Vài chuyện danh y thời xưa chữa bệnh giúp người nghèo được phúc báo
- An Hòa
- •
Thời cổ đại, những người thầy thuốc hành y hầu hết đều mang trong mình tâm tế thế cứu người, giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn nguy hiểm. Không mong không cầu, nếu có người bệnh đến cầu cứu, không hỏi quý tiện bần phú, già trẻ, sáng sủa hay si ngốc, kẻ thù hay bạn bè, người thân hay người lạ, tất cả đều giống nhau, đều xem đó là người bệnh mà cứu giúp. Đây là phương châm cứu người của nhiều thầy thuốc có đức có tài trong các thời đại lịch sử.
“Đạo ở trước, thuật ở sau”. Một người làm việc thiện, nhìn như là làm lợi cho người khác nhưng kỳ thực cũng có thể cho phép chính bản thân người ấy và con cháu của họ nhận được sự che chở phù hộ từ thượng thiên. Lão Tử giảng: “Nhân hành dương đức, nhân tự báo chi; nhân hành âm đức, quỷ thần báo chi”, nghĩa là người làm việc thiện tích dương đức thì con người sẽ báo đáp, còn người làm việc thiện tích âm đức thì quỷ Thần sẽ báo đáp. Trường hợp của một số thầy thuốc nổi tiếng thời nhà Minh được ghi chép trong cuốn “Khâm định cổ kim đồ thư tập thành” là minh chứng cho điều đó.
Sách chép rằng, ở Lâm An, Chiết Giang có một vị thầy thuốc tên là Trâu Quan, hiệu là Giới Am. Ông là người có y thuật cao siêu hơn người, trong tâm lại luôn nghĩ đến những người không có tiền chữa bệnh.
Một lần, một người dân ở làng bên cạnh bị lên nhọt độc. Khi biết tin, Trâu Quan đã lập tức lấy dược liệu và đến nhà người bệnh này chữa trị. Sau khi được dốc lòng chữa trị, bệnh nhân kia đã khỏi bệnh. Nhưng nhà người ấy lại nghèo đến mức không có gì để ăn cả, thứ duy nhất có thể dùng làm quà cảm ơn thầy thuốc chính là một con trâu đang buộc ở bên ngoài. Nhưng Trâu Quan đã không chịu nhận bất cứ thứ gì và quay người bỏ đi.
Sau đó hai năm, vị thầy thuốc ra ngoài làm việc và tình cờ đi ngang qua ngôi làng cũ. Lúc ấy trời đã tối, đột nhiên có một con hổ xuất hiện và chặn đường đi của ông. Đang ở vào tình thế nghìn cân treo sợi tóc, thì có một con trâu từ bãi cỏ gần đó nhảy ra và lao về phía con hổ, cuối cùng con hổ hoảng sợ bỏ chạy.
Một lúc sau, người chủ của con trâu nghe động lớn đã chạy tới. Anh ta nhìn kỹ hơn và thấy rằng người đàn ông trước mặt mình chính là vị thầy thuốc đã đích thân mang thuốc đến chữa bệnh cho mình vào hai năm trước.
Một chuyện nữa chép rằng ở huyện Hạc Khánh, Vân Nam có một thầy thuốc nổi tiếng tên là Lý Đức Lân. Ông có tài chữa trị siêu thường và cũng rất tinh thông về thuật bắt mạch. Có rất nhiều căn bệnh khó chữa và phức tạp mà ở địa phương chỉ có ông mới có thể chữa khỏi nên mỗi ngày đều có rất nhiều bệnh nhân đến nhà ông khám chữa.
Đương thời, có một người đàn ông nghèo sống ở phía đông con sông Nhị. Một ngày nọ ông ta đột nhiên lâm bệnh nặng không thể dậy nổi. Khi biết tin, thầy thuốc đã ngay lập tức đến nhà chữa bệnh cho người đàn ông đó mà không suy nghĩ nhiều. Vị thầy thuốc đã nhanh chóng chữa khỏi bệnh cho người đàn ông mà không lấy một đồng tiền nào.
Một thời gian sau, một hôm thầy thuốc Lý Đức Lân có việc phải ngồi thuyền đi qua sông Nhị. Thuyền sắp rời bến nên ông đã vội vã chạy nhanh về phía bờ sông. Vừa lúc ấy có một người phụ nữ bê một cái chậu đầy nước đột nhiên từ trong nhà ven đường đi ra. Bà tưởng bên ngoài không có ai nên đã thuận tiện hắt chậu nước ra đường. Lý Đức Lân bị chậu nước hắt vào ướt sũng không biết phải làm sao. Lúc ấy, chồng người phụ nữ kia từ trong nhà đi ra thì nhận ra trước mắt mình chính là vị thầy thuốc đã chữa trị bệnh miễn phí cho mình trước đây. Ông ta nhận ra ân nhân của mình liền lập tức quỳ xuống dập đầu còn thịnh tình mời vị thầy thuốc ở lại nhà mình chơi một hôm để đền bù lỗi lầm do vợ vừa gây ra.
Ngày hôm sau, đột nhiên có tin rằng chiếc thuyền ngày hôm qua đã bị lật trên sông. Khi biết Lý Đức Lân thoát nạn, người dân địa phương ai cũng cho rằng đó là vì ông đã tích được đức lớn mà tránh được tai họa ấy.
Vào thời xưa, không chỉ có việc thầy thuốc không thu phí khám chữa bệnh mà còn có thầy thuốc dùng tiền của mình để giúp đỡ người khác. Ở huyện Thượng Nguyên, Nam Kinh có một thầy thuốc tên là Diêu Khản, tự là Văn Cương. Ngay từ khi còn rất trẻ, Diêu Khản đã được học tập y thuật từ danh y họ Lý và nhanh chóng được chân truyền từ vị danh y này. Nhờ đó mà rất nhiều bệnh lâu ngày không khỏi nhưng qua tay Diêu Khản thì thực sự thuốc vào là bệnh hết.
Diêu Khản chẳng những có y thuật cao siêu mà còn rất trọng tình trọng nghĩa. Hễ thấy bà con xa gần hay làng xóm có người sống nghèo khổ, không có tiền làm tang lễ thì Diêu Khản đều dốc tiền trợ giúp. Về sau, con trai của Diêu Khản đỗ đạt tiến sĩ, hơn nữa còn nhanh chóng được phong chức quan, đầu tiên là làm chủ sự công bộ, không lâu sau được thăng lên làm tri phủ Vĩnh Châu. Con trai ông cũng kế thừa tính nhân hậu và tốt bụng của cha mình, sau khi làm quan vẫn luôn quan tâm tới dân chúng và được người dân địa phương rất yêu kính. Diêu Khản khi tuổi già cũng được phong chức Lễ bộ lang trung vì con trai ông được Hoàng đế trọng dụng.
Ở Chiết Giang cũng có một vị thầy thuốc tên là Hứa Thành Nhân, tự là Tử Mỹ. Ông là một thầy thuốc đọc qua kinh điển Nho gia và cực kỳ tài năng trong việc nghiên cứu y thuật. Ông không so đo tính toán danh lợi, được mất, thấy người nghèo khó bị bệnh liền tự mình mua củi mua thuốc sắc thuốc cho họ uống. Ông hết lòng quan tâm đến bệnh nhân, khi cần thiết đều rút tiền của mình ra trợ giúp thậm chí không giữ lại một đồng nào. Nhờ sự tận tình của ông mà rất nhiều người bệnh đã được chữa khỏi.
Vì đức hạnh xuất chúng của ông, quan lại quận huyện đã ban thưởng cho ông các bức hoành phi tuyên dương. Sau này, cả hai người con trai của ông đều đỗ đạt, cháu trai của ông cũng được chọn vào học tại trường Thái học. Những người biết Thành Nhân đều nói rằng đây là phúc báo mà ông nhận được sau khi làm nhiều việc thiện trong đời.
Ở Vô Tích, Giang Tô, có một vị thầy thuốc tên là Thi Giáo, tên tự là Tử Thừa và hiệu là Tâm Cúc. Mặc dù ông đã học tập Nho gia từ khi còn nhỏ nhưng khi lớn lên lại nhiều lần thất bại trong các kỳ thi của triều đình. Vì vậy, trong thời gian rảnh rỗi, Tử Thừa đã lấy ra những cuốn sách y học cổ và nghiên cứu chúng. Thuận theo thời gian, y thuật của ông cũng được nâng cao, khi bắt mạch cho bệnh nhân ông có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân bệnh. Nhiều người uống thuốc do ông kê đều có thể khỏi được bệnh.
Tử Thừa rất có danh tiếng ở địa phương, nhưng ông không bao giờ lấy theo đuổi danh vọng và tiền tài làm mục đích. Chỉ cần có người nghèo đến khám bệnh, ông không những không nhận tiền mà còn dùng tiền của mình để giúp đỡ họ. Khi không có bệnh nhân, ông cũng thường xuyên làm việc thiện giúp người. Ông luôn hào phóng giúp đỡ những người đang cần tiền gấp. Sau này, con cháu của ông đều có cuộc sống sung túc, đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Quả thực là “nhà tích thiện, ắt có dư phúc”.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa y đức y học cổ đại