Bài toán giáo dục tư nhân: Khó hay dễ?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Cho dù giáo dục tư nhân ở Việt Nam xuất hiện khá sớm và rộng dưới thời quân chủ chuyên chế, để từ chỗ sợ “tư nhân hóa giáo dục”, đến sự xuất hiện của trường bán công, dân lập rồi… tư thục, quốc tế, Việt Nam đã phải mất một khoảng thời gian khá dài.
Trong khi ở Nhật Bản người ta thường dùng các từ như “Giáo dục tư”, “Dân doanh hóa giáo dục”, ở Việt Nam uyển ngữ “xã hội hóa” được dùng phổ biến hơn.
Trong khoảng 10-15 năm trở lại đây, số lượng các trường tư ở Việt Nam từ mầm non đến đại học ra đời gần như là “bùng nổ”. Đấy là xu thế tất yếu. Một nền giáo dục lành mạnh tất yếu phải là nền giáo dục có hệ thống trường tư phong phú, mạnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh, học sinh. Nó cũng là điều kiện để giáo dục đảm bảo tính đa dạng tự nhiên và cần thiết của nó.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố có tính chất lịch sử, ở Việt Nam, sáng lập, sở hữu và thực sự điều hành các trường tư thục thường là các doanh nhân, công ty, tập đoàn đã hoặc đang hoạt động trong các lĩnh vực khác ngoài giáo dục như: thực phẩm, bất động sản, công nghiệp… Giáo dục là lĩnh vực đầu tư mà doanh nhân nhìn thấy ở đó có nhiều sự hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi thuần túy nhìn giáo dục như một “thị trường”, “một lĩnh vực đầu tư đem lại lợi nhuận”, giáo dục tư sẽ rất khó phát triển mạnh và có vị thế tốt. Sự ra đời rồi biến mất, sự thay đổi liên tục chủ sở hữu, các vụ lùm xùm, scandal của các trường tư là biểu hiện nói lên điều đó.
Kín đáo hơn, lặng lẽ hơn một chút là sự ra đi của những người hoạt động xã hội, các nhà giáo dục hoặc trí thức có chút tên tuổi đã từng tham gia sáng lập hoặc làm việc cho các trường tư.
Một trong những nhược điểm nổi bật của các trường tư thục ở Việt Nam trong thời hiện đại là người sáng lập, sở hữu, đầu tư thường không phải là nhân sĩ, trí thức, nhà tư tưởng, chính trị gia, nhà khai sáng có tên tuổi.
Đối với một ngôi trường, việc có người dẫn dắt về định hướng, triết lý, thiết lập các nền tảng tinh thần cốt lõi của nó là vô cùng quan trọng. Những ngôi trường tư của Nhật Bản như Waseda, Keio, Doshisha… tồn tại gần 200 năm, phát triển mạnh mẽ một phần là có được xuất phát điểm tốt như vậy. Ở Việt Nam hiện đại, rất hiếm tới mức gần như không có ngôi trường nào có được những người sáng lập có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn như các cụ sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục thời xưa (Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can…).
Một nhược điểm nữa là có thể có những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục có uy tín nhất định và ít nhiều có tầm ảnh hưởng nhưng bản thân họ không có đủ tài chính và các điều kiện khác để lập trường, sở hữu trường. Kẻ sĩ ở Việt Nam có tài sản lớn nhờ thừa kế từ cha ông hầu như không có một ai. Trí thức ở ta – như một sự nối dài của Nho sĩ – cũng xa lạ hoặc không tham gia vào công việc kinh doanh để có được tài sản lớn.
Kết quả là sự “kết hôn” giữa người có tài chính, thế lực với người có khả năng về chuyên môn, điều hành trường học nảy sinh như một tất yếu. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng không bền vì nhiều lý do trong đó có lý do ở Việt Nam thiếu vắng truyền thống bảo trợ cho văn học, nghệ thuật, giáo dục. Rất ít người có tài sản lớn dám “chịu chơi” như người Nhật, người Mỹ, người châu Âu: đầu tư một núi tiền chỉ để nhà khoa học khi phát hiện ra một ngôi sao thì đặt tên ngôi sao đó là tên họ, để nhà khảo cổ học khi tìm ra một di chỉ nào đó thì xướng tên họ trong lễ công bố…
Trong cuốn sách “Cải cách giáo dục Nhật Bản” (Thaihabook, 2014), giáo sư Ozaki Mugen đã từng viết rằng khi nhìn lại lịch sử giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị, Taisho, người Nhật hiện đại vô cùng kinh ngạc khi thấy danh sách những người cống hiến tiền bạc vô vị lợi cho việc xây dựng những ngôi trường cận đại!
Ở Việt Nam, tư sản dân tộc gần như không có, tầng lớp quý tộc cũng không, kẻ sĩ, sĩ phu, giáo viên thì không có tài sản tích lũy, thừa kế.
Tất cả những yếu tố làm cho giáo dục tư có xuất phát điểm thấp, bấp bênh và dễ tha hóa.
Làm thế nào để khắc phục? Có hai cách.
Một là làm thế nào đó và phải chờ dần dần để những người sống bằng nghề trí tuệ như các “sư”, các “sĩ” giàu lên bằng phát minh, sáng chế, sản phẩm trí tuệ và họ có thể mở trường của mình (thay vì phải làm thuê hay cho mượn tên như hiện tại).
Hai là làm thế nào đó để tư sản người Việt nhận ra rằng đầu tư cho giáo dục là một công việc nên làm, cần phải làm và mục tiêu lợi nhuận là thứ yếu hoặc không đặt ra.
Cả hai đều khó nhưng không phải là vô vọng. Câu trả lời nằm trong tất cả những người Việt quan tâm và suy ngẫm về giáo dục.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- “Nghề thầy” – Những tâm sự còn nóng hổi sau gần 80 năm
- Giáo dục con người không phải là nuôi cho lớn, làm cho thi đỗ
- Học để làm gì?
Mời xem video “Giáo dục con người không phải là nuôi cho lớn, làm cho thi đỗ”:
Từ khóa giáo dục tư Giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương