Sách “Thượng Thư” là một bộ phận trong Ngũ Kinh của Nho giáo, là một trong những nền tảng của chế độ xã hội thời cổ. Trong cuốn sách này có rất nhiều ghi chép về việc tuyển chọn và bổ nhiệm người làm quan. Trong chế độ quan lại thời cổ đại, ba khâu từ nhập quan, quản quan đến xuất quan (bổ nhiệm quan lại, quản lý quan lại và nghỉ hưu) có mối liên hệ mật thiết, hình thành nên hệ thống tuyển chọn quản lý nhân sự hoàn chỉnh.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Nước chảy đủ ắt sẽ thành sông
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Chế độ tuyển chọn

Về mặt tuyển chọn nhân tài và bổ nhiệm người có năng lực (“tuyển hiền nhâm năng”), các triều đại quân chủ thiết lập một hệ thống tuyển chọn nhân sự cho phép thăng chức, giáng chức, cách chức. Chế độ tuyển chọn người tài đức làm quan có tác dụng quan trọng trong việc duy trì hoàng quyền.

Đặc điểm chủ yếu của “Tuyển hiền nhâm năng” là phát hiện và sử dụng nhân tài. Từ chế độ tiến cử làng xã thời tiền Tần, đến chế độ tiến cử thời Hán, chế độ cửu phẩm thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc, và cuối cùng là chế độ khoa cử thời Tùy, Đường, chế độ tuyển chọn và bổ nhiệm quan lại tài đức thời cổ đại đã dần hoàn thiện. Sau thời Tùy Đường, ngoài phương thức tuyển chọn dựa trên thi cử, các chế độ khác như tiến cử, trường học, công trạng, tư lại, quyên nạp cũng được sử dụng theo nhu cầu của triều đại.

Nhiều phương pháp đã được sử dụng đồng thời để tuyển dụng và sử dụng người một cách thận trọng. Trong đó, việc tuyển chọn nhân tài thông qua các kỳ thi của triều đình thu hút được những người từ tầng lớp thấp nhất của xã hội. Đây là biện pháp tương đối công bằng, giúp triều đình tuyển được nhiều nhân tài thực sự hơn là việc bị giới hạn ở tầng lớp quý tộc. Đồng thời, hệ thống thi cử đã kết nối hiệu quả giữa giáo dục với việc làm, đảm bảo các quan viên có nhận thức tương đồng về quan niệm, từ đó duy trì sự ổn định lâu dài của một triều đại.

Sau khi phát hiện ra nhân tài, triều đình sẽ xem xét sắp xếp họ theo góc độ tổng thể và toàn diện, tiến hành lựa chọn và bổ nhiệm họ phù hợp. Theo thể thức tuyển chọn thì quan viên có cấp bậc, chức vụ, tính chất khác nhau sẽ áp dụng phương thức phân công khác nhau. Thông thường là quan viên có cấp bậc càng cao, quyền lực càng lớn thì càng cần phải được lựa chọn thông qua sự tham vấn tập thể giữa các quan chức cấp cao và hoàng đế. Đối với một số vị trí đặc biệt quan trọng, chẳng hạn như quan giám sát, quan chủ quản địa phương, đại quan ở biên cương thì phải dùng phương thức lựa chọn và bổ nhiệm đặc thù và nghiêm ngặt hơn.

Trong quá trình tuyển chọn cũng có những quy định hạn chế như tránh là người thân, họ hàng, thầy trò, người cùng quê hương… Mục đích là để ngăn chặn việc hình thành mạng lưới quan chức bao che lẫn nhau, kết nối với người thân, ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực để trục lợi.

Theo ý nghĩa tích cực thì phương pháp này chú trọng thu hút nhân tài từ các tầng lớp xã hội khác nhau, đặc biệt là tầng lớp dưới cùng của xã hội, từ đó mở rộng và củng cố nền tảng thống trị cho triều đình.

Chế độ quản lý

Để thực hiện mục đích tuyển chọn và bổ nhiệm người tài, cần phải thông qua các khâu như: khảo hạch, thưởng phạt, giám sát.

Khảo hạch: Khảo hạch là một biện pháp nhằm phát hiện một người có tài có đức hay không và làm rõ ưu điểm cũng như khuyết điểm của người đó. Đây cũng là một cách quan trọng để đánh giá quan lại. Sách “Thượng thư” ghi chép rằng vào thời đại Đại Vũ, có một quy định là “Tam tái khảo tích, tam khảo truất trắc”, nghĩa là ba năm sẽ khảo hạch một lần, ba lần khảo hạch thì sẽ thăng hoặc giáng chức. Sau khi chế độ quan lại nhà Tần và nhà Hán được thiết lập thì việc tiến hành khảo hạch thường xuyên và quyết định thăng chức hay giáng chức dựa trên kết quả sát hạch đã trở thành quy định. Sau khi một viên chức đã phục vụ trong một khoảng thời gian (một, ba, sáu hoặc chín năm), thì cấp trên hoặc nhân viên chuyên môn sẽ kiểm tra đánh giá thành tích, ưu khuyết điểm và hành vi đạo đức của người đó để dựa vào đó mà ra quyết định thưởng phạt hoặc thăng chức hay giáng chức. Khảo hạch là phương pháp quan trọng để đánh giá đạo đức và năng lực của quan viên. Kết quả khảo hạch cuối cùng là căn cứ trực tiếp để thăng chức, giáng chức hay sa thải quan viên.

Thưởng phạt: Chế độ thưởng phạt có tác dụng khen thưởng những việc làm có công để tạo động lực và trừng phạt những việc làm sai trái để tạo sự răn đe. Tô Tuân thời nhà Tống từng nói, có quan thì tất phải có khảo hạch, có khảo hạch thì tất phải có thưởng phạt, có bổ nhiệm quan chức mà không có khảo hạch thì tương đương với không bổ nhiệm quan chức, còn nếu có khảo hạch mà không có thưởng phạt thì tương đương với không có khảo hạch.

Vào thời Minh Thanh, việc trừng phạt đối với quan viên được chia thành “tội công” “tội tư”. Những sai lầm mắc phải trong công việc được gọi là tội công, trong khi những sai lầm do chủ quan cố ý được gọi là tội tư. Tội công bị trừng phạt nhẹ, trong khi tội tư bị trừng phạt nghiêm khắc. Sở dĩ có điều này là vì Hoàng đế Càn Long cho rằng, quan viên tận tụy phục vụ dân chúng nhưng do những hạn chế của điều kiện và môi trường khác nhau, họ không thể tránh khỏi việc mắc lỗi hoặc sai sót. Đôi khi, mặc dù sự việc khá nghiêm trọng, nhưng vẫn có thể tha thứ được nếu xét theo nguyên nhân. Tuy nhiên, một khi quan viên lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân và vi phạm pháp luật thì ngay cả khi thiệt hại tương đối nhỏ, triều đình cũng không được dung túng và khuyến khích cái ác. Chỉ bằng cách này, những quan viên chăm chỉ làm việc mới được bảo vệ và có can đảm hành động, còn những kẻ làm điều ác vì lợi ích cá nhân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, từ đó hạn chế xu hướng lạm dụng quyền lực để trục lợi. Chế độ quản lý như vậy sẽ công chính hơn.

Giám sát: Chế độ giám sát có chức năng giám sát, kiểm sát, buộc tội, trừng phạt và giáo dục, có tác dụng duy trì kỷ cương triều đình. Hiệu quả của chế độ giám sát thời cổ đại chủ yếu phụ thuộc vào: Quyền giám sát tương đối độc lập, chịu trách nhiệm trước đế vương, việc giám sát và chỉnh đốn không bị can thiệp hoặc hạn chế. Những người giám sát có trách nhiệm luận tội theo luật định. Việc giám sát có xu hướng hệ thống hóa, tổ chức hóa và pháp luật hóa. Quan giám sát phải có phẩm chất chính trực, công tâm và có năng lực chuyên môn tương ứng. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm, thăng chức giáng chức của họ phải được căn cứ vào chế độ pháp luật quy định tương ứng.

Chế độ nghỉ hưu

Nghỉ hưu là khâu cuối cùng trong chế độ “tuyển hiền nhâm năng”. Nó cũng có ảnh hưởng lớn đối với việc bổ nhiệm và quản lý quan viên. Vào thời cổ đại, chế độ nghỉ hưu sẽ bao gồm các điều kiện nghỉ hưu, đãi ngộ và quản lý sau khi nghỉ hưu. Những điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của các quan chức đã nghỉ hưu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và hành vi của các quan chức đương nhiệm, và thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống quan chế.

Trong “Lễ ký. Vương chế” có quy định nghỉ hưu ở tuổi bảy mươi. Vào thời nhà Hán, Sơ Quảng và Sơ Thụ thân là thầy giáo của thái tử đã chủ động xin Hoàng đế Hán Tuyên Đế được nghỉ hưu. Đây được cho là tấm gương về người không tham luyến quyền thế, “biết đủ không nhục, biết dừng không nguy”.

Trong chế độ quan chế thời cổ đại, nghỉ hưu không chỉ đơn thuần là người cao tuổi nghỉ hưu theo ý nghĩa thông thường thời nay mà là chế độ “khất hưu”, tức là chủ động xin nghỉ hưu, được gọi là “thỉnh trí sĩ”. Mặc dù có nhiều lý do và mục đích khác nhau để chủ động nghỉ hưu nhưng nó đóng vai trò tích cực trong việc duy trì sự cân bằng về nhân sự quan trường.

Bởi vì có nhiều quyền lợi và danh dự trong quan trường, nên số người chủ động nộp đơn xin nghỉ hưu thời cổ là rất ít, còn phần lớn đều không muốn nghỉ hưu. Vì vậy, sau này chế độ nghỉ hưu bắt buộc đã được áp dụng và cách thực hiện chủ yếu là kết hợp giữa chế độ nghỉ hưu và chế độ khảo hạch. Vào triều nhà Minh đã áp dụng chế độ hưu trí bắt buộc đối với các quan chức “già” “ốm yếu”.

Đãi ngộ về hưu có quan hệ với khảo hạch. Những người không đủ năng lực hoặc từng mắc lỗi sẽ nghỉ hưu ở cấp bậc ban đầu. Nếu bị kết tội, họ sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng. Những người đã hoàn thành khảo hạch trong chín năm và không từng phạm lỗi khi nghỉ hưu sẽ được khen thưởng và hưởng các chế độ phúc lợi ở mức được thăng hai cấp. Việc khảo hạch trước khi nghỉ hưu vừa có tính khuyến khích vừa có lợi cho việc nâng cao đạo đức và hành vi của những quan viên tại chức.

Một điều đặc biệt là những vị quan lại đã nghỉ hưu mà có tài đức có thể được tuyển chọn và được phép trở lại làm việc nếu triều đình cần. Việc phục chức, tuyển chọn lại này có thể mang đến cho những người đó cơ hội để thể hiện tài năng của họ một lần nữa. Nó cũng đảm bảo cho chế độ tuyển chọn có tính linh hoạt hơn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: