Dẫu tranh thế nào cũng chẳng thể tranh với đạo Trời
- Thiên Cầm
- •
Cổ nhân giảng rằng “Sĩ hữu tam bất đấu: vật dữ quân tử đấu danh, vật dữ tiểu nhân đấu lợi, vật dữ Thiên địa đấu xảo”, nghĩa là kẻ sĩ có 3 điều không đấu: đấu danh với người quân tử, đấu lợi với kẻ tiểu nhân, đấu khôn ngoan với Trời đất. Người xưa tin rằng dẫu tranh thế nào cũng chẳng thể tranh với Trời.
“Người tính chẳng bằng Trời tính”, Trời tính dựa trên điều gì? Dựa trên phúc đức của một người. Đức có thể bảo vệ con người cả một đời, cũng có thể giúp những trắc trở trong mệnh của một người từ nguy thành an.
Đối với người tìm hiểu Kinh Dịch, lý học mà nói, thì trong việc giàu nghèo sang hèn, tài năng dương thọ của con người, thì dương thọ là khó tính chuẩn nhất. Bởi vì nó còn liên quan tới các nhân tố của nhiều phương diện bên ngoài lý số.
Ví như mọi người thường nói: Tích đức có thể kéo dài thọ mệnh, tổn đức ắt bị cắt giảm thọ mệnh. Cũng có cách nói là phúc lộc tận thì mệnh cũng tận. Trong Kinh Thi còn khuyên con người nên thường nghĩ tới hành vi của bản thân, xem có hợp với đạo Trời hay không. Rất nhiều phúc báo không cần cầu tự nhiên sẽ có, có cầu cũng không được, tranh với Trời lại càng không có.
Số Trời là đã định sẵn. Điều này thì không chỉ Kinh Dịch giảng ra, mà thậm chí những cá nhân phương Tây có thành tựu rất cao cũng nói tới. Ví như Einstein từng đề cập đến “số mệnh” dưới ngôn ngữ của ông như sau:
- “Tôi là một người tin vào thuyết tất định. Tôi không tin có ý chí tự do.”
- “Con người không có tự do trong tư duy, tình cảm và hành động của mình, mà bị ràng buộc vào tính nhân quả như các tinh tú trong các chuyển động của chúng,”
- “Mọi người hành động không chỉ do cưỡng bức từ bên ngoài, mà còn tuân theo tính tất yếu ở bên trong.”
- “Một người có thể hành động theo ý mình, nhưng không muốn gì được đó.”
Rất nhiều người phương Tây không hiểu được Einstein, nhưng nếu dùng văn hóa truyền thống phương Đông để nhìn nhận lời ông nói thì chẳng quá khó hiểu. Einstein đã bước chân tới đỉnh điểm của khoa học, và ông đã nhận ra điều những tín ngưỡng xa xưa và cổ văn minh lưu lại là vô cùng chính xác.
Nhưng không chỉ là số Trời đã định, Kinh Dịch còn giảng sâu hơn thế. Bởi dẫu nói rằng đã định, nhưng không phải là tuyệt đối chỉ có một con đường, nếu không thì đã không có chuyện thiện và ác, đã không có ngọt bùi hay đắng cay, thế gian này sẽ trở nên vô vị. Nói cách khác, trong “tính tất định”, trong “định số” là có “biến số”.
Muốn đi trên con đường khả quan hơn trong số mệnh vốn có, bạn chỉ cần mở rộng phần đạo đức bẩm sinh, cố gắng làm nhiều việc thiện hơn, tu tâm dưỡng tính, tích thêm nhiều âm đức. Đây chính là phúc mà bản thân bạn tạo ra, người khác muốn cướp cũng chẳng thể cướp được.
Ngay chương mở đầu của Kinh Dịch đã nói: “Những gia đình thường hành thiện, ắt sẽ có nhiều phúc báo truyền lại cho con cháu”. Kinh Dịch cũng nói rằng một số người bao dung, nhân hậu, có đạo đức muốn thuận theo phía cát tường may mắn thì phải tránh người hung hiểm, tránh chuyện hung hiểm và nơi hung ác. Còn nếu việc con người làm trái với đạo Trời, “tranh với Trời” thì rất nguy hiểm.
Trong sử sách vẫn lưu lại câu chuyện Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cương bói mệnh nhà Đường cho Đường Thái Tông. Không ngờ Lý Thuần Phong suy tính ra đến vận mệnh của Trung Nguyên hàng nghìn năm sau. Cho đến lúc Viên Thiên Cương đẩy lưng của Lý Thuần Phong và nói: “Thiên cơ không thể tiết lộ, hay là đi về nghỉ ngơi đi!” mới dừng lại. Vậy là cả hai ông để lại kỳ thư “Thôi Bối Đồ”, trong đó mỗi triều đại mỗi sự kiện lớn đều ứng nghiệm, khiến nó trở thành sách cấm thời Tống, Nguyên, Minh. Thậm chí đến ngày nay, những lời sấm này vẫn còn được hậu thế chứng nghiệm.
Lý Thuần Phong cũng từng nói với Đường Thái Tông rằng có một người họ Võ sẽ đoạt mất thiên hạ của ông. Hơn nữa người này đã đang ở trong cung. Đường Thái Tông Lý Thế Dân lập tức định giết hết những người họ Võ trong cung, như vậy là có thể trừ dứt hậu hoạ từ gốc rễ.
Nhưng Lý Thuần Phong lại giải thích tiếp rằng đây là kiếp nạn vốn có của nhà Đường, và vẫn còn may là người này cũng khá nhân từ, sau này sẽ mang thiên hạ trả lại cho họ Lý. Nếu Đường Thái Tông giết người đó thì sẽ xảy ra kiếp nạn lớn hơn. Như vậy hậu quả chẳng thể lường trước được.
Nghe Lý Thuần Phong nói vậy, Đường Thái Tông cũng đành thuận theo. Người họ Võ mà Lý Thuần Phong nói tới chính là Võ Tắc Thiên.
Điều mà người hiện đại thiếu chính là trí huệ này của Lý Thuần Phong. Người hiện đại, rất nhiều chuyện trong mệnh gặp phải thiệt thòi mà lại cứ muốn không chịu thiệt. Vậy có được chăng? Báo ứng không xảy ra vào lúc này thì sẽ xảy ra vào lúc khác, thậm chí là dồn tích lại để gây họa lớn hơn. Đáng tiếc thay, thế gian có quá ít người hiểu được đạo lý này.
Cũng như vậy, nếu bạn có phúc báo thì danh lợi tự nhiên sẽ tới. Nếu bạn không có phúc báo thì dẫu có tranh được với ai, cũng sẽ bị Trời mang đến tai hoạ mà thôi.
Kẻ sĩ có 3 điều không đấu: đấu danh với người quân tử, đấu lợi với kẻ tiểu nhân, đấu khôn ngoan với Trời đất. Người ta không nên đi ngược với Thiên đạo, mà phải thuận theo Thiên đạo.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
- Mã Tiền Khóa và tài tiên đoán lịch sử chuẩn xác của Gia Cát Lượng
- Trí tuệ cổ nhân: Giải án oan, được phúc báo
Mời xem video:
Từ khóa Đạo gia Đường Thái Tông Lý Thuần Phong Kinh dịch