Giáo dục trường học có phải đang quá tải?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Không có gì ngạc nhiên khi trong khoảng vài thập kỉ trở lại đây rất nhiều người kêu than về sự quá tải của giáo dục mà trong đó những lời kêu than thống thiết nhất đều dành cho chương trình và sách giáo khoa.
Khi sách giáo khoa, chương trình được viết đi viết lại mà không có lý luận nào mới soi đường với tư duy loanh quanh kiểu “trường học là nơi truyền đạt tri thức” thì chuyện quá tải là đương nhiên. Khi mục tiêu của giáo dục là thi cử, thì kiến thức được truyền đạt sẽ là mục tiêu số một. Giáo dục trường học ở Việt Nam có một đặc điểm nổi bật là nó chỉ nhấn mạnh vào “truyền đạt các tri thức giáo khoa” – thứ thực ra chỉ là một trong ba bộ phận của giáo dục trường học: giáo dục tri thức khoa học, giáo dục đời sống và giáo dục con người (nhân tính).
Chủ nghĩa giáo dục nhồi nhét ở Việt Nam không có quan hệ gì với lý luận của J. Bruner. Nhưng hậu quả của nó thì thấy rõ.
Không chỉ môn Toán bị kêu mà các môn khác như môn Sử – môn tôi đang dạy cũng thế. Rất nhiều thứ trời ơi đất hỡi (mà tôi cũng không chắc thực sự người viết ra có hiểu không?!) được đưa vào để “dạy” cho học sinh. Học sinh mà không hiểu ý nghĩa học nó để làm gì, thậm chí không hiểu được cả các từ ngữ được dùng để diễn đạt trong sách giáo khoa…
Nhưng tôi thì không nghĩ đơn giản chương trình, sách giáo khoa của Việt Nam quá tải thuần túy vì quá tải hay không nó phụ thuộc vào tư duy. Nếu anh coi dạy học là nhét kiến thức vào đầu học sinh thì đương nhiên nó quá tải.
Cái nguy hiểm nó nằm ở chỗ này.
Chương trình – sách giáo khoa và nói rộng hơn là nội dung giáo dục (do ở Việt Nam giáo viên quan niệm mình là kẻ thừa hành, sách giáo khoa – chương trình chỉ có một trong suốt nhiều năm nên có thể hiểu nội dung giáo dục gần như trùng khít với sách giáo khoa hoặc chương trình) ở Việt Nam vừa thiếu, vừa thừa.
Thừa thì đủ thứ! Khỏi cần bàn. Ở đây chỉ nói về thiếu. Nó thiếu hai thứ rất quan trọng khi so với giáo dục nước ngoài.
Một là nó thiếu những gì thiết thực thuộc về đời sống. Giáo dục đời sống ở trường học Việt Nam bị coi nhẹ, thậm chí ngay cả các chuyên gia giáo dục làm chính sách, người giáo viên cũng không ý thức sâu sắc về nó. Ở mầm non và tiểu học, trường học không chú trọng và làm được việc giáo dục cho học sinh có các thói quen của đời sống khoa học, khỏe mạnh và tự lập. Xin hỏi trong các bạn bao nhiêu người học được cách ngủ, thức dậy đúng giờ, đánh răng đúng cách, gấp quần áo đúng cách, biết làm việc nhà, quản trị thời gian, sức khỏe bản thân, tự lập thời gian biểu… một cách bài bản nhờ vào chỉ đạo, hướng dẫn từ trường tiểu học? Hay các bạn học tự phát nhờ bắt chước người lớn hay bố mẹ chỉ bảo tùy hứng?
Trường THCS và THPT đã né tránh hoặc thiếu vắng các vấn đề nóng bỏng, thiết thực của đời sống để học sinh xã hội hóa bản thân và trở thành người công dân đúng nghĩa.
Hai là ở một khía cạnh khác, trường học chúng ta thiếu vắng các nội dung “vượt ra ngoài đời sống”. Giáo sư toán học Fujiwara Masahiko trong cuốn sách bán được hàng triệu bản và gây nên một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi ở Nhật – “Phẩm cách quốc gia” đã chỉ trích giáo dục Nhật đã chỉ “dạy toàn những điều hữu ích” và đó là hạn chế khiến cho Nhật thiếu thiên tài! Ý kiến của ông có vẻ cực đoan nhưng suy ngẫm thì thấy có lý và khá thú vị.
Ở Việt Nam, học sinh thiếu cơ hội để học những gì “vô ích” để suy tưởng về vũ trụ, về sự vô hạn, bao la vô tận, về câu hỏi con người đến từ đâu và tương lai nhân loại sẽ thế nào (triết học), thiếu cơ hội để có được tâm thức tình cảm tôn giáo (không phải là học giáo lý tôn giáo cụ thể) để bái vọng cái kì vĩ, bí ẩn của siêu nhiên, của vũ trụ từ đó đẩy cảm xúc sáng tạo, khám phá tới đỉnh cao; thiếu cơ hội và không gian để biểu đạt những “suy tưởng xa vời” đó.
Vì vậy, trường học quẩn quanh với thi cử và chuyện tốt nghiệp, việc làm. Nhưng rốt cục thì nó sa lầy trong chính chuyện đó.
Hệ quả là trường học tạo ra hai kiểu người.
Một kiểu người muốn học để kiếm tiền, có việc làm để có đời sống cá nhân viên mãn nhưng do trong trường học không được học về đời sống nên rốt cục trở thành những người có tính tự lập kém, nhăm nhăm ỷ lại hoặc chỉ thích “việc nhàn, lương cao”.
Hai là kiểu người có trí tuệ, được học hành bài bản, sau này có học hàm học vị cao, có vị trí nhưng vì tuổi thơ không được học những thứ “suy tưởng xa vời” nên không chuyển hóa bản thân thành tầng lớp tinh hóa hay thành “thiên tài” được nên rốt cuộc, thân thì như vậy mà hồn thì vẫn quẩn quanh với ba chuyện “giá áo túi cơm”. Ước mơ chỉ loanh quanh mấy thứ, tiền, ghế, xe, nhà… Không có nhiều người suy tưởng về những thứ xa xôi. Nghĩa là tư duy, tâm hồn và khát vọng cũng chẳng khác gì kiểu người ở trên.
Muốn cải cách thành công, trường học Việt Nam cần khắc phục được hai nhược điểm đó.
Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo cuốn “Phẩm cách quốc gia” tại đây
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Nhật Bản thực trạng giáo dục Việt Nam triết lý giáo dục Nguyễn Quốc Vương