Nếu như ở trong túi gấm của các cô gái mang theo khi xuất giá chỉ có thể chứa đựng một chữ là lời khuyên cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì hẳn đó sẽ là chữ “Nhẫn”. Người thời nay cho rằng “Nhẫn” là chịu đựng nén giận trong ủy khuất bất bình, căm phẫn. Cũng có người cho rằng đó là nhát gan giống như con rùa rụt cổ. Chỉ có những người già thuộc thế hệ trước mới biết rằng “nhẫn nhất thì chi khí, miễn bách niên chi ưu”, nhẫn nhịn được một giờ thì khỏi phải trăm năm đau khổ. Đây không phải là một câu nói đơn giản, mà là một câu châm ngôn trí tuệ.

Dạy con gái nhẫn nại
(Tranh minh họa: Họa sĩ Chu Văn Củ, thời Ngũ Hồ Thập Quốc, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Dù ở phương Đông hay ở phương Tây, sự nhẫn nại của người phụ nữ đều được xem là một đức hạnh đánh quý. Ví như, trí tuệ nhẫn nại của người phụ nữ có thể thấy trong vở bi kịch“King Lear” (Vua Lear) nổi tiếng của Shakespeare.

Vua Lear, để chuẩn bị cho tuổi già, muốn chia đất nước của mình ra làm ba phần cho ba cô con gái. Tuy nhiên trước tiên, ông muốn kiểm tra tình yêu của các con gái dành cho ông. Ông yêu cầu các con gái nói cho ông biết họ yêu ông đến mức nào.

Cô cả, Goneril, lên tiếng đầu tiên, bày tỏ tình yêu của cô dành cho cha mình một cách tha thiết giả tạo, với những lời nói có cánh. Cảm động trước lời “tâng bốc”, vua Lear chia phần đất đai cho Goneril ngay sau khi cô nói xong. Trong khi đó, nhận ra thái độ của chị mình, Cordelia, cô con gái út mà vua Lear yêu quý nhất tự nhủ: “Hãy yêu và hãy im lặng”.

Regan, cô con thứ hai, cũng được chia phần ngay sau những lời khen vờ vịt của cô.

Cuối cùng là đến lượt Cordelia. Tuy nhiên thay vì nói lời giả tạo thiếu chân thành, lúc đầu Cordelia từ chối nói bất cứ điều gì (“Không có gì, thưa Vua Cha”). Và sau đó cô lại nói rằng cô yêu cha thể hiện qua mối quan hệ cha con, và không có gì có thể diễn tả được tình yêu đó. Từ “không có gì” được lặp lại bốn lần. Tình yêu đó là bổn phận của cô, và cũng phải dành tình yêu tương tự cho vị hôn phu tương lai của mình.

Thất vọng trước cách trả lời của Cordelia, vua Lear không chia tài sản cho con gái út, và lấy phần tài sản của cô để chia cho hai chị. Cordelia vẫn nhẫn nại không phản kháng hay thay đổi cách nhìn nhận sự việc của mình

Chứng kiến hành động của Cordelia, vua của nước Pháp cảm phúc trước sự chân thành của cô, đã lấy cô làm vợ.

Sau này, vua Lear đã phải trả giá cho hành động sai lầm của mình, khi cả Goneril và Regan đều phản bội lại cha. Khi vua Lear vô gia cư, nghèo khổ và trở nên điên loạn, Cordelia lại tới và chăm sóc cho cha của mình.

Trong bi kịch “King Lear”, Shakespeare đã khắc họa rất rõ đức hạnh nhẫn nại chân thành của người phụ nữ qua hình ảnh của cô con gái út Cordelia. Đây chính là một giá trị phổ quát chung mà cả phương Đông lẫn phương Tây đều nhìn nhận.

Kỳ thực, “Nhẫn” không phải nuốt giận vào trong mà không thể nguôi ngoai. “Nhẫn” thực sự có tư vị an nhiên, hơn nữa còn bao hàm trí tuệ ẩn sâu bên trong. “Nhẫn” cũng không tương đương với kìm nén hay thống khổ. Trong thiên “Lễ ký. Đại học” giảng: “Định, tĩnh, an, lự, đắc”, khi định tĩnh lại được rồi thì sẽ đạt đến tâm tình an bình ở bên trong, sau đó mới có thể hiểu rõ được cốt lõi của sự vật và có được trí tuệ để giải quyết vấn đề. Mà “Nhẫn” chính là chìa khóa để định và tĩnh lại được.

Kỳ thực những thứ làm con người không thể “nhẫn” không gì khác chính là những tiếng nói không hài lòng liên quan đến tiền bạc, tài sản, sức khỏe, địa vị, tình cảm… Những suy nghĩ này bám lấy chúng ta, suốt 24 giờ 1 ngày không ngừng nghỉ. Nếu một người phụ nữ có thể rèn luyện được sự trầm mặc trong tâm hồn thì họ sẽ nhìn thấu được những tiếng động khó chịu này, làm sáng tỏ trí tuệ, giống như ánh sáng xua tan đi bóng tối.

Trong sách “Nữ giới”, Ban Chiêu đã chia phẩm cách quan trọng trong việc giáo dục con gái thành bốn loại, là “đức, dung, ngôn, công”. Nếu nghiên cứu kỹ vào bốn từ này, chúng ta sẽ thấy không có từ nào trong số đó là không lấy “Nhẫn” làm cơ sở.

Tao nhã, hiền thục, thanh khiết, trầm tĩnh, cung kính, cẩn thận, giữ tiết tháo, cử chỉ đoan chánh, tâm biết hổ thẹn, lời nói việc làm đều có quy củ, phù hợp lễ nghi, đây chính là “đức” hạnh xuất phát từ “Nhẫn”.

“Dung” của một người phụ nữ, không cần phải nhan sắc mỹ lệ nhưng phải giữ được bản thân, phục sức, hoàn cảnh xung quanh luôn gọn gàng sạch sẽ. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn hàng ngày.

“Ngôn” của một người phụ nữ không cần phải giỏi tranh biện, mà phải biết lựa chọn lời nói phù hợp. Chỉ những cô gái biết suy nghĩ thông thấu, biết nhẫn nại mới có thể làm được điều này.

“Công” của một người phụ nữ không cần phải tinh xảo hơn người nhưng cần phải phải chuyên tâm vào việc nhà, không để tâm những chuyện náo nhiệt vui đùa, chuẩn bị bữa cơm chỉnh tề, tiếp đãi khách chu đáo. Bởi vì công việc gia đình là rất nhiều việc không tên và vất vả, hơn nữa luôn luôn xuất hiện hàng ngày, một người nếu không thể “nhẫn” thì sao có thể làm được?

“Nhẫn” của phái nữ, có người sẽ cho rằng đó là nhu nhược, là chịu đựng, là khổ sở nhưng kỳ thực đối với một số người thì đó lại là sự an nhiên và trí tuệ, hơn nữa lại chính là điều duy trì cuộc sống hôn nhân gia đình hòa thuận hạnh phúc. “Nhẫn” giúp cho đôi bên trong mâu thuẫn có thêm một khoảng thời gian hòa hoãn, làm dịu được sự tức giận, giúp mọi sự được bình an và tiêu tan được tai họa. Vậy nên người xưa trong giáo dục con gái đều chú trọng dạy “Nhẫn”. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: