Vào các ngày lễ ngày tết hay ngày vui, mọi người thường tặng nhau các món quà để thể hiện thành ý và cũng để gắn kết tình cảm đôi bên. Việc này là một phong tục từ xa xưa có ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Nói về tặng lễ, người xưa có một câu thành ngữ rất hay là: “Thiên lý tống nga mao, lễ khinh nhân nghĩa trọng”. Gửi tặng món quà rất nhỏ từ nơi xa xôi ngàn dặm, món quà tuy rất nhỏ về vật chất nhưng tình nghĩa ẩn chứa trong đó thì sâu nặng thắm đượm. Ngoài ra, câu này cũng biểu hiện sự khiêm tốn của người tặng quà.

Về nguồn gốc của cách nói “Thiên lý tống nga mao, lễ khinh nhân nghĩa trọng” này, cuốn “Lộ sử” của thi họa gia Từ Vị thời nhà Minh có ghi chép lại.

Tiểu quan làm tới chức tể tướng bởi không động tâm trước nữ sắc
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Vào niên hiệu Trinh Quán thời nhà Đường, nước Hồi Hột ở Tây Nam là thuộc quốc đối với nhà Đường. Một lần, vì muốn bày tỏ lòng hữu hảo, nước Hồi Hột đã phái sứ giả Miễn Bá Cao mang một ít kỳ trân dị bảo tới bái kiến vua Đường. Trong số những cống vật này, trân quý nhất và ít thấy nhất chính là một con thiên nga trắng.

Miễn Bá Cao rất lo lắng về con chim thiên nga trắng này. Trên đường đi, ông đã đích thân cho nó ăn uống, chăm sóc cẩn thận không phút nào dám lười nhác.

Hôm đó, Miễn Bá Cao đi đến bên hồ Miện Dương thì thấy con thiên nga trắng vươn dài cổ ra, há mỏ lấy sức thở. Miễn Bá Cao không đành lòng bèn mở lồng, mang thiên nga đến bên bờ để cho nó uống nước một cách thoải mái.

Nào ngờ, sau khi thiên nga trắng uống nước xong thì liền vỗ cánh bay lên không trung. Miễn Bá Cao bổ nhào về phía trước nhưng chỉ túm được mấy cái lông chim chứ không thể bắt được thiên nga lại. Ông ta ngơ ngẩn một lúc lâu, mắt trân trân nhìn theo thiên nga bay mất tăm mất dạng.

Miễn Bá Cao cầm mấy cái lông vũ mà thẫn thờ, trong đầu suy nghĩ không biết phải làm sao, nếu không đến Trường An thì sẽ bị trách tội, nếu đến Trường An thì cũng không còn tặng phẩm quý nhất.

Sau khi suy nghĩ một hồi lâu, Miễn Bá Cao quyết định tiếp tục đi. Ông ta dùng một tấm vải lụa trắng cẩn thận bọc lông vũ lại, trên tấm lụa viết một bài thơ:

Thiên nga cống Đường triều, sơn trọng lộ viễn diêu
Miện Dương hồ thất bảo, đảo địa khốc hào đào
Thượng phụng Đường thiên tử, thỉnh tội Miễn Bá Cao
Vật khinh nhân ý trọng, thiên lý tống nga mao.

Tạm dịch:

Mang thiên nga cống triều Đường, núi non trùng điệp đường sá xa xôi
Đến bên hồ Miện Dương mất đi báu vật, gục xuống đất khóc 
Nay dâng vật này lên thiên tử Đại Đường, xin thứ tội cho Miễn Bá Cao
Lễ vật tuy nhẹ nhưng tình sâu nặng, từ xa ngàn dặm dâng tặng lông thiên nga.

Miễn Bá Cao mang trân bảo đi ngày đêm không nề hà gian khổ, chẳng bao lâu tới được Trường An. Hoàng đế nhà Đường, Đường Thái Tông tiếp kiến, Miễn Bá Cao dâng lên lông thiên nga. Đường Thái Tông đọc qua bài thơ, lại nghe Miễn Bá Cao bày tỏ, không những không trách tội mà lại cảm thấy Miễn Bá Cao chân thành trung thực, không làm nhục sứ mệnh, bèn trọng thưởng cho ông. Đồng thời Thái Tông còn tặng lại quà đáp lễ cho nước Hồi Hột.

Cũng từ đó, câu “Thiên lý tống nga mao, lễ khinh nhân nghĩa trọng” đã trở thành câu nói được dùng khi tặng quà, đáp lễ qua lại giữa đôi bên.

Câu thành ngữ này cũng được rất nhiều thi nhân nổi tiếng sử dụng. Âu Dương Tu đời Tống đã viết bài thơ “Mai Thánh Du ký ngân hạnh”, trong đó có dùng thành ngữ này. Số là Âu Dương Tu là người đứng đầu giới văn học lúc bấy giờ, Mai Thánh Du chính là thi nhân Mai Nghiêu Thần nổi danh. Hai người là bạn tri kỷ, trong lòng luôn nhớ đến nhau. Ở Tuyên Thành có rất nhiều cây Bạch quả, Mai Nghiêu Thần đích thân hái quả Bạch quả, lại không quản ngàn dặm xa xôi mang quả Bạch quả tặng cho người bạn Âu Dương Tu của mình. Sau khi nhận được quà của bạn, Âu Dương Tu đã làm thơ đáp tạ

viết:

Nga mao tặng thiên lý, sở trọng dĩ kỳ nhân.
Áp cước tuy bách cá, đắc chi thành khả trân.

Tạm dịch:

Lông thiên nga từ ngàn dặm đưa tới, nặng là ở người tặng.
Dù chỉ là trăm bạch quả, nhưng có được nó thật là vô cùng trân quý.

Trong bài thơ, “Áp cước” (chân vịt) chính là quả của cây bạch quả. Vì lá của cây Bạch quả có hình dáng giống chân vịt nên còn gọi là lá chân vịt, đồng thời cũng lấy “Áp cước” làm tên gọi thay cho cây bạch quả. Trong bài thơ, Âu Dương Tu đã lấy “Nga mao tặng thiên lý, sở trọng dĩ kỳ nhân” để nói về sự quý giá của bạch quả và thể hiện tình cảm sâu sắc của Mai Nghiêu Thần dành cho ông.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tâm Ngộ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: