Con cháu phải “quý đức” mới được an hưởng phúc báo từ tổ tiên
- Hoàng Thi
- •
Ngày nay, con cái lập gia đình thường không sinh sống cùng với cha mẹ cho nên người lớn và trẻ nhỏ thiếu đi sự tiếp xúc gần gũi. Trẻ nhỏ ít có cơ hội để học về lòng hiếu thảo, biết ơn tổ tiên ông bà, ông bà cha mẹ cũng khó hơn trong vai trò làm gương, giáo dục gia đình, truyền thừa văn hóa. Tuy nhiên ở trong dòng chảy của trời đất vẫn luôn tồn tại một mối liên hệ thâm sâu giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau. Dù là ở thời hiện đại, chúng ta vẫn có thể nghe được những câu nói như người kia giỏi giang là nhờ “tổ tiên tích đức”, hay người này tai qua nạn khỏi là nhờ “phúc báo của tổ tiên”, nhờ “Trời Phật phù hộ”. Kỳ thực, tổ tiên, ông bà và cha mẹ sống như thế nào đều sẽ có ảnh hưởng nhất định đến con cháu đời sau.
Người xưa tin rằng một gia đình có phát đạt hay không, con cháu có hưng vượng hay không đều có liên quan đến việc ông bà cha mẹ hay tổ tiên có làm việc thiện tích đức hay không. Bởi vậy người bề trên thực sự yêu thương con cháu thì càng phải chú ý đến đức hạnh của chính mình, lưu cấp cho con cháu một tấm gương tốt đẹp để chúng học theo. Người bề trên có đức thì con cháu hưng vượng, người bề trên thất đức thì một nhà gặp tai ương. Bên cạnh đó, con cháu cũng cần quý tiếc đức, quý tiếc phúc, như vậy mới có thể an hưởng phúc báo mà tổ tiên truyền lại.
Trong cuốn “Công quá cách” có ghi chép một câu chuyện như vậy. Vương Nhữ Bật là người Kiền Châu, sống vào thời nhà Tống, là người ngôn hành đoan chính. Lúc ấy, phía đông nhà ông có một người tên là Lưu Lương, phía tây có một người tên là Hà Sĩ Hiền, đời trước của hai người này đều làm nhiều việc thiện tích đức. Vào năm Sùng Ninh thời Tống Huy Tông, cả hai nhà Lưu và Hà đều sinh được con trai, cả hai đứa bé đều rất thông minh và đều theo học Vương Nhữ Bật. Hai nhà này đều giàu có nhưng lại rất hà khắc, về phương diện đạo đức không thể sánh được với tổ tiên đời trước.
Vào một ngày tháng 3 năm Tân mão Chính Hòa đời Tống Huy Tông, Vương Nhữ Bật đang đứng ở cửa thì nhìn thấy một đám người như người quan phủ đi đến trước cửa nhà họ Lưu và Hà rồi vẽ lên cửa một dấu hiệu gì đó. Vương Nhữ Bật liền đến hai nhà hỏi xem có chuyện gì xảy ra thì họ đều nói không biết có chuyện gì. Mấy ngày sau, địa phương xảy ra ôn dịch, hai đứa trẻ nhà họ Lưu và Hà đều nhiễm bệnh mà chết.
Một ngày mùa thu năm đó, Vương Nhữ Bật trong lúc bị hôn mê suốt hai ngày đã mộng thấy gặp chủ quan dưới minh phủ. Vương Nhữ Bật liền hỏi nguyên nhân vì sao hai học trò của mình bị chết. Chủ quan nói: “Hai đứa trẻ đó đều là bậc lương tài, bởi vì tổ tiên tích âm đức nên ký thác vào nhà họ để con cháu hưng thịnh. Nhưng không ngờ, cha của chúng là Lưu Lương và Hà Sĩ Hiền lại làm việc trái ngược với tổ tiên cho nên thiên quan tước đoạt đi quý tử của họ, đồng thời sẽ sớm thu hồi lại gia sản.”
Vương Nhữ Bật sau khi tỉnh dậy đã vội vã đến nhà họ Lưu và họ Hà kể lại giấc mộng của mình. Hai người sau khi nghe xong, hối hận khóc lóc không ngừng, quyết tâm cải sửa. Từ đó, người nhà họ Lưu và họ Hà quảng tích âm đức, giúp đỡ người khác.
Đến năm Ất mùi Chính Hòa, cả hai nhà lại sinh được con trai, nhà họ Lưu đặt tên là Lưu Triệu Tường, nhà họ Hà đặt tên là Hà Ứng Nguyên. Hai nhà vẫn mời Vương Nhữ Bật làm thầy dạy. Về sau, hai đứa trẻ này đều đỗ tiến sĩ, làm quan chức lớn, danh tiếng hiển hách.
Nói về phúc đức của tổ tiên, lại có một chuyện ghi chép như sau. Nguyễn Nguyên là trọng thần triều nhà Thanh, tinh thông kinh học và biên soạn nhiều sử sách. Ông nội của Nguyễn Nguyên là Nguyễn Ngọc Đường, là tướng quân, từng theo đại súy (tướng cai quản một cánh quân) dẫn quân đi chinh phạt đất Miêu. Lúc ấy có mấy ngàn người Miêu đầu hàng. Đại súy muốn giết hết toàn bộ những người này để phòng ngừa nhưng Nguyễn Ngọc Đường liều chết khẩn khoản xin tha cho họ. Mấy ngàn người Miêu nhờ vậy mà sống sót. Về sau, Nguyễn Ngọc Đường chết ở đất Nhâm, không để lại tài sản gì cho gia đình.
Cha của Nguyễn Nguyên là Nguyễn Tương Phố sống nghèo khó nhưng luôn giữ thân trong sạch. Có một lần, Nguyễn Tương Phố nhặt được một túi đầy bạc ở bến đò, bên trong còn có một ít tài liệu quan phủ. Ông nghĩ chuyện này là chuyện quốc gia khẩn cấp, còn liên quan đến tính mạng của người đánh mất nên nhất định phải chờ trả lại cho chủ nhân.
Nguyễn Tương Phố chờ đến lúc chạng vạng thì thấy có một người đến bờ sông đang chuẩn bị nhảy xuống tự tử. Ông tiến đến hỏi thì người kia vừa khóc vừa nói rằng: “Tôi đánh mất túi tiền, vừa hại bản thân mình lại làm liên lụy đến thượng cấp, không bằng tôi chết trước đi cho xong!” Nguyễn Tương Phố hỏi thêm một vài điều rồi vội vàng lấy túi bạc ra trả lại, đồng thời không cho người kia biết danh tính của mình.
Một năm, ở phố xá Tuyên Thành xảy ra cháy lớn khiến cho cả ngàn ngôi nhà bị thiêu hủy. Những người nghèo không có tiền thuê nhà, già trẻ lớn bé đều phải ngủ ở góc đường. Vào những ngày trời mưa to, dân chạy nạn đều đứng dưới nước bùn mà than khóc. Nguyễn Tương Phố thấy cảnh ấy thì thương cảm và rất muốn giúp đỡ. Vì thế, ông đã tìm đến những thương gia giàu có ở địa phương nói về nguyện vọng của mình, đồng thời đưa ra phương án thu xếp. Nhưng những thương nhân này nghe xong đều cười nhạo ông, nói rằng ông là người đã có địa vị thấp kém lại không biết lượng sức mình.
Nguyễn Tương Phố khảng khái nói: “Các vị không quan tâm đến bạn bè thân hữu, tôi mặc dù không phải người địa phương này nhưng cũng nhất định sẽ gắng sức làm“. Ông quay trở về quê năn nỉ người chủ trả trước lương cho mình và dùng hết tiền để cứu trợ những người này. Đồng thời ông còn xin người chủ thuê thợ thủ công đóng hàng trăm chiếc lán để những người nghèo vô gia cư có chỗ trú mưa. Người dân ai nấy đều cảm ơn ân đức của Nguyễn Tương Phố.
Ông nội cứu người, cha cũng cứu người, cuối cùng đời con đời cháu được Thượng Thiên ban phúc. Đến đời Nguyễn Nguyên, gia đình họ Nguyễn được hiển vinh phú quý. Nguyễn Nguyên đỗ đạt tiến sĩ, ban đầu làm tuần phủ Giang Tây, sau lại làm tổng đốc Vân Quý, từng đảm nhận qua các chức vị ở bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hộ, bộ Công, sau này trở thành trọng thần triều Gia Khánh. Sau khi qua đời, ông được ban thụy hiệu “Văn Đạt”.
Trong “Dịch Kinh. Khôn quẻ” viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”, nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui, nhà tích chứa điều ác sẽ có tai ương. Làm việc thiện tích đức không chỉ khiến bản thân mình có phúc báo mà còn khiến đời con cháu cũng được hưởng phúc từ tổ tiên. Tổ tiên đã tích đức để che chở cho con cháu, đồng thời cũng cần con cháu phải quý trọng phúc đức thì mới có thể an hưởng được phúc báo này.
Dựa theo bài đăng trên Window.minghui.org
Tác giả: Hoàng Thi
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Hành thiện tích đức và sự hưng thịnh suốt 300 năm của một gia tộc
- Giáo dục tín Thần là nền tảng tốt nhất giúp trẻ thành công
Mời xem video:
Từ khóa Phúc báo Hành thiện Tích đức