Ba khoa thi là các dấu mốc trong lịch sử khoa bảng
- Trần Hưng
- •
Lịch sử khoa bảng bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm 1075 thời nhà Lý và kết thúc năm 1919 thời nhà Nguyễn, có tất cả 184 khoa thi với 2.898 người đỗ đại khoa, rất nhiều người trở thành trụ cột của Giang Sơn Xã Tắc. Trong 184 khoa thi thì có 3 khoa thi là dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử khoa bảng.
Khoa thi đầu tiên
Khoa thi đầu tiên năm 1075 là bước ngoặt quan trọng, mở ra thời kỳ lịch sử khoa bảng nước nhà.
Bấy giờ, nhà Lý mở khoa thi gọi là “Tam trường” hay “Minh kinh bác học”. Với “Minh kinh” là am hiểu sâu sắc các kinh sử, “bác học” là nói về học vấn uyên bác. Còn “Tam trường” là khoa thi trải qua 3 trường thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh nhưng không gọi là Trạng nguyên, vì lúc này chưa có Tam khôi. Hậu thế vì thấy các khoa thi từ thời nhà Lý cũng quy mô như các khoa thi sau này nên xem Lê Văn Thịnh là người đỗ Trạng nguyên đầu tiên.
Sau khi thi đỗ, Lê Văn Thịnh bằng tài ngoại giao của mình đã buộc nhà Tống phải phải trả lại vùng đất 6 Châu và 3 Động cho Đại Việt, ông được phong làm Thái sư.
Khoa thi đầu tiên có “Tam khôi”
Các khoa thi đầu thời nhà Trần, các sĩ tử thi đỗ được chia thành hạng Giáp và Ất chứ chưa có tên gọi “Tam khôi”.
Khoa thi năm 1247 thời vua Trần Thái Tông là khoa thi tạo ra bước ngoặt khi bắt đầu có danh hiệu “Tam khôi” tức Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
“Đại Việt Sử ký Toàn thư” có ghi chép lại kết quả khoa thi này như sau: “Mùa xuân, tháng Hai, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa”.
Khoa thi cuối cùng
Sau thời gian dài phát triển khoa cử, các Triều đại đều dùng khoa bảng để tìm người hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc. Nhưng dưới thời thuộc Pháp, với việc học chữ quốc ngữ, chữ Nho không được xem trọng như trước, giáo dục cũng như các khoa thi phải để người Pháp quyết định. Khoa bảng cứ lụi tàn dần.
Để phổ biến tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, chính quyền Pháp yêu cầu bỏ hết các viên quan giáo huấn trong các trường giáo huấn, vì các vị quan này chỉ biết chữ Nho. Chữ Nho không còn được xem trọng như chữ quốc ngữ và chữ Pháp.
Dưới áp lực của người Pháp, từ năm 1915 triều đình không tổ chức các kỳ thi Hương ở Bắc kỳ nữa, và các khoa thi phải có tiếng Pháp. Khoa thi năm 1919 là khoa thi cuối cùng sau 845 năm lịch sử khoa bảng của nước nhà.
Vua Khải Định xuống chỉ dụ: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ nay dứt hẳn”.
Lệ thi Hội trong khoa thi cuối cùng này cũng khác hẳn trước. Vì đây là khoa thi cuối cùng nên vua Khải Định muốn mở rộng đối tượng để nhiều người biết chữ Nho có điều kiện dự thi. Sách “Đồng Khánh – Khải Định chính yếu” chép rằng:
“Lần này là khoa thi Hội cuối cùng của triều đình, nên trẫm muốn gia ân cho sinh viên sĩ tử khoa mục trong cả nước, hễ ai thông thạo cả hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình qua bộ Học để xin vào ứng thí, lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa.”
Vua Khải Định xem bản tấu của bộ Học rồi duyệt cho 3 nhóm đối tượng được tham dự khoa thi là:
(1) Đỗ cử nhân trong kỳ thi Hương;
(2) Đỗ tú tài trong kỳ thi Hương và đang làm việc trong chính quyền với phẩm trật từ tòng cửu phẩm đến chánh thất phẩm;
(3) Tôn sinh, Ấm sinh, Học sinh đã đỗ tú tài. Các sĩ tử thuộc nhóm (3) này phải dự kỳ thi sơ loại trước đó gọi là “Thượng Hạng Hạch” và “Hội Hạch”.
Ngày mùng 4 tháng 4 năm 1919, khoa thi cuối cùng bắt đầu, kỳ thi Hội gồm Tứ trường, mỗi trường cách nhau một tuần.
Trường nhất sĩ tử phải làm 5 bài Văn sách, trong đó 3 bài viết về tứ thư và ngũ kinh như trường đây, ngoài ra còn phải có một bài viết về sử Việt, một bàì viết về sử phương Tây (trước đó là sử phương Bắc, nhưng nay phải dùng sử phương Tây theo yêu cầu của Pháp).
Trường nhị thi 3 bài Từ Hàn, gồm 1 chiếu hoặc dụ; 1 tấu hoặc sớ; 1 biểu.
Trường tam thi 3 bài luận bằng chữ quốc ngữ: 1 bài về hành chính, 1 về thời vụ và 1 về luật lệ, ngoài ra còn phải làm thêm hai bài toán hình.
Trường tứ thi 3 bài luận tiếng Pháp: 1 bài dịch từ tiếng Pháp sang chữ Hán; 1 bài dịch từ chữ quốc ngữ sang chữ Pháp và 1 bài chính tả viết bằng tiếng Pháp.
Các bài thi tiếng Pháp do Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế ra đề. Nếu trước đây phải thi đỗ trường nhất mới được vào trường nhị, thì nay lấy điểm chung cả tứ trường để chọn sĩ tử vào thi Đình. Điểm chấm mỗi trường theo thang điểm 0 -20, lấy trung bình là 10. Hết tứ trường những ai được 40 điểm trở lên được vào dự thi Đình.
Vì chỉ đạt điểm trung bình là đỗ thi Hội, nên những ai đỗ và vào đến thi Đình không phải được xem là đỗ tiến sĩ như trước đây.
Kỳ thi Đình nhà Vua đích thân ra đề hỏi về “văn minh” hoàn cầu, đề ra được viết bằng chữ quốc ngữ, và các sĩ tử cũng làm bài Văn sách bằng chữ quốc ngữ.
Ngày 24 tháng 5 là lễ truyền lô thông báo những người đỗ đạt, vua Khải Định làm chủ tọa, nhưng bên cạnh còn có viên Khâm sứ đại diện cho chính quyền Pháp.
Kết quả có 7 tiến sĩ và 16 phó bảng. Người đỗ thủ khoa là Nguyễn Phong Di, người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, với học vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. 2 sĩ tử ở Bắc Kỳ đỗ Tiến sĩ là: Trịnh Hữu Thăng, quê ở phố Định Tả, tỉnh Nam Định và Dương Thiệu Tường, quê ở xã Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông.
Thế nhưng khoa thi này chỉ được xem là nghi lễ để đánh dấu là khoa thi cuối cùng, vì những người đỗ đạt cũng không được xem trọng, không được bổ nhiệm làm quan như trước đây.
Trải qua 845 năm phát triển huy hoàng, sinh thành từ thời Lý Trần, khoa bảng đến thời kỳ vua Lê Thánh Tông là cực thịnh tạo nên thời kỳ Hồng Đức thịnh trị, sau đó là dần dần đi xuống. Đến khoa thi cuối cùng năm 1919 cho kết quả thật đáng buồn, cũng đánh dấu chấm hết thời kỳ khoa bảng đầy tự hào của dân tộc.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Khoa thi độc nhất vô nhị thời Lê: Tung quyển thi, chọn Trạng nguyên
- Vài chuyện lạ khoa cử Việt cho thấy người thi đỗ cần có đức
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng