Góc tự học: Thế nào là tự học?
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
“Phải tự mà học đi đừng để ba mẹ phải nhắc nhở.”
“Các em về nhà phải tự học bài ôn bài đầy đủ.”
Hồi nhỏ, hầu hết mọi đứa trẻ đều được ba mẹ, thầy cô dặn dò, nhắc nhở phải tự học. Một đứa trẻ biết tự học hiểu theo nghĩa của phụ huynh và giáo viên trong những câu nhắc trên là chủ động tự giác ngồi vào bàn làm bài, học bài, không cần kêu bảo kèm cặp nhắc nhở.
Một người ham đọc sách, tự tìm đọc tài liệu liên quan đến những gì được học, thực hành, thu thập kiến thức phục vụ cho quá trình nghiên cứu, đam mê, công việc, phát triển bản thân thì thường được gọi là người biết tự học.
Tôi băn khoăn, trộm nghĩ, như vậy có thực là tự học hay không?
Bởi cho dù tôi ngồi vào bàn học bài làm bài đầy đủ, không cần ba mẹ la mắng, không đợi cô thầy nhắc nhở trách phạt, thì tất cả những điều mà tôi học và ghi nhớ đó vẫn chỉ là kiến thức của người khác, từ trải nghiệm riêng của họ mà hình thành và ghi chép, hướng dẫn lại. Tôi học kinh nghiệm của người khác. Những kinh nghiệm mà số đông hoặc nhóm người có quyền lực cho là hay, tuyên bố là nó đúng nên đưa vào chương trình giáo dục phổ biến cho tất cả mọi người sống trong cộng đồng, xã hội đó học theo, làm theo. Kể cả khi tôi thực hành, áp dụng những kiến thức được học vào đời sống thì vẫn là đang bắt chước, lặp lại trải nghiệm từ kinh nghiệm, kiến thức của người khác. Tôi tự đọc sách, đọc tài liệu, nghiên cứu, thực hành thì vẫn dựa trên nền tảng kinh nghiệm của người khác. Nói là tự học nhưng thực chất tôi không tự học cái gì cả mà thực chất chỉ là thu thập và tổng hợp kiến thức, lặp lại kinh nghiệm của người đi trước mà thôi. Nếu tôi nhầm lẫn coi việc tiếp nạp, thu thập, tổng hợp kiến thức, lặp lại kinh nghiệm của người khác là tự học thì tôi sẽ phát triển bản thân theo một hình mẫu nào đó của người khác, có khi cả đời mà không nhận ra.
Nói vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận toàn bộ kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước, của người khác và cho rằng chúng không có giá trị. Mà để phân định rõ việc thụ động hoặc chủ động tiếp nạp, thu thập, tổng hợp kiến thức đã có, lặp lại kinh nghiệm của người khác không phải là tự học.
Một đứa trẻ lần đầu cắn vào múi chanh. Nó tự cảm nhận được vị, mùi của múi chanh, nhận biết cơ thể đang tiếp nạp vị, mùi ra sao. Sờ, cầm nắm một vật, trẻ cảm nhận nhiệt độ, độ rắn mềm, hình dạng, sự tương tác qua quá trình xúc chạm. Nhìn một vật, trẻ nhận biết hình dạng, màu sắc, ánh sáng, sự tương tác của vật với mắt. Đi, đứng, nằm, ngồi, lăn lê bò toài, trẻ cảm nhận các mặt phẳng và sức hút của trái đất, học cách cân bằng. Quá trình tự học diễn ra tự nhiên nơi mọi đứa trẻ, không ai hướng dẫn. Trẻ tự trải nghiệm và đã tự học từ lúc tượng hình. Lẳng lặng bồng ẵm, đi theo một đứa trẻ, quan sát và lắng nghe nó, ta thấy trẻ thường háo hức tự học mọi thứ thông qua việc tự trải nghiệm cuộc sống. Nó không cần ai hướng dẫn, chỉ bảo và cũng không ai có thể hướng dẫn hay chỉ bảo. Người mẹ có thể dùng lời nói, chữ viết để diễn tả vị chua của trái chanh cho con nghe, nhưng nếu trẻ không tự cắn, tự nếm vị chua của trái chanh thì sẽ không bao giờ thực biết chua là gì.
Tôi đi theo đứa trẻ đang chập chững biết đi. Nó đi vài bước, ngồi phịch xuống, bò đến cái ghế, vịn cái ghế cố tự đứng lên. Nó đi đến lu nước, cho tay vào khua khoắng, khoái chí cười toe. Nó bò qua hũ gạo, cố mở nắp cho tay vào bốc, ném. Nó đi ra cái xe đạp, sờ nắm các bộ phận, cố xoay bàn đạp, cố leo lên. Trẻ thay đổi sự chú ý rất nhanh. Nhưng khi chú ý vào cái gì thì hoàn toàn tập trung vào cái đó. Tôi vịn nhẹ vào cái ghế để cái ghế đừng ngã khi trẻ vịn, đu, đẩy ghế. Tôi trông chừng để trẻ không lọt vào lu nước hoặc nghịch quá lâu, nếu nó ướt tôi thay quần áo cho nó. Tôi quét dọn khi trẻ vung vãi gạo. Tôi bảo đảm cái xe đạp không ngã vào người trẻ khi nó chơi. Những vật dụng nguy hiểm như dao, kéo, nước nóng… tôi cất ngoài tầm với của nó. Tôi ở đó với nó, lặng lẽ chăm chú quan sát, lắng nghe, cười hưởng ứng khi nó nhìn mình, giúp đỡ khi nó cần. Không một lời ngăn cản, không một câu la mắng, không một thái độ bực tức. Nó trải nghiệm, nó tự học, tôi trải nghiệm, học cùng nó.
Khi đứa trẻ ấy ở bên cạnh người khác thì nó luôn bị nghe những câu ngăn cản, la mắng, không cho cái này không được cái kia, than thở, trách móc. Trẻ thường xuyên bị ngăn cản và la mắng trước khi kịp trải nghiệm. Thay vì ở bên cạnh để bảo đảm an toàn cho trẻ tự trải nghiệm, tự học thì người lớn thường truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm của bản thân – vốn dĩ đa phần cũng là kiến thức, kinh nghiệm từ những người khác – và chặn đứng quá trình trải nghiệm, tìm hiểu, tự học của trẻ do sợ hãi điều mà họ nghĩ rằng có thể xảy ra. “Đừng có nghịch nước.” Sợ quần áo ướt, sợ mất công phải thay đồ giặt đồ, sợ trẻ làm bẩn nước thì tốn kém, sợ trẻ bệnh thì phải chăm sóc. “Đừng có lại chỗ đó dơ bẩn lắm.” Sợ phải mất công rửa tay chân tắm rửa cho trẻ. Sợ phải mất công ngồi đó trông chừng. “Đừng có lại gần cái xe.” Sợ xe ngã đè trẻ. Sợ phải tốn công đứng vịn cái xe. “Đừng có xé cái đó.” Sợ phải dọn dẹp. Tiếc cuốn tập. Đứa trẻ thường xuyên bị la mắng, quát tháo, nhiều khi ầm ĩ. Ai cũng nói vì sợ trẻ xảy ra tai nạn. Nhưng nếu quan sát, lắng nghe kỹ thì thấy trẻ thường bị cấm vì người lớn sợ phiền, sợ mệt.
Tôi lấy cái nghề thầy thuốc làm phương tiện để đi, đến, ở cùng các gia đình trên nhiều miền đất nước. Vừa trị liệu vừa lặng lẽ quan sát, lắng nghe, tôi thấy trong mọi gia đình, bất kể ngành nghề, địa vị, học thức, đều cùng một cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ: Can thiệp thô bạo vào quá trình tự trải nghiệm, tự học của trẻ. Không thấy một trẻ nào thoát. Đừng nghĩ chỉ có trẻ con mới bị can thiệp. Người lớn cũng không thoát khỏi sự kiểm soát, can thiệp. Trẻ em, người lớn thuộc mọi độ tuổi đều bị can thiệp, kiểm soát theo các hình thức, phương pháp khác nhau bởi những người bên cạnh, xung quanh. Tất cả đều nghĩ rằng sự can thiệp, kiểm soát đó là tình thương yêu, quan tâm, chăm sóc, dạy bảo.
Không một đứa trẻ nào, cũng như không một người lớn nào muốn bị can thiệp, kiểm soát quá trình trải nghiệm, tự học của bản thân. Tất cả đều phản ứng tùy theo khả năng. Có khi được, nhiều khi không. Đồng thời tất cả lại can thiệp, kiểm soát quá trình trải nghiệm, tự học của người khác. Tạo ra rất nhiều tình huống đầy mâu thuẫn, đau khổ trong gia đình, trong các mối quan hệ, mắc kẹt trong cái vòng lẩn quẩn dở khóc dở cười, vô lý, vô nghĩa nhưng không mấy người chịu quan sát, lắng nghe để thấy, để “thoát” khỏi vòng lặp. Bởi đa phần đều dựa vào tư tưởng, quan niệm, quan điểm, thói quen, định kiến, thành kiến, kiến thức, kinh nghiệm đã biết để đưa ra những lý lẽ, lập luận từ chối, phủ nhận, rồi tiếp tục ở lại vòng lặp.
Vạn vật, mọi sinh loài trên trái đất này đều tự trải nghiệm, tự học để phát triển. Con người cũng không ngoại lệ. Nhìn một đứa trẻ hay một người nào đó bất kỳ thì đều thấy ai ai cũng đều đang tự trải nghiệm, tự học theo cách của họ. Tính biết luôn ở đó trong mỗi người. Quá trình trải nghiệm, tự học của một người nếu bị can thiệp, ngăn chặn, ép buộc, đàn áp, bẻ hướng quá nhiều, quá lâu bởi người khác, theo ý của người khác – luôn nhân danh vì điều tốt, tình thương, quan tâm, chăm sóc, an toàn… – thì gây ra sự đau đớn, phản ứng. Lâu dần sẽ trở nên nhầm lẫn, phản ứng yếu ớt, đi đến chấp thuận, lặp lại việc ngăn chặn, kiểm soát quá trình trải nghiệm tự học của người khác, nhưng trong sâu thẳm vẫn luôn phản kháng theo mọi cách mà họ biết. (Chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu trong những bài viết sau.)
Từ lâu, con người đã trở thành những sinh vật xã hội. Cái xã hội được tạo dựng trên nền tảng của nỗi sợ hãi mất an toàn. Để bảo đảm tính bền vững của xã hội đã dựng lên, thế hệ này truyền dạy giáo dục thế hệ kế tiếp theo những khuôn mẫu nhất định của xã hội đó. Một đứa trẻ vừa ra đời đã lập tức phải tiếp nhận một cách thụ động và rồi dần dần bị buộc phải chủ động những truyền thống, văn hóa, kinh nghiệm từ các thế hệ trước. Một người hầu như có rất ít thời gian và điều kiện tự trải nghiệm, tự học mà buộc phải nhanh chóng tiếp nhận kiến thức xã hội để phù hợp, hội nhập với xã hội đó và kiến thức kiếm sống trong xã hội. Nếu không người đó sẽ rất dễ bị chính xã hội ấy đào thải, không chấp nhận. Kiến thức xã hội, kiến thức kiếm sống có giá trị riêng của nó trong xã hội. Nhưng khi con người quá tập trung lao vào cuộc sống vật chất thì đã làm cho kiến thức xã hội, kiếm sống trở nên quá quan trọng, chiếm gần hết thời gian sống của một người và được tôn vinh ca ngợi. Người người nhà nhà học, học, học rất nhiều, bồi đắp, tích lũy kiến thức càng nhiều càng tốt và coi đó là chỉ dấu của thành công, phát triển của con người, xã hội.
Chúng ta ăn, ngủ, nghỉ, làm việc, hành động như một cái máy hơn là một sinh thể sống động. Không tin, hãy tự kiểm chứng.
Nhiệt độ lòng bàn tay và mu bàn tay, lòng bàn chân và mu bàn chân của bạn giống nhau hay khác nhau? Bạn có thể lập tức trả lời câu hỏi hay phải đưa tay sờ, cảm nhận rồi mới biết? Một câu hỏi đơn giản này thôi đã đủ giúp cho người ta giật mình. Thêm khoảng chục câu hỏi đơn giản tương tự thì thấy hầu hết chúng ta không hề biết gì về cơ thể, tâm sinh lý của bản thân. Chúng ta càng ít biết cơ thể, tâm sinh lý của ta tương tác với môi trường và người khác, với vạn vật ra sao. Cái mà ta nghĩ là ta biết chưa chắc là đã biết.
Tự học là một thuộc tính sẳn có của mỗi sinh loài, mỗi người. Nó không mất đi mà chỉ bị che lấp. Ở bất kỳ giây phút nào trong cuộc đời con người cũng hoàn toàn có khả năng trải nghiệm, tự học. Ta chỉ cần nhớ lại, để cho bản thân được trải nghiệm, được tự học.
Từng bước, chúng ta tìm hiểu cùng nhau.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Thị Bích Ngà góc tự học