GS Phan Huy Lê: Khách quan, trung thực, công bằng về triều Nguyễn
- GS Phan Huy Lê
- •
Sáng ngày 18/10/2011, Hội thảo quốc gia về “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” đã diễn ra tại Thanh Hóa quy tụ hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế đến dự. Trong lời khai mạc, cố GS sử học Phan Huy Lê đã đề xuất các ý kiến tranh luận nên vì sự thật khách quan của khoa học và trách nhiệm của mỗi chúng ta trước hậu thế bằng một câu ngắn gọn: Khách quan, trung thực và công bằng.
Xin giới thiệu tới độc giả bài đề dẫn của cố GS Phan Huy Lê như một lời tri ân gửi tới ông. Bài viết trích lại từ khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm TPHCM.
Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX:
1. Quá trình nhận thức và yêu cầu của hội thảo
Nhận thức lịch sử là một quá trình tiến tới tiếp cận lịch sử một cách càng ngày càng khách quan, trung thực, gần với sự thật lịch sử nhất trong khả năng của các nhà sử học. Tôi nói gần với sự thật lịch sử nhất trong hàm ý là giữa lịch sử khách quan và lịch sử được nhận thức bao giờ cũng có một khoảng cách mà mục tiêu và ước vọng của các nhà sử học là rút ngắn khoảng cách đó.
Khả năng này tùy thuộc vào rất nhiều nhân tố, trước hết năng lực của nhà sử học biểu thị ở trình độ lý thuyết và phương pháp luận, cách tập hợp và xử lý các nguồn thông tin, mặt khác là cách nhìn và động cơ của nhà sử học liên quan đến những tác động chi phối hay ảnh hưởng của bối cảnh chính trị của mỗi thời kỳ lịch sử. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta cùng nhau thảo luận để nhìn nhận, đánh giá lại một số sự kiện, nhân vật lịch sử hay cả một giai doạn, một thời kỳ lịch sử.
Thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XIX là một trong những thời kỳ lịch sử đã trải qua những cách nhìn nhận và đáng giá hết sức khác nhau, có lúc gần như đảo ngược lại.
Vương triều Nguyễn để lại những bộ chính sử đồ sộ của vương triều biểu là bộ Đại Nam thực lục[1] và Đại Nam liệt truyện[2]. Những bộ chính sử của vương triều bao giờ cũng chép theo quan điểm chính thống của vương triều đang trị vì và nhằm tôn vinh công lao, sự nghiệp của vương triều. Trên quan điểm chính thống đó, Sử quán triều Nguyễn phê phán những thế lực đối lập như chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các lực lượng chống đối như coi Tây Sơn là “ngụy triều”…
Trong xu hướng canh tân phát triển mạnh thời Tự Đức, một số nhà trí thức cấp tiến đã dâng lên triều đình nhiều bản điều trần đầy tâm huyết. Trong số điều trần này, một số tác giả đã nêu lên trên tinh thần phê phán những mặt tiêu cực, lạc hậu của đất nước thời Nguyễn, nhất là về kinh tế, quốc phòng và giáo dục. Tiêu biểu nhất là Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ.
Như vậy là trong thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, bên cạnh quan điểm chính thống tôn vinh vương triều, cũng đã có những góc nhìn khác từ những đề nghị canh tân của những trí thức cấp tiến.
Trong thời Pháp thuộc, xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu của người Việt Nam, người Pháp, phần lớn theo xu hướng vận dụng phương pháp luận hiện đại của phương Tây. Các công trình nghiên cứu tập trung nhiều nhất vào việc khảo tả các di tích lịch sử, văn hóa, các nghi lễ, các công trình nghệ thuật và các nhân vật lịch sử cùng quan hệ giao thương với nước ngoài, các thương cảng, đô thị, nhất là kinh thành Huế. Những kết quả nghiên cứu này, ngoài những ấn phẩm in thành sách, thường là các luận văn đăng tải nhiều nhất trên Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), Bulletin de l’ Ecole française d’ Extrême-Orient (BEFEO) và trên tạp chí tiếng Việt như tạp chí Tri tân, Nam phong, Trung Bắc chủ nhật”[3]… Một số bộ sử An Nam của người Pháp như Histoire moderne du pays d’ Annam của Charles Maybon[4], Lecture sur l’ histoirre d’ Annam của Ch. Maybon và H. Russier[5] cũng nhấn mạnh công thống nhất đất nước và những thành tựu của triều Nguyễn, đồng thời có xu hướng nêu cao vai trò trợ giúp của một số sĩ quan và kỹ thuật Pháp.
Trong những nghiên cứu cụ thể về từng phương diện như vây tuy không đưa những nhận xét đánh giá chung về các chúa Nguyễn hay vương triều Nguyễn, nhưng tạo ra cơ sở khoa học cho những khái quát về thời kỳ lịch sử này. Những nhận xét mang tính đánh giá thể hiện rõ hơn trong những một số công trình về thông sử Việt Nam.
Ví dụ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, trong đó một mặt tác giả biện giải triều Tây Sơn không phải là “ngụy triều” như cách nhìn nhận chính thống của sử triều Nguyễn, mặt khác nêu cao công cao thống nhất đất nước “đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam vậy”[6]. Tác giả đánh cao những thành tựu thời Gia Long, Minh Mệnh, nhưng cũng phê phán triều Tự Đức để cho đất nước suy yếu và lâm vào sự nguy vong.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 cho đến năm 1975, trong thời kỳ chiến tranh, công việc nghiên cứu nói chung có bị hạn chế, số lượng các công trình nghiên cứu chuyên đề không nhiều. Nhưng chính trong bối cảnh này đã xuất hiện một khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn cũng như các chúa Trịnh và đặc biệt là vương triều Nguyễn thế kỷ XIX. Khuynh hướng này phát triển ở miền Bắc trong thời gian từ 1954 phản ánh trên một số luận văn trên tạp chí Văn sử địa, Đại học sư phạm, Nghiên cứu lịch sử và biểu thị tập trong những bộ lịch sử, lịch sử văn học, lịch sử tư tưởng Việt Nam…
Mỗi tác giả và tác phẩm tuy có mức độ khác nhau, nhưng tựu trung đều chung khuynh hướng phê phán các chúa Nguyễn (cũng như các chúa Trịnh) đã chia cắt đất nước, vương triều Nguyễn mở đầu bằng hành động cần viện tư bản Pháp, phong kiến Xiêm để tiến hành cuộc chiến tranh chống Tây Sơn và kết thúc bằng sự đầu hàng quân xâm lược Pháp. Thời kỳ nhà Nguyễn bị kết án là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông.
Thái độ phê phán gay gắt trên có nguyên do sâu xa trong bối cảnh chính trị của đất nước thời bấy giờ và trong cách vận dụng phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu.
Quan điểm trên nẩy sinh, xác lập trong những năm từ 1954-1956 và phát triển mạnh cho đến những năm 70 của thế kỷ XX. Đó là thời kỳ cả dân tộc đang tiến hành cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, thống nhất tổ quốc. Trong thời kỳ đó, độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia là mục tiêu cao cả, có ý nghĩa thiêng liêng của cuộc chiến đấu. Vì vậy khi nhìn lại lịch sử, bất cứ hành động nào xúc phạm hay đi ngược lại độc lập và thống nhất đều bị phê phán. Cuộc tranh luận về sự thống nhất đất nước thời Tây Sơn và nhà Nguyễn cũng tiến hành trong không khí chính trị đó và đã xuất hiện quan điểm cực đoan cho rằng Tây Sơn đã hoàn thành, thậm chí hoàn thành triệt để nhiệm vụ khôi phục quốc gia thống nhất. Bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh đã tác động đến thái độ của nhiều nhà sử học trong nhìn nhận và đánh giá về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, nhất là các cơ quan khoa học trong hệ thống chính trị đương thời.
Nguyên nhân về vận dụng phương pháp luận là thuộc trách nhiệm của các nhà sử học. Đây là thời kỳ nền sử học hiện đại xây dựng trên hệ tư tưởng Mácxít đang hình thành và trong vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nhĩa duy vật lịch sử phạm những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, công thức, máy móc. Theo lý thuyết về hình thái kinh tế xã hội, thời bấy giờ đang thịnh hình quan điểm cho rằng chế độ phong kiến Việt Nam hình thành trong thời Bắc thuộc, phát triển đạt đến độ cực thịnh ở thời Lê sơ thế kỷ XV và bắt đầu suy vong từ thế kỷ XVI, rồi lâm vào tính trạng khủng hoảng trầm trọng vào thời cuối Lê và nhà Nguyễn.
Như vậy là thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được đặt vào khung suy vong, khủng hoảng của chế độ phong kiến và trong bối cảnh đó thì giai cấp phong kiến không còn vai trò tích cực, không còn đại diện cho lợi ích dân tộc. Áp dụng lý thuyết hình thái kinh tế xã hội và đấu tranh giai cấp một cách giáo điều đã dẫn đến những hệ quả đưa ra những phân tích và đánh giá lịch sử thiếu khách quan, không phù hợp với thực tế lịch sử. Không riêng các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn mà những nhân vật lịch sử liên quan, và rộng ra cả vương triều Mạc trước đó, đều bị đánh giá theo quan điểm chưa được khách quan, công bằng như vậy.
Công cuộc Đổi mới khởi đầu từ năm 1986, bắt đầu từ đổi mới tu duy kinh tế, sau đó dần dần được mở rộng sang các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Năm 1988 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam được tổ chức lại trên phạm vi cả nước và một trong những hoạt động khoa học đầu tiên là tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Sử học trước yêu cầu Đổi mới của đất nước” tại Hà Nội năm 1989 và tại thành phố HCM năm 1990 với sự tham gia của nhiều nhà sử học và những ngành liên quan của khoa học lịch sử như khảo cổ học, dân tộc học, bảo tàng và bảo tồn học, văn hóa học.
Hội thảo đã đạt được sự đồng thuận cao trong khẳng định những thành tựu của nền sử học hiện đại Việt Nam, vai trò và cống hiến của sử học trong thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong cuộc sống xã hội đồng thời nghiêm khắc nêu lên những mặt hạn chế, những yếu kém và khuyết tật để khắc phục. Về mặt này, hội thảo đã nêu lên ba mặt yếu kém quan trọng nhất về tư duy sử học là: – Khuynh hướng giáo điều, công thức trong vận dụng các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, – Khuynh hương “chính trị hóa lịch sử”, dùng lịch sử để minh họa một số quan điểm chính trị có sẵn, tự hạ thấp tính độc lập, vai trò sáng tạo của khoa học lịch sử, – Khuynh hướng “hiện đại hóa lịch sử” theo ý nghĩa là trình bày lịch sử quá khứ như hiện đại, không tôn trọng tính đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử[7].
Trong hội thảo, nhiều tham luận và phát biểu cũng đã nêu lên yêu cầu đổi mới tu duy sử học theo hướng tiếp cận và nhận thức đối tượng một cách khách quan, trung thực nhất trong khả năng cao nhất của sử học. Một loạt vấn đề, trong đó có những giai đoạn lịch sử như triều Hồ, triều Mạc, các chúa Nguyễn, triều Nguyễn được đưa ra phân tích để minh chứng cho những nhận định phiến diện, thiếu tính khách quan, khoa học trước đây.
Từ cuối những năm 80, nhất là từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, công việc nghiên cứu về thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã được triển khai và đạt nhiều thành tựu mới theo xu hướng tư duy khách quan, trung thực. Ngoài các công trình nghiên cứu của cá nhân, một đề tài Khoa học cấp nhà nước mang tiêu đê “Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đổi mới đất nước hiện nay”, mã số KX-ĐL: 94-16 do PGS Đỗ Bang làm chủ nhiệm đã được thực hiện năm 1995-1996 với sự tham gia gần như của giới sử học cả nước. Phạm vi nghiên cứu dần dần được mở rộng trên tất cả lĩnh vực của thời kỳ lịch sử này, từ kinh tế, xã hội đến chính trị, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật… Nhiều công trình khoa học được xuất bản hay đăng tải trên các tạp chí khoa học, gần hai chục cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức ở thành phố Huế, thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội[8]. Một số luận án Tiến sĩ đã chọn đề tài trong thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Một số học giả nước ngoài cũng quan tâm nghiên cứu thời kỳ này và khá nhiều công trình đã được công bố, trong đó có một số công trình đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam[9].
Trong nhận định và đánh giá về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX dĩ nhiên còn có những khác biệt giữa các tác giả và còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận. Nhưng mẫu số chung của những công trình nghiên cứu trong vài thập kỷ trở lại đây ở trong nước cũng như nước ngoài là thống nhất cần phải khai thác những nguồn tư liệu phong phú, phân tích và xử lý một cách khoa học để nâng cao nhận thức về thời kỳ này một cách khách quan, trả lại các giá trị đích thực cho các triều vua chúa, các nhân vật lich sử, nêu cao những cống hiến tích cực, đồng thời phân tích cả những mặt hạn chế, tiêu cực.
Về cơ sở tư liệu thì trong lịch sử Việt Nam cho đến cuối thế kỷ XIX, chưa có thời kỳ nào có những nguồn tư liệu phong phú, đa dạng như thời kỳ các chúa Nguyễn, nhất là thời kỳ vương triều Nguyễn. Ngoài các bộ chính sử và địa chí của vương triều, còn có nhiều nguồn tư liệu gốc mang giá trị thông tin rất cao như Châu bản[10] , địa bạ[11], văn bia[12], gia phả và các tư liệu do người nước ngoài ghi chép. Các nguồn tư liệu trên đang được sưu tầm và khai thác có hiệu quả cung cấp những dữ liệu mới cực kỳ phong phú để nghiên cứu sâu các vấn đề của thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.
Các nguồn tư liệu và kết quả nghiên cứu cho đến nay đã tạo lập một cơ sở khoa học vững chắc để giới sử học và các nhà khoa học trên các lĩnh vực liên quan cùng nhau nhìn nhận và đánh giá một cách công bằng đối với vai trò và cống hiến của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, phân tích một cách khách quan mặt tích cực và cả mặt hạn chế, mặt mạnh và cả mặt yếu. Đó chính là lý do và yêu cầu của cuộc Hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia của chúng ta tổ chức nhân dịp 450 năm chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương xứ Thanh vào mở cõi phương Nam.
2. Phạm vi và nội dung chủ yếu của hội thảo
2.1. Về khung thời gian
Thời kỳ các chúa Nguyễn bắt đầu từ năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương xứ Thanh vào nhậm chức Trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi năm 1570 kiêm Trấn thủ xứ Quảng Nam. Vương triều Nguyễn khởi đầu từ khi chúa Nguyễn Ánh sáng lập vương triều năm 1802. Giữa thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn có thời kỳ Tây Sơn tính từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm 1771 cho đến khi chính quyền Tây Sơn cuối cùng là triều vua Nguyễn Quang Toản thất bại năm 1802. Rõ ràng thời Tây Sơn nằm giữa liên quan đến sự thất bại của chúa Nguyễn cuối cùng là Nguyễn Phúc Thuần năm 1776, Nguyễn Phúc Dương năm 1777 và sự thắng lợi của Nguyễn Ánh năm 1802. Tuy nhiên, vừa rồi nhân dịp kỷ niệm 320 năm lễ đăng quang Hoàng đế của Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-2008), Ủy ban nhân dân và Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học tại thành phố Huế ngày 06-06-2008 nên trong Hội thảo này chúng ta không bàn về thời Tây Sơn để tập trung vào nội dung chủ yếu của Hội thảo. Nhưng dĩ nhiên trong những mối quan hệ như sự thất bại của chúa Nguyễn, kháng chiến chống Xiêm, thắng lợi của Nguyễn Ánh, chúng ta vẫn đề cập đến thời Tây Sơn trong mức độ cần thiết.
Vương triều Nguyễn còn kéo dài cho đến năm 1945, kết thúc với thắng lợi của Cách mạng tháng 8 và sự thóai vị của vua Bảo Đại năm 1945. Nhưng từ khi đất nước đã bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị thì vai trò và tính chất của triều Nguyễn đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy trong Hội thảo này, vương triều Nguyễn chỉ giới hạn trong thời kỳ độc lập của vương triều cho đến khi bị thất bại trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp năm 1858-1884. Tuy nhiên trong Hội thảo chúng ta cũng không đi sâu vào cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân mà chỉ làm sáng tỏ nguyên nhân và trách nhiệm của triều Nguyễn trong thất bại của cuộc kháng chiến.
Như vậy về thời gian, chúng tôi đề nghị giới hạn từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, trong phạm vi thời kỳ trị vì của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vương triều Nguyễn trên cương vị quốc gia Việt Nam rồi Đại Nam độc lập, có chủ quyền. Thời gian trước và sau ranh giới thời gian này cũng như thời Tây Sơn ở giữa chỉ đề cập trong mức độ liên quan cần thiết.
Trong giới hạn thời gian như trên, dĩ nhiên cũng cần đặt Việt Nam trong mối quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới. Thế kỷ XVI-XIX là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của hệ thống thương mại châu Á và cũng là thời kỳ bành trướng dữ dội của chủ nghĩa tư bản phương Tây sang phương Đông. Bối cảnh lịch sử đó tác động đến mọi nước Đông Nam Á và Đông Á, nhưng mỗi nước lại có cách ứng phó khác nhau và dẫn đến hệ quả khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn vong của mỗi quốc gia-dân tộc.
2.2. Về thời kỳ các chúa Nguyễn
Những kết quả nghiên cứu đã cho phép khẳng định công lao mở mang bờ cõi từ Thuận Hóa, Quảng Nam vào đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong trong thời gian từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII. Công cuộc khai phá với những chính sách và biện pháp tích cực của chính quyền chúa Nguyễn, đã biến vùng Thuận Quảng còn hoang sơ vào giữ thế kỷ XVI, trở thành một vùng kinh tế phát triển làm bàn đạp cho công cuộc mở mang bờ cõi về phía nam. Vào thế kỷ XVII-XVIII, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa của Đàng Trong với năng xuất đạt tới 100, 200, 300 lần như Lê Quý Đôn đã ghi chép. Các nghề thủ công, quan hệ hàng hóa tiền tệ trong nước và quan hệ mậu dịch với nước ngoài đều phát triển nhanh chóng.
Một loạt đô thị, thương cảng ra đời thu hút nhiều thuyền buôn và thương gia nước ngoài, kể cả các công ty tư bản phương Tây như Hà Lan, Anh, Pháp… trong đó nổi lên các cảng thị Phú Xuân-Thanh Hà (Thừa Thiên-Huế), Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), Vũng Lấm (Phú Yên), Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh), Cù Lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho, Hà Tiên… Các chúa Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, Đoan Quận công: 1558-1613), Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, Thụy Quận công:1613-1635), Nguyễn Phú Lan (Chúa Thượng, Nhân Quận công: 1635-1648), Nguyễn Phú Tần (Chúa Hiền, Dũng Quận công: 1648-1687)… có công lớn trong sự nghiệp khai phá và phát triển vùng đất mới, mở rộng lãnh thổ phía nam bao gồm cả các hải đảo ven bờ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông.
Vấn đề cần đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ là phương thức khai phá có hiệu quả kinh tế cao kết hợp với việc xây dựng và củng cố chủ quyền quốc gia trên vùng đất mới của các chúa Nguyễn. Đối với vùng đất Nam Bộ, cần chú trọng vai trò của các lớp lưu dân người Việt, sự tham gia của một số người Hoa và các cộng đồng cư dân tại chỗ như người Khmer, người Mạ, Xtiêng, Chơ Ro… cùng quá trình cộng cư và giao thoa văn hóa tạo nên sắc thái đặc trưng của vùng đất phương nam này.
2.3. Về vương triều Nguyễn
Từ khoảng giữa thế kỷ XVIII, chính quyền chúa Nguyễn thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (Định vương: 1765-1776) trở nên suy yếu và bị phong trào Tây Sơn lật đổ. Nhưng cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn với người kế tục chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục và cuối cùng kết thúc bằng thắng lợi của Nguyễn Ánh năm 1802. Hội thảo không đi sâu vào lịch sử Tây Sơn, nhưng không thể không đề cập và xem xét một số vấn đề liên quan với Tây Sơn, cụ thể là ba vấn đề sau đây:
– Cắt nghĩa sự thành bại của mỗi bên trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn. Từ năm 1771 khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và cho đến năm 1777 đã đánh bại toàn bộ hệ thống chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong mà đại diện cuối cùng là chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương. Đây là cuộc chiến tranh giữa một bên là phong trào Tây Sơn tiêu biểu cho sức mạnh quật khởi của nhân dân Đàng Trong và bên kia là thế lực suy đồi của một chính quyền phong kiến đã bị nhân dân óan ghét, bất bình. Thắng lợi của Tây Sơn trong thời gian này là thắng lợi của một cuộc khởi nghĩa nông dân, một phong trào đấu tranh mang tính nhân dân rộng lớn, đang tập hợp được các lực lượng của mọi tầng lớp xã hội bất bình với chế độ chúa Nguyễn thời suy vong.
Trên cơ sở thắng lợi của phong trào Tây Sơn, một vương triều phong kiến mới được thiết lập gồm chính quyền Đông Định vương Nguyễn Lữ ở Gia Định, Trung Ương Hoang đế Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn và Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Trong ba chính quyền Tây Sơn, chỉ có chính quyền Nguyễn Huệ tồn tại vững vàng nhưng sau khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất năm 1792, vương triều Nguyễn Quang Toản cũng suy yếu rất nhanh. Cuộc chiến tranh Nguyễn Ánh – Tây Sơn đã thay đổi tính chất và chuyển hóa thành cuộc đấu tranh giữa hai thế lực phong kiến mà thất bại của Nguyễn Lữ, rồi Nguyễn Nhạc và Quang Toản là thất bại của những chính quyền phong kiến đã suy yếu và mất lòng dân.
– Trong cuộc đấu tranh chống Tây Sơn, thời gian bị thất bại nặng nề ở trong nước, Nguyễn Ánh phải nhờ vào sự cứu viện của nước ngoài biểu thị tập trung trong Hiệp ước Versailles ký kết năm 1787 với Pháp và việc cầu cứu vua Xiêm đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia Định năm 1784. Dù cho Hiệp ước Versailles không được thực thi và lực lượng viện trợ do Bá Đa Lộc vận động không bao nhiêu, quân xâm lược Xiệm cũng bị quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, đánh tan trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút đầu năm 1785, nhưng hành động của Nguyễn Ánh cần được đặt trong bối cảnh cụ thể lúc bấy giờ và phân tích, đánh giá một cách công minh.
– Giữa năm 1786 quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra bắc, đánh bại quân Trịnh và phong trào Tây Sơn đã làm chủ cả nước. Tiếc rằng sau đó, do bất hòa và mâu thuẫn giữa các thủ lĩnh Tây Sơn dẫn đến việc thành lập ba chính quyền Tây Sơn. Vấn đề đặt ra và đã từng gây cuộc tranh luận trong năm 1960, 1963 là công lao thống nhất đất nước của Tây Sơn và Nguyễn Ánh[13]. Lúc bấy giờ xuất hiện hai quan điểm hoàn toàn đối lập, phủ định hay khẳng định công lao thống nhất thuộc về Tây Sơn hay Nguyễn Ánh. Hai quan điểm đối lập theo lối cực đoan đó không có sức thuyết phục cao và gần đây xu hướng chung là không ai có thể phủ nhận được công lao thống nhất đất nước của vương triều Nguyễn mà người sáng lập là vua Gia Long Nguyễn Ánh, nhưng từ đó phủ nhận luôn cả những cống hiến của Tây Sơn thì cũng cần trao đổi thêm.
Phong trào Tây Sơn đã đánh bại chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và đã xóa bỏ tình trạng phân chia đất nước kéo dài trên hai thế kỷ, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía nam và quân xâm lược Thanh ở phía bắc, đó là những thành tựu của Tây Sơn đã đặt cơ sở cho công cuộc khôi phục quốc gia thống nhất mà sau này Nguyễn Ánh và triều Nguyễn đã kế thừa. Như vậy là hai kẻ thù không đội trời chung lại góp phần tạo lập nên sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc, bề ngoài như một nghịch lý nhưng lại nằm trong xu thế phát triển khách quan của lịch sử và yêu cầu bức thiết của dân tộc.
Vương triều Nguyễn trong thời gian tồn tại độc lập từ khi thành lập cho đến khi bị thất bại trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có nhiều cống hiến tích cực trên nhiều phương diện. Thời phát triển của vương triều bao gồm các đời vua Gia Long (1802-1820), Minh Mệnh (1820-1841) và Thiệu Trị (1841-1847), tức khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, thời thịnh đạt nhất là dưới triều vua Minh Mệnh.
Nước Việt Nam, quốc hiệu đặt năm 1804, và Đại Nam năm 1838, là một quốc gia thống nhất trên lãnh thổ rộng lớn gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện nay, bao gồm cả Đàng Trong và Đàng Ngoài cũ. Trên lãnh thổ thống nhất đó, triều Nguyễn đã xây dựng một cơ chế quân chủ tập quyền mạnh mẽ với một bộ máy hành chính và một thiết chế vận hành qui củ, chặt chẽ, nhất là sau cải cách hành chính của Minh Mệnh năm 1831-1832. Các công trình nghiên cứu gần đây đều đánh giá cao công lao thống nhất đất nước của triều Nguyễn và hệ thống tổ chức chính quyền với qui chế hoạt động có hiệu lực của nhà Nguyễn. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, cải cách của vua Minh Mệnh năm 1831-1832 và vua Lê Thánh Tông năm 1471 là hai cải cách hành chính có qui mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận một số thành tựu khai hoang, thủy lợi, phát triển nông nghiệp thời Nguyễn, nhất là vùng đồng bằng Nam Bộ và vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Hệ thống giao thông thủy bộ phát triển mạnh, nhất là hệ thống kênh đào ở Nam Bộ và hệ thống đường dịch trạm nối liền kinh đô Huế với các trấn/tỉnh thành trên cả nước. Các trạm dịch được tổ chức rất chặt chẽ với những qui định về thời hạn chuyển văn thư phân làm ba loại: tối khẩn, khẩn, thường. Ví dụ loại “tối khẩn”, từ kinh đô Huế vào đến Gia Định là 9 ngày, ra đến Hà Nội là 4 ngày 6 giờ.
Về phương diện văn hóa, giáo dục, triều Nguyễn cũng lập Quốc tử giám, mở khoa thi Hương và thi Hội để đào tạo nhân tài. Từ khoa thi Hội đầu tiên năm 1822 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 292 Tiến sĩ và 266 Phó bảng, cộng 558 người. Khu Văn Miếu tại kinh đô Huế còn lưu giữ 32 tấm bia Tiến sĩ thời Nguyễn. Cùng với các kỳ thi tuyển chọn Tiến sĩ Văn, nhà Nguyễn còn nâng cấp đào tạo võ quan từ Cử nhân lên Tiến sĩ Võ. Tại khu Võ Miếu còn bảo tồn hai tấm bia Tiến sĩ Võ. Công việc biên soạn quốc sử, các bộ chính sử của vương triều, các bộ tùng thư và địa chí được đặc biệt quan tâm và để lại một di sản rất đồ sộ. Có thể nói, trong thời quân chủ, chưa có Quốc sử quán của vương triều nào hoạt động có hiệu quả và để lại nhiều công trình biên soạn đến như thế.
Trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phương Tây đang đe dọa chủ quyền của các nước trong khu vực, vua Gia Long và Minh Mệnh ý thức sâu sắc về nguy cơ đó và đã tiến hành những hoạt động điều tra, thăm dò, đồng thời lo củng cố quốc phòng, cố gắng tiếp thu thành tựu kỹ thuật phương Tây. Từ thời chiến tranh với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã học tập được khá nhiều kỹ thuật phương tây, nhất là kỹ thuật xây thành kiểu Vauban, đóng tàu, đúc vũ khí, phát triển thủy quân. Vua Minh Mệnh là người có tầm nhìn xa và hướng biển khá cao. Nhà vua đã cử nhiều phái đoàn vượt biển đến các căn cứ phương Tây ở Đông Nam Á như Batavia (Jakarta, Indonesia), Singapore, Pinang (Malaysia), Semarang (Java), Luçon (Philippines), Tiểu Tây Dương; ở Ấn Độ như Bengale, Calcutta; ở Trung Hoa như Macao…Những chuyến vượt biển đó, bề ngoài là mua hàng hóa cho triều đình nhưng chủ yếu nhằm thăm dò tình hình.
Cầm đầu các phái đoàn thường là những quan chức cao cấp, những trí thức có tầm hiểu biết rộng như Lý Văn Phức, Hà Tông Quyền, Phan Thanh Giản, Phan Huy Chú, Cao Bá Quát…Vua Minh Mệnh cho đo đạc độ sâu các cảng biển, lập hệ thống phòng thủ ven biển, chế tạo vũ khí, đóng thử tàu hơi nước kiểu phương Tây, phát triển thủy quân, cho dịch một số sách kỹ thuật phương Tây sang chữ Hán, đo đạc, vẽ bản đồ và cắm cột mốc trên quần đảo Hoàng Sa, tăng cường quản lý các hải đảo…Hình như vua Minh Mệnh đang nuôi dưỡng một ý tưởng canh tân nào đó, nhưng đang ở trong tình trạng hình thành, chưa thực hiện được bao nhiêu.
Những cống hiến tích cực của vương triều Nguyễn đã được nhìn nhận và đánh giá lại một cách khách quan, công bằng. Nhưng bên cạnh đó, còn tồn tại một số vấn đề cần nghiên cứu và thảo luận để đi đến những nhận xét toàn diện:
– Nhà Nguyễn chủ trương phục hội và củng cố hệ tư tưởng Nho giáo. Không ai phủ nhận trong học thuyết Nho giáo chứa đựng nhiều nội dung tích cực, nhất là về mặt giáo dục và xử thế, coi trọng học vấn, đề cao nhân cách, nhưng đứng về phương diện tư duy triết học, vào thế kỷ XIX có còn khả năng giúp con người nhận thức và giải thích thế giới trong bối cảnh mới của thời đại hay không? Về vấn đề này còn những quan điểm khác nhau. Có người cho đến thế kỷ XIX hệ tư tưởng Nho giáo đã trở nên bảo thù và chủ trương phục hồi Nho giáo của triều Nguyễn đã cản trở sự tiếp nhận những tư tưởng và thành tựu mới của thế giới. Nhưng cũng có người cho rằng vấn đề không phải là bản thân Nho giáo mà là người vận dụng hệ tư tưong đó.
– Một thực trạng cần lưu ý khi nghiên cứu về vương triều Nguyễn là dù ban hành nhiều chính sách khẩn hoang tích cực, kể cả một số chính sách giảm nhẹ tô thuế, nhưng xã hội thời Nguyễn không ổn định. Trong gần như suốt thòi Nguyễn, khởi nghĩa nông dân nổ ra triền miên và triều Nguyễn không thể nào giải quyết nổi. Tại sao và đánh giá thực trạng đó như thế nào cho thỏa đáng.
– Từ triều Tự Đức (1848-1883), vương triều Nguyễn càng ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm cho thế nước càng ngày càng suy yếu và cuối cùng thất bại trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Ở đây có hai vấn đề quan trọng đặt ra là thái độ của triều Nguyễn đối với xu hướng canh tân phát triển khá mạnh dưới triều Tự Đức và trách nhiệm của triều Nguyễn trong kết quả bi thảm của cuộc kháng chiến thất bại. Canh tân đất nước và chống chủ nghĩa thực dân là hai yêu cầu bức xúc, quan hệ mật thiết với nhau. Vấn đề đặt ra không chỉ ở Việt Nam mà gần như cả phương Đông và khi phân tích cũng cần nhìn rộng ra trong góc nhìn so sánh với một số nước tương tự trên phạm vi phương Đông, nhất là khu vực gần gụi của Đông Nam Á và Đông Á.
Làm sáng rõ những vấn đề trên sẽ đưa đến một cách nhìn nhận và đánh giá toàn diện, cả mặt tích cực lẫn mặt hạn chế đối với vương triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
2.4. Về di sản văn hóa
Trong thời gian trên 3 thế kỷ từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc một di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước thống nhất bao gồm cả đất liền và hải đảo về cơ bản tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại. Lãnh thổ đó vừa kế thừa công lao xây dựng và bảo vệ của các thế hệ tổ tiên từ khi dựng nước Văn Lang – Âu Lạc cho đến giữ thế kỷ XVI, vừa tiếp tục mở mang, khai phá về phía nam cho đến tận đồng bằng sông Cửu Long. Trên lãnh thổ quốc gia đó, thời kỳ lịch sử này còn để lại một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản đó một phần đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam với những di tích kiến trúc, thành lũy, lăng mộ… và tất cả đã hòa đồng với toàn bộ di sản dân tộc cùng đồng hành với nhân dân, với dân tộc trong cuộc sống hôm nay và mãi mãi về sau, góp phần tạo nên bản sắc và bản lĩnh dân tộc, sức sống và sự phát triển bền vững của đất nước.
Cố đô Huế là nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc trong một thời kỳ lịch sử khi mà kinh đô này lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc trở thành trung tâm chính trị, văn hóa của một quốc gia với lãnh thổ thống nhất trải dài từ bắc chí nam, từ đất liền đến hải đảo. Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 11-12-1993 và ngày 7-11-2003 Nhã nhạc cung đình lại được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong số các đô thị hình thành và phát đạt trong thời kỳ này, Hội An là cảng thị tiêu biểu nhất và Khu di tích phố cổ Hội An cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 4-12-1999.
Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hóa được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy.
Trong di sản văn hóa phi vật thể, có thể nói rất nhiều đình, đền, miếu, nhà thờ họ trong tín ngưỡng dân gian, chùa tháp của Phật giáo, đạo quán của Đạo giáo…, còn lại đến nay phần lớn đều được xây dựng hay ít ra là trung tu trong thời nhà Nguyễn. Nhiều nhà thờ của Kitô giáo, trong đó có Nhà thờ Phát Diệm nổi tiếng cũng được xây dựng trong thời kỳ này. Tất cả di sản này rải ra trên phạm vi cả nước từ bắc chí nam.
Về di sản chữ viết, thời kỳ các chúa Nguyễn, nhất là thời kỳ vương triều Nguyễn, để lại một kho tàng rất lớn với những bộ chính sử, những công trình biên khảo trên nhiều lĩnh vực, những sáng tác thơ văn của nhiều nhà văn hóa lớn, những tư liệu về Châu bản triều nguyễn, văn bia, địa bạ, gia phả, hương ước, những sắc phong, câu đối trong các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, những văn khắc trên hang núi, vách đá…
Văn học truyền khẩu của thời kỳ này cũng vô cùng phong phú, gắn liền với ký ức của các thế hệ và hòa quyễn vào các lễ hội dân gian, các phong tục tập quán của các dân tộc mà gần đây công việc sưu tầm đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Bàn về chúa Nguyễn và triều Nguyễn, không thể không trở về Thanh Hóa, nơi có Quý Hương (Hà Trung), có Gia Miêu Ngọai trang là quê hương của chúa Nguyễn Hoàng, gốc tích của dòng họ Nguyễn Gia Miêu và xứ Thanh cũng là quê hương của nhiều bề tôi trung thành, nhiều người dân lao động đã theo chúa Nguyễn vào mở cõi ở phương Nam trong những năm tháng khởi nghiệp gian truân nhất. Vì vậy trên đất Thanh Hóa còn để lại nhiều dấu tích về chúa Nguyễn và triều Nguyễn, đặc biệt là Khu lăng miếu Triệu Tường với nhiều kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, mang ý nghĩa linh thiêng của đất phát tích một vương triều. Nhưng rất tiếc các di tích này hầu như đã bị phá hủy, chỉ còn lại phế tích và gần đây, năm 2007 đã được xếp hạng di tích quốc gia để mở đầu một kế hoạch nghiên cứu, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị.
Các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã đi vào lịch sử, nhưng di sản văn hóa mà thời kỳ lịch sử đó đã tạo dựng nên, kết tinh những giá trị lịch sử và văn hóa của dân tộc, thì mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Đó là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc luôn luôn giữ vai trò động lực tinh thần nội tại của công cuộc phục hưng dân tộc, của sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là trong thời kỳ công ngiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước hiện nay.
Phan Huy Lê
Chú thích:
[1] Đại Nam thực lục, tiền biên và chính biên, nguyên bản chữ Hán lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, bản dịch 38 tập, NXB Sử học và Khoa học xã hội, Hà Nội 1962 đến 1978
[2] Đại Nam liệt truyện, tiền biên, chính biên sơ tập và nhị tập, nguyên bản chữ Hán lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, bản dịch 4 tập, NXB Thuận Hóa, Huế 1993
[3] Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, NXB Tân Việt, Hà Nội 1949, tr.405
[4] Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Sđd, tr. 486
[5] Charles Maybon: Histoire moderne du pays d’ Annam, Paris 1919
[6] Ch. Maybon, H. Rusiser: Lecture sur l’ histoire d’ Annam., Hà Nội 1919
[7] Phan Huy Lê: Sử học Việt Nam trên đường đổi mới, tóm tắt tổng kết hội thảo, báo Nhân dân ngày 15-1-1992.
[8] Tham khảo Thư mục triều Nguyễn của đề tài KX-ĐL:94-16 do PGS Đỗ Bang làm chủ nhiệm, gồm hai tập. Huế 1997. Thời chúa Nguyễn có 414 đơn vị, thời vua Nguyễn có 607 đơn vị, cộng 1.021 đơn vị thư mục
[9] Một số ví dụ:
Yu Insun: Political Centralisation and Judicial Administration in 17 century Vietnam, Journal of Asitic Studies , Seoul 1-1980
Yoshiharu Tsuboi: Nước đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Luận án Tiến sĩ bảo vệ tại Trường Cao đẳng thực hành về khoa học xã hội, Paris năm 1982, bản dịch tiếng Việt, thành phố Hồ Chí Minh 1990
Yang Baoyun: Contribution à l’ histoire de la principauté des Nguyen au Vietnam méridional (1600-1775), Etudes Orientales, Genève1992.
Li Tana: Xứ đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Luận án Tiến sĩ bảo vệ tại Đại học quốc gia Australia năm 1992, bản dịch tiếng Việt, NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1999
Li Tana, Anthony Reid: Southern Vietnam under the Nguyen, Singapore 1993
Choi Byung Wook: Southern Vietnam under the Reign of Minh Mang (1820-1841), Luận án Tiến sĩ bảo vệ tại Đại học quốc gia Australia, New York 2004.
[10] Châu bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước gồm 734 tập và 40 tập bị kết dính đang xử lý.
[11] Hai sưu tập địa bạ lớn nhất hiện lưu giữ tại Cục văn thư – Lưu trữ Nhà nước và Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm 10.570 tập với 18.884 đia bạ các thôn ấp, phần lớn thuộc thời nhà Nguyễn.
[12] Viện Viễn đông bác cổ Pháp (EFEO) đã dập được 11.651 tấm bia với 20.980 thác bản, năm 1958 chuyển giao cho Thư viện Trung ương, sau chuyển cho Viện nghiên cứu Hán Nôm quản lý. Sau đó Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp trục công việc dập văn bia, đưa tổng số thác bản lên đến trên 5 vạn, trong đó số văn bia thời Nguyễn chiếm một tỷ lệ quan trọng. Xem:
Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, 4 tập, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 2007
Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, 10 tập, Hà Nội 2005.
[13] Xem:
Văn Tân: Trả lời ông Lê Thành Khôi, tác giả sách “Nước Việt Nam, lịch sử và văn minh”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 12, 1960
Văn Tân: Ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 51, 1963
Nguyễn Phương: Chung quanh vấn đề ai đã thống nhất Việt Nam, Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Tap chí Đại học số 35-36, 1963.
Xem thêm:
Từ khóa nhà Nguyễn nhà Tây Sơn Phan Huy Lê