Đỗ Xuân Cát: Vị danh sĩ từ chối làm quan dù được Vua mời
- Trần Hưng
- •
Không muốn làm quan dù đã được nhà Vua mời, Đỗ Xuân Cát về quê dạy học đào tạo ra nhiều nhân tài giúp nước, lại không quên dâng lên các kế sách mỗi khi đất nước khó khăn. Ông được nhiều người thời đó cảm phục.
Dù hay chữ nhưng không muốn thi cử làm quan
Thuở Nguyễn Ánh còn gian khó, Đỗ Xuân Thái là bậc sĩ phu có tiếng đã đi theo. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua lập ra nhà Nguyễn, Đỗ Xuân Thái trở thành công thần giữ các trọng trách.
Tuy nhiên nhà Nguyễn mới thành lập, Triều đình có phần nhiễu nhương, có kẻ gièm pha khiến Đỗ Xuân Thái bị oan, bị giam trong ngục rồi uất ức mà chết.
Đỗ Xuấn Thái có người con trai là Đỗ Xuân Cát thông mình từ tấm bé, theo học với Nhữ Sĩ Bá là người uyên bác có tiếng lúc bấy giờ.
Đến khoa thi năm 1841, Đỗ Xuân Cát đỗ tứ trường kỳ thi Hương tức cử nhân, tuy nhiên ông lại không dự thi tiếp kỳ thi Hội vì không muốn làm quan. Vì cha làm quan cho Triều đình rồi chết uất ức trong ngục nên Đỗ Xuân Cát chỉ đi thi một lần cho biết mà thôi.
Về quê dạy học, nổi danh hiếu thảo
Đỗ Xuân Cát về quê nhà dạy học, vui vẻ văn chương với thú cầm kỳ thi họa, lại hiếu kính chăm sóc người mẹ già. Khi mẹ mất ông làm nhà ngoài mộ rồi ở đấy chịu tang suốt 3 năm. Sự hiếu thảo của ông được dân chúng đồn xa, trở thành tấm gương lúc đó.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép lại rằng: “Ông dạy người trước hết là thực hành rồi sau mới đến văn nghệ. Ông thường nói: Giữ tâm nuôi tính là bậc thứ nhất; tiến thoái ứng đối là sự nghiệp của một đời. Nếu cử động không có tiết độ mà có thể lập nên công nghiệp thì chưa từng thấy bao giờ!”
Ban đầu chỉ có một số ít học trò đến theo học, nhưng khi danh tiếng Đỗ Xuân Cát đã lan xa, nhiều người cho con cái đến theo học. Nhiều học trò trong số đó sau này đều thành danh.
Sinh thời cha ông là Đỗ Xuân Thái có viết bộ “Lâm hành tạp lục” nhưng còn dang dở, cuốn sách này ghi chép lại những tên làng, tên núi, tên sông, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán của vùng đất Thanh Đô xưa. Đỗ Xuân Cát hoàn tất cuốn sách này giúp cha mình. Ông viết rằng: “Xưa cha tôi soạn khi làm Tri phủ Thanh Đô, tôi lục thấy chồng giấy tờ còn sót lại, thấy đã tàn khuyết nhiều lắm. Nghĩ đến cha tôi một thời trắc trở, chí không thành mà mất, tôi hèn kém không biết chắp vá chỗ thiếu sót để làm rạng rỡ tổ tiên như người xưa, tội bất hiếu rất nặng, nói ra mà đau lòng. May mà còn sót thấy được chữ viết của cha tôi, quả không dám để mai một đi, nên sắp lại thành một bộ, truyền lại cho con cháu đọc…”
Hiến kế giúp nước, từ chối làm quan dù được nhà Vua mời
Không phải làm quan, Đỗ Xuân Cát có thời gian nghiên cứu các lĩnh vực mà ông yêu thích, am hiểu thêm về thiên văn, lịch pháp. Khi các con đê ở miền Bắc liên tục bị vỡ gây lụt lội, các quan lúng túng, thì Đỗ Xuân Cát đã viết cuốn “Hà phòng thuyết” chỉ ra phương cách chống lũ.
Cuốn “Lịch sử giáo dục huyện Hoằng Hóa” có ghi chép lại rằng:
“Vào thời Tự Đức, đê sông Bắc Kỳ vỡ liên miên, triều Nguyễn luôn phải cử quan lại ra Bắc để xem xét, đốc thúc đê điều. Ông đã viết tác phẩm Hà phòng thuyết (còn gọi là Hà phòng ngũ thuyết) chỉ ra năm phương cách đề phòng việc sông nước”.
Khi vua Tự Đức giáng chiếu tiến cử những người có dự trong các khoa thi, các đại thần đều dâng sớ tiến Xuân Cát vào cung. Vua Tự Đức cũng khen ngợi, xem ông là người có thực học và mời ra làm quan. Tuy nhiên Đỗ Xuân Cát viện cớ sức yếu để được yên ổn ở quê nhà.
Dù ở quê nhà vui thú điền viên dạy học, nhưng Đỗ Xuân Cát rất quan tâm đến Giang Sơn Xã Tắc. Năm 1858 liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, Đỗ Xuân Cát lại dâng sớ hiến kế phòng thủ ven biển lên vua Tự Đức.
Vua Tự Đức khen ngợi rồi một lần nữa lại mời ông đến Kinh đô làm quan, nhưng ông một lần nữa khước từ, tìm cách thoái thác. Việc ông lo lắng cho vận nước, lại nhiều lần thoái thác làm quan khiến nhiều bậc sĩ phu lúc đó cảm phục.
Là tấm gương cho đời sau
Tài năng và nhân cách của Đỗ Xuân Cát khiến người đời ngợi khen. Sau khi ông mất, dù không làm quan nhưng lại có công lao dạy dỗ đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước nên được vua Tự Đức truy tặng chức Hàn lâm viện Biên tu.
Sách “Đại Nam thực lục” có ghi chép lại rằng:
“Khi trước, Xuân Cát là người có học vấn, hạnh kiểm, được đại thần là Trương Đăng Quế và Tôn Thất Hạp đề cử lên. Vua cho vời lên, Cát tới nơi công xa (hay công quán, là vua cho gọi người nào đến được ở đó, được cung cấp ăn ở tại đấy để đợi lệnh), rồi cáo bệnh xin từ, được ban cấp rồi cho về.
Đến bấy giờ ông chết, vua cho là Xuân Cát về học hành có thể đào luyện được nhân tài cho nhà nước dùng, tặng cho chức Hàn lâm viện Biên tu, chiểu hàm cấp cho tiền tuất. Vua lại nói: Cả nước có người nào văn học, phẩm hạnh như Đỗ Xuân Cát, thì cho các quan văn, võ bảo cử lên”.
Đỗ Xuân Cát sáng tác nhiều, những tác phẩm văn chương ông để lại như Châu Tân văn tập, Lâm hành tạp lục, Gia phả tự lệ, Quan thư hữu cảm.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Trần Ích Phát: Người thầy của 3 Trạng nguyên, 74 tiến sĩ
- Thám hoa Vũ Thạnh: Người thầy nổi danh thời Lê Trung Hưng
Mời xem video:
Từ khóa nhà Nguyễn khoa bảng