Ngày xưa bố có nghịch dại không?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Có! Nhiều là khác! Nghĩ lại bố vừa thấy thú vị vừa thấy rùng mình. Nhiều trò rất nguy hiểm mà các con không nên bắt chước nghịch theo.
Các con bây giờ hầu như không biết tới trò đánh đáo. Bọn trẻ dùng ngón tay kẹp những đồng xu tròn rồi phi nó vào tường để nó phản xạ bật trở lại lăn tròn. Ai có đồng xu lăn xa hơn thì người đó được đứng ở chỗ đồng xu của mình chọi (ném) đồng xu của mình sao cho trúng đồng xu của người khác, bắt đầu từ đồng xu gần nhất. Tất nhiên lúc phi nó vào tường, tất cả phải đứng trước một cái vạch kẻ sẵn cách bức tường một khoảng nhất định.
Bố nhớ hồi đó, đồng 5 hào hay 5 xu là quý nhất vì nó bằng nhôm lại lớn. Phóng nó đi rất thích vì nó đủ nặng để đồng xu khỏi bị gió thổi bạt khó đánh trúng mục tiêu. Tuy nhiên không phải khi nào cũng có đồng xu để chơi. Vì thế bọn trẻ như bố nghĩ ra trò chế tạo những “đồng xu” đặc biệt. Nguyên liệu để chế tạo là ni lông trắng. Hồi đó ni lông cũng hiếm chứ không nhiều quá mức như bây giờ. Phải lùng tìm khắp vườn nhà, rồi trong nhà khắp các xó xỉnh mới thấy. Khi nhặt được kha khá túi ni lông rồi thì giũ sạch đất đi rồi kiếm bật lửa và một vài cái bát vỡ còn nguyên đáy. Lật ngược cái bát lên, một tay cầm ni lông, một tay bật lửa châm vào phần dưới của nó. Ni lông bắt lửa cháy rớt vào trong lòng bát tạo thành một thứ chất lỏng ma quái và tỏa khói khét lẹt. Có thằng cẩn thận thì buộc các túi, mảnh ni lông đó vào một cành cây rồi giơ lên trên phía trôn bát. Cho dù đã đề phòng trước chuyện bị bỏng nhưng rồi kiểu gì rồi vẫn… bị bỏng. Lúc thì gió tạt mạnh làm cho ni lông chảy ra bắn ngang vào chân. Lúc khác thì ni lông cháy nhanh quá bùng lên tay khiến đứa trẻ cuống lên giãy giụa như phản xạ tự nhiên làm bắn lung tung ni lông nóng chảy ra xung quanh. Nhiều thằng bị bắn vào tay, chân. Bị bắn vào đương nhiên là bị bỏng. Chỗ da bị bỏng đó sẽ rộp, phồng lên. Đau khủng khiếp.
Nếu rủi có khi bị bỏng một mảng lớn cả tháng mới khỏi. Bây giờ nghĩ lại mới thấy rùng mình rằng tại sao hồi đó may thế, bằng ấy thằng nghịch trò này không biết bao nhiêu lần mà chưa thằng nào bị bắn vào mặt. Khi ni lông đổ đầy trôn bát rồi thì sẽ khéo léo cho nước vào để nó đông cứng lại. Nếu đổ khéo bề mặt của nó sẽ không bị rỗ lỗ chỗ. Sau đó lấy bánh ni lông đã đúc đó ra khỏi trôn bát rồi mang đi mài. May mắn thành công thì có một đồng xu tròn, đen, nhẵn bóng. Đồng xu này tuy hơi nhẹ nhưng có thành rất dày tha hồ kẹp mà không lo bị trượt tay. Tuy nhiên, cái thú vị của trò nghịch dại này không phải ở chỗ tạo ra sản phẩm thế nào mà nó nằm ở quá trình tạo ra nó. Lửa, tiếng nổ lách tách, sự biến hình của ni lông và sự nguy hiểm đi kèm làm bọn trẻ vui.
Trò nghịch dại thứ hai cũng nguy hiểm không kém là chọc phá tổ ong. Trò này thường diễn ra vào mùa hè vì đó là mùa ong làm tổ. Hơn nữa, khi đó lại không phải đi học. Bọn trẻ con trong làng tụ tập thành từng bọn đi lùng tìm tổ ong để trêu chọc.
Ngày xưa, làng Sấu có rất nhiều cây và ít người dùng thuốc trừ sâu nên ong rất nhiều. Gặp được tổ ong dại rất dễ không khó như bây giờ. Những nơi có nhiều tổ ong nhất là những khu rừng còn sót lại được đặt tên theo tên của người chủ sở hữu như Rừng Lâm, Rừng Khanh, Rừng Cầm, Rừng Toàn… Thi thoảng bố và bọn trẻ cũng tìm thấy những tổ ong ở những cây mọc ở dọc đường làng. Ong thích làm tổ trên những cây như cây trâm, cây xà cừ, cây re…
Đủ loại ong từ nhỏ như ong muỗi đến lớn như ong bắp cày. Phổ biến nhất là ong vang – loại ong to cỡ ngón tay út, toàn thân phủ một màu vàng. Loại ong này hay làm tổ trên cây cao. Chúng hay sà xuống thấp nơi cửa sổ, mái nhà hay các cây bụi để lấy mùn gỗ làm nhiên liệu xây tổ. Cứ bám theo chúng là kiểu gì cũng tìm thấy tổ. Ong này đốt khá đau và số lượng thành viên sống cùng một tổ cũng lớn. Những tổ to có đến hàng trăm con. Ong muỗi thì lớn chỉ bằng con ruồi. Tổ chúng có hình dạng giống như chiếc lá hay bàn tay. Chúng rất đông, bu kín cả tổ nhưng vì nhỏ nên đốt không đau lắm. Bọn trẻ con thường coi thường loại ong này nên khi trêu chọc hay phá tổ chúng sáp lại gần mà không hề sợ hãi. Chúng xếp hạng mức độ nguy hiểm của ong bằng bài vè kiểu “Ong bù lỗ đốt cổ đau tay / Ong bắp cày đốt nay mai chết”.
Ong bắp cày thì số lượng mỗi tổ rất ít. Nhưng đó là loài ong đáng sợ nhất. Nhìn chúng to tướng với màu đen sẫm và cái đít lúc nào cũng chuyển động nhấp nhô thì đủ biết. Khi chúng đốt cái kim nhọn ở đít chúng xuyên rất sâu vào thịt và nọc chúng buốt khủng khiếp. Tất cả những thằng bị đốt đều kể như vậy. Bố thì may mắn chưa bị loại ong này đốt phát nào. Ong bắp cày thường làm tổ trên cây trâm hoặc ở bụi xương rồng. Tổ chúng nhỏ chứ không lớn. Có lẽ vì số lượng thành viên ở mỗi tổ nhỏ.
Khi phát hiện thấy tổ ong trên cây, bọn trẻ sẽ báo cho nhau tới quan sát. Nếu tổ đã lớn chúng sẽ nghĩ ra đủ trò để chọc phá. Từ ném sỏi, đá vào tổ tới lấy que chọc và cuối cùng là giật luôn tổ ong xuống. Với những tổ ong lớn, treo tít trên cây cao bọn chúng còn dùng sào để chọc hoặc dùng súng cao su bắn. Tất nhiên, khi thấy ong túa ra lùng tìm kẻ phá hoại khiến lũ trẻ con thích thú. Chúng núp vào các bụi cây nín thở quan sát. Khi ong bu lại vào tổ chúng lại giở trò trêu chọc như lúc trước. Cứ thế, bao giờ tổ ong bị phá tan hoặc thằng nào đó bị ong tấn công đốt cho sưng mặt mũi chân tay thì cả bọn mới tán loạn chạy. Bị đốt thế nhưng chúng chẳng sợ, ngày mai bọn trẻ lại kéo tới.
Sự thú vị của trò nghịch dại này nằm ở chỗ vừa sợ vừa thích. Giả sử như lũ ong không đốt chỉ lặng lặng bỏ đi, có lẽ bọn trẻ sẽ chán ngay.
Một trò nghịch dại nữa mà trẻ con ở quê xưa thường chơi nhưng giờ bố khuyên các con không bao giờ làm. Ấy là trò tắm ở sông ngòi!
Bây giờ nếu các con đi tới nơi có sông, ngòi các con sẽ thấy ở đó người ta cắm các biển cảnh báo “Cấm tắm” hoặc “Cẩn thận đuối nước!”. Đấy là những tấm biển hữu ích giúp ngăn ngừa tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ.
Mỗi năm ở nước ta có rất nhiều trẻ em đi tắm hoặc chơi gần sông, hồ, ao, ngòi bị đuối nước tử vong. Các con khi ra ngoài tuyệt đối không được tới gần những nơi đó và không được tự ý xuống tắm. Nếu thấy bạn nào làm như vậy cần báo ngay cho người lớn biết.
Nhưng hồi xưa, lũ trẻ ở quê như bố không hoàn toàn ý thức được sự nguy hiểm đó. Người lớn ở quê xưa phần vì bận rộn, phần vì quen với cuộc sống tự nhiên ở quê nên cũng bỏ mặc bọn trẻ chơi với sông, ngòi.
Lên 5, 6 tuổi bố đã biết bơi. Không ai dạy cả mà bố tự biết bơi trong quá trình theo bọn trẻ lớn hơn ra tắm ở đầu cầu Chẹm, chỗ con ngòi gần nhà ông nội bây giờ. Sau vài lần uống nước sặc sụa thì cũng biết bơi. Khi đã biết bơi rồi bố thường theo bọn trẻ tắm ở ngòi, ở cánh đồng ngập nước ở làng và ngoài sông Thương. Tự ý đi tắm ngoài sông ngòi khi không có người lớn, bố mẹ ở đó đã là một sự liều lĩnh nguy hiểm. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Bố và bọn trẻ khi tắm còn chơi những trò khác nguy hiểm hơn nữa. Chẳng hạn, khi tắm sông, bọn trẻ thường trèo lên những cây sung, cây gáo có tán rủ là là ra mặt sông rồi nhảy xuống. Ở chỗ trạm bơm nước của xã có một cái cống gọi là “giàn van”. Bọn trẻ thường trèo lên cái trụ treo cánh cống đó nhảy xuống sông. Bố nhớ cái trụ đó cao lắm. Có lẽ phải tầm 6-7m. Lũ trẻ nhảy từ đó xuống nước ầm ầm. Đủ kiểu nhảy. Đứa thì nhảy duỗi chân. Đứa lại nhảy lộn nhào mấy vòng để rồi cuối cùng đầu cắm xuống nước. Có thằng lại nhảy kiểu khoanh tròn chân như Phật ngồi tòa sen. Chúng đặt tên cho kiểu nhảy cắm đầu xuống nước là “nhảy lao đầu”, nhảy với chân xếp bằng là “nhảy bộc phá”… Không chỉ như vậy khi đứa khác còn đang bơi bên dưới chúng còn cố ý nhảy sát cạnh sao cho nước bắn, sóng dồn vào mặt đứa đó để trêu. Cũng có khi bọn trẻ nhảy từ trên cầu Chẹm, cây cầu bắc qua con ngòi chỗ gần nhà ông nội xuống nước. Cầu cao khoảng 4-5 m tính tới đáy. Chiều cao không đáng sợ lắm nhưng nước nhiều khi chảy rất xiết. Với bọn trẻ ở quê đã biết bơi chúng không hề sợ. Chúng nhảy xuống cho nước cuốn trôi xuống tận cánh đồng phía dưới rồi từ từ bơi tránh dòng chảy chính ở hai bên cánh để trở lại cầu. Mùa mưa, nước lũ cuồn cuộn chảy ở con ngòi và ngoài sông Thương. Bọn trẻ bám cây chuối lướt băng băng trên dòng nước để vớt củi, vớt bưởi trôi giữa dòng nước. Người lớn nhìn thấy cũng mặc. Có lẽ vì người lớn nghĩ chúng biết bơi nên chẳng hề gì.
Đúng là suốt tuổi thơ bố chưa từng gặp một tai nạn nào liên quan đến nước. Chưa từng bị chuột rút hay gặp nguy hiểm khi bơi, tắm ở sông ngòi. Rất nhiều lần bố còn tắm đêm hay bơi dưới sông, cánh đồng dưới ánh trăng nhưng gặp việc gì nguy hiểm. Những bạn tắm cùng bố cũng thế.
Nhưng trong làng cũng có một hai đứa trẻ bị chết đuối. Bố không trực tiếp chứng kiến chỉ nghe người làng hay ông bà kể lại.
Sông nước thường ẩn chứa nhiều nguy hiểm và sự cố bất ngờ có thể xảy ra gây tai nạn cho cả những người bơi giỏi. Đó là lý do các con bây giờ không nên lặp lại những trò nghịch dại nơi sông nước như bố và lũ trẻ ở quê đã từng làm. Các hồ bơi, bể bơi, công viên nước nơi có người trông nom, bảo vệ cẩn thận là nơi thích hợp với các con. Và ngay cả khi chơi ở những nơi đó các con cũng phải tuân thủ nội quy cẩn thận.
Những trò nghịch dại ở trên là kỉ niệm tuổi thơ của bố. Nó là kỉ niệm một đi không trở lại. Bây giờ nghĩ lại bố thấy rằng những trò ấy cũng có nhiều cái dở và nguy hiểm. Ví dụ tại sao lại phá tổ ong khi con ong không làm hại gì mình. Hơn nữa, nếu bị ong đốt thì sẽ bị đau, ốm thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu bị đốt nhiều. Sao không quan sát chúng một cách hòa bình và ghi chép về quá trình xây tổ của chúng?
Thật đáng tiếc.
Bởi thế, bây giờ về quê khi nhìn thấy tổ ong, mấy bố con mình hãy kín đáo quan sát, chụp ảnh và ghi chép lại tất cả những gì mình nhìn thấy nhé. Bố tin khi làm như vậy, các con sẽ biết được nhiều điều thú vị về loài ong.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa ký ức tuổi thơ Nguyễn Quốc Vương