Người làm quan thời xưa có câu: “Lạc dĩ thiên hạ, ưu dĩ thiên hạ”, vui cái vui của thiên hạ, lo nỗi lo của thiên hạ. Lý niệm này đã tạo nên những người làm quan ôm chí lớn tế thế an dân, một lòng vì dân.

Chuyện xưa ngẫm lại: Làm quan "không hổ thẹn"
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Huống Chung, tự là Bá Luật, hiệu Như Ngu, là người thông minh giỏi giang, làm việc sáng suốt, hơn nữa còn là người chính trực, thanh liêm nên rất được triều đình trọng dụng. Vào năm Vĩnh Lạc thứ tư (tức năm 1406), Huống Chung 23 tuổi được chọn làm thư lại ở huyện. 9 năm sau, Huống Chung được tiến cử cho Minh Thành Tổ. Sau khi trò chuyện, Minh Thành Tổ đặc cách đề bạt Huống Chung làm Chánh lục phẩm lễ bộ nghi chế ty chủ sự. Năm Vĩnh Lạc thứ 22, Minh Nhân Tông kế vị, Huống Chung một lần nữa được thăng cấp làm Chánh tứ phẩm nghi chế ty lang trung. Vào năm Tuyên Đức thứ năm (tức năm 1430), Huống Chung lại được Minh Tuyên Tông bổ nhiệm làm Tri phủ Tô Châu.

Tô Châu lúc đó bị cho là phủ khó trị lý nhất cả nước. Quan lại ở đó gian xảo, tham lam, sưu cao thuế nặng, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó, rất nhiều người phải rời bỏ quê hương. Sau khi Huống Chung nhậm chức, ông một mặt phê duyệt công văn sổ sách, một mặt lặng lẽ quan sát, điều tra. Sau khi ông nắm rõ được chứng cứ phạm tội của một loạt gian quan, ông đưa từng người ra xét xử theo pháp luật, hành hình 6 quan tham. Việc làm của ông ngay lập tức gây chấn động, dân chúng Tô Châu gọi ông là “Huống Thanh Thiên”.

Sau khi chấn chỉnh quan lại, Huống Chung còn cắt giảm sưu thuế, cân bằng lao dịch, làm lợi cho dân chúng, khuyến khích chăn nuôi trồng trọt. Ông đặc biệt được dân chúng ca ngợi trong việc giải quyết những vụ án tồn đọng và sửa chữa những vụ án oan sai. Theo ghi chép, ông “mỗi ngày xử lý công việc của một huyện”, đến cuối năm, ông đã điều tra, thẩm vấn được hơn 1.520 phạm nhân, gột sạch oan khuất cho những người bị oan sai. Từ đó, quan lại không còn dám gian trá, người dân không còn bị oan khuất, mọi người ca tụng ông là Bao Thanh Thiên tái sinh.

Huống Chung nghiêm khắc với bản thân, sống liêm khiết công chính mà giản dị, xứng đáng là vị quan “lưỡng tụ thanh phong”. Sử sách ca ngợi ông là: “Trong phủ quan nghiêm trang, không phô bày vật xa hoa”, trên bàn ăn chỉ “một món thịt, một món rau” mà thôi. Về sau, khi ông mất đi, những đồ vật được táng cùng cũng chỉ có sách và những vật dụng thông thường chứ không hề có những vật phẩm quý giá nào khác, khiến người Tô Châu đều vô cùng thương tiếc.

Ở phủ Tô Châu, Huống Chung từng ba lần rời chức vụ, nhưng dân chúng luôn nhớ nhung ông. Năm Tuyên Đức thứ sáu (tức năm 1431), lần đầu tiên Huống Chung rời khỏi nhiệm sở để về quê chịu tang mẹ. Không lâu sau, hơn 37.500 người trong quận cùng viết tấu thư, xin triều đình triệu hồi Huống Chung. Vì thế, hoàng đế liền lệnh cho Huống Chung trở lại.

Năm Tuyên Đức thứ tám (tức năm 1432), sau khi tại nhiệm ba năm, ông phải về chầu triều đình, nên rời nhiệm sở lần thứ hai. Người dân Tô Châu nhớ thương Huống Chung, lo rằng lần này ông về kinh rồi sẽ không quay trở lại. Đợi đến mùa xuân năm sau, khi ông trở lại Tô Châu, dân chúng mới thực sự yên tâm. Dân gian có câu ca dao ca ngợi Huống Chung rằng: “Thái thú về kinh, lòng dân bồn chồn, thái thú trở lại, lòng dân hân hoan”.

Lần thứ ba Huống Chung rời nhiệm sở là vào năm Chính Thống thứ năm (tức năm 1440). Năm đó ông giữ chức vụ tròn 9 năm, theo thông lệ sẽ được thăng một cấp, nên ông đến Bộ lại để thăng chức. Khi đó hơn 18.000 người lại dâng tấu thư giữ ông lại. Hoàng đế thấy tình hình ấy đành thăng Huống Chung làm quan tam phẩm, vẫn đảm nhiệm phủ Tô Châu. Lần thứ ba ông trở lại Tô Châu, dân chúng ra khỏi cổng thành hân hoan nghênh đón ông. Có thể thấy được ông có vị trí vô cùng quan trọng trong lòng người dân.

Huống Chung cai quản Tô Châu tổng cộng 30 năm. Đến tháng 12 năm Chính Thống thứ bảy (tức năm 1442), do làm việc vất vả sinh bệnh nên ông mất khi còn tại nhiệm, hưởng thọ 60 tuổi. Sau khi Huống Chung ra đi, không chỉ người dân Tô Châu khóc thương ông, mà người dân ở các quận lân cận như Tùng, Thường, Gia, Hồ cũng đến đưa tang ông. Vào ngày đưa tang, người dân khắp cả thành đều đưa tiễn ông, hai bên bờ áo quan trắng xóa chèo thuyền tiễn biệt. Để tưởng nhớ “Huống Thanh Thiên”, tất cả các thị trấn lớn nhỏ ở bảy huyện của phủ Tô Châu đều lập miếu thờ ông, hương khói cúng bái quanh năm. Dân chúng cũng treo tượng thờ cúng ông tại gia. Tại Thương Lãng Đình ở Tô Châu có một bức chân dung tạc bằng đá của Huống Chung vẫn còn tồn tại đến ngày nay, bên dưới có khắc những dòng ca tụng vẫn còn vô cùng rõ nét rằng: “Pháp hành dân lạc, nhiệm lưu trật thiên, thanh thiên chi dự, công vô quý yên”.

Mộ phần của ông được đặt trong lâm viên Huống Chung ở huyện Tịnh An tỉnh Giang Tây. Bên trên phần mộ có khắc bốn chữ lớn: “Huống Chung chi mộ”. Phía sau mộ có một tấm bia cao 3.5 mét, rộng 6 mét, sau nữa là “Phong Thanh Đình” với lối kiến trúc đấu củng mái vòm cong, rường cột chạm trổ, cổ kính, tao nhã.

Cuốn “Huống Chung truyện” trong “Minh Sử” đã bình luận về Huống Chung rằng: “Huống Chung cương chính liêm khiết, cần cù thương dân, không có vị thái thú Tô Châu nào có thể sánh được”. Lý Chí, một triết gia nhà Minh, đã đánh giá về Huống Chung rằng: “Kiên cường, quả cảm, khoan dung, không sợ những thế lực mạnh… Làm việc liêm khiết, không nhiễm bụi trần”.

Theo “Tinh giải luận ngữ
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: