Dưỡng sinh mùa đông: Ba điều không nên làm, ba thứ không nên ăn
- An Hòa
- •
Tiết lập đông hàng năm thông thường diễn ra vào tháng 10 âm lịch, và là một trong “Tứ lập” của năm, là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu của mùa đông. Vào đầu mùa đông, trong dân gian có sáu điều quan trọng trong dưỡng sinh, bao gồm ba thứ không nên ăn và ba điều không nên làm. Làm được tốt sáu điều này thì một người sẽ bình an và khỏe mạnh hơn suốt mùa đông lạnh giá.
Ba điều không nên làm
Không vận động quá mạnh: Trong cuốn “Bị cấp thiên kim yếu phương” có viết: Vào mùa đông, thời tiết lạnh rét, khí huyết tiềm tàng trong nhân thể, nếu như vận động quá mạnh thì sẽ khiến cho dương khí trong cơ thể phát tán ra bên ngoài.
Cổ nhân cho rằng, dương khí là cái gốc rễ của sinh mệnh, của sự sống, mùa đông dương khí ẩn tàng, nếu như vì vận động mạnh mẽ mà phát tiết ra ngoài thì sẽ phá vỡ sự cân bằng trong cơ thể và làm cho các loại bệnh phát sinh.
Không phá dỡ nhà cửa hoặc động thổ tu tạo: Người xưa cho rằng vạn vật trong thiên nhiên đều tuân theo quy luật vận hành của âm dương ngũ hành. Mùa đông đến là thời điểm dương khí dần suy yếu đi, âm khí dần mạnh lên, vạn vật đều cần được nghỉ ngơi để lấy lại sức. Vì vậy những việc lớn như dỡ nhà, động thổ tu tạo nhà cửa là không thích hợp thực hiện vào thời gian này.
Ngoài ra, mùa đông âm mạnh dương yếu là trạng thái cân bằng của tự nhiên. Nếu vào thời gian này, tiến hành phá dỡ phòng ốc, động thổ tu tạo nhà cửa sẽ phá vỡ sự cân bằng và hài hòa của âm dương tự nhiên, điều này sẽ không tốt cho tinh thần và thể xác của con người. Không những thế, thời tiết quá lạnh rét sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất lao động và rất bất lợi cho việc thi công.
Không đi xa: Sau khi lập đông, thời tiết sẽ chuyển sang lạnh rét, vạn vật điêu linh. Ở thời tiết này, mọi người nên thuận theo nhịp sống của giới tự nhiên, giảm bớt các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là đi xa. Bởi vì việc di chuyển đường dài sẽ làm tiêu tốn nhiều thể lực và tinh lực, hơn nữa trên đường đi cũng dễ dàng bị phong hàn xâm nhập cơ thể gây ra bệnh tật.
Đi xa, đặc biệt là ở ngoài trời lạnh giá thời gian dài thì dễ dàng khiến dương khí phát ra ngoài làm hỏng sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Một khi dương khí bị hao tổn thì dễ dàng khởi phát các loại bệnh tật.
Ba thứ không nên ăn
Chế độ ăn uống và sức khỏe là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đặc biệt trong mùa đông lạnh rét thì chế độ ăn uống có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo dưỡng cơ thể. Sau ngày lập đông (tiết thứ 19 trong 24 tiết khí của năm) thì thời tiết bắt đầu chuyển sang lạnh, rét. Trong dân gian có cách nói: “Lập đông có ba thứ không ăn”. Ba thứ đó bao gồm: không ăn đồ lạnh, không ăn đồ cay, không ăn đồ không đúng mùa vụ.
Không ăn nhiều đồ cay: Vào mùa đông, mọi người thường thích ăn những món ăn cay để làm nóng cơ thể. Nhưng mùa đông thời tiết hanh khô, đồ ăn cay có tính kích thích mạnh dễ dàng dẫn đến phát nhiệt, nóng trong, loét miệng, táo bón. Ăn đồ cay cũng tương tự như vận động mạnh vậy, dễ làm “thoát dương khí”. Kỳ thực ở những xứ sở nóng, người ta lại có thói quen ăn cay nhiều hơn, và đây mới là truyền thống ẩm thực đúng đắn và khoa học hiện đại cũng đã chứng minh nó có liên quan đến cơ chế làm mát của cơ thể.
Không ăn thiên lệch: Mùa đông cần phải bồi bổ cho cơ thể. Tuy nhiên khi quá chú trọng dinh dưỡng của đồ ăn thức uống, cuộc sống thường ngày lại chú trọng an nhàn, nghỉ ngơi quá mức thì lại không tốt. Ăn bổ quá mức dẫn đến thừa chất, nghỉ ngơi quá nhiều mà không lao động thì sẽ xuất hiện tình trạng mất cân bằng. Bởi vậy không nên ăn thiên lệch, cần chú trọng hài hòa.
Không ăn đồ lạnh: Vào mùa đông, nhiệt độ không khí hạ thấp, dương khí của cơ thể người thu vào bên trong, những thực phẩm lạnh sẽ khó tiêu, dễ dàng làm tổn thương dương khí tì vị, làm cho tì vị hư hàn, dẫn đến các vấn đề không tốt về sức khỏe như: đau bụng, tiêu chảy… Vì vậy, vào thời gian này mọi người nên ăn những món nóng ấm, dễ tiêu hóa.
Theo Ntdtv.com
Tác giả: Văn Tuệ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dưỡng sinh Lập đông mùa đông