Đế quốc Mông Cổ hùng mạnh đã tan rã như thế nào? (P2)
- Trần Hưng
- •
Đế quốc Mông Cổ là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, những cuộc chinh phục của họ khiến khắp thế giới run sợ. Năm 1279, đại quân Mông Cổ đánh bại nhà Tống, đánh dấu thời kỳ hùng mạnh nhất với phần lãnh thổ trải dài đến 24 triệu km2. Tuy nhiên đế quốc nào rồi cũng có lúc phải lùi vào dòng chảy lịch sử.
- Tiếp theo phần 1
Trận Kulikovo giữa quân Nga và quân Mông Cổ diễn ra ở phía tây (tức Bạch Trướng Hãn Quốc), còn phía đông (Thanh Trướng Hãn Quốc) không bị ảnh hưởng.
Năm 1368, người Hán đã đánh bại nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương lên ngôi Vua, lập ra nhà Minh. Còn nhà Nguyên sau khi thua trận rút về Mông Cổ lập ra nhà Bắc Nguyên. Đế quốc Mông Cổ còn lại nhà Bắc Nguyên cùng 3 Hãn Quốc lớn.
Thống nhất hai miền Hãn Quốc Kim Trướng
Lúc này ở Thanh Trướng Hãn Quốc có Thoát Thoát Mê Thất vốn là dòng của Truật Xích (con trưởng Thành Cát Tư Hãn) không phục tùng Hãn của Thanh Trướng liền đưa quân tiến đánh. Nhưng quân của Thoát Thoát Mê Thất nhiều lần thất bại phải bỏ chạy sang phía tây Transoxiana của Hãn Quốc Sát Hợp Đài, nương nhờ Thiếp Mộc Nhi.
Thiếp Mộc Nhi tra gia phả thì thấy Thoát Thoát Mê Thất đúng là hậu duệ Thành Cát Tư Hãn, liền giúp đỡ xây dựng quân đội. Năm 1379, Thát Thoát Mê Thất đưa quân tiến đánh Thanh Trướng Hãn Quốc, tiến quân vào Kinh đô Sarai, làm chủ được Thanh Trướng Hãn Quốc.
Năm 1380 xảy ra cuộc chiến ở cánh đồng Kulikovo, các Công quốc Nga đánh bại đại quân Mông Cổ. Lợi dụng lúc đó Thoát Thoát Mê Thất đưa quân vượt sông Volga tiến sang Bạch Trướng Hãn Quốc đánh bại quân Nga, thống nhất được hai miền đông – tây cũa Hãn Quốc Kim Trướng. Người Nga phải đầu hàng và chịu cống nạp.
Hãn quốc Y Nhi suy yếu
Hãn Quốc Y Nhi rất rộng lớn, vùng đất trải khắp vùng Tây á gồm Pakistan, Afghanistan, Iran, Iraq, Syria và một phần Tân Cương ngày nay.
Năm 1335, Đại Hãn ở Y Nhi mất nhưng không có con nối dõi, quan Tể tướng đưa Dã Xưng Vi lên nối ngôi. Tuy nhiên Dã Xưng Vi không nhiệt tình với Đạo Hồi, vì thế mà cả người Ba Tư, người Thổ và người Mông Cổ đều không phục tùng Hãn mới. Nội chiến nổ ra liên miên, Hãn Quốc Y Nhi phân thành 6 nước nhỏ hơn.
Lợi dụng tình thế này, năm 1381, Thiếp Mộc Nhi đưa quân Hãn Quốc Sát Hợp Đài tấn công Hãn Quốc Y Nhi ở vùng đất thuộc Ba Tư bấy giờ. Đến năm 1385 thì Thiếp Mộc Nhi làm chủ vùng đất phía đông Ba Tư.
Thấy thế năm 1385, Thoát Thoát Mê Thất vội đưa quân Hãn Quốc Kim Trướng tấn công vào Hãn Quốc Y Nhi, đánh chiếm thành phố Tabriz (thành phố lớn của Iran ngày nay) thu được rất nhiều chiến lợi phẩm cùng nô lệ.
Cuộc chiến giữa Thoát Thoát Mê Thất và Thiếp Mộc Nhi
Thấy quân Kim Trướng lợi dụng mình đánh Y Nhi để thu lợi, Thiếp Mộc Nhi gửi thư cho Thoát Thoát Mê Thất yêu cầu quân Kim Trướng dừng lại, nhưng không có hồi âm.
Năm 1386, Thiếp Mộc Nhi đưa quân đến Azerbaijan trú đông thì bất ngờ gặp quân của Hãn Quốc Kim Trướng. Bị đánh bất ngờ nhưng quân Hãn Quốc Sát Hợp Đài không rối loạn mà kiên cường chống đỡ, 40 vị tướng chỉ huy tử trận. Khi Thiếp Mộc Nhi lâm nguy thì con trai ông là Miran Shah kịp thời đưa quân đến giải vây. Quân Sát Hợp Đài đuổi quân Kim Trướng tận đến biên giới. Thiếp Mộc Nhi bắt được nhiều tù binh, nhưng ông đối đãi tử tế, cho ăn uống rồi tiễn về nước.
Sau đó từ năm 1388 đến 1899, quân Kim Trướng 3 lần đưa quân tiến đánh quân của Hãn Quốc Sát Hợp Đài ở Hãn Quốc Y Nhi. Năm 1391 diễn ra trận đánh lớn ở sông Kondurcha, quân Kim Trướng tấn công vào hai cánh quân Sát Hợp Đài nhưng họ vẫn vững vàng. Sau khi chặn đứng quân Kim Trướng ở hai cánh, Thiếp Mộc Nhi mới cho trung quân tấn công thẳng vào trung tâm chỉ huy quân của Kim Trướng. Quân Kim Trướng dù rất tinh nhuệ nhưng vẫn nhận thất bại, Thoát Thoát Mê Thất phải đưa quân bỏ chạy.
Thiếp Mộc Nhi đưa quân tiến vào Hãn Quốc Kim Trướng, hướng đến Moskva. Tuy nhiên khi gần đến sông sông Oka thì quyết định rút lui vì Thoát Thoát Mê Thất đang làm chủ phía nam, nên ông không muốn mạo hiểm giao chiến với người Nga. Trước khi rút đi, Thiếp Mộc Nhi đưa Hốt Cách Lỗ Đặc làm Đại Hãn (bù nhìn) của Hãn Quốc Kim Trướng.
Năm 1395, Thiếp Mộc Nhi đưa quân vào Hãn Quốc Kim Trướng giao chiến với quân của Thoát Thoát Mê Thất. Trận đánh quyết định diễn ra ở sông Terek. Sau 2 ngày giao chiến, quân của Thiếp Mộc Nhi lại giành được thắng lợi. Quân Sát Hợp Đài truy đuổi khiến Thoát Thoát Mê Thất phải chạy dài.
Thiếp Mộc Nhi đưa quân tiêu diệt các Hãn vẫn còn trung thành với Thoát Thoát Mê Thất, đánh chiếm các thành phố rồi tiến về phía Moskva.
Trước sức mạnh của quân Mông Cổ, người Nga hoảng loạn, đội quân của họ không thể chống nổi đội quân Mông Cổ thiện chiến. Các giáo sĩ đã mang biểu tượng Đức Mẹ Vladimir đến Moskva để ban phước cho các chiến binh trong đoàn quân, dọc đường đi, dân chúng Nga quỳ gối bên đường: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cứu lấy nước Nga!”.
Đột nhiên, đội quân Mông Cổ bỗng quay lại rút đi vào ngày 26/8/1395 trong sự hân hoan của người Nga. Có nhiều lý giải cho việc quân Mông Cổ rút đi như họ đã cướp được rất nhiều của cải, nô lệ bị bắt đi theo cũng nhiều đến mức không quản lý nổi… vì thế mà không có lý do gì đến Moskva nữa, nhưng phải chăng lời cầu nguyện của người Nga đã có tác dụng?
Thiếp Mộc Nhi – Kẻ chinh phục vĩ đại
Thiếp Mộc Nhi đưa quân đánh chiếm Hãn Quốc Y Nhi ở vùng đất thuộc Ba Tư ngày nay, sau đó chiếm giữ Moskva 1 năm, rồi đưa quân chinh phục khắp châu Âu, châu Á, trở thành người chinh phục vĩ đại nhất vào lúc đó.
Lúc này nhà Minh đuổi người Mông Cổ ra khỏi đất nước khiến Thiếp Mộc Nhi không chấp nhận được. Tuy nhiên ông đang bận các cuộc chinh phục khắp nơi trong đó có Ấn Độ. Đến năm 1404, Thiếp Mộc Nhi liên minh cùng Bắc Nguyên đưa quân tấn công nhà Minh.
Tháng 12/1404, Thiếp Mộc Nhi thống lĩnh 20 vạn quân tiến đánh. Tuy nhiên con đường đến Trung Quốc khá xa, thời tiết khắc nghiệt khiến quân Mông Cổ phải dừng lại ở Kazakhstan, trải qua một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử ở nơi đây.
Đầu năm 1405, Thiếp Mộc Nhi bị cảm lạnh và mất vào tháng 2/1405. Cuộc tiến binh phải hủy bỏ. Thi hài của ông được đưa về Samarkand, ông được xây lăng với tấm bia: “Đây là nơi nghỉ ngơi của một vị vua hùng mạnh và vĩ đại, vị vua vĩ đại nhất, chiến binh hùng mạnh nhất, Chúa Timur (Thiếp Mộc Nhi), Đấng Chiến thắng của Thế giới”.
Hãn Quốc Sát Hợp Đài nội chiến
Trước khi mất, Thiếp Mộc Nhi chỉ định người cháu là Pir Muhammad kế vị mình. Tuy nhiên những người con và cháu khác của Thiếp Mộc Nhi không chịu liền cầm quân nổi loạn. Rất nhiều người lên xưng Hãn lại phải chịu cảnh nội chiến rồi bị giết chết.
Đến khi Shah Rulkh xưng Hãn thì các đối thủ đều đã chết cả rồi. Ông trở thành người cai trị mới của Hãn Quốc Sát Hợp Đài, tuy nhiên phải liên tục phải chống lại các cuộc nổi dậy của các thủ lĩnh bản địa, vì thế mà lãnh thổ liên tục bị thu hẹp.
Năm 1447, Hãn Shah Rulkh mất, các con ông lại đánh lẫn nhau giành ngôi vị. Cuộc nội chiến diễn ra kéo dài đến hơn 50 năm.
Năm 1495, Babur (cháu 6 đời của Thiếp Mộc Nhi) lên ngôi Đại Hãn của Hãn Quốc Sát Hợp Đài khi mới chỉ 12 tuổi. Vừa lên ngôi Babur đã phải liên tục bị những người họ hàng tranh giành ngôi báu.
Không giữ được các vùng đất của mình, Babur đến Ấn Độ, đến năm 1524 thì thành lập Triều đại Mogul ở đây (Mogul cách nói chệnh đi từ Mongol – nghĩa là Mông Cổ).
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Cuộc thảm sát của Thành Cát Tư Hãn khiến đế quốc Trung Á sụp đổ
- Nhìn lại những chính sách và thành tựu to lớn của Thành Cát Tư Hãn
Mời xem video:
Từ khóa Mông Cổ lịch sử thế giới