Cần phải cải tạo diễn ngôn cho nông thôn
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Văn minh có sức hấp dẫn nhưng phi văn minh có sức đồng hóa.
Trên thực tế sức đồng hóa mạnh hơn sức hấp dẫn. Trong rất nhiều trường hợp là như vậy.
Hiện trạng ở nông thôn hiện nay đang là như vậy – và có lẽ từ nghìn xưa cũng là như vậy. Và hiện trạng đô thị – với những người nông dân đến sống ở trong thành phố cũng tương tự.
Trong các diễn ngôn về nông thôn hay nôm na là làng quê người ta thường tỏ ra thích thú những người dù làm quan triều đình hay thậm chí là vua nhưng khi về làng vẫn phải xuống xe, cúi mình đi vào làng, ăn uống sinh hoạt như ở làng.
Các câu chuyện được văn bản hóa hay truyền miệng thường ca ngợi những người đỗ đạt cao, thành đạt ở bên ngoài nhưng về làng vẫn ăn uống, nói năng, sinh hoạt như ở làng. Rượu vẫn uống được hàng vại, gà vẫn ăn được cả con…
Nghĩa là những hình mẫu được ngợi ca vẫn là những con người khuất phục trước sức mạnh nghìn đời của “lệ làng” của những phong tục bao gồm cả những hủ tục dẫm đạp lên mọi thứ bao gồm cả phẩm giá cá nhân, sự riêng tư và những thứ thuộc về văn minh.
Một diễn ngôn êm tai và ve vuốt được những tâm hồn tự ti, mặc cảm, lười biếng, thiếu suy nghĩ và không muốn tiến bộ.
Người ta đôi khi hồn nhiên ca ngợi diễn ngôn ấy mà không suy ngẫm thật sâu để thấy rằng sự trì trệ, bảo thủ và suy thoái dần dần của làng quê cũng nằm ở đó.
Sức mạnh đồng hóa trong ý thức và vô thức ấy đã làm tê liệt tất cả kể cả những người ưu tú nhất xuất thân từ các ngôi làng. Họ có thể trở về nhưng bất lực khóc ở ngoài lũy tre (dù là giờ tre chẳng còn) và sau đó là chạy trốn.
Nói vui, họ chỉ có thể thành công và là mình khi bỏ chạy khỏi làng.
Phải chăng trong thời đại mới này, muốn thay đổi nông thôn theo hướng tốt đẹp thì phải sửa lại diễn ngôn.
Trong thế kỉ 21 này, muốn tiến bộ, văn minh thì nông thôn – làng không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối để ép buộc mọi thứ phải theo “lệ làng” mà trái lại làng phải chủ động học lấy những gì văn minh của bên ngoài để trở thành “làng văn minh”. Và người nông dân không thể lấy tiêu chuẩn sinh hoạt, giá trị quan của mình là thước đó duy nhất, tuyệt đối để nhìn thế giới và buộc tất cả những ai vào làng phải nhìn thế giới qua đó.
Người nông dân muốn giải phóng mình và con cháu mình – ít nhất là trong lối sống thường ngày có cần phải học hỏi ở thế giới bên ngoài không hay buộc thế giới bên ngoài phải tuân thủ luật chơi của mình?
Với tốc độ đô thị hóa như hiện tại, về mặt hình thức làng sẽ biến mất khi không còn dòng sông, bến nước, mái đình, trâu bò, đồng lúa… Nhưng câu hỏi lớn sẽ đặt ra là:
– Người dân sống trong các làng sẽ sinh hoạt theo lối nào? Kiểu nông dân như ngàn đời vẫn thế hay sẽ sống theo kiểu thị dân-những người dân sống trong đô thị?
– Linh hồn và giá trị nào dẫn dắt các ngôi làng thay cho ca dao, dân ca, tác phẩm văn học truyền miệng ngày xưa?
– Ai sẽ thay thế các ông đồ, các viên quan về ở ẩn – những người liên tục tạo ra các giá trị tinh thần trong bóng tối và chấp nhận vô danh như xưa kia?
Các cụ nhà nho tiến bộ đầu thế kỉ 20 đã lờ mờ nhận ra cần phải cải tạo diễn ngôn cho nông thôn nhưng rồi lực bất tòng tâm.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Từ khóa nông thôn Nguyễn Quốc Vương