Địch Thanh: Từ kẻ bị thích chữ trên mặt tới danh tướng truyền kỳ
- Thiên Cầm
- •
Người ta tương truyền rằng nhà Tống có hai vị Tinh Quân: Địch Thanh là Võ Khúc Tinh Quân đầu thai và Bao Thanh Thiên là Văn Khúc Tinh Quân đầu thai. Địch Thanh là một danh tướng truyền kỳ thời Bắc Tống, là vị quan võ trụ cột của triều đình. Ông từng thảo phạt Tây Hạ, Quảng Tây, dũng mãnh thiện chiến, lập được không ít chiến công.
Địch Thanh (1008 – 1057), tự là Hán Thần, là người Tây Hà, Phần Châu, Hà Đông thời Bắc Tống (Tức Phần Dương, Sơn Tây ngày nay). Ông sinh ra trong một gia đình làm nông. Ông giỏi cưỡi ngựa, bắn tên, ban đầu ông tới Kinh sư đầu quân, thuộc đoàn quân tiên phong. Thời xưa nhằm tránh binh lính tháo chạy, người ta bèn khắc chữ lên mặt những binh sỹ bậc thấp. Trên mặt Địch Thanh cũng bị khắc chữ.
Theo “Tống Sử” có ghi, vào năm Tống Bảo Nguyên (Năm 1038), thủ lĩnh Lý Nguyên Hạo của tộc người Đảng Hạng xưng đế, lập ra Tây Hạ. Địch Thanh được chọn là binh sỹ trấn thủ biên cương. Những binh sỹ khác đa phần đều vô cùng khiếp sợ, nhưng ông lại thường chọn đi tiên phong. Trong vòng 4 năm, ông đã trải qua 25 trận đấu, bị trúng gươm đao 8 lần. Ông từng chiến đấu nơi xa và bị trọng thương, nhưng khi nghe nói quân địch đã tới, ông lập tức đứng dậy, xông vào chiến trận. Ông thường mang theo mặt nạ bằng đồng, ra vào trong quân địch, phá mọi chướng ngại mà quân địch không sao cản nổi.
Phạm Trọng Yêm thấy Địch Thanh thì vô cùng kinh ngạc nói: “Đây quả là một vị tướng giỏi” và ban thưởng hậu trọng cho ông. Phạm Trọng Yêm còn tặng cho Địch Thanh cuốn “Lã Thị Xuân Thu” và nói rằng: “Là tướng mà không thông tỏ cổ kim, thì cũng chỉ là kẻ thất phu mà thôi.” Thế là Địch Thanh bắt đầu đọc sách, tinh thông binh Pháp từ thời Tần, Hán mãi tới thời Tống.
Địch Thanh xuất thân thấp hèn, hơn mười năm mới được vinh hiển phú quý, những chữ khắc trên mặt ông năm đó dấu mực vẫn còn. Hoàng đế Nhân Tông ân chuẩn cho ông được đắp thuốc xoá mấy chữ trên mặt đi, nhưng ông lại chỉ vào mặt mình và nói: “Bệ hạ lấy công mà đề bạt thần, cũng không hỏi gốc tích. Thần sở dĩ có ngày hôm nay, là nhờ mấy chữ này. Thần nguyện xin được lưu lại mấy chữ này để khuyên ngăn tướng sỹ trong quân, nên không dám phụng chỉ.”
Địch Thanh là người cẩn trọng, kiệm lời, thưởng phạt công minh, ông cùng chịu đói chịu rét với binh sỹ. Dẫu quân địch đột nhiên xuất kích, cũng không có một binh sỹ nào chịu lùi lại phía sau, do vậy họ vẫn thường giành chiến thắng.
Địch Thanh rất thích nhường lại công lao cho những tướng lĩnh theo phò tá bên mình. Tỉ như ban đầu ông và Tôn Miện cùng nhau tác chiến, kế sách đều do Địch Thanh nghĩ ra. Sau khi chiến thắng, khi tính công kể thưởng ông lại uỷ thác lại hết cho Tôn Miện. Ông không hề để tâm tới việc phải lui lại phía sau. Ban đầu Tôn Miện chỉ tán dương sự dũng cảm của Địch Thanh, tới lúc này mới phải bái phục cách làm người của ông và tự nhận rằng mình không bằng Địch Thanh.
Một trong những chiến công của Địch Thanh được nhiều người biết tới nhất là dẹp yên được cuộc khởi nghĩa tại châu Quảng Nguyên. Giữa những năm đầu Hoàng Hựu, tộc người Tráng thuộc Quảng Nguyên Châu công phá Ung Châu. Người Việt ta gọi đó là cuộc khởi nghĩa của Nùng Trí Cao, cuộc khởi nghĩa này từng chiếm được vùng đất rộng lớn 9 châu ở đất Quảng Đông và Quảng Tây. (Xem bài: Đại Cồ Việt từng vuột mất cơ hội đánh chiếm Trung Quốc)
Triều đình Trung Hoa bấy giờ sau nhiều lần xuất quân thất bại, chịu tổn thất lớn trước Nùng Trí Cao, buộc phải cử Địch Thanh tới tiền tuyến Ung Châu. Ban đầu, khi ông vừa tới nơi, chướng khí ngột ngạt, sương mù giăng kín trời. Có người nói rằng quân địch đã hạ độc ở thượng lưu, uống vào sẽ chết, khiến ông ưu phiền. Đột nhiên, một đêm có tiếng nước suối trào lên, không còn phải lo nguồn nước, đây được cho là điềm báo rằng quân Tống có được thiên thời.
Địch Thanh xuất chinh nơi xa, hoàng đế Nhân Tông lo rằng: “Địch Thanh có uy danh, quân địch sợ ông ta tới. Những kẻ tuỳ tùng theo bên mình Địch Thanh, nếu không phải là kẻ thân tín thì không được đảm nhiệm việc này, từ việc ăn uống ngủ nghỉ đều phải cẩn thận, phòng tránh quân địch hạ thủ.” Thế là, hoàng đế phái người phóng ngựa tới cảnh báo ông. Hoàng thượng thương nhớ, yêu mến Địch Thanh tới mức này.
Cuối cùng, Địch Thanh công phá được đèo Côn Luân, rồi giao tranh và chiến thắng tại phía bắc thành Ung. Nùng Trí Cao phải chạy trốn tới nước Đại Lý.
Địch Thanh nhờ anh dũng nơi chiến trường, lập công hiểu hách mà được thăng làm chức quan võ cao nhất trong triều. Mỗi lần ra ngoài, nhân dân đều vây kín xung quanh. Họ thi nhau truyền tụng sự anh dũng của ông, đến nỗi nhân dân vây quanh chắn cả ngựa của Địch Thanh, khiến ông không thể tiến lên phía trước. Hoàng đế ra ngoài cũng không được nhiều người vây quanh náo nhiệt như vậy. Trải nghiệm của Địch Thanh phù hợp với giấc mơ của bách tính thường dân, từ kẻ bần hàn nhất làm tới vị quan được người dân ngưỡng mộ.
Người nổi tiếng dễ chiêu mời sự đố kỵ. Sau khi được thăng lên làm chức Xu Mật Sứ, trong triều bắt đầu có người nghi kỵ ông ngày một sâu sắc. Có người nói là thấy chó nhà họ Địch mọc sừng, trong nhà xuất hiện thứ ánh sáng kỳ quái.
Đầu những năm Gia Hựu, kinh sư gặp lũ lớn, lại có người nói rằng Địch Thanh từng mặc hoàng bào trong chùa Tướng Quốc. Tháng 8 những năm Gia Hựu, chỉ làm Xu Mật Sứ được 4 năm, cuối cùng ông cũng bị giáng chức, tới Trần Châu với danh nghĩa Tiết độ sứ hộ quốc quân.
Cuối cùng Địch Thanh phát bệnh qua đời. Nhân Tông phát chiếu thư tỏ lòng thương xót, truy tặng danh hiệu Trung Thư Lệnh, mang ích hiệu (tên hiệu khi mất) là Vũ Tương. Tháng 2 năm Gia Hựu thứ 4 ông lại được tấn phong Thượng Thư Lệnh.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
- Đại Cồ Việt từng vuột mất cơ hội đánh chiếm Trung Quốc
- Bao Thanh Thiên của đất Việt: Dùng đức cảm hóa nhân tâm, xử án thần kỳ
Mời xem video:
Từ khóa nhà Tống Địch Thanh Bắc Tống