Giờ dạy khoa học tại Việt Nam trong mắt người Nhật
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Lần này chúng ta hãy cùng nhìn vào lớp học của học sinh lớp 3. Môn học là “Tự nhiên và Xã hội”. Môn học này được thiết kế dành cho các lớp bậc thấp (tức lớp 1, 2, 3-ND), nói cách khác là môn học tích hợp khoa học và xã hội. Sẽ dễ hình dung hơn nếu ta nghĩ rằng môn học này tương ứng với môn “Đời sống” ở nước ta.
Chủ đề của giờ học là “Bệnh Lao”. Người dạy là giáo viên nữ còn rất trẻ khoảng trên 20 tuổi. Giáo viên trước tiên nắn nót viết lên bảng dòng chữ “Tự nhiên và Xã hội-Bệnh Lao”. Ở Việt Nam, vào đầu giờ học, việc phải viết tên bài học lên bảng đã trở thành thói quen. Lời đầu tiên của giáo viên là câu hỏi “Hôm nay chúng ta sẽ học về bệnh lao. Các em có biết bệnh lao không?”. Gần như tất cả học sinh trả lời “Có ạ”. Giáo viên vừa có vẻ mặt giống như hài lòng vừa đưa ra yêu cầu “bây giờ các em hãy mở sách giáo khoa ra”. Sau khi cho học sinh đọc thầm truyện tranh 5 cảnh giữa bác sĩ và bệnh nhân viết trong sách, giáo viên cho học sinh tạo thành cặp đôi với bạn ngồi bên để đóng kịch bác sĩ và bệnh nhân theo truyện tranh.
Bác sĩ: Hôm nay anh thấy thế nào?
Bệnh nhân: Gần đây tôi thấy dễ mỏi mệt và chán ăn. Buổi chiều thì hay bị sốt nhẹ.
Bác sĩ: Được rồi, giờ thì chụp X quang phổi nhé! Cũng có thể anh bị mắc bệnh lao.
Bệnh nhân: Thưa bác sĩ, tại sao người ta lại bị bệnh lao?
Bác sĩ: Đó là do vi khuẩn xâm nhập.
Bệnh nhân: Bệnh lao có chữa khỏi được không ạ?
Bác sĩ: Nếu điều trị sớm thì sẽ khỏi.
Bệnh nhân: Bệnh lao có lây cho người khác không?
Bác sĩ: Có lây đấy. Bệnh lao lây qua đường hô hấp và truyền từ người bệnh sang người khác.
Học sinh đóng vai có vẻ thích thú. Khi học sinh đóng vai xong, giáo viên dán lên bảng một tờ giấy. Ở trên đó có ghi 4 câu hỏi.
- Nguyên nhân của bệnh lao là gì?
- Triệu chứng của bệnh lao là gì?
- Bệnh lao lây truyền trong những trường hợp nào?
- Bệnh nhân bệnh lao và những người ở xung quanh sẽ bị ảnh hưởng xấu nào?
Giáo viên ra yêu cầu “Bây giờ, các em hãy chia nhóm và suy nghĩ về 4 câu hỏi này. Mỗi nhóm cô sẽ phát cho giấy. Hãy ghi vào tờ giấy đó”. Ngay lập tức học sinh tạo thành 5 nhóm mỗi nhóm 6 học sinh từ các học sinh ngồi ở trước sau, trái phải. Có lẽ học sinh luôn được yêu cầu được tạo ra các nhóm bằng cách như thế chăng? Học sinh đã quen với việc đó. Học sinh bắt đầu thảo luận trong nhóm. Học sinh quay mặt vào nhau và thảo luận điều gì đó. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ thì thấy ở nhóm nào cũng vậy chỉ có nhóm trưởng là hăng hái nói và học sinh làm nhiệm vụ ghi chép thì cắm cúi ghi vào giấy. Bốn học sinh còn lại chỉ im lặng nhìn cảnh ghi chép.
Sau 5 phút giáo viên gõ thước lên bảng. “Cạch!” – âm thanh vang khắp lớp học. Nghe tiếng đó tất cả học sinh ngừng hoạt động và nhìn lên bảng. Giáo viên yêu cầu “Đại diện của nhóm lên bảng và trình bày ý kiến của nhóm mình”. Từng người đại diện của nhóm lên bảng và phát biểu. Tuy nhiên, câu trả lời của các nhóm hầu như là giống nhau.
Tiếp theo, giáo viên nói “Bây giờ, các em hãy nghĩ xem chúng ta phải làm gì và không được làm gì để khỏi mắc bệnh lao” và yêu cầu học sinh quan sát tranh minh họa ở trong sách giáo khoa. Sau đó lại cho thảo luận theo nhóm và cho học sinh viết vào giấy “Những việc phải làm/những việc không được làm”. Các nhóm giống như trước đó lại chỉ có nhóm trưởng và người ghi chép là cắm cúi làm.
Ba phút sau, cùng với tiếng “Cạch!”, việc thảo luận trong nhóm kết thúc và đại diện từng nhóm phát biểu. Cũng giống như trước đó, nội dung của các nhóm hầu hết là giống nhau.
Sau khi tất cả các nhóm phát biểu xong, giáo viên chỉ định một học sinh cho ngồi trên ghế đã chuẩn bị sẵn ở trước lớp. Sau đó cho học sinh đội mũ trắng của bác sĩ đã chuẩn bị sẵn. Cả lớp học vang tiếng cười trong khoảnh khắc.
Tiếp theo, giáo viên gọi một học sinh nữa và yêu cầu “Em hãy nói cho bác sĩ ngồi trước mặt những triệu chứng của em”. Học sinh đóng vai bệnh nhân nói với vẻ hơi xấu hổ “Gần đây tôi chán ăn, bị sốt nhẹ…” và học sinh đóng vai bác sĩ đáp “Đó là do bệnh lao đấy”. Sau đó, các học sinh khác tiếp tục đóng vai bác sĩ và bệnh nhân. Giờ học kết thúc sau khi trò đóng vai này diễn ra khoảng 2 lần.
Sau khi giờ học kết thúc tôi đã hỏi cảm tưởng của giáo viên dạy giờ này và cô đáp “Tôi nghĩ là giờ học đã diễn ra rất trôi chảy. Đấy là kết quả của việc chuẩn bị giờ học tốt”. Tuy nhiên tôi thì có một câu hỏi lớn. Giờ học này diễn ra ở một trường tiểu học nằm ở một thành phố địa phương gần thủ đô và tôi đã ở đó một thời gian dài cho nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy vào đầu giờ lúc giáo viên hỏi “Các em có biết bệnh lao không?” thì gần như tất cả học sinh đều đáp “Có ạ”. Để giải đáp thắc mắc đó, sau giờ học tôi đã hỏi một số học sinh. Câu trả lời của các em là “Trong sách giáo khoa có viết nên khi chuẩn bị bài trước chúng cháu đã biết”. Lần đầu tiên tôi biết được phía sau câu trả lời “Có biết ạ” của các em là như thế.
Dựa trên tiền đề như thế, và cho dù học sinh có biết với tư cách như là thông tin đi nữa thì việc tiến hành giờ học về chủ đề bệnh lao hoàn toàn không tuân theo một chút gì gọi là cảm nhận thực tế này, đối với giáo viên là một vấn đề lớn. Tuy nhiên thật đáng tiếc người dạy bài này đã tiến hành bài học tuần tự theo sách giáo khoa. Cho dù cô đã sử dụng trò chơi đóng vai bác sĩ và bệnh nhân với tranh minh họa trong sách giáo khoa và có thể thấy sự dụng công trong cấu trúc giờ dạy nhưng khó có thể chối bỏ một sự thật là cô đã không hề chú ý tới các trải nghiệm, tri thức đã có của học sinh mà đã tiến hành giờ học theo sách giáo khoa và giờ học chỉ là sự truyền đạt trung thành những gì được viết trong sách giáo khoa.
Tác giả: Tanaka Yoshitaka
Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt lại
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Tanaka Yoshitaka sinh năm 1964 tại Kyoto, tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Shiga (Nhật Bản), lấy bằng thạc sĩ ngành Hành chính quốc tế tại Mĩ. Hiện tại ông là nghiên cứu viên chính của Trung tâm phát triển quốc tế, hội viên Hội Giáo dục học Nhật Bản, chuyên nghiên cứu phát triển giáo dục, phát triển xã hội. Cho đến nay ông đã đến làm cố vấn giáo dục ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Việt nam, Indonesia…
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương