Bộ tranh quý về triều đình nhà Nguyễn
- Minh Nhật
- •
Bộ tranh “Triều đình Huế” là bộ tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân (1840-1917), mô tả lại các cơ quan trọng yếu của triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ. Chỉ có một điều đáng tiếc là hiện bộ tranh này mới chỉ tìm được 6 bức, mô tả lại 4 bộ, 1 viện, và 1 lễ, các bức tranh khác được cho là đã bị thất tán..
Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vốn gốc là người Bắc, vùng Nam Định, được điều vào làm việc tại Kinh Đô Huế. Ông vẽ bộ tranh “Triều đình Huế” vào năm 1895, dưới triều Thành Thái, trước một bộ tranh cũng không kém phần nổi tiếng của ông là “Đại lễ phục triều đình An Nam” (la Grande tenue de la Cour d’Annam) (1902).
Hiện bộ “Triều đình Huế” được trưng bày tại Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam với 6 bức tranh, bao gồm Viện Cơ mật, Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Công và Lễ Phục mạng. Khi đối chiếu với bộ tranh “Đại lễ phục triều đình An Nam” với 54 bức, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể bộ “Triều đình Huế” của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đã bị thất tán. Bởi lẽ, đề tài về triều đình nhà Nguyễn không thể chỉ vẽ 4 bộ (thay vì 6 bộ), và ngoài Viện Cơ mật còn có Tôn nhơn phủ, Viện Đô sát, Quang lộc tự, Thái thường tự… cùng các cơ quan cơ yếu khác; đồng thời, lễ Phục mạng cũng chỉ là một lễ thường trong rất nhiều nghi thức quan trọng khác của triều đình nhà Nguyễn.
Với bút pháp hiện thực quen thuộc dễ nhận thấy như trong “Đại lễ phục triều đình An Nam”, ở bộ tranh này, tác giả đã sử dụng thủ pháp ước lệ để dễ dàng miêu tả công việc đặc thù của các cơ quan. Chẳng hạn, Bộ Công thợ thuyền đứng, ngồi cưa xẻ chạm trổ vật liệu dùng trong xây dựng; Bộ Hộ tấp nập thương nhân vào ra giao dịch tài chánh thuế khóa; Bộ Lễ trưng bày áo mão cân đai, vật phẩm cúng tế… Một điểm thú vị khác, tác giả ngoài việc miêu tả tư liệu, thì các nhân vật trong tranh ông cũng hiện rõ ràng, sinh động dưới bút pháp truyền thần chân thực của một nghệ nhân bậc thầy. Có thể thấy điều này khi đối chiếu ảnh chân dung của các vị thượng thư đương nhiệm như Trương Như Cương (Bộ Hộ), Đào Tấn (Bộ Công)… Điều này càng khẳng định thêm giá trị về nghệ thuật tạo hình, tư liệu lịch sử vào giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân.
Dưới đây là 6 bức tranh hiện có của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân:
1. Viện Cơ mật (le Conseil Secret)
Viện Cơ mật được thành lập năm 1835, dưới triều Minh Mạng (1820-1840). Nhà vua đích thân chọn bốn vị quan lớn (văn, võ) từ tam phẩm trở lên sung vào Viện để bàn bạc các việc trọng yếu của đất nước.
2. Bộ Lại (Ministère de l’Intérieur)
Bộ này có nhiệm vụ quản lý quan lại thuộc ban Văn, có nhiệm vụ bổ dụng, thuyên chuyển, thăng thưởng, khảo sát, phong tước, phong tặng… tương đương Bộ Nội vụ ngày nay.
Cơ cấu lãnh đạo một bộ gồm một quan Thượng thư (bộ trưởng), hai quan Tham tri (thứ trưởng), và hai Thị lang (vụ trưởng), cùng các thuộc viên như Lang trung, Viên ngoại, chủ sự, tư vụ, thư lại.
3. Bộ Hộ (Ministère des Finances)
Bộ đảm trách công việc tài chánh, thuế khóa, ruộng đất, tiền tệ, kho tàng, lương thực, hóa vật v.v. tương đương Bộ Tài chính ngày nay.
4. Bộ Lễ (Ministère des Rites)
Bộ chuyên trách về nghi lễ, giáo dục, ngoại giao.
5. Bộ Công (Ministère des Traveau publics)
Chuyên trách xây dựng cung điện, thành trì, lăng tẩm cho triều nhà Nguyễn; chế tạo tàu thuyền, xe cộ, mua sắm nguyên vật liệu v.v.; tương đương Bộ Xây dựng ngày nay.
6. Lễ Phục mạng (la Cérémonie de Phuc mang)
Miêu tả lễ báo cáo hoàn tất công vụ của một vị quan (khâm sai) trước vua và triều đình nhà Nguyễn. Vị quan này nhận lệnh vua giao phó (khâm mạng), sau khi giải quyết xong phải làm lễ báo cáo đầy đủ (phục mạng), đồng thời hoàn trả các phù, tiết, ấn, kiếm… vua ban để thực thi công vụ. Lễ này thường diễn ra tại sân điện Cần chánh, được cử hành theo nghi thức thường triều.
Minh Nhật tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa họa sĩ Nguyễn Văn Nhân triều đình Huế nhà Nguyễn tranh tư liệu