Khói bếp là một hình tượng văn học thường thấy khi người ta đọc văn chương nói về nỗi nhớ quê nhà.

Văn nhân hay người thường, nhìn thấy khói đều nhớ nhà cả.

Tôi cũng thế. Từ khi vào đại học sống xa quê cho tới sau này ra nước ngoài, đi đâu nhìn thấy khói bốc lên cũng nhớ về căn bếp của mẹ.

Bếp xưa có khói vì ở quê người ta bằng rơm, rạ, lá, cành khô, củi, trấu…

Nhà tôi cũng thế.

Căn bếp nhà tôi nằm gần cổng ra vào. Đi từ cổng vào qua lối đi dẫn vào chuồng lợn là nhà để cối giã gạo, cối xay rồi đến nhà bếp. Nhà bếp nhìn thẳng ra giếng nước. Nhà bếp hồi tôi còn là học sinh lợp mái rạ. Khói bốc qua mái ra lên thẳng bầu trời nhìn rất rõ. Đi từ ngoài bờ đê sông Thương nhìn vào thấy rõ cột khói bếp nhà mình bốc lên nền trời xanh thẳm vào những hôm thời tiết đẹp.

Trong bếp có ba cái kiềng, hai cái để tự do còn một cái phía trong cùng gần cột được gắn vào ba ông đầu rau hoàn toàn cố định. Bếp có ông đầu rau ấy dùng để nấu thường xuyên, nấu những nồi to như nồi cám và có gắn bễ. Ban đầu là bễ quay tay về sau là bễ điện. Bễ là công cụ được dùng để hỗ trợ khi phải nấu những thứ khó cháy như trấu, củi ướt hoặc là gốc cây to. Có gió thổi vào, mọi thứ đều bốc cháy. Ở cây cột cạnh đó có cái giỏ treo treo đũa ghế cơm, đũa để đảo thức ăn khi xào nấu, các loại thìa to múc canh. Trên thân cột là những cái đuôi cá lớn. Ở quê tôi người ta có tục lệ nếu bắt được cá lớn thì chặt lấy đuôi, dán lên cột trong nhà bếp. Khi làm như vậy thì sẽ gặp may và ngày càng bắt được nhiều cá hơn. Hai chiếc kiềng còn lại dùng để nấu các loại nồi nhỏ hoặc dùng khi cần phải nấu gấp phục vụ đông người. Đôi khi cần kíp bố tôi có thể nhào đất đắp một cái lò ngay trong góc bếp ngoài cùng để nấu những nồi to như nồi luộc bánh chưng.

Mùa đông được ngồi trong bếp thò tay hơ gần ngọn lửa thật thích. Tôi còn nhớ lúc nhỏ hay được bố cho ngồi vào lòng trong lúc ông đun nấu ở bếp. Thằng em tôi cũng thế và vì là con út nó còn được ngồi mãi ngay cả khi đã đi học. Bố tôi có cái áo giả da đã cũ, chỗ cổ tay, cổ áo đã sờn, chỗ nách đã bung chỉ nhưng mặc nó rất ấm nên bố tôi vẫn dùng. Ông hay cho thằng em út của tôi ngồi vào trong lòng để nó giấu cả chân vào hai vạt áo da đó.

Phía ngoài cùng, sát với tường bố tôi đắp một cái bờ tường cao tầm đầu gối tạo ra một khoảng trống giữa bờ tường nhà bếp và bức tường này. Chúng tôi gọi cái khoảng không gian đó là “thùng trấu”. Gọi thế vì bên dưới đổ đầy trấu. Bên trên thì để lá, củi. Khi nấu phải ra đó lấy củi, lá ra để nấu dần. Nếu nấu trấu thì phải lấy thúng hót trấu từ trong đó ra. Lúc tôi còn nhỏ nấu cơm chưa thạo thì ngồi chầu rìa xem các chị hay mẹ nấu và thi thoảng làm nhiệm vụ lấy lá, củi trấu từ đó ra. Vào mùa đông trong thùng trấu rất ấm và… tối. Chơi trốn tìm mà trốn vào đó thật… tuyệt. Bọn chó mèo cũng phát hiện ra điều này nên chúng thích nằm ngủ và thậm chí làm ổ để trong đó luôn.

Trong nhà bếp có chạn bát, nồi niêu xoong chảo, giá treo dao, liềm và đặc biệt là có một cái quang nhỏ dùng để treo… âu mỡ. Các con bây giờ khó lòng có thể tưởng tượng được rằng ngày xưa đã có thời trẻ con như tôi phải tìm trăm phương nghìn kế để ăn vụng mỡ lợn đựng trong cái âu nhỏ đặt trên cái quang đó. Để cho con khỏi ăn vụng và chó mèo khỏi phá, bố tôi treo một cái móc sắt ở giữa nhà rồi treo cái quang có âu mỡ lên. Cao cực kì. Đứng trên cái ghế ăn cơm bố mẹ tôi phải với tay nhón chân mới lấy được. Chị cả tôi phải kiễng hết cỡ mới tới. Nhưng tôi vẫn lừa lúc bố mẹ đi vắng lấy trộm mỡ trộn với cơm nguội, rưới nước mắm vào ăn được, thế mới tài. Đó là vì tôi phát hiện ra nếu lên nhà trên bê xuống cái ghế tôi vẫn ngồi học thì việc lấy âu mơ xuống cực kì đơn giản. Vậy nên, lúc nào muốn ăn mà xin bố mẹ không cho thì chỉ cần lẳng lặng bê ghế xuống, trèo lên, lấy cái quang treo âu mỡ ra khỏi móc sắt, mở cái vung âu mỗ trơn nhẵn ra, lấy thìa hay đũa xắn một miếng mỡ lợn trắng tinh kết lại như sữa cho vào bát cơm là được. Nếu may mắn có thể xúc được cả một miếng tóp mỡ. Nó ngon lắm, không thứ gì ngon bằng.

Nhà tôi thường ăn cơm luôn trong gian bếp. Mọi người ngồi quanh một cái mâm gỗ hình chữ nhật bố tôi tự đóng. Những cái ghế gỗ chân thấp ngồi ăn cơm cũng là bố tôi tự làm từ gỗ ở vườn nhà. Có hai cái ghế to và cao hơn hẳn. Đấy là ghế dành cho bố và mẹ. Các ghế còn lại thì to bằng nhau dành cho bốn chị em. Thi thoảng mấy chị em lại lấy các ghế này xếp đồ hàng chơi. Tôi thích dùng chúng làm nhà để nhốt lũ chó con, mèo con vào đó chơi. Vào mùa hè, khi trời nóng quá thì dọn mâm lên thềm nhà trên hoặc đôi khi là dưới gốc bưởi gần bờ giếng để cả nhà ngồi ăn. Vừa ăn vừa quạt phành phạch, mồ hôi túa ra ướt hết cả lưng. Mấy bố con đàn ông thì cởi trần mồ hôi chảy thành giọt.

Ngay phía trên mấy cái kiềng là gác bếp. Nó là các que dọc, que ngang được gác lên tường, treo trên nóc rất chắc chắn, có rải thêm cả mành tre. Gác bếp là nơi bố mẹ tôi cất lên đó đủ thứ: hành tỏi, khoai lang, lạc, đậu, ngô… Để trên đó đảm bảo khô, không bị mối mọt. Trên gác cũng là chỗ tôi và bố tôi cất các loại dụng cụ đánh cá như thời, bồng, đụt, gọng vó… Thi thoảng bố tôi cũng vứt lên cả gác bếp những bó lạt, bó nan ông chẻ dùng để đan rổ rá dùng trong nhà. Tôi biết nan hong trên gác bếp sẽ bền, ít bị mối mọt. Vào mua thu hoạch hành tỏi, sau khi hành tỏi được bó lại và phơi ngoài sân một thời gian, mẹ tôi sẽ cất chúng lên gác bếp để làm giống và bán dần. Khi đó tôi sẽ làm nhiệm vụ giữ cái ghế rất cao để mẹ tôi trèo lên gác bếp cất hành tỏi. Tôi sẽ vừa giữ ghế vừa nhấc các túm tỏi, hành được bó lại gọn ghẽ đó đưa cho mẹ để mẹ cất lên gác. Chui vào bên trong gác bếp hãi lắm. Vừa chật, vừa tối lại… bụi. Bồ hóng nhiều khủng khiếp. Mẹ tôi phải bịt kín chỉ chừa đôi mắt. Tôi thử chui lên một lần, chỉ ở ngay phía ngoài thôi mà phát khiếp vì sợ bồ hóng. Ai từng sống ở quê đều biết bồ hóng là thứ lợi hại thế nào. Người ta thường nói “dai như đỉa đói”, nhưng dai đến mấy đỉa gặp bồ hóng trộn vôi thì cũng… đứt. Lội xuống ruộng, xuống đầm mà thấy đỉa nhao nhao bơi về phía mình thì cứ… kệ nó. Chờ chúng bám lên chân, lấy cái túi nhỏ bằng vải trong trộn vôi bột với bồ hóng chập một cái là đỉa ngã lăn cu đơ ngay! Không chết thì con đỉa đó cũng tê liệt, không dám bén mảng trở lại chân người nữa.

Vì căn bếp gắn bó với bao nhiêu sinh hoạt gia đình và kỉ niệm tuổi thơ nên có lẽ ai ở quê đi xa cũng nhớ về nhà bếp, nhớ làn khói bốc lên, nhớ mùi khói, mùi thức ăn, nhớ những vết nhọ trên tay chân, trên mặt khi nấu bếp.

Tôi vào đại học một thời gian thì bố tôi làm lại nhà bếp, ông thay mái rạ bằng mái ngói. Trên mái ngói có làm ống ống khói cẩn thận. Tôi tốt nghiệp đại học một vài năm thì nhà tôi làm thêm một gian bếp kiêm nhà ăn xây tường gạch, trên lợp mái tôn. Trong gian bếp này có đặt bếp ga. Chúng tôi mỗi lần về quê thì nấu bằng bếp ga vì đã nhiễm thói quen nơi thành phố, còn bố mẹ tôi vẫn dùng song song. Ông bà vẫn nấu nước, luộc gà, nấu những nồi hầm, ninh… bằng bếp củi. Lũ trẻ nhà tôi về quê cũng thích nghịch gian bếp cũ của ông bà. Chúng thi nhau đút củi vào bếp cho cháy rồi dùng que cời gạt than nghịch. Tuy thi thoảng cũng quát chúng cẩn thận kẻo bị bỏng hoặc cháy nhà nhưng trong lòng tôi thầm nghĩ “Chà chà! Mấy đứa này sao giống hệt mình ngày xưa”.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm: