Nguyễn Công Hoàn là danh sĩ trong “Tứ hổ Tràng An” một thời (nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn). Dù là danh sĩ nhưng ông tính tình cứng cỏi và lận đận thi cử. Ông đã dạy dỗ cho con trai là Nguyễn Bá Lân đỗ đạt, trở thành người duy nhất làm Thượng thư qua cả lục bộ, làm quan đến Bồi tụng – tức quan chức cao thứ hai trong Triều.

“Tứ hổ Tràng An”

Thuở nhỏ Nguyễn Công Hoàn đi học để biết chữ, rất ít khi chịu đọc sách. Đến khi 17 tuổi, vì đối đáp với người thấy thua kém nên cậu phẫn chí mà đọc sách, từ đó văn chương ngày càng trôi chảy.

Năm 1694 có đợt cải cách về giáo dục, học theo thời kỳ Hồng Đức thịnh trị thời vua Lê Thánh Tông, cách hành văn cũng học theo thời kỳ này. Vì nhiều người đã quen với kiểu hành văn cũ, Nguyễn Công Hoàn trở nên nổi bật khi học được lối hành văn thời Hồng Đức qua các bài phú như “Hồng môn hội ẩm”, “Thiên hà kỳ hán tín”,“Thiên thu kim giám mục”. Nguyễn Công Hoàn có nhiều bài văn hay, lại có thể xuất khẩu thành văn, vì thế mà người đương thời tôn ông là một trong “Tứ hổ Tràng An” (nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn).

Ông tự đặt tên hiệu là Mai Hiên, tên chữ là Hạo Nhiên, đi dạy học khắp nơi, vì có tiếng là hay chữ nên học trò theo học rất đông.

Theo tài liệu của dòng họ thì nhiều người nhờ ông đề văn, hễ có người đến nhờ viết văn là ông hầu như đều làm ngay. Văn của ông có nhiều trên chuông khánh, văn phổ khuyến, văn hùng điển, văn bia chùa quán, văn mục lục ở đình thần…

Dù hay chữ nhưng Nguyễn Công Hoàn thi cử rất lận đận, dự nhiều khoa thi mà không đỗ. Việc thi rớt có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do ông không thuộc nằm lòng Kinh điển của Nho gia nên hay chép sai hoặc sót chữ, mà yêu cầu thi cử là phải chép lại chính xác Kinh điển.

Mong con thành tài

Ông Hoàn có người con trai là Nguyễn Bá Lân, từ bé Bá Lân đã tỏ rõ sự thông minh nên ông Hoàn cũng ra sức kèm cặp mong con thành tài.

Theo gia phả dòng họ thì một hôm ông Hoàn có người bạn đồng môn là tiến sĩ Lê Anh Tuấn đến nhà chơi, hai người bạn giao lưu thơ phú, còn Nguyễn Bá Lân thì tiếp trà, thỉnh thoảng lại xen vào một câu thơ khiến ông Lê Anh Tuấn có phần bực tức.

Ông Tuần liền ra vế đối: “Sỉ tính cương, thiết tính nhu – Cương tính bất nhu, nhu tính cửu” nghĩa là: Lưỡi có trước vì mềm mà bền lâu, răng mọc sau cứng hơn nhưng không bền lâu được.

Nguyễn Bá Lân liền đối lại rằng: “My sinh tiền, tu sinh hậu – Tiền sinh mạc nhược, hậu sinh trường” nghĩa là: Lông mày mọc trước, không dài bằng râu mọc sau.

Sau khi đàm đạo, Nguyễn Bá Lân tiễn ông Tuấn trở về, ông Tuấn lại ra tiếp vế đối: “Đá xanh xây Cống – Hòn dưới nống hòn trên”.

Bá Lân hiểu ý cụ Tuấn chê mình ít tuổi, học không bằng cụ mà dám thi thố thơ phú là phạm thượng, nên nhân lúc đến quán lợp ngói thì đối lại rằng rằng: “Ngói đỏ lợp Nghè – Lớp sau đè lớp trước”, với từ “Nghè” cũng có nghĩa là ông Nghè tức tiến sĩ, với ý sau này mình sẽ thi đỗ làm quan còn cao hơn cụ Lê Anh Tuấn .

den tho nguyen ba lan 1
Đền thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Người duy nhất làm Thượng thư cả Lục bộ

Khoa thi năm 1731, Nguyễn Bá Lân đỗ đầu kỳ thi Hội tức Hội nguyên, đến thi Đình thì đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Nguyễn Bá Lân làm quan liêm khiết, văn võ toàn tài. Chúa rất tin tưởng ông nên trong lục bộ cứ thấy bộ nào yếu thì cử ông làm Thượng thư nắm Bộ đó, dần dần ông làm Thượng thư đủ cả lục bộ.

Khi Nguyễn Bá Lân có tuổi, ông xin nghỉ hưu, nhưng Triều đình vẫn cho ông làm “Giám trị thiên hạ từ tụng” nhằm giám sát các vụ kiện tụng trong dân chúng. Ông xử rất nhiều án và được cho là giữ được công minh, nhiều câu chuyện mô tả tài xử án của ông vẫn được lưu truyền lại.

Năm 1785, Nguyễn Bá Lân mất, thọ 85 tuổi. Ông được an táng tại quê nhà, được truy phong làm Thái tể, tước Quận công. Ông được tôn làm Thành Hoàng Ngũ Xá (linh thần chi phù).

Đánh giá về Nguyễn Bá Lân, “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép lại rằng:

“Nguyễn Bá Lân người xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong, cha tên là Hoàn, nổi tiếng về văn học, học thức của Nguyễn Bá Lân là nhờ gia đình, ông đỗ Hội Nguyên – Tiến sĩ đời Vĩnh Khánh, làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân dẹp yên giặc cướp tỏ rõ công lao; vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua, thăng đến Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, thượng thọ 86 tuổi, khi chết được truy tặng Thái tể, tước Quận công”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: