Đi vào “sốc” – Sơn Nam
- Sơn Nam
- •
Ở vùng Tây Ninh và đặc biệt ở miền Tây Nam Nam Phần hiện nay hãy còn một số khá đông đồng bào Việt gốc Miên. Họ sống từng nhóm đông đúc (Trà Vinh – Sóc Trăng) hoặc rải rác (Kiên Giang – An Giang) bên cạnh người Việt và người Việt gốc Hoa từ trên hai trăm năm qua… nghĩa là cùng chịu đựng những phút vui buồn của lịch sử.
Thời Gia Long tẩu quốc, một người Miên ở Trà Vinh đã dày công theo chúa Nguyễn, đánh Tây Sơn, nhờ vậy ông này được hân hạnh mang họ của hoàng tộc, lấy tên là Nguyễn Văn Tồn. Khi triều đình Huế thi hành kế hoạch đào kinh Vĩnh Tế nối liền sông Hậu Giang đến Vịnh Xiêm La, Nguyễn Văn Tồn huy động một số dân công khá đông… Khi ông mất, triều đình truy phong chức Thống Chế. Ngôi mộ của Thống Chế Tồn nay hãy còn tại Trà Ôn, xây dựng theo kiểu mộ Việt Nam. Người Việt hằng năm đến cúng vái Ngài, gọi nôm na là ông Lớn Tồn hoặc Quan lớn Tồn.
Các quan lại của triều đình Huế thường chú trọng đến quyền lợi, sinh kế của người Việt gốc Miên. Nghiên cứu tiểu sử của cụ Bùi Hữu Nghĩa (đậu Thủ Khoa, soạn giả tuồng hát bội Kim Thạch Kỳ Duyên), chúng ta thấy lúc chăn dân tại vùng Trà Vinh, cụ Thủ Khoa đã binh vực quyền lợi của đồng bào Miên, khiến một số gian thương chuyên khai thác thủy lợi đem lòng thù oán. Bị vu oan, cụ Thủ Khoa vui lòng làm tội nhân, về Huế chờ ngày thọ tội nhưng nhờ bà Thủ Khoa đi ghe bầu đến kinh đô, đội sớ khiếu oan kịp thời.
Tóm lại, từ bao năm qua, người Việt và người Việt gốc Miên sống với nhau trong bầu không khí vui vẻ, hiểu biết. Đôi khi, nếu xảy ra việc “nổi loạn” hoặc báo oán, chúng ta thấy rõ là có bàn tay của thực dân Pháp nhúng vào.
Thực dân Pháp dùng chánh sách chia rẽ để trị, hy vọng dùng người Miên kiềm chế người Việt. Thực tế đã chứng minh rằng thực dân Pháp nếm mùi thất bại chưa cay: vào năm 1926 ông Chủ Chọt (một người Miên) đã khởi nghĩa tại xã Ninh Thạnh Lợi (quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá cũ), giết chết tên cò Pháp, năm bảy tên lính mã tà. Thực dân Pháp gọi biến cố ấy bằng danh từ: Échaffourée de Ninh Thanh Lợi. Cuộc đàn áp diễn ra, hàng trăm người Miên gồm già cả lớn bé bị bắn giết, chôn chung trong một cái hố khá to, lấp đất sơ sài. Ngày nay, đồng bào gọi khu đất tha ma ấy là Mả chủ Chọt.
Người viết bài này đã sống trong sốc Miên ở Làng Sóc Sơn, tỉnh Rạch Giá từ thuở mới lên năm đến khi được mười lăm tuổi. Giờ đây, ôn lại thời gian đã qua, chỉ thấy quá nhiều kỷ niệm êm đẹp.
Danh từ “Sốc Miên” chẳng có gì là khó hiểu cả! Sốc (srok): làng xóm. Người Việt gốc Miên thích tập hợp gia cư thành một xóm, trên giống đất cao. Từ xa, ta có thể nhận ra một sốc với cây cỏ xanh um; nơi giữa sốc hoặc cuối sốc, tàn cây sao nhô lên như cái lọng, gần cây sao là chùa Phật.
Việc cai quản “sốc” về mặt đời (chánh trị, xã hội) được giao phó cho “mẹ sốc”, một vị cao niên, có tư cách, đạo đức. Tại sao “mẹ” lại là đàn ông? Thật ra, “mẹ” chỉ âm lại tiếng “mê” của người Miên – mê: người lớn nhứt.
Do sự chung đụng về ngôn ngữ giữa đôi bên, tên các sốc thường Việt hóa, để viết dễ dàng bằng mẫu từ La Tinh hoặc chữ Hán. Xin đơn cử sau đây vài thí dụ ; tuy nghe chướng tai, rắc rối, các sốc mang nhiều tên khá thơ mộng. Cụ Đặng Thúc Liêng có lẽ là người đầu tiên dùng chữ Hán đề âm lại các địa danh xưa; thời Pháp thuộc, con dấu (mộc) của mỗi xã đều kèm theo tên xã, khắc theo Hán tự.
– Prek pring, rạch có cây trăm: xã Ba Trinh.
– Sang ke, giồng có cây chữ thiên: xã Trường Kế.
– Beng Trao, ao có cây môn nước: xã Phú Giao.
– Kompong Trap, bến có trồng cà: xã An Tập.
Ngoài ra, còn nhiều tên xóm nhỏ. gọi nôm na là Chắc Cà-Đao (prek Pađau: rạch có dây mây rừng), Cà Bơ He (sấu lội), Cà Bây Ngọp (Trâu chết)…
Hai chữ Hán: Trà, Căn được thông dụng hơn hết để ghi tạm phần nào giọng đọc của đa số địa danh (Trà Vinh, Trà Ôn, Trà Côn, Cần Thơ, Cần Đước…)
Thời Pháp thuộc, thực dân vô tình hay cố ý đã tước bỏ tất cả họ của người Miên. Trong giấy thuế thân, ta thấy nào Danh Kiên, Danh Uốch, Danh Mẫu, “Danh” đây là chữ Hán Việt theo kiểu danh tánh, danh vọng. Do đó, nhiều người hiểu lầm rằng: Những người Việt gốc Miên đều mang họ… Danh.
Đàn bà Việt gốc Miên cũng bị thực dân Pháp truất họ. Trong giấy tờ ghi: Thị Cà Tuốt, Thị Dượm, Thị Ao, theo kiểu Thị Mẹt! Riêng một số người khá giả, chủ điền hoặc công tư chức, họ cương quyết ghi trong khai sanh cả tên lẫn họ.
Những họ này được âm theo giọng đọc chữ quốc ngữ của ta: Sơn, Thạch, Lý, Kim, Châu… Nên nhớ rằng người Hoa Kiều thường cưới vợ Miên để tiện việc giao thiệp mua bán, sanh ra những người lai.
Người Miên trong sốc rất hiếu khách, sẵn sàng chào đón người Việt đến chơi. “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”, chúng ta cần tôn trọng vài nghi thức để khỏi gây sự hiểu lầm đáng tiếc.
Họ thích ở nhà sàn. Người ở trên sàn, dưới đất là nơi cất giữ dụng cụ nông nghiệp, ghe xuồng và làm chuồng bò. Người Miên ăn thịt bò nhưng tôn kính loại gia súc này, do ảnh hưởng rơi rớt của Bà La Môn giáo. Bạn đừng ngạc nhiên, bĩu môi khi thấy họ săn sóc tắm rửa cho con bò, săn sóc kỹ lưỡng hơn con cái, cha mẹ họ. Bò đi cày bừa vừa sức là chủ nhân đưa về chuồng. Cổ bò đeo lục lạc bằng đồng hoặc bằng bạc. Thời chiến tranh Việt Pháp 1945, nhiều người Miên dám xông pha giữa gió đạn mua bom để chạy ra ruộng, lên sườn núi, dẫn dắt cho kỳ được con bò vào chuồng!
Phụ nữ Miên mặc áo “tầm vông”, (kiểu áo hở cổ mà bà cố vấn Ngô Đình Nhu bắt chước!) mặc chăn tơ.
Khi các cô từ trên sàn nhà đi thang xuống đất, chúng ta phải nhìn nơi khác, tránh tò mò từ dưới nhòm lên. Lên sàn nhà, chủ khách chào nhau theo kiểu chắp tay xá.
Tiếp rước khách quen biết hoặc khách lạ là nhiệm vụ của gia trưởng, của chồng. Khách đừng hỏi thêm: “Bà đâu rồi? Vợ của ông đâu rồi”, để mang tiếng bất lịch sự.
Khi gặp trẻ con, khách nên vui vẻ, nắm tay hoặc vỗ vai đứa bé… nhưng tuyệt đối chẳng được sờ vào trán, sờ vào đỉnh đầu đứa bé. Theo tín ngưỡng thông thường, họ quan niệm đầu là nơi thờ “tổ”, bất khả xâm phạm. Nếu bị sờ ngay đầu, đứa bé sẽ mang bịnh vì tổ trừng phạt.
Con cái chưa chồng luôn luôn bới tóc sau ót như đàn bà Việt; khi có chồng, luôn luôn họ phải hớt tóc ngắn.
Nếu muốn mua thức ăn (trứng gà, trái cây) bạn nên thương thuyết với bà chủ nhà vì theo thủ tục gia đình bà ta nắm phần quản trị. Thường thường người đàn ông từ khước, chẳng cần bán sản phẩm dầu với giá cao thế mấy khi người khách đưa đề nghị với ông ta. “Không bán đâu. Tôi để dành. Muốn mua thì phải ‘hỏi vợ tôi’.”
Bữa cơm của gia đình rất đơn giản, người nghèo chỉ ăn muối hột đâm chung với trái me sống. Món canh thường được “nêm” thêm vị “bò hóc”. Khách nên cố gắng ăn cho kỳ được kẻo mất cảm tình đối với gia chủ. Bò hóc là loại mắm cá. Trước tiên, họ đem cá phơi nắng, vài ngày cá ươn, bốc mùi. Họ quết mớ cá ấy cho nát, bỏ muối vào rồi bỏ trong hũ. Mắm bò hóc ăn khá ngon nếu bạn quen mùi; đem mắm bò hóc ra đãi khách, chủ nhà muốn biểu lộ sự kính trọng. Nếu từ chối hoặc ăn gượng gạo, bạn đã hành động thất nhân tâm.
Một người bạn Miên đã nói với chúng tôi: mắm bò hóc thơm ngon giống như “bơ” của người Pháp. Vùng Sóc Trăng, Rạch Giá nghề bán bún khá thạnh hành, “bún nước lèo”. Trước khi ăn, bạn nên dặn trước kỹ lưỡng kẻo họ chan thứ nước lèo bò hóc!
Người Việt gốc Miên theo Phật giáo Tiểu thừa, thanh niên đến tuổi phải đi tu để học chữ Nam Phạn (pali), sau đó, họ có thể xin phép hoàn tục, cưới vợ. Lúc gặp các sư sãi hoặc tiểu tăng, bạn nên cúi đầu hoặc chấp tay xá. Con đi tu, cha mẹ vẫn xá như thường vì tôn kính chiếc áo cà sa của Đức Phật.
Chùa xây cất nơi tịnh mịch, cây cỏ mọc xum xuê. Người Miên vốn yêu kính thiên nhiên, tránh việc giết cây cỏ, thú dữ. Ngay trong việc cày cấy, họ chỉ khai phá đất rừng trong phạm vi đủ ăn cho gia đình chớ ít chịu triển khai canh tác. Đến sân chùa, khách thập phương nên tránh cười giỡn ồn ào, không được bắn phá, giết hại chim chóc hoặc hái hoa, nhứt là đốn măng tre!
Muốn bàn bàn bạc mọi việc liên quan đến ở “phần đời” ta phải tìm viên quản lý nhà chùa (lục a-cha) chớ không nên nói thẳng với vị đại đức trụ trì. Ngài lo tu hành, chẳng muốn dính dáng với mọi của cải ở thế gian. Nếu giải quyết chưa xong, vị quản lý sẽ đưa ta đến gặp mặt vị đại đức. Khi hầu chuyện, khách nên xá hoặc lạy trước rồi ngồi thật xa, ngồi ngoài phạm vi của chiếc chiếu hoặc chiếc đệm mà vị đại đức đang ngồi.
Khi về, khách nên bái biệt tạ ơn. Nếu muốn chụp ảnh, nhà chùa luôn luôn cho phép với điều kiện là khách phải xin phép.
Trong những xóm hoặc sốc mà người Việt và người Việt gốc Miên sống chung đụng nhau, có lắm ảnh hưởng qua lại về ngôn ngữ, phong tục tập quán. Người Miên ăn cơm với đũa, muỗng, mặc áo bà ba. Người Việt thỉnh thoảng vào chùa tu theo nghi thức Tiểu thừa, lắm người dày đạo hạnh được phong chức trụ trì. Nhiều tên thảo mộc tên cá… đã trở thành tiếng Việt: cá tra, cá vồ, cá ét; lúa nàng quớt, lúa nàng chô, lúa sa-mo. Nơi vùng ruộng sạ (lúa sạ, lúa nổi), giới nông phu từng nghe… lúa “tàu binh”, đó không phải thứ lúa do tàn binh của Pháp phổ biến, “tàu binh” là tiếng Pnom Penh âm lại, giống lúa từ Nam Vang phố biến xuống.
Tóm lại, người Việt và người Việt gốc Miên sống gần nhau, vui vẻ với căn bản tôn kính đức Phật. Trong nhiều trường sơ cấp ở làng, học sinh gốc Miên tỏ ra thông minh, lắm khi trội hơn học sinh Việt. Về Pháp văn, họ phát âm nghe rất dòn, nói trôi chảy (nhất là âm r). Nhiều giáo viên Việt Nam sẵn sàng tôn trọng tánh chất đặc biệt về phong tục của người Miên: thân nhân những học sinh quá hạn tuổi qui định cho các lớp ở trường công, cho phép học sinh nghỉ ngày Tết (tháng Ba âm lịch) ngày cúng chùa, ngày lễ đưa nước, rước nước, ngày làm phước cho ông bà cha mẹ. Học trò toàn lớp Việt lẫn Miên do đó tha hồ nghỉ lễ theo phong tục Việt và Miên!
Nếu bạn đọc có dịp vào sốc Miên để thăm viếng, bạn sẽ hài lòng khi thưởng thức vài món ăn lạ, khi thông cảm với lòng yêu vạn vật của họ. Nếu bạn phát âm theo giọng Bắc Phần thì nên nói chậm rãi từng tiếng. Người Việt gốc Miên ở Nam Phần hầu như chưa phân biệt người miền Trung với người miền Bắc. Họ gọi tổng quát đó là… người Huế!
Nhà văn Sơn Nam
Tạp Chí Bách Khoa số 175
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Sơn Nam người Miên