Buông bỏ 3 loại tâm, phước lành tự tìm đến
- An Hòa
- •
Cõi đời của đại đa số chúng ta, không như ý có đến tám chín phần. Khi khốn cảnh và nghịch cảnh đến, có người sẽ suy sụp tinh thần, có người trầm luân, bế tắc, có người hận đời hận người, có người lại tự hỏi: “Cuộc sống vì sao khó khăn đến vậy?”… Hoằng Nhất pháp sư, một vị hòa thượng nổi danh thời cận đại, đã chỉ ra rằng trên đời này không có trở ngại nào là không thể vượt qua. Nói cách khác, trong cuộc sống không có gì là không thể buông bỏ. Sở dĩ chúng ta bị các loại phiền não và bất mãn quấn thân là bởi vì chúng ta không buông bỏ được những khúc mắc trong tâm. Nếu có thể buông bỏ được tâm xuống thì sẽ đạt được sự bình an, phước lành sẽ đến một cách tự nhiên.
Hoằng Nhất pháp sư, tên là Lý Thúc Đồng, sinh ra trong một gia đình thương nhân giàu có. Khi còn trẻ, ông sống một cuộc sống sung túc, “ăn ngon mặc đẹp”. Ông nổi tiếng là một học giả tài năng và thông thạo rất nhiều lĩnh vực như âm nhạc, hý kịch, mỹ thuật, thơ từ, kim thạch, thư pháp, giáo dục, triết học.
Hoằng Nhất pháp sư xuất gia ở tuổi trung niên. Trong 24 năm cho đến khi viên tịch, ông đã dốc lòng tu hành theo phái Nam sơn Luật tông. Luật tông chú trọng giới luật, nhất cử nhất động đều có quy tắc và vô cùng nghiêm túc. Đây được coi là tông phái khó khăn nhất trong Phật môn. Trong hàng trăm năm, truyền thống tông phái này đã bị mai một, mãi cho đến đời Hoằng Nhất pháp sư mới được phục hưng, cho nên trong Phật môn xưng ông là “Trọng hưng Nam sơn Luật tông đệ thập nhất đại tổ sư”.
Hoằng Nhất pháp sư lúc còn trẻ là một nghệ thuật gia vô cùng tài hoa. Sau khi xuất gia, ông tuân thủ nghiêm ngặt giới luật và trở thành người hoàn toàn khác với con người lãng mạn phóng khoáng thời trẻ. Trí tuệ và lòng từ bi của ông được thể hiện qua sự quan tâm nhân văn của ông đối với thế giới: “Hãy làm những việc trần tục với tinh thần xuất thế”.
Buông tâm so bì tính toán
Hoằng Nhất pháp sư viết trong “Vãn tình tập”: “Úy hàn thì dục hạ, khổ nhiệt phục tư đông; vọng tưởng năng tiêu diệt, an thân xử xử đồng”, ý nghĩa là con người, lúc trời lạnh giá thì muốn một chút nóng của mùa hè, lúc trời nóng lại muốn một chút lạnh của mùa đông, một năm bốn mùa đều không có lúc nào thoải mái. Nếu như có thể buông bỏ những suy nghĩ viển vông thì dù ở đâu, trong môi trường nào đều có thể cảm thấy an định. Cơm rau dưa còn hơn đói bụng, nhà cỏ tranh còn hơn ngủ ngoài trời. Đời người nếu biết đủ thì sẽ tiêu trừ được phiền não và đạt được sự khoái hoạt vui vẻ.
Tâm so bì tính toán thường khiến người ta cảm thấy nặng trĩu trong lòng và kéo theo đó là nỗi thống khổ vô tận. Biểu hiện của loại tâm này là so sánh, tranh đấu, cạnh tranh với người khác, đứng núi này trông núi khác. Để đạt được càng nhiều quyền lực, tài phú và địa vị hơn người khác mà không ngừng tranh đấu, không chú trọng đến sự tĩnh lặng và vui vẻ của nội tâm.
Người ta nếu có thể buông bỏ tâm so bì thì sẽ đạt được sự tự do và thỏa mãn thực sự. Không so sánh với người khác, chấp nhận hành trình cuộc sống và số phận độc đáo của riêng mình, cũng như chấp nhận điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình. Ngừng so sánh cũng là cách thực sự nhận ra giá trị của chính mình.
Buông bỏ tâm so bì cũng là bao dung người khác. Không bởi vì lời nói và hành vi của người khác mà tức giận và phẫn nộ, cũng không mong muốn người khác phải làm theo yêu cầu và nguyện vọng của mình. Thay vì chỉ trích và phán xét người khác, hãy học cách tiếp nhận và bao dung.
Buông bỏ tâm chấp nhất
Hoằng Nhất pháp sư nói rằng: “Mọi thứ trong cuộc sống đều là chấp niệm, bởi vì chấp niệm cho nên bị nguy khốn. Hết thảy chấp niệm, chỉ có buông xuống thì mới có thể được lâu dài”.
Dưới góc nhìn của những người tu hành thì tâm chấp nhất (cố chấp, chấp trước) giống như một cái khóa nhốt chặt con người. Người chấp nhất bám vào những quan niệm và suy nghĩ của bản thân, không muốn chấp nhận sự thay đổi và không muốn buông bỏ. Nhưng chỉ có buông bỏ tâm cố chấp, chúng ta mới có thể thực sự thể nghiệm được vẻ đẹp và sự rộng lớn của cuộc sống.
Con người thường xuất phát từ sở thích của mình mà chấp nhất vào một sự tình hay một mối quan hệ nào đó, coi chúng quý giá như mạng sống vậy. Một khi chúng thay đổi hoặc mất đi thì sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn khổ sở. Nhưng vạn sự vạn vật trên thế gian này đều thay đổi và con người không thể kiểm soát hết thảy. Khi chúng ta học được cách bình tĩnh tiếp nhận trạng thái tự nhiên và thay đổi của sự vật, chúng ta có thể đạt được sự tự do và bình yên nội tâm.
Buông bỏ tâm cố chấp không có nghĩa là từ bỏ mọi thứ và chỉ nằm im không làm gì, mà là học cách thích nghi với những thay đổi của cuộc sống và buông bỏ những ước muốn nặng nề và ngoan cố của mình.
Buông bỏ dục vọng
Trong “Cách ngôn biệt lục”, Hoằng Nhất pháp sư viết: “Điềm đạm thị dưỡng tâm đệ nhất pháp, Quả dục cố tĩnh, hữu chủ tắc hư”. Không mưu cầu danh lợi là cách hàng đầu để dưỡng tâm. Ít ham muốn là cách để tĩnh lại được. Khi biết được mục tiêu chân chính chủ yếu của bản thân rồi, thì cũng xem nhẹ được mọi thứ, tâm không còn nghĩ điều này nghĩ điều khác, dục vọng cũng sẽ không còn.
Tâm tham dục vô tận giống như một cái hố không đáy sẽ khiến con người sẽ rơi vào khốn cảnh. Con người thường luôn muốn nhiều của cải, danh vọng và hạnh phúc hơn, không ngừng theo đuổi những kích thích bên ngoài mà bỏ qua nội tâm bên trong của mình. Nhưng buông bỏ ham muốn thì mới có thể đạt được sự bình an trong nội tâm và phước lành chân chính.
Buông bỏ tâm so bì, buông bỏ tâm chấp nhất, buông bỏ tâm dục vọng thì thứ mà chúng ta đạt được là sự tĩnh lặng trong nội tâm, là sự tự do về tinh thần, sự thăng hoa về nhân cách và sự hòa hợp với thế giới bao la. Đây là những điều vô giá và là phước lành thực sự.
Thế giới rộng lớn sẽ không vì một cá nhân nhỏ bé nào mà dừng lại. Mọi thứ cuối cùng rồi cũng sẽ trôi qua. Thời điểm mạnh mẽ nhất của một người không phải là khi người ấy vùng vẫy cố chấp mà là khi người ấy buông tay. Đúng như Hoằng Nhất pháp sư nói: “Nhất niệm hoa khai, nhất niệm hoa lạc. Nhất niệm phóng hạ, vạn bàn tự tại”, một niệm hoa nở, một niệm hoa rơi, một niệm buông xuống, hết thảy tự tại.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Dư Diểu Diểu
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Buông bỏ Phật giáo tu dưỡng đạo đức trí tuệ cổ nhân