“Vẽ rắn thêm chân”: Đạo lý trung dung cứu vãn nước Tề
- Thiên Cầm
- •
Trong “Chiến Quốc Sách” có ghi lại việc Trần Chẩn dùng câu chuyện “Vẽ rắn thêm chân” để khuyên Chiêu Dương đạo lý trung dung, thừa thiếu đều không tốt, từ đó mà cứu nguy cho nước Tề.
Đại tướng Chiêu Dương nước Sở dẫn quân Sở công phá nước Ngụy, giết chết tướng Ngụy, đại phá quân Ngụy, chiếm đóng 8 thành trì. Quân Sở lại thừa thắng xông lên đánh chiếm nước Tề. Nước Tề ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm.
Trần Chẩn với thân phận sứ giả của Tề Vương đã tới du thuyết với Chiêu Dương. Trước tiên ông chúc mừng chiến thắng của quân Sở, sau đó ông hỏi Chiêu Dương rằng: “Theo chế độ của nước Sở, người có công giết tướng chiếm đất, sẽ được phong quan tước, lộc hậu gì?” Chiêu Dương đáp: “Được phong quan tới chức Trụ Quốc, phong tới tước vị Chấp Khuê.”
Trần Chẩn lại hỏi tiếp: “Còn có chức vị nào tôn quý hơn như vậy không?” Chiêu Dương đáp: “Vậy chỉ còn chức Lệnh Doãn (tương đương với chức Thừa tướng) mà thôi.” Trần Chẩn nói: “Lệnh Doãn quả thực là chức quan vinh hiển nhất, nhưng Sở vương lại chẳng thể lập ra hai vị Lệnh Doãn!”
Sau đó ông tiếp lời:
Để ta kể cho tướng quân nghe câu chuyện này nhé. Nước Sở có một nhà quý tộc, sau khi cúng tế tiên tổ đã mang một hũ rượu tặng lại cho các môn khách. Các môn khách bàn luận với nhau: “Hũ rượu này chỉ đủ cho vài người uống, rượu không đủ. Một người hưởng thì lại dư thừa. Mỗi người chúng ta hãy vẽ một con rắn lên mặt đất, ai vẽ xong trước thì rượu thuộc về người ấy”. Mọi người đều đồng ý.
Có một môn khách vẽ xong trước, bèn cầm lấy hũ rượu chuẩn bị uống trước. Tay trái nâng ly, tay phải bắt đầu vẽ và lẩm bẩm rằng: “Ta còn có thể vẽ rắn thêm chân nữa kìa.” Chân rắn của anh chưa vẽ xong, thì chú rắn của một môn khách khác đã hoàn tất. Thế là anh kia đoạt lại hũ rượu từ trong tay anh này, nói: “Rắn vốn không có chân, anh lại cố tình thêm chân cho nó, như vậy thì không còn là rắn nữa rồi!” Nói xong, anh ta uống hũ rượu đó. Còn người vẽ rắn thêm chân, cuối cùng lại chẳng được một giọt rượu nào.
Như lúc này đây, tướng quân phò trợ Sở Vương công phá nước Ngụy, phá quân diệt tướng, đã giành được 8 thành trì. Nay lại nhân lúc mũi binh bất diệt mà dẫn quân sang nước Tề, khiến người nước Tề kinh hãi. Chỉ cần dựa vào điểm này thôi, tướng quân đã đủ được vinh danh ban tước rồi. Nhưng xét về chức vị, thì đã chẳng thể được tấn phong thêm chức tước gì nữa. Nếu đánh mà không thắng, lại không biết dừng đúng lúc, thì chỉ chuốc lấy hoạ diệt thân, tước vị nên đắc được cũng sẽ chẳng thuộc về tướng quân, cũng như câu chuyện vẽ rắn thêm chân vậy!
Chiêu Dương thấy lời của Trần Chẩn cũng có đạo lý, bèn rút quân về nước.
Quân tử háo danh, tiểu nhân chuộng lợi. Con người hễ bị danh lợi sai khiến, thường sẽ chẳng thể tự kiềm chế bản thân, chỉ biết tiến, mà không biết thoái. Nếu không biết dừng đúng lúc, không biết đang đà thuận lợi thì lui về, ắt sẽ như thả dây cương cho ngựa phi xuống vực thẳm.
Khiêm nhường là mỹ đức, nhưng khiêm nhường quá mức lại chính là tự ti. Tự tin là động lực, nhưng tự tin quá mức lại trở thành ngông cuồng, tự phụ. Nhẫn nhịn là khoan dung, nhưng chịu đựng một cách tiêu cực thì lại là sự khiếp nhược. Có thể trung dung, dừng đúng lúc, nắm được hạn độ một cách chính xác hay không sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới sự tu dưỡng trong nhân cách và thành bại trong sự nghiệp của chúng ta.
Trong “Luận Ngữ” có một đoạn hội thoại như sau:
Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Tử Trương và Tử Hạ, trong hai người này, ai giỏi hơn?” Khổng Tử đáp: “Tử Trương hơi thái quá, Tử Hạ lại làm chưa tới.” Tử Cống nói: “Vậy là Tử Trương tốt hơn phải không ạ?” Khổng Tử nói: “Thái quá hay thiếu hụt đều như nhau.”
“Thái quá hay thiếu hụt đều như nhau” thể hiện được đạo Trung Dung của Khổng Tử. Khí chất, tác phong, đức hạnh của một người đều không nên quá thiên lệch về bất cứ một phương diện nào. Hai phía đối lập cần hỗ trợ, ước chế lẫn nhau, bổ sung cho nhau, như vậy mới phù hợp với đạo.
Đạo Trung Dung có thể ứng dụng vào mọi phương diện trong cuộc sống. “Trăng tròn sẽ khuyết, nước đầy thì tràn”, phàm mọi việc làm quá giới hạn đều sẽ phản tác dụng, khiến tâm nguyện chẳng thành. “Nước trong quá thì không có cá, người hay xét nét lại chẳng có bạn”, hay soi xét, quá nghiêm khắc sẽ khiến tình bạn chẳng bảo toàn, cũng khiến người ta chán ghét. “Cây nổi giữa rừng, gió sẽ thổi bay”, bởi vậy phải biết nên có hạn độ, công thành thân thoái.
Vật cực tất phản, cực thịnh sẽ thoái, trong đối nhân xử thế phải biết dừng đúng lúc. Không thái quá, không quá mức, quá giới hạn, cần hợp thời, đủ độ, phù hợp. Như vậy sự nghiệp, công việc và mối quan hệ giao tiếp mới có thể ở vào trạng thái tốt nhất.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Khổng Tử nước Tề nước Sở Trung dung Chiến quốc