Đã từng và sẽ có một trận chiến trên thiên đàng
- Lê Anh
- •
Khi thưởng lãm một tác phẩm nghệ thuật chân chính, người ta có thể tìm thấy trong đó rất nhiều điều, từ tài năng, tâm hồn, quan điểm của người nghệ sỹ, thời thế, xu hướng nghệ thuật lúc bấy giờ, cho đến những triết lý nhân sinh trường tồn. Và khi một tác phẩm có thể truyền tải được hết thảy những điều ấy thì nó đích thực là một kiệt tác của nhân loại. Bức tranh về trận chiến trên thiên đàng dưới đây là một minh chứng.
Tóm tắt:
- Trận chiến trên thiên đàng
- Nguồn cảm hứng của Bruegel: Hieronymus Bosch; Tân thế giới; Thiên tạo và Nhân tạo
- Lời tiên tri cho xã hội đương thời
“The fall of the rebel angels” (Tạm dịch: “Số phận của các thiên thần nổi loạn” hay “Sự sa ngã của các thiên thần nổi loạn”) là một tác phẩm của họa sĩ Pieter Bruegel (bố). Đây là một trong những kiệt tác hội họa đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng Gia Bỉ. Bảo tàng này đã mua bức tranh vào năm 1846, và cho rằng đó là tác phẩm của họa sĩ Pieter Brueghel con. Sau này, người ta lại cho rằng đây là tác phẩm của danh họa Hieronymus Bosch (1450-1516) vì phong cách của nó khá giống với phong cách của Bosch. Mãi cho đến năm 1898, khi ngày và chữ ký “MDLXII / Bruegel” được tìm thấy ở góc dưới cùng bên trái do bị khung tranh che mất, người ta mới xác định được chắc chắn tác giả của bức tranh là Pieter Bruegel bố.
1. Trận chiến trên thiên đàng
Bức “Số phận của các thiên thần nổi loạn” kể về cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, nhưng nó không phải một sự việc xảy ra ở xã hội nhân loại, mà là ở trên thiên giới – một chốn vẫn được coi là tịnh thổ. Bấy giờ, tổng lãnh thiên thần Lucifer, kẻ đứng đầu các thiên thần đã phát động một cuộc nổi loạn chống lại Chúa trời trên thiên đàng. Nguyên nhân của sự việc này là vì Chúa trời đã tuyên bố rằng Ngài sẽ tạo ra nhân loại, và rồi vào ngày tận thế, một vị Cứu thế chủ (Messiah) sẽ tới để cứu vớt con người.
Chúa trời yêu cầu các thiên thần phải phục tùng Cứu thế chủ, tuy nhiên sự kiêu ngạo và đố kỵ đã khiến tổng lãnh thiên thần Lucifer cảm thấy sỉ nhục. Y phản lại Chúa, và dẫn theo các thiên thần khác phát động một cuộc bạo loạn thiên đàng. Lúc này, các thiên thần trên thiên giới chia làm ba nhóm: nhóm thiên thần tuân theo Chúa trời, nhóm thiên thần về theo Lucifer, và nhóm thiên thần bàng quan không phản ứng gì.
Kết quả của trận chiến trên thiên đàng là tổng lãnh thiên thần Michael phụng mệnh Thiên Chúa, đánh đuổi Lucifer (lúc này bị gọi là Satan) cùng các thiên thần phản loạn ra khỏi thiên đàng. Những kẻ phản loạn bị tước mất thần thể thánh khiết và rơi xuống địa ngục. Còn các thiên thần bàng quan trước cuộc chiến thiện ác là những kẻ đau khổ nhất vì không được cả thiên đàng lẫn địa ngục chấp nhận.
Để thể hiện cuộc chiến Thiện – Ác này, bố cục của tranh được phân chia theo chiều ngang: bầu trời chiếm phần trên của bức tranh, trong khi địa ngục được khắc họa phía dưới. Cấu trúc tổng thể của tranh củng cố ý tưởng về cuộc chiến giữa Thiện và Ác, chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của Bruegel (bố).
Trung tâm tác phẩm, tổng lãnh thiên thần Michael xuất hiện giữa kịch tính và hỗn loạn. Với đôi cánh giang rộng, Micheal mang trên mình một bộ áo giáp vàng sáng bóng, khuôn mặt bình thản, trong khi áo choàng lơ lửng giữa không trung tạo nên nhiều nếp gấp.
Trong tay thiên thần Michael cầm một chiếc khiên với một chữ thập La-tinh màu đỏ trên nền trắng. Đây là biểu tượng của sự phục sinh. Giương cao thanh gươm trên đầu, tổng lãnh thiên thần tấn công con quái thú trước khi ném nó và các thiên thần sa ngã xuống tận đáy địa ngục.
Chân phải của Michael dẫm lên bụng con quái vật bảy đầu được miêu tả trong sách Khải Huyền, một cuốn sách tiên tri về thời mạt kiếp của Cơ đốc giáo. Đây là con quái thú màu đỏ được tiên đoán là sẽ xuất hiện khi nhân loại bước vào thời kỳ tận thế. Nó sẽ đặt điều lừa dối cả thế gian và thiên thượng, gây nhiều tai họa.
Sự hiện diện của quái vật này cho thấy sự sáng tạo của Bruegel khi ông kết hợp hai câu chuyện trong Kinh thánh vào một bức tranh. Câu chuyện về Lucifer xuất hiện trước khi Chúa trời tạo ra nhân loại, còn câu chuyện về con quái thú lại được tiên tri vào thời kỳ tận thế. Vậy là một chuyện lúc khai thiên, một chuyện khi tận diệt.
Vào thời kỳ khai thiên tịch địa (sáng thế), Lucifer đã lừa dối rất nhiều thiên thần theo mình. Và khi sa ngã, các thiên thần nổi loạn bị biến thành quỷ và bị đày xuống địa ngục. Còn vào thời kỳ tận thế, con quái vật sẽ khiến cho 1/3 số ngôi sao trên bầu trời rơi xuống mặt đất cùng với nó.
Chúng ta đều biết rằng, trong văn hóa cổ xưa ở cả phương Đông lẫn phương Tây, các vì tinh tú là một hình ảnh tượng trưng của các vị Thần, ví như Thần Jupiter đối ứng với sao Mộc, thần Helios đối ứng với Mặt trời, hay Nam Tào – Bắc Đẩu tinh quân coi giữ các chòm sao Nam Đẩu – Bắc Đẩu. Ngoài ra, các vì sao cũng được coi như một hình tượng phản ánh những thế giới của Chư Thần. Vậy thì 1/3 số ngôi sao trên bầu trời rơi xuống mặt đất chẳng phải là quá nhiều Thiên Thần bị sa ngã sao? Chẳng phải là những phần khác nhau của thiên đường đang bị hủy diệt sao?
Cả hai câu chuyện đều muốn nhắn nhủ về sự hiện diện của một cuộc chiến giữa Thiện và Ác trên thiên đàng, cũng là chủ đề xuyên suốt toàn bộ bức tranh.
Ở phía trên cùng, các thiên thần sa ngã bị đày khỏi thiên đàng như một dòng lũ xuống địa ngục.
2. Nguồn cảm hứng của Bruegel
Có các nguồn cảm hứng khá đặc biệt cho bức “Số phận của các thiên thần nổi loạn”:
Hieronymus Bosch
Không phải ngẫu nhiên mà người ta từng nhầm tưởng “Số phận của các thiên thần nổi loạn” là bức tranh của Bosch. Trong tranh có khá nhiều cảnh quái vật được vẽ theo phong cách đặc biệt mà Bosch đã từng thể hiện trong bức “The Garden of Earthly Delights” (Tạm dịch: Khu vườn của những lạc thú trần tục) hay “The Haywain Triptych” (Tạm dịch: Chùm tranh ba bức về chiếc xe thồ cỏ). (Xem bài: Chiếc xe thồ cỏ và sự sa ngã của nhân loại)
Bruegel cũng để lại rất nhiều ngôn ngữ biểu tượng trong tác phẩm của mình. Ví dụ, góc bên tay trái, ngay trên chữ ký của Bruegel, chúng ta có thể thấy một con quỷ, nửa người, nửa thằn lằn, đang tự cắn vào bắp chân mình, chổng mông về phía người xem, là một biểu tượng của sự coi thường, chứng tỏ tâm thái sa ngã của những thiên thần nổi loạn.
Tân thế giới và văn hóa sưu tập kì hoa dị thảo
Các cuộc thám hiểm châu Mỹ trở nên phổ biến trong thế kỷ 16. Theo đó, hệ động vật, thực vật và người bản xứ của lục địa mới đã trở thành chủ đề quan sát, được ghi chép lại chi tiết bởi các nhà thám hiểm đầu tiên. Nhiều quyển sách minh họa về thực vật , động vật và thậm chí bản đồ đã được xuất bản.
Thiên hướng đối với Tân thế giới cũng giúp thương mại phát triển mạnh mẽ. Cảng Antwerp đã trở thành một trong những trung tâm thương mại. Dưới thời cai trị của vua Charles V, các thị trấn trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất cho chủ nghĩa tư bản và một nền kinh tế toàn cầu non trẻ.
Sự khám phá những lục địa xa xôi và những nền văn hoá cổ đã đem lại nhiều tri thức mới. Rất nhiều tác phẩm về lịch sử tự nhiên và hàng loạt các ấn bản chi tiết về các khám phá và kiến thức mới đã được lưu hành trong nửa sau thế kỷ 16, thể hiện mong muốn tạo ra một bách khoa toàn thư. Biểu hiện nổi bật nhất của mong muốn lưu hành các tri thức theo thư mục là hoạt động sưu tập các loại kì hoa dị thảo theo chủ đề. Các bộ sưu tập dạng này trở thành cầu nối, và phương tiện phân loại tương đối các vật thể của thế giới.
Đa phần các nhà sưu tập đồ nhân tạo, được gọi là các artificalia (người sưu tập đồ nhân tạo), để phân biệt với người sưu tập đồ thiên tạo hay còn gọi là naturalia. Sự phân chia ấy cũng xuất hiện trong tranh của Bruegel.
Thiên tạo
Bức “Số phận của các thiên thần nổi loạn” được hợp thành từ các yếu tố tự nhiên khác nhau (các vật thể thiên tạo).
Chẳng hạn, ngay dưới chân phải của Michael là một con quỷ có đôi cánh kiểu cách màu vàng đen. Đó chính là cánh của loài bướm Machaon (Papilio machaon) – một loại bướm sống ở lục địa Châu Âu và Châu Mỹ. Con quỷ có đôi râu mềm mại biến hóa từ tóc của thiên thần, thân hình như một quả dâu tây trong khi đuôi thì lại giống như một loài hoa. Tất cả những đặc điểm này đã khiến nó trở thành một con quỷ kỳ lạ được ghép thành từ những thứ thiên tạo.
Cũng không có gì ngạc nhiên vì Bruegel là người đam mê quan sát thế giới xung quanh mình. Ông đã sử dụng nhiều loại động vật quý hiếm khác nhau từ Tân thế giới để phóng tác trong bức “Số phận của các thiên thần nổi loạn”.
Ví như, con tatu (thuộc họ Cingulata), với mai xương, và đuôi xương, được chuyển thành đôi cánh kim loại nặng nề.
Con tatu, chỉ sống tại châu Mỹ, là nguồn gây cảm hứng tò mò cho những người cùng thời với Bruegel. Tuy nhiên, các bản in và minh họa mà Bruegel tiếp xúc chắn chắn đã đề cập tới sự hiện diện của loài động vật quý hiếm này ở châu Âu. Sự xuất hiện của loài động vật này cho thấy Bruegel khá quen thuộc với những mô tả của các nhà thám hiểm đầu tiên tới lục địa châu Mỹ.
Bruegel còn sử dụng các phần có thể nhận diện của các loài giáp xác, động vật thân mềm và cá, ghép chúng lại với nhau, hoặc phân tách chúng ra, ví dụ như con cá nóc ( họ nhà tetraodontidae) được mô tả ở góc trên tay phải.
Loại cá quý hiếm này thường sống ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có đặc điểm nổi bật là hàm răng hô, xương sống, và có khả năng giữ nước trong bụng khi bị đe dọa.
Nhân tạo
Các sinh vật kỳ dị trong tranh không chỉ thuộc về trường phái naturalia mà còn có cả trong trường phái artificialia (các vật nhân tạo).
Sự mô tả chi tiết cho thấy hiểu biết sâu rộng của người họa sỹ về trường phái sưu tập này. Ông đã trang bị cho các thiên thần sa ngã những vật thể nhân tạo như dụng cụ âm nhạc hay khoa học, cánh tay, cánh, các vật thể dân tộc, thậm chí cả các tác phẩm nghệ thuật.
Ví dụ, một trong số các thiên thần này có bộ giáp ngực làm bằng đồng hồ mặt trời. Hai cánh được nối với nhau bằng một dây da.
Chiếc đồng hồ di động này làm bằng ngà voi. La bàn nằm giữa gồm một kim và một thẻ đồng, khắc chìm vào ngà voi. Nó cho biết thời gian dựa trên vị trí của mặt trời.
Bruegel chú ý đến từng chi tiết trên đồng hồ mặt trời. Bên cạnh đó, đồng hồ mặt trời có một ý nghĩa cụ thể: nó gợi nhắc tới thời gian, sự khởi đầu và kết thúc, hàm ý nhắc nhở người xem hãy tận dụng thời gian trên trái đất này một cách thông minh, chính là hãy phân biệt rõ được thiện và ác. Người ta cho rằng loại đồng hồ mặt trời này là loại thiết bị đo đạc có khả năng chỉnh lại những lộn xộn trên trái đất, giúp con người hòa hợp với vũ trụ. Tuy nhiên thậm chí cả đồng hồ cũng đeo trên lưng của quỷ. Liệu đây có phải ám chỉ rằng thời gian cũng bị những thiên thần sa ngã lợi dụng?
Trong số các vật thể theo trường phái artificialia, phải kể đến một tấm khăn trang trí đầu của một con quỷ.
Tương tự như vậy, trên lưng một con quỷ gần như trần truồng có một phần trang trí là các cọng lông vũ màu đỏ và trắng. Các sợi lông vũ này khiến người ta dễ liên tưởng tới văn hóa thổ dân da đỏ ở Châu Mỹ, mà vào thời kỳ này bắt đầu lan rộng sang châu Âu.
Được vẽ trên nền xanh nhạt thần thánh là các thiên thần trung thành với thiên đàng xuất hiện trong tấm áo choàng trắng. Họ được trang bị gươm, cùng các cây kèn thiêng thổi lên những giai điệu khích lệ. Đồng thời, một vài thiên thần đã dùng tù và thổi khúc khải hoàn ca, báo hiệu chiến thắng.
3. Lời tiên tri cho xã hội đương thời
Với vô số mái đầu chúc xuống, chân vểnh lên trong không khí, các con chim rơi rụng khỏi bầu trời, con cá bay, “Số phận của các thiên thần nổi loạn” của Bruegel trở thành một tuyên ngôn tự do nhất của một thế giới hỗn loạn.
Với hình ảnh các thiên thần tinh khiết bị biến đổi thành rất nhiều các con quỷ kỳ quái, Bruegel đã mô tả một cách sâu sắc hậu quả đáng sợ khi không còn tôn trọng những quy luật bất biến của vũ trụ. Về một khía cạnh nào đó, tác phẩm cho thấy sự chú ý của Bruegel đến sự rối loạn của thời kỳ của mình. Nó có thể được xem như điềm báo về những biến động chính trị và tôn giáo đe dọa Hà Lan vào thời điểm đó.
Lúc đó, Margaret của Parma đang là Nhiếp Chính Hà Lan. Bà có người cố vấn đầy quyền lực là Cardinal de Granvelle. Lịch sử vẫn cho rằng Granvelle là một chính khách đầy hận thù, nhưng ông cũng là một nhà yêu nước vĩ đại, thường xuyên tổ chức các buổi chiêu đãi nghệ sỹ tại lâu đài của mình, và là một nhà sưu tập lớn các vật thể tạo tác và thiên tác, là kiểu người sưu tập đam mê mà Bruegel hướng tới. Granvelle cũng có trong bộ sưu tập nghệ thuật của mình một vài tác phẩm của Bruegel.
Năm 1561, Granvelle được cử làm Tổng Giám mục vùng Malines. Vị trí này dẫn tới một cuộc tranh giành quyền lực với giới quý tộc địa phương trong đó có William Orange con. Bản thân Orange không phải là một nhà sưu tập lớn, nhưng lại được thừa hưởng các kiệt tác theo trường phái Flemish, trong số đó là một tác phẩm khiến nhiều người phải ghen tị, đó là “The Garden of Earthly Delights” (Tạm dịch: Khu vườn của những lạc thú trần tục) của Hieronymus Bosch. Đây cũng là một trong những bức tranh Bruegel muốn truyền tải trong tác phẩm “Số phận của các thiên thần nổi loạn” của mình.
Vào năm 1562, Orange biến cung điện Brussel trở thành “Liên minh chống Granvelle”. Về phần Granvelle, ông báo cáo về mầm mống phản loạn Orange lên Hoàng đế. Từ một buổi biểu diễn được tổ chức tại nhà hát cùng năm, có thể thấy ngay cả dân chúng cũng cảm nhận được sự căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm. Các diễn giả tại Brussel tổ chức một cuộc thi với chủ để “Làm thế nào để duy trì hòa bình trong các quốc gia”. Những người tham gia đã đề cập sự bất tuân của Lucifer, rằng sự kiêu ngạo sẽ dẫn tới bất hòa và bất tuân, là nguy cơ đe dọa hòa bình.
Những biểu tượng về một thế giới hỗn loạn trong “Số phận của các thiên thần nổi loạn” đã trở thành sự thực khi vào năm 1562, Hà Lan phải đối diện với một thảm họa chiến tranh thực sự. Vài năm sau, Hà Lan chứng kiến cuộc “Khủng hoảng bài trừ mê tín dị đoan”, mà thực chất là cuộc tấn công vào tín ngưỡng và văn hóa truyền thống. Nó sau này đã được những người theo chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội lấy làm một mô hình đi trước cho các cuộc Cách mạng văn hóa đầy máu và nước mắt.
Sự cảnh báo trong tranh của Bruegel (rằng sự kiêu ngạo và đố kỵ có thể khiến những thiên thần bị sa ngã) đã trở thành một thực tế đau thương. Khi tấn công vào văn hóa truyền thống và bài xích tín ngưỡng vào Thần, con người đã tự hủy hoại đi chính những gì tốt đẹp nhất của mình, những gì có thể khiến con người quay trở lại thiên đàng, và trở thành những sinh vật bị đào thải xuống địa ngục.
Lời tiên đoán trong tranh chính là lý do tại sao Bruegel lại là một họa sỹ tuyệt vời.
Nguồn cảm hứng của Bruegel là bằng chứng xác thực về kiến thức cũng như sự sáng tạo nghệ thuật sâu sắc và chính xác của ông về thế giới xung quanh. Tổng hợp trong bối cảnh câu chuyện về sự kiêu ngạo và đố kỵ, kiệt tác của ông khiến người xem suy ngẫm về những khả năng cũng như nguy cơ trong việc tìm kiếm tri thức và nghệ thuật của con người. Đó đã từng là một đề tài đặc biệt hấp dẫn với những nhà sưu tập uyên bác thời đó, nhưng đáng tiếc nó đã mất đi sức ảnh hưởng của mình qua nhiều thế kỷ. |
Tham khảo từ Google Arts & Culture
Lê Anh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tiên tri địa ngục Cơ đốc giáo thiên đàng thiên thần nghệ thuật Phục Hưng Kinh Thánh