Người làm quan thời xưa có câu: “Lạc dĩ thiên hạ, ưu dĩ thiên hạ”, vui cái vui của thiên hạ, lo nỗi lo của thiên hạ. Lý niệm này đã tạo nên những người làm quan ôm chí lớn tế thế an dân, một lòng vì dân. Họ vừa hết lòng quan tâm đến những nỗi khổ và lợi ích của người dân, yêu thương nhân dân, vừa nỗ lực “dĩ đức phục nhân”, dùng đạo đức để cảm hóa bách tính. Bởi vì mang chí hướng như vậy, người làm quan thời xưa sẵn sàng dùng bản thân để can gián vua, sống dùng thân can gián, chết dùng thi thể can gián. Dưới đây là câu chuyện được ghi lại trong cuốn “Hàn Thi Ngoại Truyện” do Hàn Anh thời Tây Hán biên soạn.

Đạo làm quan: Sống dùng thân can gián, chết dùng thi thể can gián
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Vào thời Xuân Thu nước Vệ có một vị Đại phu tên là Sử Ngư, trong lúc ông bệnh tình nguy kịch sắp chết đã nói với con trai của mình rằng:

“Cừ Bá Ngọc là người tài giỏi, ta từng nhiều lần tiến cử ông ấy với vua, tuy nhiên vẫn chưa được chấp thuận. Ta cũng từng nói Di Tử Hà bất tài, thế nhưng cũng chưa thể tước bỏ chức quan của hắn. Là một bề tôi, lúc còn sống không thể tiến cử người hiền lương, cũng không thể trừ bỏ kẻ bất tài, thế thì lúc chết không thể làm tang sự ở chính đường được, hãy khâm liệm ta ở gian nhà nhỏ bên cạnh là được rồi”.

Vua nước Vệ đến viếng điếu, nhìn thấy tình cảnh ấy cảm thấy rất kỳ lạ bèn hỏi con trai của Sử Ngư vì sao không tổ chức tang lễ theo đúng lễ nghi. Con trai của Sử Ngư đã đem những lời lúc lâm chung của cha nói hết cho vua Vệ.

Vua Vệ nghe xong cảm động sâu sắc, lập tức bổ dụng Cừ Bá Ngọc, và bãi chức Di Tử Hà, đồng thời ra lệnh chuyển quan tài vào chính đường, cúng bái xong xuôi mới rời đi.

Đúng như Sử Ngư tiến cử, Cừ Bá Ngọc sau này thật sự là một vị quan mẫu mực hiền lương, là một người trong số Thất Thập Nhị Hiền được thờ phối hưởng với Khổng Tử ở Văn Miếu.

Khi sống dùng thân mình can gián, khi chết dùng thi thể can gián. Kinh Thi răn người làm quan rằng: “Tịnh cung nhi vị, hảo thị chính trực”, ở cương vị của mình thì nên nghiêm túc kính cẩn, gần gũi thân với người chính trực. Hành vi lúc sống dùng thân thể để can gián, lúc chết dùng thi thể để can gián này của Sử Ngư chính là chính trực, cho nên Khổng Tử cảm thán: “Trực tai Sử Ngư”, Sử Ngư chính trực làm sao!

Theo “Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: