Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh
- An Hòa
- •
Văn hóa truyền thống dạy con người coi trọng đức, tích đức hành thiện, bởi vì phúc báo của con người là từ đức mà sinh ra. Có một loại đức đặc biệt là âm đức, tức là làm việc thiện một cách tự nhiên mà không cần ai biết, không phải vì bản thân mà làm. Người có được âm đức nhất định sẽ được ban thưởng phúc báo, hơn nữa phúc báo còn rất lớn, có thể cải biến vận mệnh của bản thân thậm chí đến đời con cháu cũng được thừa hưởng.
Trong cuốn sách “Dũng tràng tiểu phẩm” của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà Minh có ghi chép một câu chuyện như vậy.
Hứa Thúc Vi (1079 – 1154), tự là Tri Khả, là người Côn Lăng, triều đại Nam Tống. Lúc còn nhỏ, Hứa Thúc Vi thông minh lại chăm chỉ học tập nên được thầy giáo rất khen ngợi. Nhưng tuổi thơ của ông sống trong nghèo khổ. Lúc Hứa Thúc Vi 11 tuổi, cha ông bị nhiễm ôn dịch mà qua đời. Mẹ ông sau khoảng thời gian đau khổ và mệt nhọc quá mức cuối cùng cũng mất, để lại Hứa Thúc Vi một mình.
Hứa Thúc Vi lúc trẻ tuổi từng được đề cử tham gia một cuộc thi nhưng không đỗ đạt gì. Trên đường trở về nhà, khi thuyền đi ngang qua Bình Vọng, Ngô Giang, Hứa Thúc Vi nghỉ đêm tại đây. Đêm hôm ấy ông đã gặp một ông lão mặc đồ trắng ở trong mộng.
Người này nói với ông rằng: “Cậu chưa tích đủ âm đức cho nên thi không đỗ”.
Hứa Thúc Vi nói: “Gia cảnh của tôi bần hàn, không có tiền tài để giúp đỡ người khác. Tôi phải làm thế nào?”
Ông lão mặc đồ trắng nói: “Tại sao cậu không học y? Ta có thể giúp cậu tinh thông y thuật.”
Hứa Thúc Vi tỉnh dậy và nhớ rất rõ giấc mộng này. Sau khi trở về nhà, ông đã làm theo lời của ông lão mặc đồ trắng chỉ bảo. Hứa Thúc Vi bắt đầu nghiêm túc và chăm chỉ đọc các loại sách y dược của các danh y thời cổ đại. Sau một thời gian siêng năng học tập, quả nhiên Hứa Thúc Vi đã thực sự hiểu và nắm bắt được y đạo tuyệt diệu của danh y Biển Thước và danh y Trương Trọng Cảnh.
Tuy nhiên Hứa Thúc Vi không vì y thuật của mình mà lấy làm cao ngạo hay dựa vào đó mà cầu danh trục lợi. Phàm là ở địa phương có người bị bệnh dù nặng hay nhẹ, vô luận là giàu hay nghèo, sang hay hèn, Hứa Thúc Vi đều khám và chữa trị cho họ một cách cẩn thận và kỹ lưỡng. Đối với những người nghèo khó không có tiền mua thuốc, ông sẽ chữa trị và phát cho họ thuốc miễn phí. Số người đã được ông chữa khỏi bệnh lúc ấy nhiều vô kể.
Sau đó, Hứa Thúc Vi tham gia kỳ thi hương và vượt qua kỳ thi này, được đến bộ Lễ để tham gia thi hội. Trên đường đi thi, Hứa Thúc Vi lại đi ngang qua Ngô Giang và nghỉ đêm tại đây. Đêm hôm ấy, ở trong giấc mộng, ông gặp được ông lão mặc đồ trắng hồi trước. Ông lão mặc đồ trắng đã tặng cho Hứa Thúc Vi bốn câu thơ:
Thi dược công đại
Trần Lâu gian xử
Điện thượng hô lư
Hoán lục tác ngũ
Tạm dịch:
Hành y có công lớn
Ở giữa Trần và Lâu
Xướng danh người thi đỗ
Xếp sáu lại lên năm
Hứa Thúc Vi nghĩ đi nghĩ lại bốn câu thơ này nhưng không hiểu được ý nghĩa, ông chỉ đành ghi chép lại.
Vào năm Thiệu Hưng thứ hai (năm 1132), Hứa Thúc Vi thi đỗ tiến sĩ và xếp ở vị trí thứ sáu. Không lâu sau, người đỗ tiến sĩ xếp ở vị trí thứ hai đã bị loại ra khỏi danh sách vì không hợp lệ nên Hứa Thúc Vi được thăng lên vị trí thứ năm. Người xếp ở vị trí trên Hứa Thúc Vi tên là Trần Tổ Ngôn, còn người xếp ở vị trí dưới ông tên là Lâu Tài. Hứa Thúc Vi xếp giữa hai người họ Trần và họ Lâu. Lúc này, Hứa Thúc Vi mới hiểu ra được ý nghĩa của mấy câu thơ mà ông lão áo trắng đã tặng mình.
Lúc tuổi già, Hứa Thúc Vi lấy ra những bài thuốc hữu hiệu mà ông đã sử dụng nhiều lần trong đời, ghi chép chi tiết cách sử dụng và biên soạn cuốn sách “Phổ tể bổn sự phương”. Trong cuốn sách này có rất nhiều bài thuốc kỳ diệu, giúp ích cho người đời trong việc chữa trị bệnh. Đồng thời ông cũng viết ba cuốn “Thương hàn ca”, tổng cộng có 100 chương, đều dựa vào phương pháp của Trương Trọng Cảnh mà triển khai ra. Ông còn viết 81 chương “Trị pháp” và 36 bức vẽ “Trọng Cảnh mạch pháp”, hai cuốn “Dực thương hàn luận”, năm cuốn “Biện loại”. Các cuốn sách của ông sau khi phát hành đều hữu dụng và đã được lưu truyền cho đời sau. Ông trở thành y học gia nổi tiếng triều đại Nam Tống.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lý Mai
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Vận mệnh Tích đức âm đức