Vương Dương Minh: Ba điều cần buông bỏ để tẩy tịnh nội tâm
- An Hòa
- •
Tâm người giống như vật chứa đựng, thời gian lâu dần sẽ chất chứa nhiều thứ cần loại bỏ. Một người chỉ có định kỳ tẩy rửa, buông bỏ những ý nghĩ không nên có, bỏ đi những cảm xúc hỗn loạn không tốt, thì cuộc sống mới càng lúc càng thoải mái, nhẹ nhàng và tự tại. Cuộc đời nhà hiền triết Vương Dương Minh chính là như thế.
Buông bỏ những cảm xúc tiêu cực
Vương Dương Minh là một nhà hiền triết lỗi lạc của triều Minh. Ông tinh thông Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo, hơn nữa còn dẫn quân chinh chiến, có thể nói là văn võ toàn tài. Tâm học của ông có ảnh hưởng sâu rộng ở cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Mặc dù tài năng như vậy nhưng cuộc đời Vương Dương Minh rất long đong lận đận. Ông từng thi trượt hai khoa nhưng không hề nản chí. Khi đã đỗ tiến sĩ và bắt đầu ra làm quan, dù ở chức vị nào ông cũng rất đắc lực, thanh liêm, khoan hòa chính trực, nhưng bị rất nhiều kẻ ghen ghét. Vương Dương Minh từng bị đánh bốn chục trượng, bị giáng chức, bị xử đi đày, bị bắt vào tù và bị vu cho tội mưu phản. Có thể nói, cuộc đời ông đã nhận nhiều sự giày vò oan ức. Nhưng Vương Dương Minh không buồn bực, không oán trách mà luôn giữ cho mình một tâm thái lạc quan, tích cực. Ông cho rằng, một người luôn luôn cần phải loại bỏ những cảm xúc xấu thì mới có thể tỉnh táo và tập trung vào hiện tại.
Vì có tài cầm quân xuất chúng, Vương Dương Minh nhiều lần được triều đình chiêu mộ truy bắt trộm cướp, lập được nhiều công lớn. Có câu: “Binh đao hung khí là vật bất tường, bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến”. Trên chiến trường, nhìn thấy không ít người bỏ mạng, trong lòng Vương Dương Minh không phải là không thấy xót xa, tồi tệ, nhưng ông cho rằng chỉ có bình định phản loạn mới có thể khiến cho nhiều người không bị thương tổn.
Học trò của Vương Dương Minh từng hỏi ông làm thế nào để loại bỏ được những tạp niệm trong tâm. Vương Dương Minh đáp: “Cỏ dại có hại thì đương nhiên cần phải dọn sạch, nhưng nếu thỉnh thoảng chưa dọn sạch được thì cũng đừng nên bận tâm đến nó, bởi vì càng để tâm đến nó thì tâm càng loạn. Khi để tâm càng nhiều đến những cây cỏ dại chưa được dọn sạch kia thì trong tâm mình cỏ dại sẽ mọc thành bụi”.
Đời người luôn có những điều không được như ý. Cảm xúc tồi tệ, tiêu cực mỗi người đều có, nhưng người hiểu được rằng cần kịp thời loại bỏ những cảm xúc ấy đi thì không phải nhiều. Người không buông bỏ được sẽ luôn bị cảm xúc tồi tệ khống chế và sống một cuộc sống ưu tư, lo lắng.
Buông bỏ những thiên kiến
Trong cuốn “Truyện tập lục” có ghi lại một câu chuyện. Lúc Vương Dương Minh đến Nam Trấn, một học trò của ông chỉ vào cây hoa mọc trên vách đá và hỏi: “Người trong thiên hạ không muốn dung chứa những thứ bên ngoài, cây hoa này có thể ở trong núi sâu mà khai nở rực rỡ, nó với nhân tâm của chúng ta có gì liên quan với nhau?”
Vương Dương Minh đáp rằng: “Lúc ngươi chưa nhìn thấy cây hoa này thì hoa này và tâm tư đều thuộc về một khoảng tĩnh lặng. Đến khi ngươi nhìn thấy cây hoa này thì màu sắc của hoa được hiển lộ rõ ràng, như thế chính là trong tâm ngươi đã dung chứa nó rồi”.
Vạn sự vạn vật đều là sự chiếu xạ từ trong tâm người mà ra, chính là “tướng do tâm sinh”. Trong tâm của một người dung chứa cái gì thì thứ mà người ấy nhìn thấy sẽ là cái đó. Một người có nội tâm điềm tĩnh, vứt bỏ những thiên kiến trong nội tâm, tin tưởng vào những điều đẹp đẽ ở thế gian thì hết thảy những điều người ấy nhìn thấy tự nhiên sẽ là những điều tốt đẹp.
Francis Bacon, một nhà diễn thuyết nổi tiếng người Anh, từng nói: “Trong tâm người biết trân quý người khác có ráng chiều, có ngọc trai và hoa thơm quanh năm suốt tháng. Người khinh miệt người khác trong tâm băng kết dày như thành trì, bốn biển đều khô kiệt, rừng rậm trở nên hoang vu.”
Bỏ đi những tham dục
Người ta bản tính vốn là lương thiện, nhưng trong quá trình trưởng thành thì nội tâm bị thế tục lây nhiễm, bị ham muốn hưởng thụ vật chất che lấp mà dần dần trở nên tham lam giả dối. Vậy nên, tu dưỡng, tu hành, tu luyện chính là giảm trừ đi tham dục của nội tâm, làm cho lương tri thức tỉnh trở lại.
Vương Dương Minh nói: “Ta dụng công chỉ cầu ngày một giảm đi, không cầu ngày một tăng lên. Giảm được một phần tham dục chính là đắc được một phần thiên lý, nhẹ nhàng thoải mái, giản dị biết bao.”
Công phu tu hành cả đời người là ở giảm chứ không phải tăng, giảm là giảm đi sự che khuất của ham muốn vật chất, từ đó điều khôi phục sẽ là bản chất lương thiện của con người.
Trong “Đạo Đức kinh” viết rằng ngũ sắc khiến người ta mù mắt, ngũ âm khiến người ta điếc tai, ngũ vị khiến người ta tê lưỡi, rong ruổi đi săn khiến tâm người ta phát cuồng, của cải khó được khiến người ta tai hại. Một người muốn càng nhiều, tính kế càng nhiều thì thể xác và tinh thần đều không được bình an, chỉ có thể suốt ngày sống trong lo lắng phiền muộn.
Người luôn theo đuổi vật ngoại thân, luôn lo được lo mất thì cuối cùng sẽ đánh mất nội tâm bình an, trở thành tù nhân của ham muốn dục vọng. Người như vậy chính là đang bỏ gốc lấy ngọn, cái được không thể bù nổi cho cái mất.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lạc quan tu dưỡng Vương Dương Minh tự tại nội tâm Buông bỏ