Cùng với việc mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện thì việc chăm sóc sức khỏe đã dần trở thành xu hướng. Tuy nhiên, dưỡng sinh cũng không phải chỉ giới hạn ở một số bài tập luyện, cũng cần tuân theo một số nguyên tắc cơ bản, làm được “tứ hữu” (bốn điều cần có): “tâm hung hữu lượng” (lòng dạ độ lượng), “động tĩnh hữu độ” (động tĩnh có chừng mực), “ẩm thực hữu lễ” (ẩm thực có lễ nghĩa), “khởi cư hữu thường” (có thói quen thường ngày đều đặn).

Dưỡng sinh mà không dưỡng đức thì chỉ là công dã tràng
(Ảnh minh họa: Svet_Feo, Shutterstock)

Coi trọng dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh là trí tuệ của cổ nhân. Sự gia tăng của trào lưu chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng rất có ích cho sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe cần phải thuận theo quy luật của thiên nhiên và sinh mệnh con người.

Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” có nói: “Cố trí giả chi dưỡng sinh dã, tất thuận tứ thì nhi thích hàn thử, hòa hỉ nộ nhi an cư xử, tiết âm dương nhi điều cương nhu”. “Tất thuận tứ thì nhi thích hàn thử” tức là phải thích ứng với sự thay đổi khác nhau của xuân, hạ, thu, đông. “Hòa hỉ nộ nhi an cư xử”, ý nói rằng chúng ta cần có tâm thái bình thản và cảm xúc bình tĩnh. Nếu tâm thái bất bình, cảm xúc không kiểm soát được thì việc ăn sơn hào hải vị, sống trong những ngôi nhà xa hoa, và tận lực chăm sóc bản thân cũng sẽ không thể có được sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. “Tiết âm dương nhi điều cương nhu” có nghĩa là muốn khỏe mạnh, cơ thể con người phải điều chỉnh âm dương, kết hợp cứng mềm để đạt được trạng thái cân bằng, hài hòa.

Đoạn văn này trong “Hoàng Đế Nội Kinh” sử dụng sáu động từ liên tiếp: thuận, thích, hòa, an, tiết, điều. Có thể thấy rằng tinh túy của dưỡng sinh chính là thuận theo sự điều độ, trung chính bình hòa, cân đối. Để làm được như vậy, dưỡng sinh cần làm được bốn điều là: “tâm hung hữu lượng” (lòng dạ độ lượng), “động tĩnh hữu độ” (động tĩnh có chừng mực), “ẩm thực hữu lễ” (ẩm thực có lễ nghĩa), “khởi cư hữu thường” (có thói quen thường ngày đều đặn).

“Tâm hung hữu lượng”: Có lòng dạ khoan dung rộng lượng sẽ giúp con người hạnh phúc và cân bằng về mặt tinh thần. Nếu một người có lòng khoan dung rộng lượng, vui vẻ và cân bằng về mặt tinh thần thì người đó đã nắm được chìa khóa vàng cho sức khỏe. Mỗi người phải giữ cho mình một tâm thái bình thường trong cuộc sống, không nên quá cầu kỳ và tính toán chi li trong mọi việc thì mới có thể sống cởi mở và vui vẻ.

“Động tĩnh hữu độ”: Một số người lầm tưởng rằng tập thể dục càng nhiều càng tốt, vận động càng mạnh càng tốt, điều này là không đúng. Sách “Bác vật chí” viết: “Thường tiểu lao, vật quá độ”, tức là cần vận động thường xuyên, nhưng không được quá mức. Sách “Khổng Tử gia ngữ” cũng viết: “Dật lao quá độ giả, tật cộng sát chi“, nghĩa là vận động quá mức và nghỉ ngơi quá nhiều đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Cho nên, sự vận động cần phải tránh quá sức và quá đột ngột, đồng thời mức độ vận động đối với mỗi người là khác nhau. Đối với người cao tuổi thì khái niệm điều độ lại càng đặc biệt quan trọng. Ví dụ có người cao tuổi cho rằng đi bộ đường dài, leo cầu thang để tăng cường vận động. Nhưng khớp của người cao tuổi đã bị mòn và xương cũng không còn tốt, nên sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khi vận động leo như vậy trường kỳ. Vì vậy, người cao tuổi nên tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ thư thái là hiệu quả nhất.

“Ẩm thực hữu lễ”, chữ “lễ” trước hết ám chỉ lượng thức ăn mà chúng ta ăn cần phải có sự tiết chế. Ăn uống điều độ, không chỉ nên ăn thịt có chừng mực mà cả ngũ cốc, thực phẩm và đồ uống nói chung cũng không nên ăn quá nhiều. Thứ hai, “lễ” chỉ sự phù hợp. Y học cổ đại chú trọng việc ăn uống đúng “thời”, nghĩa là nên ăn mùa nào thức ấy. Môi trường ăn uống nên là phòng ấm áp vào mùa đông, nơi mát mẻ thoáng mát vào mùa hè… Ngoài ra, khi ăn uống cần phải giữ tinh thần thoải mái, không nóng nảy, không bực tức, không lo lắng…

“Khởi cư hữu thường” có nghĩa là thói quen hàng ngày của một người phải đều đặn. Danh y nổi tiếng thời nhà Thanh, Trương Chí Thông nói: “Có nề nếp sinh hoạt đều đặn là dưỡng thần, không lao lực là dưỡng tinh. Khi thần khí mất đi chỉ còn lại hình thể thì người đó sẽ chết. Có thể điều dưỡng thần khí, cho nên có thể cùng hình thể tồn tại và sống đến hết tuổi thọ”. Điều này cho thấy việc duy trì thói quen thường xuyên là nguyên tắc quan trọng để điều dưỡng thần khí.

Thần khí đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Đây là “bản tóm tắt chung” về các hoạt động sống của con người. Nếu một người có thể có thói quen sinh hoạt hằng ngày đều đặn, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý thì có thể bảo dưỡng được thần khí, cơ thể tràn đầy năng lượng, khỏe mạnh, sắc mặt hồng hào, đôi mắt sáng và thần thái rạng rỡ. Ngược lại, nếu một người có thói quen sinh hoạt thất thường, không sắp xếp được thời gian làm việc và nghỉ ngơi theo quy luật tự nhiên thì thần khí sẽ suy yếu theo thời gian, tinh thần uể oải, sức sống giảm sút, sắc mặt nhợt nhạt, đôi mắt đờ đẫn, vô hồn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: