Chuyện trẻ em Việt Nam đi học ở Nhật Bản
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Ở Việt Nam lễ khai giảng thường diễn ra vào tháng 9 nhưng ở Nhật lại là tháng tư – đúng mùa hoa anh đào nở. Với cả người Nhật và người Việt thì chuyện lần đầu đưa con đến trường là vô cùng quan trọng. Trong quá trình giúp đỡ bạn bè đưa con nhập học ở Nhật trong tư cách là “thông ngôn” tôi có lượm lặt được vài thông tin xin được kể lại như là “chuyện đó đây”. Trước tiên là chuyện ở nhà trẻ, trường mầm non.
Đăng ký vào trường
Ở Việt Nam chuyện xin cho con đi học thường là chuyện… ốm người và cần đến “quan hệ” nhưng ở Nhật Bản có vẻ như nó không có gì phức tạp trừ phi bạn lỡ sống ở khu vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trường cho trẻ.
Thường thì phụ huynh người Việt sẽ tìm kiếm nhà trẻ, trường mầm non nào đó gần nơi mình ở. Ở Nhật Bản không tồn tại chế độ hộ khẩu vì thế cứ sống ở đâu thì coi như “dân” ở đó. Người Nhật hay người nước ngoài đều thế không có sự phân biệt. Sau khi đến nước Nhật sau một thời hạn nhất định (thường là một tuần) người nước ngoài sẽ phải đến tòa thị chính để làm thủ tục đăng ký lấy thẻ người nước ngoài. Thủ tục này xong coi như họ trở thành “cư dân” ở địa phương đó. Mọi giấy tờ liên lạc liên quan đến phúc lợi, thuế, cuộc sống đều sẽ được gửi đến địa chỉ này. Khi chuyển đi, sẽ lại phải đến tòa thị chính nơi ở mới để đăng ký và nhân viên ở đây sẽ ghi địa chỉ mới lên mặt sau của tấm thẻ. Không có sự vụ gì nghiêm trọng sẽ không bao giờ có chuyện cảnh sát đến nhà hỏi thông tin. Đương nhiên không có chuyện kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Ở đường cảnh sát có thể kiểm tra thẻ người nước ngoài nhưng ở nhà dù là nhà thuê bạn sẽ là chủ. Không ai được quyền tự ý bước vào nhà bạn nếu bạn không mời hoặc cảnh sát mang theo giấy khám nhà của tòa án. Chủ nhà cũng không bao giờ gõ cửa phòng bạn. Theo luật Nhật Bản ngay cả trong trường hợp bạn không nộp tiền nhà, chủ nhà sẽ phải gửi đơn ra tòa dân sự và nếu có phán quyết của tòa với sự làm chứng hợp pháp mới được phép mở cửa vào nhà bạn để… dọn đồ bạn ra ngoài.
Cách tìm trường nhanh nhất là hỏi những người Việt đã từng có con đi học ở khu vực đó hoặc nhờ người Nhật quen biết giúp đỡ. Phụ huynh nào “cao thủ” hơn trong trình độ tiếng Nhật có thể lên tòa thị chính hỏi để được tư vấn hoặc lên internet vào các diễn đàn đọc để xem “danh tiếng” và “tai tiếng” của trường như thế nào.
Sau khi quyết định trường cho con vào học, phụ huynh sẽ lên tòa thị chính hoặc đến thẳng trường xin một bộ hồ sơ đăng ký vào trường. Thường trong hồ sơ sẽ có 3 nguyện vọng. Việc quyết định vào học trường nào là do tòa thị chính chỉ định và họ sẽ thông báo cho nhà trường và phụ huynh trước năm học mới. Thường thường do cân nhắc đến yếu tố “nước ngoài” tòa thị chính có xu hướng bố trí con em người nước ngoài vào những trường mà giáo viên đã từng có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ em quốc tế.
Thuyết minh về trường và dặn dò chuẩn bị
Sau khi nhận được thông báo được nhận vào trường, phụ huynh sẽ được nhà trường liên lạc mời đến gặp trước khi tiến hành khai giảng. Tiếp phụ huynh sẽ là hiệu trưởng. Trong buổi gặp này hiệu trưởng sẽ trao cho phụ huynh các tài liệu cần thiết như: tài liệu giới thiệu về nhà trường, những đồ dùng nhà trường phát cho học sinh… Hiệu trưởng và nhân viên phụ trách cũng sẽ thuyết minh cho phụ huynh nghe đầy đủ về các thông tin liên quan đến nhà trường: cơ cấu tổ chức, tư cách pháp nhân, số lượng nhân viên, triết lý giáo dục, học phí, các khoản thu ngoài học phí, hình thức liên lạc với gia đình và cách thức nộp tiền… Để đảm bảo công bằng cơ hội giáo dục, các khoản phí phải nộp sẽ tương ứng với thu nhập của phụ huynh. Nghĩa là gia đình nào thu nhập cao sẽ phải đóng phí cao hơn gia đình có thu nhập thấp.
Đặc biệt, nhà trường sẽ giới thiệu cho phụ huynh địa chỉ liên lạc cần thiết (tòa thị chính, hiệu trưởng) khi phát hiện thấy con bị ngược đãi.
Hiệu trưởng cũng sẽ dặn dò phụ huynh chuẩn bị các đồ dùng cần thiết cho con dùng ở trường. Đặc biệt đồ dùng nào cũng đều phải có dán tên học sinh kèm theo dấu hiệu của “lớp” (thường được quy định bởi màu sắc và biểu tưởng ví dụ quả chuối màu vàng, con thỏ màu trắng). Giáo viên trực tiếp lấy số đo từ học sinh để đặt may quần áo thể thao…
Phụ huynh cũng sẽ phải viết “địa chỉ liên lạc khẩn cấp” để nhà trường gọi khi cần thiết.
Thông tin về sức khỏe của học sinh: đã tiêm những vắc xin gì, có bị phản ứng thuốc bao giờ không, có bị bệnh nặng không, có kiêng thức ăn gì không… sẽ được hỏi và ghi chép lại cẩn thận. Thường ở Nhật sẽ có cuốn sổ y tế ghi chép quá trình trưởng thành và các loại thuốc điều trị, tiêm phòng của trẻ để phụ huynh sao cho nhà trường nhưng Việt Nam không có nên được tiến hành bằng… phỏng vấn.
Giáo viên cũng sẽ dẫn phụ huynh đi tham quan một vòng quanh trường và hướng dẫn cách đi, để giày dép, quần áo khi vào trường…
Những nghi thức của lễ nhập học (khai giảng) cũng được thông báo cẩn thận. Phụ huynh và học sinh sẽ phải đến trước 30 phút để chuẩn bị.
Sau khi nghe xong thuyết minh, phụ huynh sẽ phải đóng dấu (kí) vào nơi xác nhận đã được nghe thông tin đầy đủ và đồng ý cung cấp thông tin cá nhân cho trường.
Dường như trẻ em người Việt thích nghi khá nhanh với môi trường mới. Chú bé 5 tuổi vừa mới tới Nhật Bản hôm trước nay cùng tôi và bố mẹ tới trường khi về đã nói luôn “Con thích đi học”. Chú bé cũng thắc mắc mãi là “Tại sao cô giáo lại mang đồ chơi cho con chơi nhỉ?”
Mà thích cũng phải. Mới vào trường cô trò chẳng hiểu nhau nói gì nhưng đã được cô hiệu trưởng mang cho một thùng đồ chơi tha hồ ngồi xếp. Lúc về còn được cô cho một gói kẹo.
Giáo viên ở các nhà trẻ, mầm non Nhật Bản thường được đào tạo và tuyển chọn khá khắt khe cho dù là nhân viên chính thức hay bán thời gian.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
- Giờ dạy khoa học tại Việt Nam trong mắt người Nhật
- Cuộc sống hàng ngày trong các trường trung học Nhật Bản
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Nhật Bản Nguyễn Quốc Vương