Những Thần thoại về Đại hồng thủy ấy, tuy được sản sinh trong các nền văn minh khác nhau, nhưng lại giống nhau đến không ngờ. Giả như Đại hồng thủy đúng là ký ức của nhân loại thì nó đang nói với chúng ta điều gì? Nội hàm gì ẩn đằng sau một sự kiện từ thời viễn cổ trên quy mô toàn thế giới? Nó đã đặt ra cho nhân loại thật nhiều hoài nghi và giả thiết…

Thần thoại Hy Lạp kể về một trận đại hồng thủy đã tiêu diệt hầu hết loài người, và chỉ một số ít kịp thời chạy lên núi cao là còn sống sót. Câu chuyện chính kể về nạn hồng thủy này gắn liền với nhân vật Deucalion, nên sự kiện này còn được biết đến là “nạn hồng thủy Deucalion”.

Đại hồng thủy trong Thần thoại các quốc gia - Kỳ II: Nạn hồng thủy Deucalion và giống người sinh ra từ đá
Con người và động vật tìm cách trốn chạy trong nạn hồng thủy (Tranh: Gustave Doré, Wikipedia, Public Domain)

Hồng thủy Deucalion xảy ra vào thời điểm Cecrops trị vì Athens. Đây cũng là thời của Agenor, cha của nàng Europa, người con gái đã được lấy tên để đặt cho đại lục châu Âu. Thần thoại Hy Lạp gọi thời kỳ này là thời đại Đồng. Trước đó là thời đại Bạc, khi con người có tuổi thọ cao hơn, và trẻ con phải đến tận 100 tuổi mới lớn. Còn lâu hơn nữa là thời đại Vàng, xảy ra trước cả khi Thần Zeus nắm quyền cai quản đỉnh Olympia. Vào thời đại Vàng, con người không phải làm việc, chỉ vui chơi và tận hưởng mùa xuân tươi đẹp cho đến khi chìm vào một giấc ngủ vĩnh hằng.

Quay trở lại trận đại hồng thủy Deucalion, nguyên nhân của thảm họa này bắt đầu từ việc con người trên thế gian sống ngày càng xấu xa, hư hỏng, tội lỗi. Trong đó tội nặng nhất của con người là đã kiêu căng, ngạo mạn, khinh thị Thần linh. Và giọt nước làm tràn ly phải kể tới chính là câu chuyện của Lycaon, vua xứ Arcadia. Bởi vì thói kiêu căng, ngạo mạn, Lycaon đã dám thử thách trí tuệ của Thần Zeus bằng việc tế lễ Thần bằng cách giết thịt một đứa trẻ. Biết được hành động bạo ngược ấy ngay khi nhìn vào tô thịt, Thần Zeus đã biến Lycaon thành một con sói và phục sinh đứa trẻ đáng thương. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm Thần Zeus nhận ra rằng nhân loại đã đánh mất nhân tính. Thần nghĩ: “Phải xóa bỏ cái đồ hư hỏng ấy đi và tạo ra một giống người mới tốt đẹp hơn, ngoan ngoãn hơn, trong sạch hơn…”

Đại hồng thủy trong Thần thoại các quốc gia - Kỳ II: Nạn hồng thủy Deucalion và giống người sinh ra từ đá
Thần Zeus ngay lập tức biến Lycaon thành một con sói và phục sinh đứa trẻ đáng thương. Sự kiện này là giọt nước tràn ly, khiến Chư Thần nhận định rằng nhân loại đã đánh mất nhân tính. (Tranh: Hendrik Goltzius, Wikipedia, Public Domain)

Nghĩ rồi, Thần Zeus triệu tập các vị Thần, và cuối cùng đưa ra quyết định hủy diệt nhân loại. Lúc đầu, Thần định sử dụng quyền uy sấm sét của mình, nhưng lại nhớ đến lời tiên tri rằng sẽ có một ngày toàn thế giới bị hủy diệt bởi lửa. Sợ rằng ngày đó sẽ đến khi mình dùng sấm sét tiêu hủy nhân loại, Thần Zeus đã chuyển qua sử dụng đại hồng thủy. Thần nhốt Gió Bắc Boreas vào hang Aeolus, và thả Gió Nam Notus ẩm ướt ra. Thần Zeus cũng giao cho Thần cầu vồng Iris trách nhiệm liên tục hút nước lên bầu trời. Chính vì việc này mà trong một năm liền lương thực của con người bị tiêu hủy vì không có nước.

Rồi khi mưa từ trên trời cao trút xuống, Thần biển Poseidon tạo ra những con sóng nhấn chìm nhân loại. Sư tử, hổ, bò, và tất cả loài vật trên đất liền đều bị cuốn trôi. Những con cá heo có thể bơi tới tận những ngọn cây cao nhất trên núi. Những con chim không tìm được chỗ đậu, rơi xuống sau khi đã bay mỏi cánh. Thậm chí những kẻ may mắn thoát được đại hồng thủy cũng không thể trốn khỏi cơn đói hành hạ.

Nhưng may thay loài người không chết hết. Vẫn còn sót lại một cặp vợ chồng. Chồng tên Deucalion (con trai của Thần Prometheus, vị Thần luôn quan tâm giúp đỡ con người), vợ tên Pyrrha. Hai vợ chồng Deucalion sinh cơ lập nghiệp ở đất Thessaly, vốn là những người nhân nghĩa, phúc hậu nên được Thần Zeus gia ân cho sống sót. Thần Prometheus theo lời phán truyền của Thần Zeus, xuống báo tin cho con biết tai họa khủng khiếp sắp tới và cách đề phòng. Theo lời chỉ dẫn của cha, Deucalion đóng một cái hòm lớn, chất đầy lương thực.

Khi trời đổ mưa, nước bắt đầu dâng cao, thì hai vợ chồng rời nhà vào ngồi trong hòm. Chiếc hòm đã bập bềnh trên sóng nước, trôi nổi đi khắp đó đây dưới những trận mưa tầm tã, ròng rã suốt chín ngày đêm. Cho đến ngày thứ mười thì chiếc hòm của hai vợ chồng Deucalion trôi dạt đến ngọn núi Parnassus, một ngọn núi duy nhất không bị nhấn chìm dưới nước. Đó cũng là lúc Thần Zeus nguôi giận, mưa tạnh dần, nước rút hết, mặt đất hiện ra.

Sau đại hồng thủy, vợ chồng Deucalion ra khỏi hòm, ngơ ngác trước cảnh mặt đất tiêu điều, hiu quạnh, xác xơ. Họ nhanh chóng nhận ra cuộc sống khó khăn trước mắt, và khó khăn nhất chính là sự đơn độc. Deucalion đã rất khổ tâm khi nhận ra điều đó:

“Người ta sẽ cảm thấy như thế nào, nếu chỉ mình mình được giải cứu? Ai sẽ giúp ta vơi đi nỗi buồn? Vợ của ta, giả mà biển cả đã nuốt lấy em, thì ta đã sẵn sàng chết cùng em, và biển cả sẽ nhận thêm cả ta nữa.”

Deucalion và Vợ, Metamorphoses, nhà thơ Ovid.

Vợ chồng Deucalion lần mò xuống chân núi và tìm thấy một ngôi đền thờ bị bùn phủ kín, rêu rong bám dày. Vậy là dù đau xót, hai vợ chồng vẫn nghĩ đến việc phải cầu nguyện và lạy tạ Chư Thần đã giúp thoát khỏi hiểm cảnh.

73a5872169fa3ea2110c3975734ea3b9
Bức “Deucalion and Pyrrha Praying before the Statue of the Goddess Themis” mô tả cảnh Deucalion và vợ cầu nguyện trước tượng nữ Thần Themis, nữ Thần của sự công chính (Họa sĩ: Jacopo Tintoretto, Wikipedia, Public Domain)

Cũng chính tại ngôi đền này, thể theo nguyện vọng không muốn sống cô đơn của vợ chồng Deucalion, nữ Thần Themis, nữ Thần của sự công chính, đã phán bảo cho họ gợi ý của Chư Thần:

“Các người hãy lấy vải che mặt ra khỏi đền thờ và ném lại sau lưng mình xương của mẹ các người!”

Người mẹ vĩ đại của con người chính là mẹ Đất. Vậy là vợ chồng Deucalion đã làm theo lời phán bảo. Và thật kỳ diệu! Mỗi hòn đá Deucalion vứt về phía sau mình biến thành một người đàn ông, mỗi hòn đá Pyrrha vứt về phía sau mình biến thành một người đàn bà. Và loài người cứ thế hồi sinh trên mặt đất đông vui, nhộn nhịp. Từ đây, một giống người Đá từ Nữ thần Đất mẹ sinh ra, sống bám lấy đất…

Đại hồng thủy trong Thần thoại các quốc gia - Kỳ II: Nạn hồng thủy Deucalion và giống người sinh ra từ đá
Mỗi hòn đá Deucalion vứt về phía sau mình biến thành một người đàn ông, mỗi hòn đá Pyrrha vứt về phía sau mình biến thành một người đàn bà. Và loài người cứ thế hồi sinh trên mặt đất đông vui, nhộn nhịp. (Tranh: Giovanni Maria Bottala, Wikipedia, Public Domain)

Người ta còn gọi thời kỳ của giống người Đá này là thời kỳ của những vị anh hùng bán Thần. Đó là thời đại của Perseus, của Heracles, của Odysseus, của Achilles, của trận chiến Trojan hùng tráng và bi thương. Thời đại bán Thần đó chính là thời đại ngay trước thời đại của nhân loại ngày nay.

Thần thoại Hy Lạp cũng đặt tên cho thời kỳ hiện nay của nhân loại là thời kỳ Sắt. Tương truyền rằng đây là thời kỳ sa ngã nhất của nhân loại. Và khi mọi loại tội ác đều xuất hiện, khi sự kính ngưỡng đối với Chư Thần không còn, thì toàn bộ các vị Thần sẽ rời khỏi Trái đất. Nhân loại sẽ bị bỏ rơi cho đến ngày tiếp nhận sự trừng phạt, cho đến ngày toàn thế giới bị hủy diệt.

9 1
Bức “The Last Judgment” mô tả cảnh Cứu thế chủ xuất hiện trong sự kiện cuối cùng là Đại Thẩm Phán, cuối thế kỷ 1. (Họa sĩ: Jean Cousin the Younger, Public Domain)

Cũng giống như nhiều tín ngưỡng khác như Cơ đốc giáo, Phật giáo, Thần thoại Hy Lạp đã đưa ra lời cảnh tỉnh cho sự sa ngã của nhân loại và thảm họa tận thế. Tuy nhiên trong các tín ngưỡng cổ xưa cũng đều lưu lại một truyền thuyết rằng sẽ có một vị Thần vĩ đại xuất hiện để cứu rỗi nhân loại, ngài là Cứu Thế Chủ.

Quang Minh

Xem thêmBí ẩn dự ngôn về cái chết ở chốn thiên đường

Mời nghe radio: