thằng đánh trống” (tr. 95).
- Tất cả các chữ Em trong bản dịch HMA bị đổi thành Thằng, Mày, Nó, Con (tr. 94-99).
- Cắt bỏ phần chú thích và giải nghĩa.
Cuối trang 200 của bản in ở hải ngoại, Mai-Ðình, người thay mặt gia đình dịch giả Hà Mai Anh cho biết, họ sẽ tái bản lại hết “tất cả các dịch phẩm nguyên thủy của ông cha để lại.” Và tuyên bố: “Các ấn bản khác ngoài chính bản [do gia đình in lại] đều bị sai lạc, không còn giá trị và không tương xứng với công trình dịch thuật của nhà giáo Hà Mai Anh.”
Nam Ròm
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Mời độc giả tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” và “Những thằng già nhớ mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác tại đây.
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa Vũ Thế Thành tâm hồn cao thượng