Câu chuyện thành ngữ: Mắt không nhìn thấy được lông mi
- An Hòa
- •
Thành ngữ: “Mục bất kiến tiệp” (mắt không nhìn thấy được lông mi) được nhiều học giả sử dụng. Nhà thơ Đỗ Mục thời Đường viết rằng: “Tiệp tại nhãn tiền trường bất kiến”, lông mi dài ở ngay mắt mà không nhìn thấy. Vương An Thạch thời nhà Tống viết: “Viễn cầu nhi cận di, như mục bất kiến tiệp”, cầu xa mà đánh mất gần, như mắt không nhìn thấy được lông mi. Bởi vậy thành ngữ “mắt không nhìn thấy được lông mi” là để ví với việc một người nhìn xa mà không thể nhìn gần, nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà không tự biết mình, không thể nhìn ra được khuyết điểm của chính mình.
Câu thành ngữ “Mục bất kiến tiệp” có xuất xứ từ sách “Chiến Quốc – Hàn Phi”. Câu chuyện về thành ngữ này được ghi chép lại như sau:
Thời Xuân Thu, Sở Trang Vương chuẩn bị tấn công nước Việt nên đã hỏi ý kiến mưu thần của mình là Đỗ Tử. Đỗ Tử liền hỏi Sở Trang Vương, nói rằng: “Không biết lý do mà Đại vương xuất binh tấn công nước Việt là gì?”
Sở Trang Vương nói: “Tình hình triều chính của nước Việt hiện giờ hỗn loạn, binh mã cũng rất yếu, là cơ hội tốt để tấn công.”
Đỗ Tử nói:
“Thần sợ trí tuệ của ngài giống như con mắt, có thể nhìn thấy bên ngoài trăm bước nhưng lại không thể tự nhìn thấy được lông mi. Binh lính của ngài bị Tần, Tấn đánh bại, mất cả trăm dặm đất đai, đây là binh yếu. Trang Khiêu là cường đạo trong nước mà lại không thể cấm được, đây là triều chính rối loạn. Sự yếu loạn của Sở chẳng phải là còn hơn cả nước Việt, mà ngài còn muốn đánh nước Việt, đây chính là trí tuệ giống như con mắt.”
Sở Trang Vương nghe mấy lời của Đỗ Tử thì tâm phục khẩu phục, liền bỏ ý định đánh nước Việt.
Về sau, Sở Trang Vương quyết tâm cải sửa triều đình, cách chức những kẻ nịnh hót, đề bạt những người dám dũng cảm khuyên can như Ngũ Cử, Tô Tòng để giúp mình xử lý quốc gia đại sự. Sở Trang Vương lại mệnh lệnh cho quân ra sức chế tạo vũ khí, thao luyện binh mã, khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh. Ông cũng phát triển điều có lợi cho đất nước, lại bình ổn được các nước nhỏ xung quanh, trở thành một trong năm bá chủ hùng mạnh nhất thời Xuân Thu.
Sở Trang Vương chỉ nhìn thấy yếu kém của nước Việt mà không dùng những tiêu chuẩn mà ông dùng để đánh giá nước Việt để xem nước Sở có yếu kém như vậy hay không. Tục ngữ nói: “Nhân quý hữu tự tri chi minh”, làm người quý ở chỗ tự biết mình. Con người ai cũng có khuyết điểm dù nhiều hay ít, cho nên nhìn thấy khuyết điểm của bản thân mới là điều quan trọng.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng rất dễ dàng phạm phải sai lầm “mắt không nhìn thấy được lông mi”, nhìn ra khuyết điểm của người khác thì thật dễ dàng nhưng lại rất khó để nhìn ra được khuyết điểm của bản thân mình. Chúng ta cũng thường thường lo lắng về những chuyện rất xa xôi của tương lai mà lại không thấy rõ tình hình trước mắt.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Câu chuyện thành ngữ khuyết điểm