Cải cách đời sống trường học
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Nếu quan sát sẽ nhận ra truyền thông đại chúng ở Việt Nam, kể cả các tờ báo chuyên về giáo dục hay nhắm đến đối tượng là học sinh phổ thông, đều chỉ chăm chú đưa tin về lễ khai giảng và lễ bế giảng.
Trong vô thức nó thể hiện rất khách quan rằng: ở Việt Nam người ta (bao gồm cả ngành giáo dục, cơ quan quản lý, giáo viên, phụ huynh, truyền thông và thậm chí là cả các chuyên gia giáo dục) không ý thức được hết tầm quan trọng của đời sống trường học (với tất cả sinh hoạt bình thường của nó) đối với sự trưởng thành của học sinh.
Trường học đúng nghĩa không phải là lò luyện thi hay là nơi sản xuất bằng cấp. Đối với giáo dục phổ thông thì điều này càng cần được nhấn mạnh!
Trường học là nơi học sinh được giáo dục, trợ giúp có định hướng, mục tiêu rõ ràng để “xã hội hóa” (biến bản thân thành một thành viên của cộng đồng hiện tại và tương lai) một cách hiệu quả, phù hợp. Vì thế trường học vừa phải là chính đời sống hiện thực vừa phải là đời sống “phi hiện thực” để học sinh có thể có được các phẩm chất năng lực phục vụ cho đời sống trong đời sống hiện tại và tương lai.
Thực chất, các kiến thức trong sách giáo khoa hay những lời giáo huấn bằng ngôn ngữ của thầy cô không có tác động mạnh và ảnh hưởng tới suốt cuộc đời học sinh lớn bằng đời sống trường học với các hoạt động tập thể, bầu không khí ở trường và sợi dây tương tác chằng chéo, phức tạp giữa học sinh với thầy cô, bè bạn cùng lớp, khác lớp và khác khối.
Học sinh sẽ thẩm thấu bầu không khí đó để hình thành nên giá trị quan, nhân sinh quan và thế giới quan.
Đó là lý do giải thích tại sao khi học sinh lớn lên, người ta chỉ nhớ cái cảm giác về bầu không khí sinh hoạt trường học đó, các trải nghiệm có tính chất riêng tư hay liên quan đến mối quan hệ tương tác hơn là các kiến thức đã được học hay những lời giáo huấn.
Điều này cũng đúng với giáo dục gia đình. Con cái sẽ lớn lên trong tư duy và tâm hồn nhờ vào bầu không khí gia đình và những gì con cái trải nghiệm, quan sát được từ người lớn chứ không phải là nội dung những lời giáo huấn của mẹ cha.
Xét ở góc độ này, giáo dục ở Việt Nam đang đối mặt với vấn đề lớn khi vòng quay đều đặn của nó là học tri thức trong sách giáo khoa, ôn tập và thi. Triền miên. Học sinh chưa kịp định thần sau kì thi A lại đã có kì thi B.
Những hoạt động tập thể hay tự trị bị coi thường hoặc bị biến thành vật hi sinh. Ngay cả khi được tiến hành, người ta cũng không ý thức sâu sắc về mục tiêu của nó là “xã hội hóa cá nhân”.
Khi hành động mà không ý thức về mục tiêu, người ta không thể nào thăng hoa về cảm xúc và đạt được thành tựu lớn. Điều này lý giải tại sao người Việt không thiếu người có trí tuệ nhưng không đạt được đỉnh cao hoặc không duy trì được đam mê lâu dài. Đó là vì tính mục tiêu ở họ kém!
Các trường tư thục, trường quốc tế khá hơn các trường công lập trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các sinh hoạt trường học khác.
Tuy nhiên, có cảm giác nó vẫn mù mờ về tính mục đích và mang tính thời vụ. Ví dụ tổ chức chỉ là để truyền thông, để làm đẹp hồ sơ du học cho học sinh, để thỏa mãn tâm lý học sinh, để trấn an giải tỏa phụ huynh…
Đời sống trường học cần phải trở thành một nội dung và phương thức giáo dục quan trọng.
Tôi kiên trì ý tưởng cải cách đời sống trường học ở Việt Nam. Nếu tôi có trường tư, việc đầu tiên tôi làm rất có thể không phải là cải cách nội dung chương trình – sách giáo khoa, mà sẽ là cải cách đời sống trường học. Những cải cách đó không cần tiền chỉ cần thay mỗi một thứ: tư duy.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa thực trạng giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương