Ao và chuôm ở làng tôi
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Dọc theo con ngòi chảy qua làng tôi có rất nhiều chuôm. Người ta hay nói “ao chuôm” như một thói quen nhưng thực ra chúng khác nhau. Tra cứu thử trên internet bằng cách sử dụng từ điển tiếng Việt online thấy chúng đưa ra định nghĩa thế này:
Ao: Khoảng đất trũng giữ nước nuôi cá.
Ví dụ: Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Chuôm: Chỗ trũng lớn giữa đồng có đọng nước.
Ví dụ: Dãy ao chuôm chẳng mấy khi cạn.
Một từ điển online khác lại định nghĩa:
Ao: Chỗ đào sâu xuống đất để giữ nước nuôi cá, thả bèo, trồng rau, v.v.
Ví dụ: Ao rau muống.
Chuôm: Chỗ trũng có đọng nước ở ngoài đồng, thường thả cành cây cho cá ở.
Ví dụ: Tát chuôm.
Thú thật, đọc xong tôi… lú luôn.
Nếu theo định nghĩa trên thì cái khác nhau giữa ao và chuôm là gì? Có phải là chuôm thì ngoài ở ngoài đồng còn ao thì nằm ở chỗ khác? Ở ao người ta nuôi cá còn ở chuôm thì không? Nếu thế thì chuôm có nuôi được cá không? Ao có nằm ngoài đầm không?
Tôi không phải nhà ngôn ngữ học nhưng sống ở quê từ nhỏ, quê lại có rất nhiều ao chuôm nên bằng trải nghiệm và quan sát tôi thấy ao là ao mà chuôm là chuôm. Ở quê tôi người ta không bao giờ gọi lẫn lộn hai nơi này. Đơn giản vì chúng khác nhau ở rất nhiều phương diện: vị trí, công dụng, diện tích, quang cảnh…
Ở làng tôi, ao thường được đào ở gần nhà, trước nhà hoặc ở trong (giữa) làng. Chúng thường có hình tròn hoặc hình vuông.
Những cái ao này có thể có lải (cửa) mở ra đầm hoặc không (tức là hoàn toàn kín). Ao được đào để chứa nước tưới cây trong vườn, làm cảnh, tạo nên phong thủy cho ngôi nhà, nuôi cá, thả bèo nuôi lợn. Nước trong ao thường ít khi thay đổi một cách tự nhiên vì cho dù có lải, chúng cũng mở ra vùng nước tĩnh như đầm, chằm. Trên bờ ao người ta thường trồng tre nếu là ao ở giữa làng, gần đầm hoặc trồng cây ăn quả nếu là ao ở trước hay gần nhà. Dưới ao người ta có thể thả sen, súng làm cảnh. Đáy ao thông thường cũng phẳng rất đều. Các ao đào bằng máy sau này thì làm thành nhiều bậc cấp khác nhau để tiện cho việc thay nước, bắt cá.
Ở làng tôi chỉ có một số ít nhà có chuôm vì địa hình trung du, nhiều nhà sống ở trên đồi cao.
Chuôm ở làng tôi được đào dọc theo con ngòi chảy qua làng. Lải (cửa) chuôm đương nhiên được mở ra con ngòi. Chuôm được đào tùy theo địa hình, ở cách xa nhà không cần tính đến phong thủy nên có đủ hình dạng phong phú không cứ phải tròn hay vuông. Theo quan sát của tôi thì chuôm tròn ở làng tôi còn có chứ chuôm vuông hầu như không có, có lẽ vì bất tiện nếu đào theo hình đó. Chuôm nhà tôi ở ngay đầu cầu Chẹm. Nó có hình thù rất kì quặc vì bố tôi đào nguyên một ruộng mạ do ông vỡ hoang tạo thành. Dân làng tôi cũng thấy hình thù nó lạ nên đặt vè gọi là “Đao ông Riễn”. Chắc họ nhìn cái chuôm nhà tôi giống một thanh đại đao khổng lồ.
Chuôm có cửa mở ra ngoài ngòi là để dụ lũ cá vào bên trong sống. Để làm cho chuôm tăng thêm sức hấp dẫn với lũ cá, người ta đào những cái gầm sâu vào trong bờ chuôm tạo thành hầm ngập dưới nước, hoặc đào sâu ở giữa chuôm thành các hố, xếp vào đó các gốc tre, cành tre tạo thành các hang hốc, mê cung… Lũ cá trê, cá rô, cá nheo… tức là các loại cá đen thích chui vào đó sống. Người chủ chuôm còn chặt cành tre vứt xuống chuôm. Cành tre đó gọi là “chà”. Người làng tôi gọi hành động đó là “thả chà chuôm”. Nhất là vào cuối mùa lụt khi nước rút, ai có chuôm cũng chặt cành tre tươi vứt xuống chuôm cho cá vào ở. Nhiều người mỗi tối còn mang bã rượu, cám rang trộn bùn vứt xuống chuôm cho cá ăn. Bố tôi cũng nhào cám với bùn tạo thành một cái cục to như cái đấu vứt xuống chuôm cho cá ăn. Có những đêm trăng sáng, tôi theo bố mang cục bùn đó xuống chuôm. Cục bùn vừa ném xuống, lũ cá đã kéo tới ăn quẫy nước kêu lụp bụm. Khi nước cạn, cửa chuôm được đóng lại bằng tấm ván và đất thì chúng hết đường thoát.
Công dụng của chuôm chủ yếu là để bẫy cá, ngoài ra thì để trồng tre. Tôi chưa thấy ai nuôi cá ở chuôm bao giờ. Trên bờ chuôm người làng tôi trồng tre để lấy tre làm hàng rào, đan lát dân sàng, thúng mủng, rổ rá, khau (gàu) tát nước… Sống ở quê, làm ruộng mà không có tre bí lắm. Ai không có phải vác dao đi xin hoặc… chặt trộm. Tre nhà tôi bị chặt trộm luôn. Lúc thì mấy cây măng, lúc thì mất cả một vài cây tre ở phía ngoài. Người ta không bao giờ thả súng hay sen xuống chuôm cả và có lẽ chúng cũng khó mà sống nổi vì chuôm thường rất sâu.
Lúc tôi còn sống ở làng, trong chuôm tuyệt nhiên không có bèo. Ở ngoài con ngòi cũng không. Điều đó là dễ hiểu vì nước ngòi chảy thường xuyên, đôi khi chảy rất xiết. Môi trường nước như thế không hợp với bèo. Tuy nhiên kì lạ làm sao mấy năm gần đây bèo trôi giạt đầy con ngòi và có chỗ trùm lấp kín cả mặt chuôm. Trên sông Thương cũng xuất hiện bèo tây và một thứ bèo gì xanh phủ kín cả mặt nước. Tôi đoán có thể là do các đầm ở phía trên đã bị biến thành ao thả cá. Khi nước dâng lên họ tháo nước đi, bèo theo đó mà thoát ra ngoài, trôi xuống con ngòi, tấp vào các ao hoặc ra sông. Trước kia, những cái đầm đó là đầm tự nhiên, không ai làm gì nó cả. Mùa cạn người dân cấy lúa, mùa lụt thì nước ngập mênh mông như biển.
Môi trường biến đổi, nước ngòi trở nên đục lờ nhờ, cá tôm biến mất. Kết cục là các chuôm bị bỏ hoang, bị phá đi làm ruộng. Dọc con ngòi làng tôi bây giờ vẫn còn một số chuôm như chuôm nhà tôi vẫn còn nguyên hình dạng và những bụi tre mọc bên trên. Tuy nhiên người ta chỉ ra đó chặt tre khi cần vì không còn cá, tôm để lừa và bắt nữa. Đúng ra dưới ngòi vẫn có cá nhưng chỉ có cá rô phi nhỏ cỡ tầm bàn tay trở lại và cá dọn bể mà thôi. Mấy năm nay, chỗ nào từ ngoài đồng đến con ngòi và chuôm đều thấy cá dọn bể và ốc bươu vàng. Tôi về quê, nhớ kỉ niệm xưa, nhớ tuổi thơ mình cũng cuốc giun rồi dẫn con xuống Cầu Chẹm câu. Lần nào cũng câu được cá dọn bể. Nhìn con cá có bề ngoài xấu xí, tôi đâm sợ. Cảm giác lo lắng mơ hồ về tương lai bất định của con ngòi và những cánh đồng trước mặt.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm:
Từ khóa ký ức tuổi thơ làng quê Việt Nguyễn Quốc Vương