Cái chế độ gia đình nước ta đem gióng với luân lý của Khổng Mạnh
- Phan Khôi
- •
Lời tòa soạn: Lâu nay rất nhiều người vẫn cho rằng “tam cương, ngũ thường” là đạo lý của nhà Nho mà không biết được sự phân nhánh trong Nho giáo cũng như không tìm hiểu rõ Tứ thư Ngũ kinh vốn là kinh điển nguyên thủy của Nho gia. Cũng vì vậy mà rất nhiều vấn đề trong thời mạt Pháp, mạt Nho bị đổ hết lên đầu Khổng Mạnh. Dưới đây là một bài viết vào năm 1931 của học giả Phan Khôi, tranh luận về vấn đề này. Mặc dù chúng tôi cho rằng luận điểm của ông một đôi chỗ có phần không được công bằng cho người xưa, đơn cử như việc hoàng đế nhà Đường cảm phục đức hạnh “Nhẫn” của nhà Trương Công Nghệ có thể cùng chung sống 9 thế hệ, tuy nhiên học giả Phan Khôi cũng đã nêu lên được rõ cái bổn ý của “ngũ thường”, cũng như cái nguồn gốc của “tam cương”. Xét cho cùng hình thức không phải là điều quan trọng nhất, mà đối xử giữa người với người ra sao mới là điểm mấu chốt, khi trong tâm con người không còn có đạo thì hình thức nào – sống riêng hay sống chung, thậm chí quân chủ hay dân chủ – cũng sẽ nảy sinh vấn đề mâu thuẫn trong thời mạt Pháp mà thôi. Cùng việc đón nhận luồng tư tưởng quá mới của phương Tây, lại mong muốn cấp bách giải quyết những vấn đề trầm kha của xã hội Việt Nam lúc đó, học giả Phan Khôi có lời lẽ gay gắt như vậy âu cũng có thể hiểu được. Đôi lời chia sẻ cùng bạn đọc.
*
Cái chế độ gia đình nước ta
đem gióng với luân lý của Khổng Mạnh
Trong bài Gia đình nước ta đã thành ra vấn đề của tôi, đăng ở Phụ nữ tân văn số 83, có nói đến cái thuyết tam cang, cho rằng cái chế độ gia đình của ta là do ở đó; mà cái thuyết ấy cốt chỉ để tôn quyền quân chủ, lợi cho việc cai trị mà thôi. Tôi có ý khen lẫy mà rằng bọn Hán nho đã vắt bao nhiêu não tủy lập ra cái thuyết ấy rất khéo; rồi đến khi pháp luật cũng dựa theo đó mà đặt ra những điều rất khéo, mới thành ra cái chế độ gia đình quá hà khắc như ta đã chịu lâu nay.
Một đoạn đó có hàm cái tánh chất lịch sử ở trong, cần phải giải thích thì mới rõ thấu đầu đuôi gốc ngọn. Huống chi trong đó có hai chữ Hán nho e cho ít nhiều độc giả sẽ lấy làm lạ, vì nghĩ rằng nếu muốn đổ tội cho luân lý thì sao không chỉ hẳn vào Khổng Mạnh mà nói, lại nói một Hán nho?
Phải, vì muốn kể rõ lịch sử đoạn ấy và cởi lòng nghi hoặc của ít nhiều người, hôm nay tôi phải viết bài nầy. Bài nầy, tuy tài liệu của nó không được dồi dào cho lắm, song lấy tánh chất mà nói thì nó gần như một bài khảo cứu, không xen vào ý kiến riêng của tác giả và nhứt là không có ý tuyên truyền hay cổ động điều gì hết.
*
Người nước ta, khi nói đến luân lý là cái danh từ trừu tượng (nom abstrait), mà muốn chỉ thiệt ra, thì tưởng ai cũng phải trước chỉ vào gia đình. Lại khi muốn tỏ vạch cái luân lý trong gia đình ấy nó ra từ đâu, thì muôn miệng một lời, lanh mồm không cần suy nghĩ, ai cũng bảo rằng ra từ Khổng Mạnh. Vậy, nói tắt đi mà nghe, tức là cái chế độ gia đình nước ta ra từ luân lý Khổng Mạnh, hay là hiệp với luân lý Khổng Mạnh, điều ấy là điều đã được công nhận ở giữa chúng ta.
Tuy vậy, ở đời có nhiều việc mình lấy làm chắc mười mươi mà té ra nó không chắc; có nhiều điều mình vẫn tưởng là thế nọ mà té ra nó lại thế kia. Trong khi người ta đương đồng thinh với nhau nói trái đất vuông, thì trái đất nó lại tròn, sau đến trải lắm phen kinh nghiệm, người ta mới biết.
Cái vấn đề mà tôi nghiên cứu trong bài nầy đây, có gì đến nỗi tương phản như sự tương phản của trái đất mới vừa nói đó. Song le, trong khi người ta đồng tình nhận cho cái chế độ gia đình xứ ta là ra từ luân lý Khổng Mạnh, hiệp với luân lý Khổng Mạnh, mà tôi còn hồ nghi chưa lấy làm chắc, thì tôi có cách thử dễ lắm, là đem cái nọ gióng với cái kia. Sau khi gióng rồi, nó hiệp hay là nó sai, hay là đến nỗi nó tương phản với nhau nữa, ai có mắt sẽ đều thấy và biết vậy.
*
Cái yếu mục của luân lý ta, ấy là cang thường, tức tam cang ngũ thường; hoặc luân thường, tức ngũ luân và ngũ thường ấy. Tam cang hay ngũ luân, là nói về nhân cách của luân lý; còn ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, là nói về cái hằng đức của nhân cách. Tuy vậy, theo sự thiệt mà nói thì hình như trong xã hội ta trọng tam cang hơn là ngũ luân, bởi vì người ta hay nói đến cang thường hơn là nói đến luân thường.
Người ta vẫn coi trọng tam cang hơn ngũ luân, song bất kỳ tam cang hay ngũ luân, người ta đều nhìn ra là từ Nho giáo hết, ra từ Khổng Mạnh hết. ý người ta thì như thế, có điều cứ theo lịch sử thì ngũ luân sanh ra trước, tam cang sanh ra sau; nói hai cái điều ra từ Nho giáo thì phải, nhưng nói hai cái đều ra từ Khổng Mạnh thì không phải.
Ở xã hội người Tàu, ngũ luân có từ đời thượng cổ, tức hồi thời đại Ngu Thuấn kêu bằng ngũ phẩm; nhưng về sau đến Khổng Tử Mạnh Tử mới chủ trương cho nó càng vững chãi thêm và phát huy nghĩa lý cho nó càng rõ ràng thêm. Cho nên, đối với ngũ luân, Khổng Mạnh chỉ có công đề xướng, chớ không có công sáng tạo. Dầu vậy, chúng ta có thể nói được rằng ngũ luân ra từ Nho giáo; vì Khổng Mạnh là tổ sư của Nho giáo.
Ngũ luân tức là: quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu phụ (chồng vợ), huynh đệ (anh em), bằng hữu (bầu bạn). Ngũ là năm, luân là đấng bậc; ngũ luân là một cái tổng cương trong luân lý, như là cái giấy giao kèo để buộc năm đấng bậc ấy phải ở với nhau cách nào. Bởi vì tóm hết thảy người trong xã hội mà chia ra, chẳng qua có năm đấng bậc ấy; mà mỗi một đấng bậc có hai bên đối nhau, thì bên nầy phải có cách đối với bên kia, hầu cho hết bổn phận mình.
Khổng Mạnh khi nào nói đến ngũ luân đều là để phát huy cái ý ấy. Sách Trung dung, chương XX, Khổng Tử nói rằng: Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn: năm điều ấy là cái đạo thông hành của thiên hạ vậy. Ở sách Luận ngữ, thiên Nhan Uyên, ngài đáp lời Tề Cảnh Công hỏi mà nói rằng: Vua phải đạo vua; tôi phải đạo tôi; cha phải đạo cha; con phải đạo con. Sách Đại học, chương III, khi nói về Văn Vương, ngài nói rằng: Làm vua người, đỗ ở nhân; làm tôi người, đỗ ở kính; làm con người, đỗ ở hiếu; làm cha người, đỗ ở từ; giao với người trong nước, đỗ ở tín. Lại ở sách Luận ngữ, thiên Bát Dật, đáp lời Định Công hỏi, ngài nói rằng: Vua lấy lễ khiến tôi; tôi lấy lễ thờ vua. Còn Mạnh Tử, ở thiên Đằng Văn công thượng trong sách ngài, ngài cũng nói rằng: Cha con có tình thân; vua tôi có nghĩa; chồng vợ có biệt; kẻ lớn trẻ con có thứ; bậu bạn có tín.
Coi những lời Khổng Mạnh dẫn trên đó, hoặc khi nói đủ cả năm đấng bậc, hoặc khi nói nội một vài đấng bậc, cũng đều nói một cách đối đãi nhau. Bên nào các ngài cũng buộc cho một cái bổn phận đối với bên kia, chẳng qua bổn phận tùy theo địa vị mà có khác.
Đến nỗi có khi như muốn tỏ ý rằng hễ trong một đấng bậc mà bên nầy không làm hết bổn phận mình thì bên kia có quyền cũng không làm hết bổn phận mình như vậy. Ấy tức là trong thiên Ly lâu hạ, Mạnh Tử nói cùng Tuyên Vương nước Tề rằng: Vua coi tôi như tay chưn, thì tôi coi vua như lòng dạ; vua coi tôi như chó ngựa, thì tôi coi vua như người ngoài đường; vua coi tôi như bụi rác, thì tôi coi vua như giặc thù. Song, cái giọng nghiêm khắc nầy chỉ thấy dùng nói về một luân quân thần ở đây mà thôi; chúng ta không nên lấy đó mà suy ra các luân kia, nhứt là luân phụ tử và phu phụ.
Dầu thế nào nữa, về ngũ luân, trong khi Khổng Mạnh phát huy cái nghĩa lý của nó, vẫn có ngụ cái tinh thần bình đẳng ở trong. Bình đẳng đây là bình đẳng về tinh thần, nghĩa là trong mỗi luân, hai bên dầu danh phận khác nhau mà đều có nghĩa vụ như nhau cả. Điều đó hiệp với mấy cái nguyên tắc của đạo Khổng thánh, tức là cái nguyên tắc trung thứ và cái nguyên tắc hiệt cũ. Mọi người ở đời, ngài buộc mỗi người phải làm cho kẻ khác cái điều mà mình muốn họ làm cho mình. Cho nên trong sách Trung dung, chương XII, ngài cũng có nói rằng: Cái đạo quân tử có bốn điều mà ta chưa làm được điều nào hết: Cái điều ta trách nơi con ta, ta chưa đem mà thờ cha được; cái điều ta trách nơi tôi tớ của ta, ta chưa đem mà thờ vua được; cái điều ta trách nơi em ta, ta chưa đem mà thờ anh được; cái điều ta trách nơi bậu bạn, thì ta cũng chưa hay đem mà đối đãi họ trước đi.
Nói về ba luân vua tôi, cha con, chồng vợ, là ba cái đấng bậc mà danh phận huyễn thù nhau hơn hai cái kia, Thánh Hiền cũng chưa hề nâng một bên nào lên, hạ một bên nào xuống. Đọc hết thảy kinh truyện, những lời chính miệng Khổng Mạnh nói ra, không hề có một lời nào nâng cao người làm vua, làm cha, làm chồng lên, mà đè ẹp người làm tôi, làm con, làm vợ xuống bao giờ. Nhưng, trái lại, trong sách Hiếu kinh lại có dạy rằng: Quân hữu tránh thần, phụ hữu tránh tử, nghĩa là: Vua, nhờ có bầy tôi hay can gián; cha, nhờ có con cái hay can gián. Câu ấy tỏ ra rằng khi người làm vua làm cha không hết bổn phận mình, bầy tôi và con cái có quyền được xét nét.
Cái bổn ý của Khổng Mạnh về luân lý là như vậy đó thì làm sao nẩy sanh được tam cang? Cho nên cái thuyết tam cang, hồi đời Khổng Mạnh chưa có, mà trước và sau kề đó cũng chưa có.
Thuyết tam cang mới bắt đầu có từ nhà Hán, thấy ra trong sách Bạch hổ thông của Hán nho. Sách ấy nói: Quân vi thần cang, phụ vi tử cang, phu vi thê cang, nên gọi tắt là tam cang.
Cang nghĩa là cái giềng lưới. Theo thuyết ấy thì vua, cha, chồng như cái giềng lưới; còn tôi, con, vợ thì như những cái mắt lưới. Cái giềng cứ ràng buộc lấy những cái mắt, và những cái mắt cứ phải ở trong cái giềng. Nói vua, cha, chồng là cái giềng của tôi, con, vợ, ấy là tỏ ra rằng ba đấng người sau đó chỉ có nghĩa vụ phục tùng mà thôi, chớ không có tự do mà không có nghĩa vụ gì cả. Chỗ cốt yếu của tam cang là ở đó, thật trái với cái bổn ý của Khổng Mạnh vậy.
Bởi cớ gì sanh ra thuyết tam cang? Nguyên bên Tàu từ đời Xuân thu Chiến quốc về trước, quân quyền chưa thạnh mấy; và bấy giờ học thuyết trong nước chia ra nhiều phái, không phải một mình nhà Nho mà thôi. Kế đó, nhà Tần thống nhứt thiên hạ, đặt ra những cái lễ tôn quân ức thần, quyền quân chủ mới mạnh lên. Nhà Hán nối lấy, y theo chế độ nhà Tần, lại bãi bỏ cả chư tử bách gia mà bắt thiên hạ chỉ tôn một mình họ Khổng; ấy là nhà Nho cũng đã nhờ quân quyền mà được mạnh. Nhà vua với bọn nho giả hồi bấy giờ làm như thông lưng với nhau: bên nhà vua đã làm cho họ được mạnh, thì bên nho giả cũng đền đáp lại mà làm cho nhà vua mạnh thêm, mới đặt ra cái thuyết tam cang nầy.
Hán nho cũng là Nho, cho nên nói được rằng tam cang ra từ Nho giáo; nhưng, điều nên phân biệt trước hết, là tam cang của Hán nho chớ không phải của Khổng Mạnh.
Thuyết tam cang đã có thể lợi cho nhà vua được thì nhà vua nào lại chẳng tôn chuộng nó? Bởi vậy, dầu nó đẻ sau mặc lòng mà nó muốn ăn sấp ngũ luân của Khổng Mạnh đi, đến nay người ta vẫn trọng tam cang hơn ngũ luân, người ta mở miệng ra là nói cang thường, chớ ít nói luân thường.
Nay xét đến cái chỗ tam cang lợi cho nhà vua là lợi cách nào.
Cang thứ nhứt là quân thần, để mà đàn áp thần dân xuống, tôn quyền vua cho cao lên, đành rồi; song chỗ khôn ngoan bí hiểm của cái thuyết nầy lại ở hai cang sau kia, phụ tử và phu phụ. Cái thâm ý của nó là ở chỗ: một ông vua đè đầu cả nhân dân trong nước còn hơi khó, chi bằng thả quyền cho những kẻ làm cha làm chồng đè giùm với mình, rồi mình đè lên trên hết, thì tự nhiên chúng nó chết cả bè với nhau, không cựa quậy được. Cách áp chế như thế mà thật là hoàn toàn vậy.
Như tôi đã nói trong bài Vấn đề gia đình đó, nhà vua dựa theo thuyết tam cang mà đặt ra pháp luật. Bởi phụ vi tử cang cho nên luật có điều thân cáo nãi tọa, nghĩa là hễ con bị cha mẹ khống cáo thì mang án ngay, chớ không cần hỏi han xét xử gì cả; lại có điều phụ huynh bất năng cấm ước tử đệ, nghĩa là con em có tội thì phạt đến cha anh vì không răn he bó buộc chúng nó. Bởi phu vi thê cang, cho nên luật có điều tội tọa bổn phu, nghĩa là đàn bà phạm tội thì cứ bắt tội người chồng. Sở dĩ luật đổ trách nhiệm trên đầu người gia trưởng như vậy, là bởi muốn gia trưởng kềm chế hết thảy người nhà mình để giữ giùm cuộc trị an cho nhà vua; mà đã đổ trách nhiệm nặng nề cho người gia trưởng thì cũng phải cho người ấy cái quyền lợi đặc biệt. Bởi vậy khi gia trưởng đối với người nhà mình mà phạm tội, luật cũng dung tha cho nhẹ bớt đi.
Luật đã đổ trách nhiệm cho kẻ làm cha làm chồng và ban cho họ cái quyền lợi đặc biệt như thế, cho nên trong gia đình nào cũng vậy, cái tánh trời ân ái muốn tiêu diệt đi hầu hết mà chỉ hiện ra cái vẻ oai nghiêm. Tục ngữ có câu rằng: Gươm vua thì xa, gươm cha thì gần; lại có câu rằng: Gái có chồng như gông vào cổ, – đều tỏ ra cái quyền của cha của chồng là lớn dường nào, khiến cho kẻ làm con làm vợ phải thấy mà thất đởm!
Ấy là kết quả của cái thuyết tam cang đó! Ấy là sự ban tứ của Hán nho đó! Phải chi không có cái thuyết tam cang mà chỉ theo ngũ luân của Khổng Mạnh, thì tất nhiên thứ pháp luật tàn nhẫn ấy không có chỗ dựa làm xương sống nữa, và cái chế độ gia đình không đến nỗi quá nghiêm khốc, kẻ bề dưới không đến nỗi bị áp chế mà mất hết tư cách làm người.
Trên đó mới nói về cái tinh thần của chế độ gia đình ta, cái tinh thần ấy tức là oai nghiêm hơn ân ái. Từ khi tam cang của Hán nho lên thay cho ngũ luân của Khổng Mạnh, cái tinh thần ấy mới hiện ra trong gia đình ta. Mà đã thay đổi tinh thần thì cũng thay đổi luôn hình thức nữa.
Nói về hình thức của gia đình, thì có hai thứ: là đại gia đình và tiểu gia đình. Tiểu gia đình lấy vợ chồng làm bổn vị, trong một nhà chỉ có vợ chồng và con cái chưa tới tuổi(*) ở chung với nhau. Đại gia đình lấy bậc tôn trưởng hơn hết làm bổn vị, trong một nhà, ông bà, cha mẹ, con trai, con gái, nàng dâu, cháu, chắt, chít, có thể ở chung đến mấy đời lận. Kiểu gia đình của ta và Tàu gần nay là kiểu đại gia đình; song theo lịch sử mà xét lại, trước khi cái thuyết tam cang chưa thạnh hành, hình như đã có tiểu gia đình rồi thì phải.
Trong kinh Lễ dạy rằng: Nhứt mạng chi sĩ, phụ tử dị cung. Nghĩa là: Kẻ sĩ mới một lần mạng (tức là bắt đầu làm quan), thì cha con ở riêng nhà. Lại như Nghiêu Thuấn là bậc đại hiếu xưa nay, mà cứ theo sách xưa thì ông cũng không đồng cư với cha là ông Cổ Tẩu. Tức như sách Mạnh Tử nói khi tên Tượng thi hành cái mưu giết anh xong, rồi qua nhà Thuấn (Tượng vãng nhập Thuấn cung) mà tính bề chiếm đoạt gia tài thì đủ biết.
Hình như từ Hán Đường về sau, cái thuyết tam cang thạnh hành chừng nào thì lại càng chuộng sự đồng cư chừng nấy, lại càng khuynh hướng về cái kiểu đại gia đình chừng nấy. Trong sử Tàu có chép nhiều lần về mấy nhà đồng cư đến chín đời kia.
Sự đồng cư như vậy, người ta dâng cho nó cái huy hiệu rất tốt, là do ở hiếu nghĩa mà ra. Nhưng xét cho kỹ, hiếu nghĩa chỉ là hư danh, mà thiệt sự là bởi có đồng cư mới dễ tóm thâu cái quyền gia trưởng vào một mối. Cái quyền gia trưởng hễ tập trung (centraliser) chừng nào thì lợi cho sự cai trị chừng nấy, cho nên nhà vua cũng khuyên cho thiên hạ đồng cư. Thuở đời Đường, có nhà Trương Công Nghệ, chín đời đồng cư, trong nhà ở đến ba ngàn người; vua Cao Tôn có lần ngự đến tận nơi mà ban thưởng. Cái ý của vua Cao Tôn dễ hiểu lắm: vì nếu cả nước mà cái quyền gia trưởng tóm thâu lại như nhà họ Trương thì khoẻ cho vua dường nào: ba ngàn người ấy có rục rịch điều gì, cứ nhè một mình Trương Công Nghệ mà dọa bỏ khám lớn, là yên tất cả!
Gia đình xứ ta, rày về sau có đổi ra tiểu gia đình chăng thì chưa nói, nhưng từ trước đến giờ vẫn khuynh hướng về kiểu đại gia đình. Lâu nay những nhà bình dân, con cái có vợ có chồng rồi vẫn có cho ra riêng, song hình như là cực chẳng đã, bởi sự đảm nhiệm về kinh tế nó không cho phép ở chung, chớ không phải lấy sự ra riêng ấy làm vui lòng. Còn như nhà có học, theo lễ nghĩa, thì hầu hết là theo kiểu đại gia đình; vì luân lý buộc phải như vậy, nếu ở riêng ra thì chắc sẽ mang tiếng: cái nhà đó là bất mục, cái người con ở riêng ra đó là bất hiếu.
Cái kêu là luân lý, chính nó đoán phạt nhà người ta, làm cho mang tiếng đó, tôi tưởng, nếu là luân lý thật đi nữa cũng chỉ là luân lý của Hán nho mà thôi, chớ không phải của Khổng Mạnh đâu. Bởi vì theo luân lý của Khổng Mạnh, ở dưới quyền thống trị của ngũ luân, thì chẳng những không cấm nhà lễ nghĩa ở riêng bao giờ, mà lại khuyên họ ở riêng nữa, tức như câu kinh Lễ trên kia đã dạy. Duy có theo tam cang của Hán nho, muốn thâu quyền gia trưởng cho tiện việc cai trị, mới khuyến khích người ta đồng cư mà thôi. Mà hễ ai không đồng cư thì chỉ trích.
Cái kiểu tiểu gia đình hay đại gia đình là quan hệ với cái tư cách cá nhân lắm chớ không phải chơi. Một người đúng tuổi thành nhân rồi, có vợ có con, lập riêng ra một cái gia đình của mình, mình làm chủ lấy, không còn ở dưới quyền cha mẹ trong mọi sự nữa, thế mới thành ra một con người. Con người như thế thì mới có đủ tư cách mà đối với người khác, đối với quốc gia xã hội, Thánh Hiền đời xưa tôn trọng cái tư cách ấy, nên mới dạy cho kẻ sĩ một lần mạng phải ở riêng khỏi cha mình. Nhưng Hán nho thì trái lại, muốn vùi dập cái tư cách ấy đi, nên xướng ra thuyết tam cang, rồi từ đó về sau trở cho sự đồng cư là hiệp với luân lý! Con người mà cái tư cách ấy đã bị vùi dập đi thì thà chết; bởi vậy Đào Hữu Nghĩa mới lấy súng lục bắn vào đầu mình trong khi đã 24 tuổi, có vợ có con, mà đi đâu một bước cũng phải bẩm, tiêu một đồng xu cũng phải xin!(1)
Đem cái chế độ gia đình xứ ta mà gióng với luân lý của Khổng Mạnh thì thấy như thế đó. Bất luận về tinh thần, về hình thức, cái chế độ gia đình xứ ta đều sai với luân lý mà Khổng Mạnh đã chủ trương. Ấy là bởi, về luân lý, Khổng Mạnh thì chủ trương ngũ luân; mà cái chế độ gia đình xứ ta thì lại lập nền trên tam cang, là cái thuyết của Hán nho bày ra để làm lợi cho quân chủ vậy.
Hết thảy những điều tôi nói trong bài nầy là căn cứ ở lịch sử luân lý của nước Tàu và hiện trạng gia đình của nước ta. Tôi chưa dám chắc điều tôi khảo cứu đó đã là nhằm; song tôi chỉ tin mình rằng đã cứ theo sách vở mà nói, chớ không phải nói bậy.
Phan Khôi
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 85 (4.6.1931)
Đăng lại từ trang lainguyenan.free.fr
Có bổ sung ảnh minh họa
(*) “chưa tới tuổi” nên được hiểu là chưa tới tuổi thành niên (NST).
(1) Xem bài của tôi ở Phụ nữ số 83 (Nguyên chú của PK.).
Những tác phẩm của nhà báo, học giả Phan Khôi (1887-1959) đăng trên báo chí trong năm 1931, chủ yếu là trên nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, báo Đông tây ở Hà Nội, sau hơn 70 năm bị rơi vào quên lãng, lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố trên trang lainguyenan.free.fr.
Xem thêm cùng tác giả:
Từ khóa Mạnh Tử Phan Khôi Khổng Tử Nho giáo