Gặp chuyện không may, cần tự ngẫm lại vài điều
- An Hòa
- •
Cổ ngữ có câu “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu” là để nói rằng nguyên nhân một người gặp phải những điều không may mắn thông thuận đều là do chính bản thân mình làm những điều không nên trong cuộc sống. Trong cuộc sống có một số điều cần phải ngẫm lại bản thân mỗi khi chúng ta gặp khó nạn.
Không hiếu kính cha mẹ
Cổ ngữ nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện thì hiếu kính cha mẹ là đứng đầu. Cha mẹ yêu thương con cái vừa là thiên tính vừa là nghĩa vụ, con cái hiếu kính cha mẹ là trách nhiệm, cũng là đạo làm người. Một người nếu không có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, thì chính là không có lòng biết ơn, cũng sẽ không có khả năng yêu thương người khác thực sự. Bởi vậy mới nói cái gốc của sự thiện lương nằm ở chữ Hiếu.
Cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng con cái, quan tâm chăm sóc con cái, luôn lo lắng cho con cái, con cái hiếu kính cha mẹ là điều căn bản phải làm được. Con cái đã không làm được hiếu kính cha mẹ lại còn chống đối, mâu thuẫn với cha mẹ, làm cho cha mẹ phải đau lòng, tức giận thì đó là hành vi làm hao tổn phúc báo của một người.
Khoa trương ngạo mạn
Một người cho dù có tài năng thực sự đi nữa, nhưng nếu vì tài năng của mình mà sinh ra tâm tự mãn, cao ngạo, không ngừng khoa trương bản thân thì rất có thể tài năng sẽ chỉ mang đến cho người ấy nỗi bi ai. “Đại trí nhược ngu”, bậc đại trí thường giả như kẻ ngốc, nhưng ở vào thời điểm cần thiết thì tài trí của họ lại khiến người khác không thể theo kịp.
Người khiêm tốn, ẩn mình, không thể hiện mình tài hoa luôn làm cho người khác kính phục. Trái lại, người cuồng vọng, ngạo mạn lại thường thể hiện mình, cho rằng mình đã thông tỏ mọi điều mà không biết rằng bản thân là một người vô tri, cuối cùng chỉ có thể trở thành trò cười cho thiên hạ.
Oán Trời trách Đất
Sách “Đàn kinh” viết “Nhất thiết phúc điền, bất li phương thốn”, ý nói hết thảy phúc của một người đều do tâm người ấy mà ra. Hết thảy những điều chúng ta gặp phải trong cuộc sống đều có quan hệ mật thiết với suy nghĩ và lời nói của chính mình. Cho nên, gặp phải chuyện không như ý thì đừng oán trách Trời đất mà phải suy xét lại bản thân mới là đúng đắn.
Oán Trời trách Đất, đổ lỗi cho người khác không chỉ không giải quyết được vấn đề gì mà còn có thể làm tăng thêm phiền muộn cho bản thân, thậm chí còn đưa đến những mối họa không đáng có.
Nóng giận, mất bình tĩnh
Trong “Hoài Nam Tử. Bổn Kinh Huấn” có câu rằng: “Bản tính của con người là nếu bị xâm phạm sẽ tức giận, tức giận sẽ sôi tiết, sôi tiết khí sẽ bị kích thích, khí bị kích thích sẽ nổi giận, nổi giận sẽ bột phát cơn nóng giận ra ngoài”. Nóng giận sẽ khiến con người mất đi lý trí, nói ra những lời không nên nói, làm ra những việc không nên làm. Mà lời nói ra thì không thể thu về, việc làm sai rồi cũng chẳng thể vãn hồi.
Cho nên, trong đối nhân xử thế, dù ở đâu và khi nào, chúng ta cũng nên bảo trì một tâm bình thường, không nóng nảy mất bình tĩnh. Nếu dễ dàng nóng giận, mất bình tĩnh thì chúng ta sẽ không làm nổi chuyện gì mà thậm chí còn hại người hại mình.
Chế nhạo người khác
Cổ nhân cũng có câu nói rằng: “Ái xuất giả ái phản, phúc vãng giả phúc lai”, nghĩa là người cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, người trao gửi phúc lành sẽ đón chào phúc đến. Người yêu quý người khác, tôn kính người khác thì cũng sẽ được người khác yêu quý và tôn kính. Trái lại, người chế nhạo người khác, giễu cợt người khác thì cũng sẽ bị người khác chế nhạo và giễu cợt lại.
Thừa cơ hãm hại người khác
Thịnh suy trong đời người không bao giờ kéo dài, vạn vật đều có quy luật và cuộc đời tự nó có thăng trầm. Cho nên cần làm người phúc hậu, không thể thấy người ta hiện tại không may mắn liền “bỏ đá xuống giếng”, “giậu đổ bìm leo”, giẫm đạp lên người khác khi người ta đang gặp khốn cảnh. Điều này sẽ tạo ra nhiều ác báo trong đời.
Lấy oán trả ơn
Cổ ngữ nói: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, nhận được ơn huệ của người khác dù chỉ nhỏ bé bằng giọt nước nhưng phải ghi nhớ mà báo đáp ơn ấy lớn bằng một dòng suối mạnh mẽ. Tri ân báo đáp, uống nước nhớ nguồn là mỹ đức truyền thống của con người. Nếu một người khi gặp khó khăn hoạn nạn, được người ta giúp đỡ mà lại không biết ơn, trái lại còn lấy oán trả ơn thì chính là đã vi phạm nhân luân đạo đức, người như vậy thì sao có thể có được vận may trong cuộc đời?
Không giữ chữ tín
Khổng Tử nói: “Người mà không giữ chữ tín, không biết có thể thành người được không.” Chữ Tín là sinh mệnh thứ hai của một người. Con người một khi mất đi uy tín thì rất khó để có được chỗ đứng trong xã hội. Bởi vậy, trong đối nhân xử thế, chúng ta phải thận trọng từ lời nói đến việc làm, không thể ăn nói lung tung tùy tiện, mù quáng hứa hẹn, bởi vì một khi đã đánh mất uy tín thì rất khó lấy lại được, ai cũng sẽ không nguyện ý kết giao, làm ăn cùng.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Thư Hinh
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nhân sinh cảm ngộ