Bị xâm lấn biên giới, Đại Việt nhiều lần phản kích, tiến sâu vào đất Tống
- Trần Hưng
- •
Vào thời đầu nhà Lý, biên giới phía bắc rất bất ổn, nơi đây là vùng đất thuộc về người Tày, người Nùng và người Thái do các tù trưởng đứng đầu. Quân Tống dùng rất nhiều thủ đoạn để xâm lấn, chiếm đất cướp dân, nhà Lý dùng biện pháp mạnh để bảo vệ biên giới, trong đó không ít lần tiến sâu vào đất Tống khiến quân Tống kinh hoàng.
Vua Lý kết thân với các tù trưởng
Lúc này ở Lạng Sơn và phía bắc của Bắc Giang (Lạng Châu) thường hay được gọi là Động Giáp, bởi người dân trong vùng đều mang họ Giáp. Cai quản vùng Động Giáp rộng lớn này là tù trưởng người Tày tên là Giáp Thừa Quý, gia đình ở Chi Lăng, Lạng Sơn.
Sau khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, để ổn định vùng biên giới phía bắc, nhà Vua tăng cường mối quan hệ giao hảo với các tù trưởng. Nhận thấy vùng Lạng Châu rất then chốt nên vua đã gả con gái cho tù trưởng và phong làm phò mã.
Giáp Thừa Quý được vua gả con gái là Lĩnh Nam công chúa và phong làm phò mã, đổi từ họ Giáp (甲) sang họ Thân (申) bằng cách thêm một nét.
Thân Thừa Quý được xem là ông tổ của dòng họ Thân, dòng họ 3 đời sau này được lấy công chúa, phong làm phò mã và làm châu mục Lạng Châu, cai quản và bảo vệ vùng biên giới phía đông bắc.
Thân Thừa Quý tiến sang đất Tống
Thời điểm này quân Tống hay quấy phá vùng biên giới, đánh cướp Lạng Châu, Thân Thừa Quý đưa quân đánh thắng thì quân Tống lại rút đi, sau đó lại đến quấy phá.
Năm 1028, quân Tống lại đến cướp phá Lạng Châu, Thân Thừa Quý đưa quân đến đánh bại rồi đem quân truy đuổi sang đất Tống, đánh đến tận châu Thất Nguyên (Thất Khê), bắt được rất nhiều quân Tống. Chúa châu Thất Nguyên là Lý Tự bị chết. Thân Thừa Quý cũng bắt thêm nhiều người Tống nhằm gây áp lực ngoại giao với nhà Tống.
Viên quan nhà Tống coi Ung Châu phải nghị hòa, Thân Thừa Quý mới thả người và cho quân rút về nước.
Sự kiện này được ghi chép trong “Tục tư trị thông giám trường biên” như sau: “Năm 1028, có việc gì bất bình ở biên giới, Phò mã Thân Thừa Quý đem quân vào đất Tống. Tại Chúa châu Thất Nguyên Lý Tự bị chết. Thừa Quý bắt dân Tống đem về, Viên coi Ung Châu bàn hòa. Lý Thái Tổ ưng thuận”.
Thân Thiệu Thái tiến đánh Tống đến tận Ung Châu
Sau khi Thân Thừa Quý mất, con trai là Thân Thiệu Thái lên thay, được vua Lý gả Bình Dương công chúa và phong làm phò mã.
Năm 1059, quan lại nhà Tống dụ dỗ dân ở Lạng Châu qua đất Tống rồi giữ lại không cho về. Vua Lý Thánh Tông yêu cầu thả người nhưng nhà Tống không chịu.
Phò mã Thân Thiệu Thái nhận lệnh đưa quân sang châu Tây Bình của nhà Tống để đòi người nhưng bị quân Tống đánh chặn phải rút lui.
Lấy cớ Đại Việt tiến quân sang, nhà Tống cử tướng Tống Sĩ Nghiêu đưa quân tiến đánh Lạng Châu. Thân Thiệu Thái đánh cho quân Tống thảm bại, bị thiệt hạ rất nhiều, Tống Sĩ Nghiêu đưa tàn quân chạy về nước.
Thân Thiệu Thái lại cho quân truy đuổi sang tận đất Tống, tiêu diệt được Tống Sĩ Nghiêu và nhiều tướng lĩnh khác. Vua Tống hay tin vội đưa quân đến Ung Châu nhằm sẵn sàng tiến đánh quân Đại Việt.
Lúc này đã sang năm 1060, Thân Thiệu Thái cho quân tiến đến Ung Châu. Các tướng Tống phải xin thêm 3.000 quân thiện chiến ở Kinh Hồ xuống cứu viện. Trên đường đi, Thân Thiệu Thái cho quân đánh vào trại Vĩnh Bình, bắt được viên tướng chỉ huy là Dương Bảo Tài cùng nhiều binh lính, đồng thời cho quân đốt phá các căn cứ của nhà Tống.
Vua Tống cho cách chức quan coi thành Quế Châu và Ung Châu, rồi cử Thị lang Bộ Lại là Dư Tĩnh đưa thêm quân đến bảo vệ Ung Châu, đối phó với Thân Thiệu Thái.
Vua Lý thấy Thân Thiệu Thái giành một loạt chiến thắng thì cho thêm quân tăng viện tiến sang đất Tống. Nhà Tống thấy quân Đại Việt rất mạnh liền nghị hòa, các quan và tướng nhà Tống xin nhận lỗi. Vua Lý chấp nhận nghị hòa và rút quân về, nhưng không trả lại viên tướng Dương Bảo Tài nhằm trừng trị việc dụ dỗ dân chúng đi qua đất Tống, nhà Tống phải chấp nhận.
Nhà Tống tiếp tục dụ dỗ các tù trưởng
Đến năm 1062, quan nhà Tống lại tiếp tục ý đồ xâm lấn biên giới, mua chuộc thủ lĩnh, dụ dỗ dân chúng theo Tống, nhường lại vùng đất cho Tống, rồi cho lập vùng đất ấy thành châu Thuận An. Không chịu mất đất, vua Lý cho phò mã Lê Thuận Tông (chồng công chúa Kim Thành) là châu mục Châu Phong đi sứ sang Tống đòi lại đất và dân.
Nhà Tống buộc phải trả lại đất nhưng giữ lại dân không trả. Nhà Lý cũng cho quân đánh chiếm lại các vùng đất biên giới bị nhà Tống lấn chiếm.
Lý Thường Kiệt tiến đánh Ung châu
Năm 1073, nhà Tống lại mua chuộc Nông Thiện Mỹ, một thủ lĩnh ở gần vùng Thất Khê (Lạng Sơn), đem 700 dân chạy sang theo Tống. Năm 1075 nhà Lý đòi lại người nhưng nhà Tống không trả lời vì đang tập hợp quân lương ở Ung Châu chuẩn bị tiến đánh Đại Việt.
Lúc này Khu Mật Viện báo tin quân Tống chuẩn bị kế hoạch đánh Đại Việt, quân lương tập trung ở Ung Châu. Kế hoạch đánh Ung Châu được tiến hành và đặt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt.
Lý Thường Kiệt cho quân triều đình và quân các tù trưởng vùng biên giới cùng tiến sang Tống. Lúc này Thân Thiệu Thái đã mất, con trai là Thân Cảnh Phúc lên thay được gả công chúa phong làm phò mã. Thân Cảnh Phúc cũng chỉ huy đội quân của mình tiến sang đất Tống.
Quân Đại Việt lần lượt đánh bại quân Tống ở Khâm Châu, Liêm Châu, Lộc Châu, Bạch Châu, rồi tiến đến bao vây Ung Châu và đánh bại quân Tống ở đây, rồi gây ra cuộc thảm sát thành Ung Châu.
Nhà Tống mất mặt đến mức quyết định nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, nhằm huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt để phục thù.
Đầu năm 1077, tướng Quách Quỳ dẫn 30 vạn quân, trong đó có 10 vạn quân chủ lực và 20 vạn phu phen tiến đánh Đại Việt. Nhưng một lần nữa quân Tống lại chịu thảm bại, phải đồng ý nghị hòa rút quân về nước, điểm lại binh mã thì 10 vạn quân chủ lực chỉ còn lại 23.400 lính, 20 vạn phu phen còn lại chưa đầy một nửa.
Chiến thắng này đã đập tan ý chí Nam tiến của quân Tống, khiến nhà Tống từ đó không dám ngó ngàng dải đất phương Nam nữa.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhà Tống nhà Lý biên giới lịch sử Việt Nam