Bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn
- Sơn Nam
- •
Sài Gòn phát triển nhanh chóng nhờ vị trí địa lý thuận lợi để lập bến cảng; là cảng đường sông, đường biển, thêm cảng hàng không. Trước 1945, Sài Gòn chỉ đứng sau Xinh-ga-po và Hương Cảng, gọi hòn ngọc Viễn Đông thì chẳng có gì là quá đáng.
Theo từ ngữ ở Nam Bộ, không quen gọi cảng nhưng gọi bến, bằng cớ là nay ta vẫn gọi Bến Nhà Rồng. Cảng Sài Gòn được gọi “chợ Bến Thành”, tức là bến nước của thành Phiên An, sau đổi ra thành Gia Định, mặt bằng ở khoảng tượng Trần Hưng Đạo ăn dài theo mé sông. Người dám phóng tay mở cảng này là Tả quân Lê Văn Duyệt, tạo ra hiềm khích với vua Minh Mạng có chủ trương bế quan tỏa cảng. Sau đó xảy ra vụ Lê Văn Khôi gây náo loạn ở vùng đất nay là nhà thờ Đức Bà và phụ cận hơn 2 năm, gây hậu quả sụp đổ về kinh tế. Bởi vậy hồi 1859, người Pháp mô tả Sài Gòn quá nghèo.
Thực dân Pháp ngạc nhiên khi thấy Bến Thành quá tốt về vị trí. Trước đó, khi hứa viện trợ quân sự cho Nguyễn Ánh để đánh Tây Sơn, Pháp tuy tham lam nhưng chỉ đòi được nhượng vùng Côn Đảo và Đà Nẵng để làm bến dừng tàu thuyền trên đường đi Trung Hoa và Nhật. Sài Gòn bấy giờ là hình bóng mập mờ.
Đánh chiếm Sài Gòn năm 1859 rồi thì năm 1860 khi tướng Nguyễn Tri Phương đang xây thành Chí Hòa không xa, lập tức Pháp cho mở cảng Sài Gòn nhằm xuất cảng lúa gạo, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Cảng hồi ấy vẫn ở chỗ tượng Trần Hưng Đạo. Khi thắng thế sau trận Chí Hòa, Pháp bèn giải tỏa khu vực tượng Trần Hưng Đạo, đưa hải cảng qua phía Khánh Hội (quận tư), từ Bến Nhà Rồng ngày nay đến vùng cầu Tân Thuận để chiếm mặt bằng rộng rãi hơn. Khu chợ bị dời vào kinh Chợ Vải (đường Nguyễn Huệ), rồi sau đó đời đến chợ Bến Thành ngày nay.
Vùng quận tư đời Tự Đức là làng quê nghèo nàn, như phía Cà Mau, với đất thấp, phèn mặn, lá dừa nước, ô rô, cóc kèn, dưới sông nước lợ có cá đối, cua biển, tép; cá sấu vẫn len lỏi đến. Chợ quan trọng vẫn là Xóm Chiếu, đã có từ xưa; lác (cói) dễ sống nơi đất mặn và phèn. Ngay cầu Tân Thuận ngày nay, hồi đầu thế kỷ là vàm của rạch Bàng; bàng là một thứ cói, thân tròn, dùng đan đệm, làm nóp, phơi lúa. Trên bản đồ ngày nay ghi mơ hồ, không bỏ dấu là rạch Ban Đồn, dân gian gọi khỏi hài rạch Bản Đờn (đàn), tôi hiểu là rạch Bàu Đồn, trước khi Pháp đến, nơi đây có đồn Hữu Bình, đối diện với bờ bên kia là đồn Tả Định nhằm phòng thủ thành Gia Định, quanh đồn có rạch Bàng thay cho chiến hào (Đời Tự Đức, ghi Thảo câu, con rạch bàng, lác là cỏ).
Bến Nhà Rồng là chi nhánh của Công ty Vận chuyển bộ và hàng hải quốc doanh của hoàng gia Pháp. Pháp đánh nước ta vào thời còn quân chủ, với hoàng đế Na-pô-lê-ông đệ tam, vì vậy, bên hông trụ sở Nhà Rồng còn hai chữ M. I. (rất tiếc bị quét nước với lên trên, tức là Messageries Impériales). Trụ sở này xây cất quá sớm, bấy giờ ở Sài Gòn chưa có thợ hồ xây tường theo kỹ thuật Tây phương. Vùng Sài Gòn chưa có an ninh, vì vậy, gọi nhà thầu từ Xinh ga-po và công nhân bên ấy sang. Rạch Bến Nghé ăn vô Chợ Lớn nước chảy thông thương bị bồi lấp, ghe tải chở gạo từ kho Chợ Lớn ra cảng Sài Gòn lần hồi khó lưu thông, Pháp cho đào con kinh Tẻ vào những năm đầu thế kỷ, nối từ Chánh Hưng ra Tân Thuận, ngay vàm Rạch Bàng, đến bến cảng. Vàm này từng nổi danh là thắng cảnh có cây cổ thụ với Dinh Cô. Pháp gọi đó là mũi đất dành cho người đi nhàn tản (pointe des Flaneurs) để “đối chiếu” với mũi Tán Dóc (pointe des Blageurs) ở cột cờ Thủ Ngữ. Đến Tân Thuận để đi bách bộ hóng mát, người Pháp dùng xe ngựa kéo. Phía cột cờ Thủ Ngữ thì dành cho ông Tây bà Đầm đến ve vãn nhau, đấu láo vô tích sự.
Cảng Sài Gòn phát triển, lúa gạo thu mua từ phía Hậu Giang, quá dồi dào nhờ đào hệ thống kênh rạch, nay là ngã năm, ngã bảy (tỉnh Cần Thơ), liên lạc xuống Bạc Liêu. Khu công nghiệp mà Pháp dự trù hồi những năm đầu thế kỷ vẫn là Vĩnh Hội (cầu Mống, nay hãy còn, cất trên bệ cao để ghe buồm ra vào). Công ty đường ngày nay là mặt bằng của nhà máy xay xát đầu tiên của Pháp. Lại có Công ty Graf và Jaques mở xưởng cơ khí, bên Thủ Thiêm là hãng Caric nay hãy còn. Khu ngân hàng cũng ở gần cầu.
Nói đến tình hình Sài Gòn hồi đầu thế kỷ nghe như khó tin. Trong số phu khuân vác còn nhiều người đầu để búi tó, mặc bà ba đen, đi chân đất. Chiếc xe đạp đầu tiên qua Sài Gòn vào năm 1893. Những chiếc ô tô đầu tiên (buổi ấy còn là trò chơi thể thao) nhập từ năm 1903 – 1906. Công chức Pháp đi xe đạp là sang trọng. Ngoài đường, các bà đầm đội nón có giắt lông chim cò theo thời trang. Những năm đầu thế kỷ, còn rải rác tàu viễn dương vừa chạy sức hơi nước vừa chạy buồm. Hành trình từ Sài Gòn qua Pháp non 1 tháng ròng rã. Khi có chuyến tàu từ Pháp đến, Bến Nhà Rồng người đông như hội chợ, để đón thân nhân bạn bè. Chiếc cầu Nguyễn Tất Thành ngày nay xưa kia là cầu quay, đúng giờ thì quay thớt cầu để cho ghe chở nước mắm có cột buồm từ Phan Thiết vào rạch Bến Nghé, về sau không quay nữa, lại đặt đường ray de kéo toa hàng hóa qua cầu.
Chưa có ô tô chở khách, đi xe kiếng (ngựa kéo) khá đắt tiền. Năm 1888, xe kéo du nhập, do người Nhật. Mỗi “cuốc” tối thiểu 5 xu, kéo suốt 1 giờ ăn 12 xu! Đèn điện chỉ có ở các cơ quan, cháy sáng đến đường Lê Duẩn là hết. Năm 1904, bão lụt năm Thìn gây tai họa cho các nhà trồng tỉa ở Biên Hòa, Lộc Ninh, vườn dừa, bông vải tiêu tan. Bấy giờ chưa chú ý đến cây cao su. Dân quê vùng phụ cận Sài Gòn Chợ Lớn nôn nóng, tức giận vì bị áp bức, nhưng không biết nên làm gì! Các tay “anh chị” ở Khánh Hội (quận tư), ở cầu Muối cứ tụ tập ở quán cà-phê, quán rượu bình dân, lắm khi đầu còn mang búi tó, mặc áo ka-ki như lính Pháp, hoặc áo “xá xấu” theo kiểu người Hoa, cổ thì vấn chiếc khăn lông khá dày (xếp làm tư thì có thể đỡ những nhát dao khi bị chém). Chỉ sau năm 1918, thắng cuộc Thế chiến thứ nhất, Pháp mới hăng hái đầu tư vào vườn cao su, lập xí nghiệp, làm nảy sinh tầng lớp công nhân. Cảng Sài Gòn rầm rộ lên với nhiều dịch vụ mới.
Sơn Nam
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
- Tản mạn về tín ngưỡng thờ thần của người Sài Gòn xưa
- Nguồn gốc thành ngữ “Ông già Ba Tri” của người Nam bộ
Mời xem video:
Từ khóa cảng Sài Gòn Sơn Nam